Mở khí quản qua da cấp cứu ngạt thở

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Lê Đức Hoàng - Bác sĩ Hồi sức cấp cứu - Khoa Hồi sức Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Mở khí quản qua da cấp cứu ngạt thở là kỹ thuật thiết lập một đường thở nhân tạo giữa bề mặt cổ và đoạn khí quản ở cổ bệnh nhân. Đây là thủ thuật mang lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân đang điều trị tại khoa hồi sức tích cực.

1. Mở khí quản qua da là gì?

Mở khí quản qua da là thủ thuật tạo một đường thở nhân tạo nằm giữa bề mặt cổ và đoạn khí quản cổ. Biện pháp mở khí quản qua da có nhiều ưu điểm hơn so với phương pháp phẫu thuật đang được áp dụng cho các bệnh nhân trong các khoa hồi sức tích cực.

Ở các bệnh nhân được mở khí quản qua da, tỷ lệ chảy máu và nhiễm trùng vết mổ thấp hơn. Ngoài ra, vì mở khí quản qua da thường được thực hiện tại các khoa hồi sức tích cực nên các nguy cơ tai biến liên quan tới vận chuyển bệnh nhân nặng đã giảm đi.

Vị trí mở khí quản qua da
Vị trí mở khí quản qua da

2. Chỉ định/chống chỉ định mở khí quản qua da

2.1 Chỉ định

  • Trường hợp tắc nghẽn đường hô hấp trên. Còn trong trường hợp tắc nghẽn đường hô hấp trên do khối u thì phương pháp phẫu thuật mở khí quản sẽ thích hợp hơn;
  • Cần phải thở máy dài ngày trong các trường hợp viêm phổi nặng, chấn thương sọ não nặng, suy đa tạng,...;
  • Cần phải hút đờm nhiều lần và thực hiện các chăm sóc đường thở khác;
  • Điều trị các trường hợp tắc nghẽn đường thở khi ngủ không đáp ứng hoặc không dung nạp với thở CAP.

2.2 Chống chỉ định

Chống chỉ định tuyệt đối

  • Khó xác định giải phẫu cổ;
  • Có tiền sử xạ trị hoặc phẫu thuật vùng cổ;
  • Giải phóng đường thở khi cấp cứu khẩn cấp;
  • Nhiễm trùng da và mô mềm cần phẫu thuật;
  • Chưa điều chỉnh bệnh lý về rối loạn đông máu;
  • Bệnh nhân bị tụt huyết áp hoặc giảm thể tích máu;
  • Có bệnh lý gây biến dạng vùng cổ: U, bướu giáp to, sẹo co rút từ lần phẫu thuật cổ trước, động mạch không tên ở vị trí cao.
Huyết áp thấp sau phẫu thuật
Bệnh nhân bị tụt huyết áp không nên mở khí quản qua da

Chống chỉ định tương đối

  • Bệnh nhân cần phải thông khí nhân tạo với PEEP trên 15 cm;
  • Bệnh nhân béo phì, cổ ngắn, đường mốc không rõ ràng;
  • Bệnh nhân dưới 15 tuổi;
  • Gãy cột sống cổ di lệch nhưng chưa được nẹp vít;
  • Viêm cột sống cổ, không ngửa cổ được.

Thời điểm tiến hành thủ thuật: Bệnh nhân nằm khoa hồi sức tích cực cần phải mở khí quản qua da khi khó cai thở máy hoặc bệnh nhân mất khả năng bảo vệ đường thở, ho khạc đờm. Với hầu hết bệnh nhân, mở khí quản được đề xuất sau khi đã đặt nội khí quản 1 - 2 tuần.

3. Thực hiện mở khí quản qua da

3.1 Chuẩn bị

  • Nhân sự thực hiện: Bác sĩ chuyên khoa và trợ thủ;
  • Dụng cụ: Bộ dụng cụ mở khí quản qua da, bộ tiểu phẫu (áo vô trùng, găng tay, gạc, bông băng, betadine 20ml) và ống Sjoberg, thuốc,...
  • Bệnh nhân: Được giải thích về thủ thuật (mục đích, quy trình thực hiện), tăng FiO2 của máy thở 100% ít nhất 15 phút trước khi làm, giảm đau, an thần bằng các loại thuốc với chỉ định phù hợp, dùng thuốc giãn cơ, chuẩn bị tư thế (đầu thẳng, ngửa cổ tối đa, kê vai và được làm sạch vùng cổ). Đồng thời, trước khi thực hiện mở khí quản qua da cần rút ống nội khí quản đúng chỉ định.

3.2 Quy trình thực hiện

  • Xác định mốc, đánh dấu vị trí cần thực hiện mở khí quản qua da;
  • Sát trùng da vùng cổ, trải khăn vô trùng;
  • Xác định vị trí sụn nhẫn, gây tê tại chỗ;
  • Rạch da theo mốc đã đánh dấu;
  • Cắt sụn khí quản;
  • Chèn ống Sjoberg vào, cố định bằng cách khâu chỉ hoặc băng phẫu thuật.
Ống mở khí quản
Ống mở khí quản

4. Biến chứng sau mở khí quản qua da cấp cứu ngạt thở

4.1 Biến chứng sớm (trong vòng 24 giờ sau phẫu thuật)

  • Tụt huyết áp thoáng qua;
  • Chảy máu: Xảy ra ở hầu hết các trường hợp và có thể tự cầm máu;
  • Giảm oxy máu: Do bị giảm thông khí trong quá trình thực hiện (hệ thống thông khí nhân tạo bị hở). Để phòng ngừa tai biến này, trước khi thực hiện mở khí quản qua da cần phải tăng thể tích FiO2 100% để bù trừ và chỉ nên nội soi khí quản để xác định catheter dẫn đúng vị trí;
  • Đặt ống thông sai vị trí: Thường gặp ở bệnh nhân cổ ngắn, mỡ vùng cổ dày, vị trí đặt ống thấp, đường rạch không đủ rộng nên rất khó khăn khi đặt catheter để nong;
  • Thủng thành sau khí quản: Catheter dẫn và quá trình nong có thể gây trầy xước, thủng khí quản, dẫn tới tràn khí dưới da, tràn khí màng phổi, tràn khí trung thất;
  • Tràn khí dưới da quanh vùng cổ: Do ống thông đặt sai vị trí, tổn thương khí quản trong quá trình nong. Tai biến này có thể tự hết nhưng nó cũng có thể là dấu hiệu chỉ dẫn tới biến chứng nguy hiểm như tràn khí trung thất, tràn khí màng phổi;
  • Tràn khí trung thất và tràn khí màng phổi;
  • Tuột ống nội khí quản trong quá trình thực hiện: Rất nguy hiểm, có thể dẫn đến tử vong nếu không phát hiện kịp thời;
  • Biến chứng khác: Ngừng tim, vỡ vòng sụn khí quản,...
Hôn mê
Bệnh nhân cần được theo dõi sau phẫu thuật

4.2 Biến chứng muộn (sau phẫu thuật nhiều tháng)

  • Chảy máu: Gặp ở bệnh nhân nhiễm trùng đa cơ quan, sốc nhiễm khuẩn, suy thận. Đây là nhóm bệnh nhân có rối loạn về đông máu nhưng chưa được điều chỉnh;
  • Hình thành u hạt quanh chân ống nội khí quản;
  • Rò khí quản - thực quản (hiếm gặp), thường do bị tổn thương sau khi thực hiện thủ thuật;
  • Hẹp khí quản, thường bị hẹp dưới thanh môn;
  • Tồn tại một lỗ rò qua da ở khí quản cổ sau khi rút ống thông khí quản.

Mở khí quản qua da cấp cứu ngạt thở là thủ thuật giúp nâng cao cơ hội sống của bệnh nhân. Như nhiều kỹ thuật can thiệp khác, người bệnh cũng có thể đối diện với nguy cơ gặp tai biến. Vì vậy, khi thực hiện thủ thuật này, bệnh nhân cần phối hợp tốt với bác sĩ và theo dõi sau can thiệp chặt chẽ, nếu có vấn đề bất thường cần báo lại ngay để được xử trí kịp thời.

XEM THÊM

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

10.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan