Ho ra máu trong hẹp van 2 lá và những điều cần biết

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II, Bác sĩ cao cấp Đoàn Dư Đạt - Bác sĩ Nội tổng hợp – Khoa khám bệnh và Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Theo các thống kê ở Việt Nam, số lượng bệnh nhân mắc chứng hẹp van 2 lá khá lớn. Đây là hiện tượng van 2 lá bị hẹp làm hạn chế lượng máu chảy qua. Tuy là một bệnh lý tim mạch, nhưng một số bệnh nhân mắc bệnh lại xuất hiện thêm tình trạng ho ra máu. Vậy vì sao hẹp van tim lại dẫn đến hiện tượng này?

1. Van 2 lá nằm ở vị trí nào?

Van 2 lá là một van tim nằm ở tim trái, ngăn cách giữa 2 buồng tim là: tâm nhĩ trái ở trên và tâm thất trái ở dưới. Bình thường, máu sẽ đi từ tâm nhĩ trái qua van 2 lá, xuống tâm thất trái rồi đi vào động mạch chủ. Van 2 lá khỏe mạnh sẽ giúp dòng máu đi qua và ngăn không cho máu chảy ngược trở lại khi tim co bóp.

2. Hẹp van 2 lá là gì?

Hẹp van hai lá là tình trạng van tim ở giữa tâm thất trái và tâm nhĩ trái bị hẹp không thể mở ra hoàn toàn được. Bệnh lý này sẽ làm giảm lưu lượng máu từ buồng tim phía trên bên trái xuống buồng tim phía dưới bên trái, hay nói cách khác là không đủ lượng máu chảy qua.

Hẹp van 2 lá có thể dẫn tới nhiều vấn đề khác như mệt mỏi, khó thở, tạo ra huyết khối và thậm chí có thể gây suy tim. Các nguyên nhân có thể dẫn đến hẹp van 2 lá gồm: huyết khối, xạ trị, lắng đọng canxi ở van tim, tim dị tật bẩm sinh (bất thường van tim đã xuất hiện từ thời kỳ phôi thai).

Suy tim sung huyết
Hẹp van 2 lá có thể dẫn đến suy tim

3. Vì sao lại ho ra máu trong hẹp van 2 lá?

Bình thường máu sẽ đi từ tâm nhĩ trái qua van 2 lá rồi xuống tâm thất trái. Khi van 2 lá bị hẹp, máu sẽ ứ lại tại tâm nhĩ trái do không thể thoát hết xuống tâm thất. Điều này dẫn đến tình trạng tăng áp lực tĩnh mạch và mao mạch phổi (hệ thống mạch máu cung cấp máu cho tâm nhĩ trái) hay còn gọi là tăng áp tiểu tuần hoàn.

Do tăng áp lực ở tiểu tuần hoàn làm cho mao mạch phế nang và các mao mạch trong phổi bị cương tụ và giãn ra, thành mạch máu trở nên mỏng hơn. Dưới áp lực máu lớn do tim co bóp tạo ra, đồng thời dòng chảy qua tim bị chậm lại sẽ đẩy hồng cầuhuyết tương vào trong lòng phế nang.

Động mạch phế quản nhận máu từ hai nguồn cung cấp chính là động mạch chủ và các động mạch gian sườn để nuôi dưỡng phổi. Tĩnh mạch phế quản sẽ đổ máu về tĩnh mạch đơn, rồi về tim phải. Từ các phế quản cấp ba thì máu của tĩnh mạch phế quản sẽ được tĩnh mạch phổi thu nhận, đó là các shunt trái phải sinh lý.

Do có sự thông nối đó mà khi áp lực ở tiểu tuần hoàn tăng sẽ tăng việc mở các shunt, tạo nên các mạch bàng hệ nối tĩnh mạch phế quản với tĩnh mạch phổi. Các mạch máu nhỏ nằm ở giữa hai hệ thống này sẽ có áp lực cao, rất dễ vỡ, khi đó máu tràn vào trong các tiểu phế quản gây ho ra máu.

4. Ho ra máu trong hẹp van 2 lá có đặc điểm gì?

Ho ra máu trong hẹp van 2 lá thường là ho từng ít một, hiếm khi gây ra tử vong. Nếu hẹp van 2 lá mức độ nghiêm trọng có thể cảm thấy tim đập rất nhanh.

Khi bệnh lý van tim tiến triển, tình trạng hẹp van 2 lá trở nên nặng lên, khi đó sẽ dẫn đến tăng sức cản cho hệ thống tuần hoàn phổi, gây suy tim phải hoặc xuất hiện hở/hẹp van 3 lá.

Ho ra máu
Ho ra máu trong hẹp van 2 lá thường ho ra 1 ít

5. Cần phân biệt ho ra máu do hẹp van tim với các bệnh lý khác

  • Nhồi máu phổi: bệnh nhân khạc đờm có màu đỏ sẫm (vì kèm theo một phần nhu mô phổi bị hoại tử). Đây là hậu quả của tắc mạch phổi: bệnh cấp tính gây đau ngực dữ dội, khó thở, các mạch máu bị tắc gây tổn thương nội mạc và phản ứng giãn mạch, thoát mạch, dễ viêm nhiễm, hoại nhu mô khiến bệnh nhân khạc đờm.
  • Phù phổi cấp: thường gặp trong suy tim trái do lưu lượng máu từ tim trái giảm đột ngột, nhưng tim phải vẫn còn bình thường hoặc do yếu tố bên ngoài như truyền lượng dịch lớn gây dịch tràn ngập phế nang, bệnh nhân khạc ra bọt hồng.
  • Nôn ra máu trong các bệnh tiêu hoá: bệnh nhân không có hoặc ho ra bọt ít, màu nâu sẫm hay nâu đỏ, màu bã cà phê. Nôn tiêu hóa thường có hoà lẫn với thức ăn, cảm giác buồn nôn, thường pH toan.
Phù phổi cấp
Ho ra máu do hẹp van tim với các bệnh phù phổi cấp

6. Một số thuốc điều trị hẹp van tim 2 lá

Việc sử dụng thuốc chưa chắc có thể điều trị được dứt điểm van tim bị hẹp nhưng thuốc có thể góp phần làm giảm triệu chứng của bệnh. Một số loại thuốc có thể được sử dụng trong điều trị hẹp van 2 lá là:

  • Thuốc chống đông máu: đẩy lùi, đánh tan các cục máu đông.
  • Thuốc hạ áp: chẹn beta hoặc chẹn kênh canxi.
  • Thuốc kháng sinh: điều trị và dự phòng liên cầu nhóm A.
  • Thuốc chống loạn nhịp tim: giúp nhịp tim ổn định hơn.
  • Thuốc lợi tiểu: khi có hiện tượng phù, dùng thuốc lợi tiểu sẽ ngăn được sự tích tụ dịch trong phổi và các cơ quan liên quan.

( Điều trị thuốc chỉ là tạm thời điều trị triệu chứng, còn điều trị hẹp van hai lá triệt để cần phải can thiệp bằng nong van qua da, hoặc phẫu thuật tách, sửa van hoặc thay van nhân tạo. Quan trọng nhất vẫn là phòng bệnh đừng để biến chứng thấp tim gây hẹp van hai lá).

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan