Chăm sóc bệnh nhân thở máy

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Tống Văn Hoàn - Bác sĩ Hồi sức Cấp cứu - Khoa Hồi sức Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Máy thở giúp bệnh nhân thở trong trường hợp người bệnh không thể tự thở vì bất kỳ lý do gì (suy hô hấp do viêm phổi, nhược cơ, tràn dịch, tràn máu màng phổi..). Mặc dù thở máy có nhiều lợi ích như cung cấp oxy cho người bệnh nhưng người bệnh phải đối mặt với một số biến chứng như nhiễm trùng đường hô hấp kéo dài, suy dinh dưỡng, rối loạn điện giải, loét tì đè do nằm lâu... Do đó, việc chăm sóc bệnh nhân thở máy đóng vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa biến chứng sau này.

1. Thở máy là gì?

Thở máy là gì? Thở máy hay còn gọi là Thông khí cơ học (tên tiếng Anh là mechanical ventilato) dùng để điều trị và hỗ trợ sự sống. Máy thở được sử dụng khi bản thân người bệnh không thể tự thở. Phần lớn người bệnh cần hỗ trợ từ máy thở do bệnh nặng cần được chăm sóc tại bệnh viện hoặc khoa chăm sóc đặc biệt (ICU).

Người bệnh có sử dụng máy thở sẽ cần phải điều trị và chăm sóc trong một thời gian dài hơn tại các cơ sở Y tế như bệnh viện, cơ sở phục hồi chức năng hoặc chăm sóc tại nhà.

Máy thở dùng để:

  • Đưa oxy vào phổi và cơ thể;
  • Giúp cơ thể loại bỏ khí CO2 từ phổi;
  • Giảm bớt sức lực cho việc phải hít thở ở những người bệnh gặp khó khăn khi tự thở hoặc gặp vấn đề bệnh lý ngăn cản người bệnh tự thở, khi đó người bệnh sẽ bị khó thở và khó chịu;
  • Giúp người bệnh không thể thở vì chấn thương hệ thần kinh, như não hoặc tủy sống hoặc người có liệt cơ hô hấp
Tác dụng của thở máy
Máy thở có tác dụng đưa oxy vào phổi và loại bỏ CO2

2. Có mấy loại thở máy?

Có mấy loại thở máy ? Thở máy gồm có hai loại:

  • Thở máy xâm nhập: thở máy qua nội khí quản hoặc canun mở khí quản.
  • Thở máy không xâm nhập: thở máy qua mặt nạ mũi hoặc mặt nạ mũi và miệng.

3. Lợi ích của thở máy

Những lợi ích chính của thở máy như sau:

  • Người bệnh không phải dành năng lượng để thở nên cơ hô hấp của người bệnh có thời gian được nghỉ ngơi;
  • Cơ thể bệnh nhân có thời thời gian hồi phục;
  • Giúp người bệnh nhận đủ oxy và loại bỏ carbon dioxide;
  • Bảo vệ đường hô hấp và ngăn ngừa tổn thương do hít phải dịch từ dạ dày.

Tuy nhiên cần lưu ý, thở máy không làm lành bệnh của người bệnh. Thay vào đó, thở máy cho phép người bệnh có tình trạng ổn định trong khi bác sĩ sử dụng thuốc và phương pháp điều trị khác để điều trị bệnh hoặc chấn thương.

Thông thường, ngay khi bệnh nhân có thể tự thở một cách hiệu quả, họ được đưa ra khỏi máy thở. Những người chăm sóc sẽ thực hiện một loạt các xét nghiệm để kiểm tra khả năng tự thở của bệnh nhân. Khi nguyên nhân của vấn đề hô hấp được cải thiện và cảm thấy rằng bệnh nhân có thể tự thở một cách hiệu quả, họ được đưa ra khỏi máy thở.

4. Nguy cơ của thở máy

Nguy cơ chính của thở máy là nhiễm trùng, do thở máy xâm nhập có sử dụng ống thở đưa vào phổi của người bệnh nên tạo điều kiện cho vi trùng xâm nhập vào phổi. Nguy cơ nhiễm trùng này làm tăng lên khi kéo dài thời gian người bệnh phải sử dụng máy thở và cao nhất là khoảng hai tuần.

Một nguy cơ khác là tổn thương phổi do lạm dụng quá mức hoặc do thở máy làm vỡ các phế nang của phổi. Đôi khi, người bệnh không thể cai máy thở và cần hỗ trợ thở kéo dài hơn.

Một số trường hợp, người bệnh sẽ được lấy ra khỏi miệng và phải mở khí quản để hỗ trợ thở từ khí quản. Sử dụng máy thở kéo dài làm tăng nguy cơ tử vong nếu người bệnh không được cai máy thở sớm.

Thở máy
Thở máy sẽ có nguy cơ bị nhiễm trùng phổi

5. Chăm sóc bệnh nhân thở máy

5.1. Chăm sóc ống nội khí quản hoặc mở khí quản

5.1.1. Mục tiêu

  • Nội khí quản hoặc mở khí quản phải thông thoáng
  • Đảm bảo vị trí nội khí quản hoặc mở khí quản ở đúng vị trí.
  • Tránh nhiễm khuẩn

5.1.2. Thực hiện các kỹ thuật

  • Làm thông thoáng đường hô hấp bằng kỹ thuật vỗ dung, kỹ thuật hút đờm (xem quy trình kỹ thuật vỗ rung chăm sóc hô hấp).
  • Thực hiện kỹ thuật thay băng ống mở khí quản, mở khí quản đúng quy trình đảm bảo đúng vị trí sạch tránh nhiễm khuẩn.
  • Kiểm tra áp lực bóng chèn (cuff) của nội khí quản, mở khí quản (xem bài chăm sóc nội khí quản, mở khí quản).

5.2. Chăm sóc Người bệnh thở không xâm nhập qua mặt nạ mũi miệng

  • Kích cỡ mặt nạ phải vừa với mặt Người bệnh.
  • Khi cố định mặt nạ không được chặt quá dễ gây loét chỗ tì đè (sống mũi) hoặc lỏng quá gây dò khí ra ngoài làm giảm áp lực đường thở.
  • Cố định mặt nạ: phía trên vòng qua đầu ở trên tai, phía dưới vòng qua sau gáy.
  • Có thể bỏ máy khi Người bệnh ho khạc đờm.
  • Bỏ máy thở không xâm nhập khi Người bệnh ăn, uống nước (nếu không sẽ gây sặc thức ăn, nước vào phổi), hoặc ăn và uống qua ống thông dạ dày.
  • Phải giải thích để Người bệnh hợp tác, và những tác dụng không mong muốn (chướng bụng, cảm giác ngạt thở...).

5.3. Chăm sóc theo dõi hoạt động máy thở

5.3.1. Các nguồn cung cấp cho máy thở

  • Nguồn điện: luôn luôn được cắm vào hệ thống điện lưới. Khi có điện, đèn báo AC sẽ sáng lên. Có tác dụng vừa chạy máy thở, vừa nạp điện cho ắc quy của máy để phòng khi mất điện lưới máy sẽ tự động chuyển sang chạy điện ác quy (thời gian chạy điện ác quy kéo dài tùy theo từng loại máy thở).
  • Nguồn oxy: được nối với hệ thống cung cấp oxy, khi bật máy sẽ không có báo động áp lực oxy (O2 Pressure)
  • Nguồn khí nén: được nối với hệ thống cung cấp khí nén, khi bật máy sẽ không có báo động áp lực khí nén (compressor).

5.3.2. Hệ thống ống dẫn khí

  • Các ống dẫn khí vào Người bệnh và từ Người bệnh ra luôn phải để thấp hơn nội khí quản (mở khí quản) để tránh nước đọng ở thành ống vào nội khí quản (mở khí quản) gây sặc phổi.
  • Thay đoạn ống dẫn khí (dây máy thở, dây chữ T) khi nhiều đờm hoặc máu của Người bệnh trong ống dẫn khí.
  • Trên đường ống dẫn khí vào và ra luôn phải có bẫy nước (nước đọng ở thành ống xẽ chẩy vào bẫy nước này, vì vậy bẫy nước được để ở vị trí thấp nhất). Chú ý phải đổ nước đọng ở trong cốc bẫy nước, nếu để đầy sẽ gây ra cản trở đường thở và có nguy cơ nước chẩy vào phổi Người bệnh nếu nâng đường ống thở lên cao hơn nội khí quản (mở khí quản)

5.3.3. Hệ thống làm ẩm đường dẫn khí

  • Hệ thống này nằm ở đường thở vào, trước khi khí được đưa vào Người bệnh.
  • Bình làm ẩm xử dụng nước cất, phải đảm bảo cho mực nước trong bình luôn luôn ở trong giới hạn cho phép.
  • Bình đốt của hệ thống làm ẩm: 30 - 370C. Có tác dụng làm tăng độ ẩm khí thở vào, vì vậy tránh được hiện tượng khô đờm gây tắc.
  • Nhiệt độ đốt càng cao thì tốc độ bay hơi của nước trong bình làm ẩm càng nhanh, do vậy phải thường xuyên đổ thêm nước vào bình làm ẩm. Với nhiệt độ 350C hết 2000ml/ngày.
  • Một số máy thở có thêm hệ thống dây đốt nằm trong đường ống thở vào và bình đốt của hệ thống làm ẩm. Do vậy dây dùng cho máy thở loại này cũng phải có tác dụng chịu nhiệt.

5.3.4. Theo dõi các thông số trên máy thở, hệ thống báo động của máy thở.

6. Theo dõi bệnh nhân thở máy

  • Nhịp tim
  • Huyết áp
  • SpO2
  • Nhiệt độ
  • Khí máu động mạch
  • Tính chất đờm: nhiều, đục (có tình trạng nhiễm khuẩn hô hấp)
  • Dịch dạ dày.
  • Nước tiểu (màu sắc, số lượng).
  • Các dẫn lư khác: dẫn lưu màng phổi, màng tim, não thất..

7. Biến chứng – xử trí

7.1. Để tránh trào ngược dịch dạ dày, dịch hầu họng vào phổi

  • Kiểm tra áp lực bóng chèn hàng ngày
  • Để Người bệnh nằm đầu cao 300 (nếu không có chống chỉ định)
  • Cho Người bệnh ăn nhỏ giọt dạ dày, không quá 300 ml/bữa ăn. (theo quy trình cho ăn qua ống thông dạ dày)
  • Khi có trào ngược dịch vào phổi: dẫn lưu tư thế hoặc soi hút phế quản bằng ống soi mềm.

7.2. Tràn khí màng phổi

  • Biểu hiên: Người bệnh tím, SpO2 giảm nhanh, mạch chậm, lồng ngực bên tràn khí căng, gõ vang, tràn khí dưới da...
  • Phải tiến hành dẫn lưu khí ngay, nếu không mở thông phổi kịp thời sẽ làm cho áp lực trong lồng ngực tăng lên rất nhanh dẫn đến suy hô hấp và ép tim cấp, Người bệnh nhanh chóng dẫn đến tử vong.
  • Tiến hành mở màng phổi tối thiểu cấp cứu với ống dẫn lưu đủ lớn
  • Nối với máy hút liên tục với áp lực 15 - 20cm H2O.
  • Phải kiểm tra ống dẫn lưu hàng ngày phát hiện ống có bị gập hay tắc không.
  • Hệ thống máy hút phải đảm bảo đủ kín, hoạt động tốt, nước trong bình dẫn lưu từ Người bệnh ra phải được phải được theo dõi sát và đổ hàng ngày. Nước trong bình để phát hiện có khí ra phải luôn luôn sạch
  • Để ống dẫn lưu đến khi hết khí, và sau 24 giờ thì kẹp lại rồi chụp XQ phổi kiểm tra, nếu đạt yêu cầu phổi nở hết -> rút ống dẫn lưu ra.

7.3. Viêm phổi liên quan đến thở máy

  • Biểu hiện: đờm đục, nhiều nới xuất hiện; nhịp tim nhanh; sốt hặc hạ nhiệt độ; bạch cầu tăng; Xquang phổi có hình ảnh tổn thương mới.
  • Xét nghiệm dịch phế quản (soi tươi, cấy): để xác định vi khuẩn gây bệnh. Cấy máu khi nghi ngờ có nhiễm khuẩn huyết.
  • Đánh giá lại các quá trình hút đờm, vệ sinh hệ thống dây, máy thở xem có đảm bảo vô khuẩn không.
  • Dùng kháng sinh mạnh phổ rộng, kết hợp kháng sinh theo protocol.

7.4. Dự phòng loét tiêu hoá: dùng thuốc giảm tiết dịch dai dày: ức chế bơm proton, thưốc bọc dạ dày.

7.5. Dự phòng và chăm sóc vết loét do tỳ đè

  • Thay đổi tư thế 3 giờ/lần: thẳng, nghiêng phải, nghiêng trái (nếu không có chống chỉ định) để tránh tỳ đè một chỗ lâu ngày. Ngoài tác dụng chống loét, còn có tác dụng dự phòng xẹp phổi.
  • Nếu tiên lượng Người bệnh nằm lâu dài: cho Người bệnh nằm đệm nước, đệm hơi có thay đổi vị trí bơm hơi tự động.
  • Khi có biểu hiện đỏ da chỗ tỳ đè: dùng synaren xoa lên chỗ tỳ đè
  • Khi đã có loét: vệ sinh, cắt lọc và thay băng vết loét hàng ngày.

7.6. Dự phòng tắc mạch sâu do nằm lâu

  • Thay đổi tư thế, tập vận động thụ động cho Người bệnh: tránh ứ trệ tuần hoàn.
  • Kiểm tra mạch một cách hệ thống: phát hiện có tắc mạch hay không, tắc tĩnh mạch hay động mạch
  • Dùng thuốc chống đông: Heparin có trọng lượng phân tử thấp: Lovenox, Fraxiparin.

Chăm sóc bệnh nhân thở máy rất quan trọng và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cũng như tình hình hồi phục của người bệnh. Bởi vậy, người bệnh cần được đội ngũ bác sĩ, y tá, điều dưỡng có trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ tốt chăm sóc.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là cơ sở y tế có nguồn nhân lực trình độ cao, chuyên nghiệp đến từ các trường Đại học y dược danh tiếng trong nước cũng như quốc tế. Hệ thống trang thiết bị hiện đại, tiên tiến bậc nhất Việt Nam. Tại đây, bệnh nhân được chăm sóc tận tình, chu đáo, thời gian hồi phục bệnh nhanh chóng.

Để đăng ký khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách có thể liên hệ đến hotline Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

39.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan