Danh sách các bệnh da xuất huyết nhiễm sắc

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Thị Minh Hương - Bác sĩ Hồi sức cấp cứu - Khoa Hồi sức - Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang. Bác sĩ đã có hơn 06 năm kinh nghiệm khám và điều trị các bệnh lý nội khoa, cấp cứu và hồi sức cấp cứu.

Bệnh da xuất huyết nhiễm sắc hay bệnh da xuất huyết tăng sắc tố là một tình trạng bệnh lý mạn tính của da với nguyên nhân chưa được nghiên cứu rõ. Điều trị các bệnh da xuất huyết nhiễm sắc chủ yếu tập trung vào mục tiêu cải thiện triệu chứng và dự phòng giảm tần suất tái phát.

1. Bệnh da xuất huyết tăng sắc tố là gì?

Bệnh da xuất huyết tăng sắc tố hay bệnh da xuất huyết nhiễm sắc (tên tiếng anh là pigmented purpuric dermatitis) là tên gọi của một nhóm các bệnh lý mạn tính ở da. Những bệnh này được xếp vào cùng một nhóm bởi đặc điểm lâm sàng đặc trưng giống nhau: Sự xuất hiện của các dát tăng sắc tố, xuất huyết. Đặc điểm mô bệnh học của các tổn thương có sự thoát mạch của các tế bào hồng cầu vào biểu mô da và sự lắng đọng của hemosiderin. Nhóm bệnh da xuất huyết tăng sắc tố bao gồm các bệnh lý sau:

  • Bệnh da tăng sắc tố tiến triển hay bệnh Schamberg
  • Bệnh da giãn mạch hình vòng xuất huyết hay bệnh Majocchi
  • Bệnh lichen vàng
  • Bệnh da xuất huyết có ngứa
  • Bệnh da xuất huyết giống chàm
  • Bệnh da xuất huyết tăng sắc tố Gougerot-Blum

Bệnh da xuất huyết nhiễm sắc không phải là một bệnh da phổ biến với tần suất gặp trên lâm sàng khoảng 1/30000 trường hợp. Hầu hết các trường hợp được phân loại vào nhóm bệnh lichen vàng hoặc viêm mao mạch. Tần suất bệnh gặp ở nam giới nhiều hơn nữ. Bệnh da xuất huyết nhiễm sắc có thể gặp ở mọi lứa tuổi, trong đó bệnh da xuất huyết có ngứa xuất hiện nhiều ở người bệnh lứa tuổi trung niên, bệnh Majocchi và bệnh lichen vàng thường gặp ở trẻ em và người trẻ tuổi.

Hình ảnh bệnh da xuất huyết nhiễm sắc
Hình ảnh bệnh da xuất huyết nhiễm sắc tố

2. Nguyên nhân gây bệnh da xuất huyết nhiễm sắc

Hiện nay, nguyên nhân của bệnh da xuất huyết nhiễm sắc hiện chưa được hiểu rõ. Các trường hợp mắc bệnh có liên quan đến các bất thường và bệnh lý như đái tháo đường, tăng huyết áp, nhiễm trùng, tiền sử phơi nhiễm hóa chất, quá trình vận động quá sức hoặc sự suy yếu của hệ mao mạch trong cơ thể.

3. Biểu hiện lâm sàng của các bệnh da xuất huyết nhiễm sắc

Đặc điểm lâm sàng đặc trưng chung của nhóm bệnh da xuất huyết nhiễm sắc là các dát xuất huyết hoặc tăng sắc tố trên da. Tuy nhiên, mỗi bệnh lý cụ thể vẫn có những điểm khác nhau trong các triệu chứng lâm sàng như sau:

  • Bệnh da tăng sắc tố tiến triển hoặc bệnh schamberg: mảng sắc tố và dát xuất huyết có kích thước không đồng đều. Mảng sắc tố thường có màu vàng đậm, tập trung nhiều ở chi dưới, xuất hiện dai dẳng trong nhiều năm, đậm độ của các mảng sắc tố ngày càng tăng. Nhiều trường hợp mắc bệnh schamberg có thể tự lành mà không cần điều trị.
  • Bệnh Majocchi: các mảng xuất huyết có hình vòng nhỏ, dạng nhẫn khác biệt đi kèm với tình trạng giãn mạch nên bệnh còn có tên gọi khác là bệnh da giãn mạch hình vòng xuất huyết.
  • Bệnh da xuất huyết có ngứa: các thương tổn xuất huyết hoặc mảng tăng sắc tố lan rộng với kích thước lớn. Những người mắc bệnh thường có cảm giác ngứa nhiều ở các tổn thương.
  • Bệnh lichen vàng: tổn thương của bệnh lichen vàng có thể thấy ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể. Mảng nhiễm sắc có thể xuất hiện đơn độc hoặc tập trung thành từng nhóm, thường có màu vàng nâu với hình dạng dài liên tục hoặc ngắt quãng.
  • Bệnh da xuất huyết tăng sắc tố Gougerot-Blum: biểu hiện lâm sàng có nhiều điểm tương tự như bệnh schamberg nhưng có thể sự xuất hiện của các tổn thương lichen hóa đỏ nâu.
Ban xuất huyết
Ban xuất huyết gây ngứa

4. Chẩn đoán bệnh da xuất huyết nhiễm sắc

Việc chẩn đoán bệnh da xuất huyết nhiễm sắc được thiết lập dựa vào quá trình khai thác các yếu tố cơ địa và tiền sử bệnh lý trước đó, kết hợp với các triệu chứng lâm sàng đặc trưng và các phương tiện cận lâm sàng. Một số xét nghiệm cận lâm sàng thường được ứng dụng trên lâm sàng là:

  • Công thức máu hay tổng phân tích tế bào máu ngoại vi: cần tập trung vào số lượng tiểu cầu để loại trừ nguyên nhân xuất huyết trên da do giảm số lượng tiểu cầu trong máu.
  • Chức năng đông cầm máu cơ bản: cùng với công thức máu, đây là một xét nghiệm để loại trừ nguyên nhân gây ra các tổn thương xuất huyết trên da đến từ các rối loạn đông chức năng đông cầm máu của cơ thể.
  • Dermatoscopy: đây là phương tiện soi da, các tổn thương ở da sẽ được quan sát dưới các kính hiển vi hoặc kính hiển vi phát quang. Trong bệnh da xuất huyết nhiễm sắc, kết quả thu được là các hình ảnh xuất huyết và tăng sắc tố của các tổn thương.
  • Thử nghiệm đo sức bền thành mạch: ở những bệnh nhân mắc bệnh da xuất huyết nhiễm sắc, sức bền thành mạch thường giảm.
  • Sinh thiết da: đây là phương tiện giúp chẩn đoán xác định bệnh cũng như loại trừ các bệnh lý khác trên da. Sinh thiết da giúp quan sát được đặc điểm mô bệnh học đặc trưng của bệnh da xuất huyết nhiễm sắc bao gồm sự xâm nhập của các tế bào lympho và đại thực bào vào các mao mạch nhỏ nằm nông trên bề mặt da, hiện tượng thoát mạch của các tế bào hồng cầu vào da, lắng đọng hemosiderin với các mức độ thay đổi tùy thuộc vào giai đoạn của các bệnh lý cụ thể.
Sinh thiết da
Sinh thiết da giúp chẩn đoán bệnh da xuất huyết nhiễm sắc

5. Điều trị các bệnh da xuất huyết nhiễm sắc

Vì nguyên nhân gây bệnh chưa được hiểu rõ, nên mục tiêu điều trị hiện nay của bệnh da xuất huyết nhiễm sắc chỉ tập trung vào việc cải thiện các triệu chứng và hỗ trợ tăng sức bền cho các mao mạch.

Các loại thuốc thường được sử dụng trên lâm sàng bao gồm:

  • Nhóm corticoid bôi ngoài da giúp giảm viêm và giảm triệu chứng ngứa trong bệnh da xuất huyết có ngứa.
  • Kháng histamin có tác dụng giảm ngứa, có thể được lựa chọn để điều trị kết hợp.
  • Nhóm thuốc giúp tăng sức bền thành mạch như acid ascorbic, rutoside.
Kem bôi
Sử dụng kem bôi ngoài da

Người được chẩn đoán mắc bệnh da xuất huyết nhiễm sắc nên hạn chế đứng lâu, tránh ứ trệ máu tĩnh mạch, nhất là ở hai chi dưới. Đây là những yếu tố được xem như có thể làm nặng thêm tình trạng bệnh.

Người bệnh không được tự ý mua thuốc điều trị hoặc thay đổi liều lượng điều trị khi không có sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Ngoài ra, việc tái khám định kỳ để theo dõi đáp ứng điều trị bệnh cũng như để loại trừ lymphoma đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định hiệu quả điều trị của từng bệnh nhân.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan