Thế nào là cận thị tiến triển? Cách ngăn ngừa?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Hoàng Thanh Nga - Bác sĩ Mắt - Khoa khám bệnh và Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Cận thị làm ảnh hưởng trực tiếp đến học tập, khả năng tiếp nhận và cảm nhận cuộc sống bằng thị giác, nếu để bệnh biến chứng nặng, có thể bị thoái hóa võng mạc, bong võng mạc dẫn đến mù lòa.

1. Cận thị tiến triển là gì?

Cận thị là loại tật khúc xạ thường gặp nhất hiện nay, chiếm khoảng 25% tổng dân số trên thế giới.

Một nghiên cứu của Đại học Y Hà Nội khảo sát 250 bệnh nhân từ 5-18 tuổi cho thấy, tỷ lệ xuất hiện tật cận thị cao nhất là ở học sinh tiểu học, chiếm 55,2%. Ngoài nguyên nhân di truyền như có hơn 24 gene có liên quan đến việc tăng nguy cơ phát triển cận thị thì phần lớn trẻ em Việt Nam bị suy giảm thị lực do ngồi sai tư thế khi học, học tập cường độ cao, dùng thiết bị điện tử quá nhiều và không có thói quen khám mắt định kỳ.

Cận thị được chia thành 3 nhóm chính: Cận nhẹ, cận trung bình và cận nặng. Trong đó, cận thị nặng được phân biệt với 2 nhóm cận thị còn lại bởi độ cận (đi-ốp).

  • Cận nhẹ là người có số độ cận <=300D (đi-ốp)
  • Cận trung bình là người có số độ cận từ 300 – 600D (đi-ốp)
  • Cận nặng là người có số độ cận trên 600D (đi ốp)

Sau 18 tuổi, độ cận thường ổn định, cận thị tiến triển nặng là bệnh lý có kèm thoái hóa bán phần sau của nhãn cầu.

2. Những biến chứng cận thị nặng thường gặp

Hầu hết những người mắc tật cận thị đều chỉ quan tâm đến sự bất tiện trong sinh hoạt, vấn đề thẩm mỹ khi mang kính... mà ít ai biết rằng cận thị nặng lâu ngày còn làm tăng nguy cơ mắc bệnh lý ở mắt cao hơn so với người bình thường. Đáng chú ý, cận thị tiến triển nặng có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, dẫn đến mắc các bệnh về mắt khác như sau:

2.1. Nhược thị

Nhược thị là tình trạng suy giảm thị lực do não bộ không thể nhận biết được hoàn toàn hình ảnh mà mắt truyền đến. Nhược thị xảy ra khi cận thị nặng mà mắt phải điều tiết quá nhiều, võng mạc không kích thích để truyền tín hiệu ảnh một cách rõ nét.

Nhược thị có thể điều trị nếu phát hiện sớm bằng cách tập luyện cho mắt khi trẻ đang ở độ tuổi trước 12 tuổi. Sau 12 tuổi, dù tập luyện hay phẫu thuật mắt vẫn khó có thể hồi phục lại thị lực 10/10 vì mắt đã phát triển ổn định như người trưởng thành.

2.2. Bong võng mạc dịch kính

Võng mạc là lớp màng thần kinh ở đáy mắt, giữ vai trò hấp thụ ánh sáng và chuyển chúng thành tín hiệu thần kinh truyền lên não bộ phân tích.

Người bị cận thị cao có nhãn cầu lồi ra phía trước sẽ kéo cong võng mạc, khiến vùng chu biên võng mạc mỏng hơn và thoái hóa dần dần. Nếu tình trạng này kéo dài, các tế bào thần kinh sẽ mất kết dính và gây ra biến chứng nặng hơn là rách, bong võng mạc hoặc xuất huyết dịch kính.

2.3. Lác ngoài hoặc lác luân phiên

Lác mắt là tình trạng đồng tử hai mắt không nằm ở vị trí cân đối như bình thường; một trong hai bên hoặc cả hai sẽ bị lệch khỏi trục nhãn cầu. Ở người cận thị cao, sự phối hợp điều tiết cơ mắt quy tụ kém dẫn đến lác ngoài hoặc lác luân phiên, gây mất thẩm mỹ và suy giảm thị lực.

Độ lác vừa phải có thể khắc phục tạm thời bằng cách đeo kính phù hợp độ cận, tuy nhiên nếu người bệnh có độ cận quá cao, lại không đeo được kính đúng số thì hiện tượng lác cũng không điều chỉnh hết được.

2.4. Glocom góc mở

Mắt người cận thị tiến triển đến mức độ nặng (trên 8 độ) có trục nhãn cầu dài kéo căng các lớp sợi thần kinh thị giác khiến lớp liên kết này mỏng và yếu đi. Trường hợp người bệnh có triệu chứng mất thị trường một phần tương ứng với nơi tổn thương trên lớp sợi thần kinh này, nhiều khả năng đã mắc glocom góc mở. Người mắc bệnh này sẽ có tầm nhìn thu hẹp dần vào trung tâm, hình ảnh ở các góc và xung quanh sẽ mờ dần rồi mất hẳn

2.5. Các bệnh về mắt khác biến chứng cận thị nặng

Tăng nhãn áp
Tăng nhãn áp là một trong những biến chứng của cận thị nặng

3. Phương pháp điều trị cận thị tiến triển

Để điều trị cận thị tiến triển ở trẻ em, cần ngăn ngừa khởi phát cận thị và hạn chế tăng độ cận ở trẻ.

3.1. Dùng thuốc atropin nồng độ thấp

Thuốc atropin là nhóm thuốc đối kháng muscarin không chọn lọc, tại mắt nó có tác dụng: giãn đồng tử và liệt điều tiết; không gây những tác dụng phụ như: lóa mắt, chói mắt, khó nhìn gần... Ngoài tác dụng kiểm soát tăng độ cận, atropin nồng độ thấp còn được sử dụng để kiểm soát khởi phát cận thị trên trẻ em.

3.2. Dùng kính tiếp xúc, kính gọng

Kính tiếp xúc hay còn gọi là kính áp tròng là một loại thiết bị y tế tiếp xúc trực tiếp lên bề mặt nhãn cầu. Nhờ tác dụng làm giảm ảnh mờ ở vùng võng mạc chu biên khi sử dụng một số loại kính đặc biệt sau giúp hạn chế tăng độ cận..

3.3. Phẫu thuật tạo hình củng mạc

Hiện nay, để điều chỉnh bệnh cận thị tiến triển nhanh thì điều trị phổ biến nhất vẫn là phương pháp lasik. Bằng dụng cụ chuyên dụng, bác sĩ sẽ tạo một vạt giác mạc rồi nâng lên để bộc lộ phần giác mạc phía dưới. Phần giác mạc này sẽ chịu tác động để thay đổi cấu trúc nhằm đáp ứng những yêu cầu đặt ra, sau đó vạt giác mạc sẽ được đặt lại vào vị trí cũ.

Tuy nhiên phương pháp này chỉ được chỉ định thực hiện với các bệnh nhân trên 18 tuổi. Đây là một phẫu thuật nhẹ nhàng, ít tổn thương và không có biến chứng đáng kể giúp làm giảm mức độ tiến triển của bệnh cận thị xuống gần 3 lần.

3.5. Tăng cường hoạt động ngoài trời và giảm thời gian nhìn gần

Nhiều nghiên cứu ở nước ngoài cho thấy, nhóm trẻ tham gia hoạt động ngoài trời nhiều hơn thì tỷ lệ gia tăng cận thị thấp hơn nhiều so với nhóm trẻ ít tham gia. Ngoài ra, việc giảm thời gian cho các công việc nhìn gần cũng góp phần kiểm soát cận thị tiến triển ở trẻ.

4. Cách ngăn ngừa cận thị tiến triển

  • Phòng bệnh và ngăn ngừa cận thị ở trẻ em cần đảm bảo đủ ánh sáng khi trẻ đọc hoặc viết. Lưu ý là ánh sáng thích hợp không quá chói hoặc quá mờ vì cả hai đều tác động xấu đến mắt.
  • Trẻ nên giữ mắt đọc và viết tối thiểu cách xa 30cm. Ngồi cách khoảng 50cm với máy tính. Hạn chế đọc truyện tranh với phông chữ nhỏ hoặc mờ. Trẻ không vừa ăn vừa đọc truyện, vừa đi vừa xem, không nằm xuống đọc.
  • Mắt cần được nghỉ một lát, nhìn ra xa thư giãn sau một giờ đọc sách, xem tivi. Ngủ sớm, ngủ đủ giấc và đúng giờ.
  • Chăm sóc dinh dưỡng đúng và đủ: vitamin A-C-E, khoáng chất, kẽm, selen... Học kết hợp với vui chơi và hoạt động ngoại khóa, luyện tập thể dục thể thao sẽ làm hạn chế gia tăng cận thị.
Vitamin C
Bổ sung đầy đủ vitamin C sẽ tốt cho thị lực

5. Lời khuyên của bác sĩ

Nhiều người cho rằng cận thị là một tật khúc xạ đơn giản, chỉ cần đeo kính, nhưng thực tế, cận thị tiến triển rất nhanh nếu không được điều trị sẽ gây bệnh thoái hóa mắt, mất thị lực và mù lòa.

Đối với trường hợp nhẹ, ít tiến triển thì trẻ có thể đeo kính và điều trị nội khoa để làm giảm mức độ tiến triển của bệnh cận thị và ngăn chặn sự xuất hiện các biến chứng xấu gây giảm thị lực cho trẻ.

Với những trường hợp tiến triển nhanh, độ cận thị ngày một gia tăng thì các bậc cha mẹ nên cho trẻ đi khám bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và lựa chọn phương pháp điều trị tốt nhất.

Kết luận, những biến chứng khi cận thị tiến triển nặng rất nguy hiểm, vì thế khi cận thị bạn nên thường xuyên đến các bệnh viện mắt chuyên khoa gần nhất để kiểm tra tình trạng cận thị của mình để kịp thời tìm cho mình phương pháp điều trị hiệu quả.

Mọi thắc mắc cần được bác sĩ chuyên khoa giải đáp cũng như quý khách hàng có nhu cầu khám và điều trị bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý khách có thể liên hệ Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc hoặc đăng ký trực tuyến TẠI ĐÂY.

XEM THÊM:

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

12.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan