Mổ nội soi sỏi thận: Khi nào có chỉ định?

Cùng với biện pháp tán sỏi ngoài cơ thể, mổ nội soi sỏi thận là cách thức lấy sỏi trong nhu mô thận với mức độ xâm lấn tối thiểu. Đây là một chỉ định nội soi rất thường gặp trong lĩnh vực ngoại niệu, giúp cho người bệnh vừa thoát khỏi cơn đau quặn thận, bảo tồn chức năng thận và vừa tránh được cuộc mổ lớn theo phương pháp truyền thống.

1. Mổ nội soi sỏi thận là gì?

Phẫu thuật nội soi là một hình thức can thiệp với mức độ tối thiểu trong phẫu thuật. Quá trình này thường được thực hiện thông qua các vết rạch da rất nhỏ và mọi thao tác diễn ra bên trong cơ thể đều được điều khiển thông qua màn hình bên ngoài cơ thể.

Mổ nội soi sỏi thận là cách thức can thiệp lấy sỏi hình thành trong nhu mô thận thông qua ngã nội soi. Với những ưu điểm phẫu thuật nội soi đem đến không chỉ trong lĩnh vực ngoại khoa tổng quát mà còn ngoại niệu dục, những bệnh nhân bị sỏi thận có thêm một phương pháp điều trị tối ưu và có tính an toàn cao.

2. Khi nào có chỉ định mổ nội soi sỏi thận?

Việc can thiệp nội soi lấy sỏi chỉ khi bệnh nhân có chỉ định phù hợp. Đó là các bệnh cảnh như sau:

  • Sỏi thận có triệu chứng: người bệnh đi khám vì đau hông lưng âm ỉ kéo dài, cơn đau quặn thận, tiểu máu, tiểu gắt, tiểu buốt, sốt lạnh run trong các đợt nhiễm trùng tiểu kéo dài hay tái đi tái lại.
  • Sỏi thận không triệu chứng và kích thước từ 10 đến 20 mm
  • Sỏi thận kích thước từ trên 20 mm.

Tất cả các chỉ định trên được xác định thông qua bệnh sử, thăm khám lâm sàng cùng các xét nghiệm cần thiết như tổng phân tích nước tiểu, siêu âm bụng, chụp X-quang, chụp cắt lớp vi tính... nhằm đánh giá kích thước và vị trí chính xác của sỏi trong nhu mô thận trước khi can thiệp.

Đối với các trường hợp đang gặp phải biến chứng cấp tính của sỏi thận như sốc nhiễm trùng, thận ứ mủ, áp xe thận, suy thận, thận độc nhất, mổ sỏi thận qua nội soi không phải là biện pháp được lựa chọn lúc này. Thay vào đó, người bệnh sẽ được đặt thông niệu quản, mở thận ra da cấp cứu hay mổ mở lấy sỏi.

Sỏi thận
Bệnh nhân có kích thước sỏi trên 20mm cũng được chỉ định mổ nội soi

3. Các bước chuẩn bị mổ nội soi sỏi thận như thế nào?

Sau khi đã xác định bệnh nhân có chỉ định phù hợp cần mổ nội soi sỏi thận, người bệnh được lên kế hoạch tiền phẫu. Bác sĩ gây mê sẽ thăm khám tổng quát, đảm bảo chức năng các cơ quan có thể chịu đựng được cuộc gây mê và phẫu thuật.

Hãy thông báo cho bác sĩ tiết niệu biết trước khi quyết định phẫu thuật nếu bạn có các bệnh lý sau đây:

  • Van tim nhân tạo
  • Stent động mạch vành
  • Máy tạo nhịp tim hoặc máy khử rung tim
  • Thay khớp nhân tạo
  • Ghép mạch máu nhân tạo
  • Shunt phẫu thuật thần kinh
  • Bất kỳ cơ quan cấy ghép nào khác
  • Đang được điều trị với warfarin, aspirin hoặc clopidogrel
  • Đang có nhiễm trùng tại cơ quan khác.

Vào ngày trước nhập viện, người bệnh sẽ được yêu cầu không ăn hoặc uống trong 6 giờ trước khi phẫu thuật. Sau đó, bạn sẽ được hướng dẫn vệ sinh cơ thể bằng dung dịch sát khuẩn, thay trang phục phù hợp và sắp xếp tư thế thích hợp trên bàn mổ, đặt thông tiểu lưu.

Bác sĩ gây mê sẽ gây mê toàn thân, người bệnh sẽ nhanh chóng rơi vào giấc ngủ và thở máy qua nội khí quản.

4. Điều gì xảy ra trong quá trình mổ nội soi sỏi thận?

Khi người bệnh đã được đảm bảo gây mê hoàn toàn, bác sĩ ngoại niệu sẽ tiến hành rạch da.

Một vết mổ nhỏ được tạo ra trong vùng khung xương chậu hoặc gần hố thận tùy thuộc vào vị trí của sỏi nhằm đạt được con đường tiếp cận sỏi thận là gần nhất. Bác sĩ cũng sẽ tạo thêm các đường rạch da khác để đưa những dụng cụ nội soi vào ổ bụng. Thông qua đó, những hình ảnh bên trong ổ bụng, tiếp cận nhu mô thận và bóc tách lấy sỏi sẽ được quan sát và điều khiển bằng thao tác thông qua màn hình bên ngoài.

Sau đó, một stent niệu quản thường được đặt nhằm đảm bảo đường thoát cho phần mảnh vụn của sỏi ra ngoài, cũng như các sỏi kết hợp khác.

Cuối cùng, nhu mô thận được đóng lại, các dụng cụ nội soi sẽ lần lượt rút ra. Các vết mổ trên thành bụng được khâu lại bằng chỉ tự tiêu hay chỉ không tự tiêu, băng dán vết thương, rút ống thở và chuyển bệnh nhân sang phòng chờ hồi tỉnh sau phẫu thuật.

5. Cần chăm sóc và theo dõi gì sau mổ nội soi sỏi thận?

Khi đã hoàn toàn tỉnh táo, tự thở êm, sinh hiệu ổn và ống dẫn lưu ra nước tiểu tốt, bệnh nhân sẽ được ra khỏi phòng hậu phẫu và trở về phòng riêng.

Lúc này, bạn luôn được khuyến khích ăn, uống ngay khi bạn cảm thấy có khả năng sau phẫu thuật. Bạn cũng sẽ được khuyến khích vận động trở lại càng sớm càng tốt. Điều này giúp ngăn ngừa cục máu đông hình thành ở chân, di chuyển vào phổi cũng như cải thiện nhanh chóng chức năng đường ruột sau tác dụng của thuốc gây mê. Nếu cảm giác đau đớn làm hạn chế sinh hoạt, bệnh nhân có thể dùng thuốc giảm đau thông thường như paracetamol.

Ống thông tiểu thường được rút ra vào buổi sáng ngày kế tiếp sau phẫu thuật và bệnh nhân cần tập luyện lại thói quen đi tiểu như bình thường. Bệnh nhân cũng được khuyên uống nhiều nước để tăng hoạt động tống xuất trên đường niệu.

  • Mổ nội soi sỏi thận bao lâu thì lành?

Thời gian nằm viện dự kiến ​​sau nội soi sỏi thận là 3 ngày. Một số bệnh nhân có thể về nhà sớm hơn. Trước khi ra viện, bác sĩ sẽ dặn dò cách chăm sóc vết thương và thời điểm tái khám đánh giá lại sau đó. Vết thương mổ sỏi thận có thể cần từ 10 đến 14 ngày để phục hồi hoàn toàn và hầu hết mọi người có thể trở lại hoạt động bình thường sau 2 đến 4 tuần. Stent niệu quản cũng sẽ được loại bỏ sau 4 đến 6 tuần.

Ngoài ra, tương tự như các can thiệp ngoại khoa khác, phẫu thuật nội soi sỏi thận cũng có thể có các rủi ro. Chính vì vậy, người bệnh cũng cần biết cách nhận ra và khám lại sớm khi nghi ngờ xảy ra các biến chứng sau mổ, bao gồm:

  • Chảy máu vết mổ
  • Nhiễm trùng vết mổ
  • Tụ máu trong ổ bụng
  • Viêm phúc mạc
  • Huyết khối động mạch - tĩnh mạch
  • Sang chấn các cơ quan lân cận như mạch máu lớn, lá lách, gan, thận, phổi, tụy, ruột...

Một số ít các trường hợp này là cần phải phẫu thuật lại để sửa chữa, thường yêu cầu mổ hở thay vì lặp lại nội soi.

Mổ nội soi sỏi thận có chỉ định trong các trường hợp sỏi thận có triệu chứng đơn thuần mà chưa gây biến chứng. Với những ưu điểm kỹ thuật nội soi đem lại, quy trình lấy sỏi sẽ trở nên nhẹ nhàng, ít đau đớn, thời gian hồi phục nhanh và có tính thẩm mỹ cao cho người bệnh. Tuy nhiên, cần cân nhắc lựa chọn cơ sở tiến hành phẫu thuật nội soi tin cậy, chuyên nghiệp để có được cuộc mổ hiệu quả và an toàn.

viêm phúc mạc là gì
Mổ nội soi sỏi thận có thể xảy ra biến chứng như viêm phúc mạc

Người bị sỏi thận nên ăn gì?

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

55.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan