Các nguy cơ có thể gặp trong quá trình gây mê

Bài viết bởi Thạc sĩ, Bác sĩ CKII Nguyễn Tất Bình - Khoa Gây mê phẫu thuật - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park

Tương tự như các chuyên ngành khác trong y khoa, bên cạnh việc mang đến những lợi ích đảm bảo vô cảm cho các loại phẫu thuật hay thủ thuật, các can thiệp hay thủ thuật liên quan đến gây mê cũng tiềm ẩn một số nguy cơ như sốc thuốc, sốc phản vệ khi gây mê... Hậu quả ảnh hưởng của các mối nguy hại này thay đổi rất rộng, từ những tổn thương nhỏ không đáng kể cho đến tử vong.

1. Bác sĩ gây mê có cần giải thích về nguy cơ liên quan đến gây mê?

Các nguy cơ liên quan gây mê có thể ảnh hưởng đến người bệnh cần được bác sĩ gây mê giải thích rõ, thường là vào giai đoạn đánh giá trước gây mê. Các bác sĩ sẽ sử dụng các từ ngữ dễ hiểu để đưa ra khả năng gặp phải một biến cố nào đó liên quan đến kỹ thuật gây mê. Ví dụ: Triệu chứng đau họng sẽ được các bác sĩ giải thích là ảnh hưởng không mong muốn rất thường gặp trong gây mê, có thể gặp ở 1 – 2 bệnh nhân trong 10 bệnh nhân (1:10) phải gây mê có sử dụng dụng cụ kiểm soát đường thở. Hay các bác sĩ cũng sẽ giải thích nguy cơ tử vong hiếm khi xảy ra nếu nguy cơ này < 1:50.000.

1:10 1:100 1:1000 1:10.000 1:100.000
Rất thường gặp Thường gặp Không thường gặp Hiếm Rất hiếm
Một vài người trong gia đình Một vài người trên đường phố Một vài người trong một làng Một vài người trong một thị trấn nhỏ Một vài người trong một thị trấn lớn

Bên cạnh việc đưa ra khả năng gặp phải, các bác sĩ sẽ giải thích thêm về mức độ nặng của các biến cố này. Các bác sĩ sẽ sử dụng các từ ngữ như rất nặng (nghiêm trọng), rất dễ bị tổn thương, có thể chấp nhận được... Và sau cùng, bệnh nhân sẽ thực hiện (ký) cam kết đồng ý gây mê/ gây tê/ an thần khi đã hiểu rõ được lợi ích mà nguy cơ mà bản thân có thể gặp.

Đau họng
Gây mê có thể gây ra đau họng

2. Các nguy cơ thường gặp khi thực hiện an thần?

Để giúp cho người bệnh được thoải mái, dễ chịu trong một số thủ thuật khi chẩn đoán hoặc điều trị, các bác sĩ gây mê có thể sử dụng phương pháp an thần. Với phương pháp này, tùy thuộc vào mức độ an thần, người bệnh có thể tỉnh táo nhưng dễ chịu với các kích thích (an thần tỉnh) cho đến mức ngủ sâu, không đau (an thần sâu). Và trong tất cả các trường hợp, chức năng về tim mạch hay hô hấp sẽ được bệnh nhân tự duy trì. Hầu hết bệnh nhân thường thức tỉnh nhanh chóng ngay sau khi kết thúc thủ thuật và ngưng các thuốc an thần. Các tác dụng không mong muốn thường gặp đối với phương pháp này là tình trạng buồn nôn, nhức đầu hay cảm giác ngái ngủ. Nếu gặp phải, người bệnh chỉ cần nằm nghỉ ngơi và theo dõi cho đến khi hết tác dụng phụ của các thuốc gây mê. Ngoài ra, một biến cố hiếm gặp là tình trạng suy hô hấp và ngưng tim do chức năng tim mạch và hô hấp tự bệnh nhân duy trì. Vì vậy, bác sĩ gây mê sẽ luôn theo dõi sát bệnh nhân để kịp thời điều chỉnh thuốc gây mê và hồi sức tim phổi khi cần.

3. Kỹ thuật gây tê thần kinh thường gây ra các nguy cơ gì?

Gây tê là một kỹ thuật sử dụng các loại thuốc gây tê để phong bế cảm giác và vận động của một vùng nhỏ (gây tê tại chỗ) hoặc một vùng rộng lớn hơn (gây tê vùng) để có thể thực hiện phẫu thuật hoặc thủ thuật. Với phương pháp này, bệnh nhân có thể tỉnh táo trong suốt quá trình phẫu thuật. Mặc dù kỹ thuật này rất an toàn, tuy nhiên cũng có một số nguy cơ và biến chứng nhất định.

Một số ảnh hưởng không mong muốn rất thường gặp như sụp mí mắt hay nhìn đôi sau khi gây tê để phẫu thuật mắt hoặc thường gặp như tổn thương ngắn hạn thần kinh, bí tiểu sau gây tê vùng. Hoặc các biến chứng khác ít gặp hơn như ngộ độc thuốc tê, tổn thương thần kinh sau phẫu thuật (kéo dài trên 6 tháng). Các biến chứng hiếm gặp hơn như sốc phản vệ thuốc gây mê, abces ngoài màng cứng, tổn thương vĩnh viễn thần kinh, liệt hoặc rất hiếm gặp như viêm màng não sau gây tê ngoài màng cứng hay máu tụ ngoài màng cứng. Để giảm thiểu các biến cố này, bên cạnh việc đào tạo các kỹ năng cho bác sĩ gây mê thì việc ứng dụng các phương tiện kỹ thuật (ví dụ: máy siêu âm) cũng đóng một vài trò quan trọng.

4. Người bệnh có gặp biến chứng gì khi gây mê không?

Gây mê toàn diện (hay thường gọi tắt là gây mê) là một kỹ thuật sử dụng các loại thuốc gây ngủ, giảm đau và các loại thuốc giãn cơ để giúp cho người bệnh ngủ sâu, không đau để phẫu thuật. Khác với an thần, thông thường chức năng hô hấp sẽ được các bác sĩ gây mê kiểm soát hoàn toàn bằng việc đặt ống nội khí quản và giúp bệnh nhân thở máy.

Tương tự các kỹ thuật xâm lấn khác, gây mê toàn diện cũng có đối diện nhiều nguy cơ khác nhau. Các nguy cơ rất thường gặp như đau họng, buồn nôn và nôn sau mổ, nhức đầu, lạnh run hay các nguy cơ thường gặp như chấn thương vùng miệng sau khi đặt ống nội khí quản hoặc đặt nội khí quản khó. Các nguy cơ không thường gặp như viêm phổi hít, ngưng tim. Bệnh nhân hiếm khi mất thị lực, tử vong do gây mê. Các nguy cơ này có thể giảm thiểu rất nhiều nếu trong quá trình đánh giá trước gây mê được thực hiện tốt và bệnh nhân tuân thủ các hướng dẫn của bác sĩ gây mê.

viêm phổi hít
Gây mê gây biến chứng viêm phổi hít nhưng rất hiếm gặp
Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

952 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan