Gây tê khoang xương cùng

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Phạm Thiều Trung - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.

Gây tê khoang xương cùng là một kỹ thuật gây tê cục bộ vùng tại khoang ngoài màng cứng ở vị trí các đốt sống cùng. Quy trình thực hiện gây tê khoang xương cùng không quá phức tạp và khá an toàn, có thể được chỉ định thực hiện ở cả trẻ nhũ nhi và trẻ nhỏ.

1. Gây tê khoang xương cùng là gì?

Gây tê khoang xương cùng là một kỹ thuật thuộc nhóm gây tê khoang ngoài màng cứng. Trong gây tê khoang xương cùng, vị trí được chọc kim phong bế thần kinh là túi cùng của khoang ngoài màng cứng, thường tương ứng với đốt cùng thứ hai. Ở người, xương cùng là một xương dẹt hình tam giác được tạo thành do sự nối dính liền nhau của 5 đốt cùng. Đáy là đường nối hai gai chậu sau trên, đỉnh là lỗ cùng cụt và hai cạnh hai bên tương ứng với hai khớp cùng chậu. Khoảng cách từ lỗ cùng cụt đến túi cùng khoang ngoài màng cứng của tủy sống tối đa khoảng 5cm ở người lớn và khoảng 2cm ở trẻ em. Việc nắm rõ các đặc điểm giải phẫu sẽ giúp cho việc chọc dò được tiến hành một cách chính xác hơn.

Gây tê khoang xương cùng là thủ thuật khá đơn giản, an toàn và thường được thực hiện trên lâm sàng. Đây cũng là kĩ thuật gây tê được lựa chọn ở trẻ em, có thể được kết hợp với kĩ thuật gây mê toàn thân.

Xương cùng
Vị trí xương cùng

2. Quy trình thực hiện gây tê khoang xương cùng

Quy trình thực hiện gây tê khoang xương cùng bao gồm những bước sau:

Bước 1: Chuẩn bị dụng cụ và thuốc

Phương tiện dụng cụ sử dụng trong gây tê khoang xương cùng là gạc, săng lỗ, bơm kim tiêm, kim luồn, dung dịch sát khuẩn, găng tay vô khuẩn. Gây tê khoang xương cùng là một thủ thuật xâm nhập nên các dụng cụ được sử dụng trong quá trình thực hiện thủ thuật đều phải đảm bảo được vô trùng để tránh gây ra biến chứng nhiễm khuẩn.

Thuốc được dùng trong gây tê khoang xương cùng được chuẩn bị tương tự như trong kĩ thuật gây tê khoang ngoài màng cứng nói chung, bao gồm thuốc tê và các loại thuốc cấp cứu dự phòng khi các tai biến có thể xảy ra. Thông thường, một người lớn nặng 70 kilogram khi tiến hành gây tê khoang xương cùng cần khoảng 20 đến 30 millilit lidocaine.

Quy trình thực hiện gây tê khoang xương cùng

Bước 2: Chuẩn bị người bệnh

Người bệnh cần được kiểm tra các thông tin cơ bản như họ và tên, tuổi, giới và đánh giá tình trạng sức khỏe tổng quát trước khi thực hiện như thăm khám tim phổi, thần kinh, chức năng gan thận, chức năng đông cầm máu tổng quát. Bác sĩ cần tư vấn và giải thích cho bệnh nhân cũng như người thân bệnh nhân các bước sắp sửa tiến hành, mục đích và các biến chứng có thể có của kỹ thuật gây tê khoang xương cùng.

Bước 3: Tiến hành gây tê khoang xương cùng

Sau khi chuẩn bị dụng cụ, thuốc và chuẩn bị bệnh nhân, bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh nằm nghiêng, cong lưng, chân gập vào bụng. Đây là tư thế thuận lợi cho việc xác định khe cùng cụt để chọc kim và tạo được sự thoải mái cho người bệnh. Hai gai chậu sau trên cần được xác định làm mốc, đỉnh khe cùng cụt cùng với đường nối hai gai chậu sau trên tạo thành một tam giác đều. Vị trí chọc kim nên được đánh dấu. Kim chọc vào khe cùng cần được đưa vuông góc với mặt da, sau đó nghiêng đầu kim một góc khoảng 30 độ so với bề mặt da về phía đầu người bệnh, luồn kim đi một đoạn khoảng 40mm ở người lớn và khoảng 20mm ở trẻ em. Hút thử bơm tiêm không thấy máu hay dịch não tủy chảy ra là được, tiến hành bơm một ít millilit không khí hoặc nước cất vô trùng vào để kiểm tra. Nếu đầu kim còn ở dưới da, ta sẽ quan sát được một nốt phồng dưới da. Trong trường hợp đầu kim đâm quá sâu vào mặt trước xương cùng, bệnh nhân sẽ rất đau. Nếu đầu kim đang ở đúng vị trí trong túi cùng của khoang ngoài màng cứng, việc bơm không khí hoặc nước cất sẽ rất nhẹ nhàng và người bệnh sẽ có cảm giác lạ ở hai chi dưới. Tiếp theo sử dụng dung dịch lidocaine trộn adrenaline bơm vào khoang ngoài màng cứng, nếu đầu kim đâm trúng mạch máu, triệu chứng hồi hộp mạch nhanh sẽ xuất hiện ngay, khi đó ta nói liều thử dương tính, cần rút kim ra, ngừng thực hiện kỹ thuật và chuẩn bị cấp cứu bệnh nhân kịp thời. Nếu không, bác sĩ có thể bơm tiếp số thuốc còn lại một cách từ từ để tiến hành phong bế các dây thần kinh.

Gây tê
Tiến hành gây tê khoang xương cùng

3. Chỉ định và chống chỉ định thực hiện

3.1 Chỉ định gây tê khoang xương cùng

Gây tê khoang xương cùng là kĩ thuật gây tê cục bộ vùng được lựa chọn trong các phẫu thuật nhỏ, đơn giản ở vùng tiểu khung và đáy chậu. Trong các tình huống cần phẫu thuật khẩn cấp như thoát vị bẹn nghẹt, thoát vị đùi nghẹt, xoắn tinh hoàn, các vết thương sâu hai chi dưới hoặc vùng chậu, gây tê khoang xương cùng cũng là một sự lựa chọn phù hợp để gây tê giảm đau để phẫu thuật can thiệp.

Gây tê khoang xương cùng còn có tác dụng giảm đau trong mổ và sau mổ khi phẫu thuật ở các vùng bụng dưới và chi dưới. Gây tê khoang xương cùng khá an toàn nên thường được chỉ định cho các đối tượng là trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và những trẻ thuộc nguy cơ cao khi phẫu thuật.

Một số những can thiệp, phẫu thuật được khuyến cáo sử dụng gây tê khoang xương cùng để gây tê cục bộ vùng như: soi bàng quang, nong rộng lỗ niệu quản, thoát vị bẹn, hẹp bao quy đầu, tinh hoàn ẩn, soi hậu môn trực tràng, soi ổ khớp.

3.2 Chống chỉ định của gây tê khoang xương cùng

Những bệnh nhân có các đặc điểm sau không nên được chỉ định thực hiện gây tê khoang xương cùng, bao gồm:

  • Có tình trạng viêm nhiễm cấp tính tại vị trí chọc kim
  • Bất thường dị dạng vùng xương cùng
  • Thoát vị tủy
  • Tiền sử có dị ứng thuốc tê
  • Các rối loạn chức năng đông cầm máu chưa được điều chỉnh
  • Có tình trạng tăng áp lực nội sọ
  • Giảm thể tích tuần hoàn chưa được điều chỉnh.
Rối loạn quá trình đông máu
Người bệnh rối loạn chức năng đông cầm máu không nên gây tê

4. Biến chứng của gây tê khoang xương cùng

Gây tê khoang xương cùng là một thủ thuật xâm nhập, có nhiều biến chứng có thể xuất hiện trong và sau khi tiến hành bao gồm:

  • Chọc kim sai vị trí, như chọc dưới da, chọc vào mạch máu, thậm chí có thể chọc vào trực tràng.
  • Tụ máu ngoài màng cứng
  • Áp xe ngoài màng cứng
  • Tiêm thuốc vào hệ tĩnh mạch của khoang xương cùng, gây thuyên tắc mạch do khí, làm tăng nguy cơ sốc thuốc.
  • Sử dụng thuốc tê quá liều lượng cần thiết, dẫn đến vùng gây tê quá rộng
  • Tụt huyết áp
  • Nhiễm trùng tại vị trí chọc kim
  • Nhiễm trùng hệ thần kinh sau chọc như viêm não màng não
  • Buồn nôn, nôn mửa

Kỹ thuật gây tê ngoài khoang xương cùng được áp dụng tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, tại Vinmec có đội ngũ bác sĩ gây mê giảm đau chuyên nghiệp, giàu kinh nghiệm sẽ giúp các sản phụ trải qua một cuộc đẻ không đau an toàn nhất.

Để tìm hiểu thêm, quý Khách có thể liên hệ Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY

XEM THÊM

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan