Biến chứng của việc sử dụng máy thở

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Văn Huy - Bác sĩ Hồi sức cấp cứu - Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Mặc dù máy thở đem lại nhiều lợi ích quan trọng, nhưng trong quá trình sử dụng bệnh nhân vẫn có thể gặp các biến chứng như nhiễm trùng, tổn thương phổi. Nguyên nhân có thể xuất phát từ chính máy thở hoặc các điều kiện tác động khác.

1. Tại sao người bệnh cần sử dụng máy thở?

Máy thở là thiết bị giúp trợ thở khi bệnh nhân bị ốm, chấn thương hoặc gây tê / gây mê trong phẫu thuật. Máy bơm không khí giàu oxy vào phổi của bệnh nhân, đồng thời giúp người bệnh thở ra khí carbon dioxide (CO2) - một loại khí thải độc hại mà cơ thể cần phải loại bỏ. Bệnh nhân có thể cần phải thở máy trong nhiều ngày, nhiều tuần hoặc lâu hơn nữa nếu bị chấn thương nặng hoặc mắc phải một căn bệnh làm cản trở hô hấp.

Đôi khi người bệnh dù vẫn thở bình thường và nồng độ oxy trong máu không quá thấp, bác sĩ vẫn chỉ định đặt nội khí quản do bệnh nhân bất tỉnh. Nếu không, khả năng hô hấp của người bệnh sẽ trở nên tồi tệ hơn một cách nhanh chóng, hoặc các phản xạ trong đường thở sẽ suy yếu dần.

Trước khi dùng máy thở, bệnh nhân sẽ được kê toa thuốc an thần. Sau đó, bác sĩ đặt một ống thông xuống cổ họng và vào khí quản của bệnh nhân, giúp đưa không khí vào và ra khỏi phổi dễ dàng hơn. Quá trình này được gọi là đặt nội khí quản.

2. Biến chứng nhiễm trùng do máy thở

Tác dụng phụ khi dùng kháng sinh ceftizoxime lni 0,5g
Nhiễm trùng do máy thở thường được điều trị bằng kháng sinh

Ống thở trong đường hô hấp của bệnh nhân có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn lây nhiễm vào các túi khí nhỏ trong thành phổi. Thêm vào đó, ống này cũng kích thích người bệnh ho ra những mảnh vụn có thể gây kích ứng phổi và nhiễm trùng.

Loại nhiễm trùng này được gọi là viêm phổi liên quan đến máy thở (ventilator-associated pneumonia - VAP). Đây là một tình trạng nguy hiểm vì bệnh nhân có thể đã rất yếu đến mức phải đặt máy thở, biến chứng nhiễm trùng do máy thở sẽ làm cho việc điều trị trở nên khó khăn hơn.

Kháng sinh thường được dùng để điều trị nhiễm trùng do máy thở. Trong một số trường hợp, biến chứng này thậm chí cần các loại đặc biệt hơn, có tác dụng chống lại vi khuẩn kháng kháng sinh.

Những người bệnh đã bị nhiễm trùng từ trước, ví dụ như nhiễm virus phổi, vẫn có thể tiếp tục nhiễm trùng do máy thở VAP. Các bác sĩ gọi hiện tượng này là "bội nhiễm".

Ngoài ra, thiết bị trợ thở cũng làm tăng nguy cơ nhiễm trùng ở các khu vực khác, chẳng hạn phần xoang của bệnh nhân.

3. Tổn thương phổi do sử dụng máy thở

tràn khí màng phổi tự phát
Sử dụng máy thở có thể dẫn đến tràn khí màng phổi

Khi sử dụng máy thở, nhân viên y tế buộc phải đo liều lượng, loại, tốc độ và lực của không khí mà máy thở đẩy vào / rút ra khỏi phổi của bệnh nhân một cách cẩn thận. Việc có quá nhiều oxy đẩy vào trong thời gian dài cũng gây hại cho phổi của người bệnh. Nếu lực hoặc lượng không khí quá nhiều, hoặc khi phổi của bệnh nhân quá yếu, sẽ khiến mô phổi bị hư hỏng, chấn thương. Bác sĩ thường gọi biến chứng này là tổn thương phổi do sử dụng máy thở (ventilator-associated lung injury - VALI).

Tổn thương phổi do sử dụng máy thở có nguy cơ dẫn đến những hậu quả sau:

  • Tràn khí màng phổi: Một hoặc nhiều lỗ trên phổi của bệnh nhân giải phóng không khí vào khe hở giữa phổi và thành ngực. Điều này gây đau và mất oxy, đồng thời làm cho phổi bị sụp, cần được chăm sóc y tế khẩn cấp;
  • Phù phổi: Phổi của bệnh nhân viêm phổi sẽ dễ dàng thu thập nhiều chất lỏng hơn. Sự tích tụ chất lỏng quá mức trong phổi sẽ dẫn đến phù phổi;
  • Hạ oxy máu: Tổn thương phổi do sử dụng máy thở khiến người bệnh có quá ít oxy trong máu. Dấu hiệu nhận biết là nồng độ oxy trong máu bắt đầu giảm, bệnh nhân cảm thấy khó thở dù đang dùng máy hỗ trợ.

4. Các biến chứng máy thở khác

Bệnh nhân nằm bất động
biến chứng do nằm bất động khi sử dụng máy thở

Tuy rằng các biến chứng thở máy khá hiếm gặp nhưng khi mắc phải có thể để lại nhiều nguy hiểm cho sức khỏe. Vì thế, bệnh nhân nên chọn các cơ sở y tế uy tín, có hệ thống cơ sở vật chất, máy móc y tế hiện đại để thực hiện kỹ thuật này. Một số biến chứng máy thở có thể kể đến như:

4.1. Mê sảng

Bệnh nhân thường mất ý thức hoặc bất tỉnh hoàn toàn khi đang thở máy do phải dùng những loại thuốc mạnh. Đôi khi, chúng phải mất một thời gian mới hết dần tác dụng, kéo dài đến cả sau khi ống thở đã được lấy ra khỏi đường thở.

Người bệnh thường khó đọc chữ, viết hoặc suy nghĩ rõ ràng trong thời gian đầu cai máy. Họ cũng bị sa sút về mặt trí nhớ, khó ngủ, cảm thấy lo lắng hoặc có những cảm xúc bất thường, ví dụ như hoang tưởng. Những tác dụng này thường giảm dần theo thời gian, nhưng người bệnh vẫn nên trao đổi thêm với bác sĩ để được hỗ trợ tốt hơn.

4.2. Biến chứng do nằm bất động

Nhiều người đang thở máy sẽ hôn mê và không di chuyển được. Nằm bất động trong thời gian dài có thể dẫn đến lở loét, dần dần tiến triển thành nhiễm trùng da, hoặc có nguy cơ cao bị cục máu đông. Cơ bắp của bệnh nhân, bao gồm cả những cơ giữ chức năng hô hấp thông thường sẽ bị yếu dần đi. Người bệnh sau khi cai máy thở có thể cần điều trị phục hồi chức năng với chuyên gia vật lý trị liệu - hô hấp.

4.3. Các vấn đề ở dây thanh âm

Khi bác sĩ tháo ống thở ra khỏi người bệnh, dây thanh âm (dây thanh đới) của họ có thể bị tổn thương. Ban đầu, bệnh nhân sẽ cảm thấy đau nhức vùng họng và có giọng nói khàn khàn. Vì thế, hãy trao đổi với bác sĩ, nếu cảm thấy khó thở hoặc khó nói chuyện sau khi tháo ống ra.

4.4. Sặc thức ăn

Nếu người bệnh vừa ăn mà đặt ống thở sẽ có nguy cơ kéo thức ăn vào phổi gây sặc. Vì thế bác sĩ thường yêu cầu bệnh nhân nhịn ăn để làm trống dạ dày trước khi làm thủ tục đặt máy thở. Thức ăn từ dạ dày có thể chảy ngược vào phổi hoặc xâm nhập vào phổi nếu người bệnh nôn. Để tránh biến chứng máy thở này, một ống khí thổi lên sẽ được đặt vào để bịt kín đường thở từ dạ dày của bệnh nhân.

4.5. Các vấn đề khác

Nhiều khả năng máy thở sẽ làm hỏng răng của người bệnh nếu răng đã ở trong tình trạng kém trước đó. Ở người hút thuốc, mắc bệnh phổi COPD, chấn thương cổ hoặc cột sống, thừa cân,... việc đặt nội khí quản trợ thở và phục hồi thường gặp nhiều khó khăn hơn.

Biến chứng máy thở đặt nội khí quản xảy ra với tỷ lệ khá hiếm, với mức độ từ nhẹ đến nghiêm trọng. Thông thường, bệnh nhân có thể gặp các vấn đề về răng miệng, đau họng và khàn giọng sau khi rút ống một thời gian. Nguy hiểm hơn, tổn thương phổi do sử dụng máy thở có thể xảy ra, hoặc có trường hợp nhiễm trùng do máy thở. Việc lắp đặt và sử dụng máy trợ thở cần được nhân viên y tế theo dõi sát sao để phòng ngừa biến chứng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan