Hướng dẫn cách lấy đờm chẩn đoán bệnh lao

Bệnh lao là do vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis gây ra và thường ảnh hưởng đến phổi. Mặc dù bệnh lao có thể chữa được và có thể phòng ngừa được, khả năng lây bệnh rất mạnh mẽ từ người sang người qua không khí khi người bị lao phổi ho, hắt hơi hoặc khạc nhổ. Chính vì vậy, lấy đờm cũng là một phương tiện chẩn đoán một người mắc bệnh lao.

1. Bệnh lao là gì?

Bệnh lao là một bệnh thuộc bệnh lý bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis gây ra. Bệnh thường ảnh hưởng chủ yếu đến phổi, đôi khi lây lan sang các cơ quan khác và mức độ thường nặng nề.

Vi khuẩn gây bệnh lao lây lan từ người này sang người khác qua những giọt nhỏ li ti thoát ra không khí qua ho và hắt hơi. Khi một người bình thường mắc phải, trên cơ địa suy yếu sức đề kháng, vi trùng sẽ tăng sinh và gây bệnh. Sự tổn thương các cơ quan do lao là không phục hồi. Tại phổi, dù việc điều trị kiểm soát và tiêu diệt được vi trùng, nhu mô phổi và màng phổi vẫn có thể bị di chứng kéo dài, khiến người bệnh gặp khó thở, thở mệt, ho khạc đàm.

Ở các đất nước không là vùng dịch tễ, các đối tượng di dân luôn phải tầm soát lao. Ngược lại, ở nơi dịch tễ, bất kỳ một tổn thương phổi bất kỳ hay có các triệu chứng hô hấp, chẩn đoán lao phổi cần được xác định hay loại trừ.

Khi đã được chẩn đoán lao, việc điều trị cần tuân thủ đúng theo phác đồ và kiểm tra định kì. Khi thực hiện được như vậy, khả năng kiểm soát lao sẽ thành công cũng như giảm thiểu nguy cơ lây lan cho người trong gia đình cũng như cộng đồng.

Giọt bắn
Bệnh lao lây lan từ người này sang người khác qua những giọt bắn trong không khí

2. Xét nghiệm đờm chẩn đoán bệnh lao là gì?

Đàm hay đờm là chất nhầy mà một người bài tiết ra bằng cách ho ra từ sâu bên trong phổi dẫn qua ngoài bằng ống khí – phế quản. Đây là chất nhày, dây dính, trong hay đục và có màu trắng, xanh, vàng... Đàm không phải là nước bọt vì nước bọt là dịch lỏng, bài tiết từ trong khoang miệng và luôn có màu trắng, trong. Cần phân biệt rõ hai khái niệm này vì có ảnh hưởng đáng kể đến kết quả xét nghiệm.

Vì vi khuẩn lao thường gây bệnh tại phổi, việc kiểm tra đờm có sự hiện diện của vi khuẩn lao hay không là cách tốt để xác định một người có mắc lao không.

Đồng thời, trên một người đang dùng thuốc điều trị bệnh lao, việc xét nghiệm đờm là cũng là một cách theo dõi tác dụng của thuốc, có bị đề kháng hay không. Điều này sẽ giúp bác sĩ điều chỉnh phác đồ phù hợp và tiếp tục đánh giá đáp ứng.

Khi xét nghiệm đàm chẩn đoán bệnh lao, một người cần phải được thu thập nhiều mẫu. Việc thu thập nhiều mẫu có thể cải thiện độ chính xác của kết quả kiểm tra trong khi nếu chỉ một mẫu âm tính thì không thể loại trừ được bệnh. Các mẫu đờm có thể thu thập nhiều mẫu trong cùng một ngày hoặc từng mẫu vào nhiều ngày riêng biệt. Nhìn chung, khi số lượng mẫu xét nghiệm càng nhiều, cơ hội tìm thấy sự hiện diện của vi trùng lao sẽ càng tăng lên.

Xét nghiệm đàm chẩn đoán bệnh lao
Xét nghiệm đờm có vai trò quan trọng trong việc chẩn đoán bệnh lao

3. Hướng dẫn cách lấy đờm chẩn đoán bệnh lao

Cách lấy đờm sẽ có ảnh hưởng đến giá trị của xét nghiệm đàm chẩn đoán bệnh lao, ảnh hưởng đến chẩn đoán bệnh cũng như điều trị, tiên lượng cho người bệnh.

Chính vì vậy, để nâng cao tính chính xác cho xét nghiệm, trước khi lấy mẫu, người bệnh cần phải được hướng dẫn cách lấy đàm chẩn đoán bệnh lao cho đúng và hiệu quả. Theo đó, để thu thập đờm, hãy làm theo các bước sau:

  • Thu thập đờm cần thực hiện vào lúc sáng sớm, ngay sau khi ngủ dậy.
  • Không ăn, uống, hút thuốc, đánh răng hoặc sử dụng nước súc miệng ngay trước thời điểm cần lấy đờm.
  • Chọn một nơi thông thoáng để lấy mẫu đờm. Nếu không thể ra khỏi giường, cần mở cửa sổ và giữ phòng thoáng mát. Không có người gần khu vực lấy mẫu, đặc biệt là trẻ em, người lớn tuổi hay người mắc bệnh mạn tính, suy yếu vì dễ gây lây nhiễm.
  • Kiểm tra đúng các thông tin cá nhân như tên tuổi, giới tính và địa chỉ trên lọ lấy bệnh phẩm.
  • Mở nắp lọ đựng mẫu và không sờ chạm vào bên trong lọ hay bên trong nắp.
  • Hít một hơi thật sâu tối đa sao cho lồng ngực nở căng hết sức.
  • Cố gắng nín thở để giữ luồng khí trong lồng ngực vài giây.
  • Thở ra thật chậm hết sức tối đa.
  • Lặp lại quy trình hít một hơi thật sâu và ho mạnh cho đến khi đờm xuất hiện trong miệng.
  • Nhổ đờm vào lọ đựng mẫu.
  • Nếu lượng đờm quá ít thì cần lặp lại các bước trên sao cho lượng đờm thu thập được là đủ đờm để che đầy đáy lọ.
  • Vặn chặt nắp lọ mẫu để bệnh phẩm không bị rò rỉ ra ngoài. Có thể bọc thêm trong túi nilon.
  • Viết ngày và thời điểm thu thập đờm trên nhãn của túi đựng mẫu.
  • Cuối cùng là rửa tay.
Xét nghiệm đờm
Đờm sau khi lấy sẽ được đưa về phòng xét nghiệm

Các mẫu thu thập trong các buổi sáng tiếp theo cũng thực hiện tương tự.

Lọ đựng mẫu sẽ được đưa đến phòng thí nghiệm trong hộp đậy kín ngay trong buổi sáng cùng ngày càng sớm càng tốt. Nếu không thể thực hiện được điều này, cần bảo quản các lọ đựng mẫu trong môi trường thích hợp, vừa tránh lây lan mầm bệnh nhưng cũng không làm suy yếu vi trùng. Tuy nhiên, sau khi lấy xong mẫu đàm cuối cùng, toàn bộ các mẫu cũng được đưa đi làm xét nghiệm càng sớm càng tốt.

Các kỹ thuật viên trong phòng xét nghiệm sẽ thực hiện nhuộm soi và nuôi cấy tìm vi trùng lao trong một khoảng thời gian nhất định. Như vậy, kết quả không thể có ngay mà thường được trả về bác sĩ chỉ định làm xét nghiệm đờm chẩn đoán bệnh lao trong vài ngày sau đó. Nhờ vậy, bác sĩ có thể đưa ra chẩn đoán cũng như đánh giá, theo dõi điều trị.

Tóm lại, xét nghiệm đờm chẩn đoán bệnh lao là một cách thức kinh điển, đơn giản và vẫn còn giá trị cho đến ngày nay. Sự hiện diện của vi trùng lao trong đờm giúp cho bác sĩ chẩn đoán và kiểm soát căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm này trong cộng đồng.

Để được tư vấn chi tiết, quý khách vui lòng đến trực tiếp hệ thống y tế Vinmec hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

19.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan