Cách phân chia các loại hen suyễn

Bệnh hen suyễn được chia thành nhiều loại khác nhau như hen suyễn do tập thể dục, hen suyễn về đêm,...Mỗi một loại hen suyễn đều có những đặc điểm và mức độ ảnh hưởng khác nhau tới sức khỏe của người bệnh. Do đó, việc phân loại hen suyễn sẽ giúp bạn tìm ra được cách điều trị hiệu quả nhất để đối phó với những cơn hen khó chịu.

1. Hen suyễn dị ứng

Dị ứng hen suyễn là hai tình trạng bệnh thường đi đôi với nhau. Viêm mũi dị ứng, hay còn gọi là sốt cỏ khô, đây là một căn bệnh dị ứng mãn tính phổ biến nhất, xảy ra khi lớp niêm mạc bên trong mũi bị viêm.

Đối với những người bị viêm mũi dị ứng, cơ thể sẽ tăng độ nhạy cảm với một chất khiến các tế bào miễn dịch giải phóng ra histamines để đáp ứng với việc tiếp xúc các chất gây dị ứng. Khi đó, histamines cùng những loại hóa chất khác sẽ kích hoạt các triệu chứng dị ứng. Mặt khác, những chất dễ gây ra phản ứng dị ứng thường xâm nhập vào cơ thể thông qua đường thở.

Khi bị viêm mũi dị ứng, người bệnh sẽ xuất hiện các triệu chứng sau:

  • Sổ mũi và hắt hơi liên tục
  • Mũi bị sưng tấy
  • Mắt lờ đờ
  • Có chất nhầy dư thừa ở mũi
  • Cổ họng bị ngứa rát
  • Hội chứng chảy dịch mũi sau (postnasal drip) có thể gây ra ho

Nhiều trường hợp cho thấy các triệu chứng của hen suyễn được kích hoạt bởi tình trạng viêm mũi dị ứng. Do đó, bác sĩ có thể kê đơn thuốc cho bệnh nhân nhằm kiểm soát dị ứng, đồng thời làm giảm ho và các triệu chứng hen suyễn khác.

Vi khuẩn xâm nhập gây hắt hơi, sổ mũi khi thời tiết thay đổi
Hắt hơi là triệu chứng thường gặp của viêm mũi dị ứng

Một số nguyên nhân chính gây hen suyễn dị ứng, bao gồm:

  • Phấn hoa từ cây và cỏ dại
  • Các mảnh vỡ và bào tử
  • Lông, da, hoặc nước bọt của động vật
  • Phân gián
  • Phân của mạt bụi

Tuy nhiên, các chất gây dị ứng không phải là yếu tố duy nhất khiến bệnh hen suyễn dị ứng của bạn trở nên trầm trọng hơn. Thực tế, các chất kích thích hoàn toàn có thể kích hoạt các cơn hen suyễn, mặc dù chúng thường không gây phản ứng dị ứng. Cụ thể là:

  • Khói từ lò sưởi, thuốc lá, nhang, nên, hoặc pháo hoa
  • Không khí lạnh
  • Không khí bị ô nhiễm
  • Mùi hóa chất mạnh
  • Tập thể dục trong nhiệt độ lạnh
  • Các sản phẩm làm mát không khí, nước hoa, hoặc có mùi thơm

2. Hen suyễn do tập thể dục

Hen suyễn do tập thể dục là một loại hen suyễn được kích hoạt bởi việc luyện tập thể dục trong một thời gian dài, hoặc gắng sức. Thậm chí ngay cả những người không bị mắc hen suyễn, cũng có thể phát triển các triệu chứng hen trong lúc tập thể dục.

Hen suyễn do tập thể dục thường gây ra hẹp đường thở từ 5-20 phút sau khi bắt đầu tập thể dục. Các triệu chứng sẽ xuất hiện trong vòng vài phút và đạt đỉnh, hoặc xấu đi sau khi ngừng tập. Những biểu hiện phổ biến nhất của các cơn hen suyễn do tập thể dục, bao gồm:

  • Ho
  • Khó thở
  • Thở khò khè
  • Tức ngực
  • Mệt mỏi bất thường khi tập thể dục

Trong trường hợp này, bạn có thể sử dụng thuốc giãn phế quản trước khi tập thể dục để ngăn ngừa những triệu chứng hen suyễn khó chịu này.

tập thể dục
Khi tập thể dục gắng sức có thể dẫn đến tình trạng hen suyễn

3. Hen suyễn thể ho

Hen suyễn thể ho cũng có thể được gọi là ho mãn tính, nhằm phản ánh một cơn ho kéo dài hơn 6-8 tuần. Triệu chứng ho của loại hen suyễn này thường xuất hiện vào ban ngày, hoặc ban đêm. Các tác nhân chính gây ra các cơn ho, bao gồm viêm mũi mãn tính, hội chứng chảy dịch mũi sau, viêm xoang, hoặc trào ngược dạ dày thực quản (GERD hoặc ợ nóng). Trong số đó, ho do viêm xoang với hen là phổ biến hơn cả.

Hen suyễn thể ho thường rất hiếm khi được chẩn đoán và điều trị. Loại hen suyễn này phần lớn xảy ra do nhiễm trùng đường hô hấp và việc tập luyện thể dục. Nếu xuất hiện các cơn ho dai dẳng, bạn nên đi khám bác sĩ chuyên khoa để làm các xét nghiệm hen cụ thể, chẳng hạn như xét nghiệm chức năng phổi giúp kiểm tra phổi có hoạt động hiệu quả hay không.

Hen suyễn thể ho
Hen suyễn thể ho thường xuất hiện vào ban ngày, hoặc ban đêm

4. Hen suyễn do nghề nghiệp

Hen suyễn do nghề nghiệp là một loại hen suyễn được kích hoạt bởi việc tiếp xúc với các chất nơi làm việc, bao gồm:

  • Một số hóa chất, như shellac, chất kết dính, sơn mài, nhựa epoxy, cao su, thuốc nhuộm, vật liệu cách nhiệt và enzyme trong chất tẩy rửa.
  • Bông, bụi gai dầu hoặc hạt lanh thường được sử dụng trong ngành dệt may
  • Các loại ngũ cốc, chiết xuất từ đu đủ, hạt cà phê xanh
  • Các kim loại như niken sunfat crom, bạch kim, và khói hàn

Hen suyễn do nghề nghiệp thường gây ra các triệu chứng đặc thù của hen suyễn, như sổ mũi, nghẹt mũi, khó thở, ho, tức ngực, thở khò khè, hoặc kích ứng mắt. Những công việc có liên quan đến bệnh hen suyễn này, bao gồm nông dân, người chăn nuôi, y tá, thợ làm tóc, thợ mộc, và họa sĩ.

5. Hen suyễn về đêm

Hen suyễn về đêm thường gây ra các triệu chứng khó chịu như ho, khó thở, tức ngực, thở khò khè vào ban đêm, có thể làm ảnh hưởng đến chu kỳ giấc ngủ (nhịp sinh học), và gây ra cảm giác khó chịu, mệt mỏi vào ban ngày. Điều này không chỉ làm giảm đáng kể chất lượng của cuộc sống, mà còn khiến cho việc kiểm soát các triệu chứng hen suyễn trở nên khó khăn hơn.

Một số nghiên cứu đã cho thấy, đa số các ca tử vong liên quan đến hen suyễn đều xảy ra vào ban đêm. Nguyên nhân chính có thể xuất phát từ việc tăng tiếp xúc với các chất gây dị ứng, ngồi trong tư thế ngả quá lâu, khí quản bị lạnh, hoặc tiết hormon theo chu kỳ tuần hoàn. Đôi khi, ợ nóng cũng là một tác nhân khác gây ra hen suyễn vào ban đêm.

Nếu bạn bị hen suyễn và nhận thấy các triệu chứng thường có xu hướng trầm trọng hơn khi về đêm, bạn nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị sớm. Đây chính là chìa khóa giúp những bệnh nhân hen suyễn kiểm soát được các cơn hen vào ban đêm, từ đó cải thiện được chất lượng giấc ngủ.

Thuốc Amitriptylin còn điều trị rối loạn giấc ngủ
Những cơn hen suyễn về đêm ảnh hưởng đặc biệt đến chất lượng giấc ngủ

6. Tình trạng sức khỏe khác có thể giống với bệnh hen suyễn

Một số căn bệnh khác cũng có khả năng gây ra các triệu chứng tương tự như hen suyễn, chẳng hạn như suy tim. Các triệu chứng của căn bệnh này cũng giống với một số triệu chứng của hen suyễn thông thường.

Rối loạn chức năng dây thanh âm là một tình trạng khác cũng có thể bị nhầm lẫn với hen suyễn. Sự bất thường của dây thanh âm đã gây ra những tiếng thở khò khè, do đó việc chẩn đoán nhầm sang hen suyễn là điều khó tránh khỏi. Vấn đề này thường phổ biến ở những phụ nữ trẻ tuổi, những người bị thở khò khè, hoặc không đáp ứng với các loại thuốc giãn phế quản.

Nguồn: webmd.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

6.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan