Bị chóng mặt nhiều: Khi nào nên đi khám?

Chóng mặt là một thuật ngữ được sử dụng để mô tả một loạt các cảm giác, chẳng hạn như cảm thấy choáng váng, quay cuồng hoặc cơ thể khó giữ được thăng bằng. Chóng mặt tạo ra cảm giác sai lầm rằng bạn hoặc môi trường xung quanh đang di chuyển.

1. Dấu hiệu chóng mặt

Chóng mặt thường xảy ra phổ biến ở những người lớn tuổi. Những cơn choáng váng đến thường xuyên hoặc chứng chóng mặt diễn ra liên tục có thể ảnh hưởng đáng kể đến cuộc sống của bạn. Tuy nhiên bạn không nên quá lo lắng bởi chóng mặt thường không phải là dấu hiệu cảnh báo một tình trạng sức khỏe nghiêm trọng nào đó.

Những người bị chóng mặt có thể có những cảm giác như:

  • Cảm giác sai lầm về sự chuyển động hoặc quay tròn (chóng mặt)
  • Đầu óc trống rỗng
  • Cơ thể mất thăng bằng
  • Một cảm giác quay cuồng, gượng gạo hoặc nặng đầu

Những cảm giác này có thể xuất hiện hoặc trở nên tồi tệ hơn khi đi bộ, đứng lên hoặc di chuyển đầu của bạn. Chứng chóng mặt có thể đi kèm với buồn nôn hoặc nghiêm trọng đến mức bạn cần phải ngồi hoặc nằm. Tình trạng chóng mặt có thể kéo dài vài giây hoặc vài ngày và có thể tái diễn trở lại.

Chóng mặt
Dấu hiệu chóng mặt khiến bạn cảm thấy quay cuồng

2. Bị chóng mặt nhiều, khi nào nên đi khám?

Bạn cần đi khám bác sĩ nếu chứng chóng mặt tái phát, đột ngột, nghiêm trọng, hoặc kéo dài và không giải thích được nguyên nhân chóng mặt. Khi xuất hiện các triệu chứng dưới đây kèm theo chóng mặt, bạn cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị:

  • Chóng mặt một cách đột ngột, nhức đầu dữ dội
  • Tức ngực
  • Khó thở
  • Tê hoặc tê liệt cánh tay hoặc chân
  • Ngất xỉu
  • Giảm tầm nhìn
  • Nhịp tim nhanh hoặc không đều
  • Nhầm lẫn hoặc nói chậm
  • Loạng choạng hoặc đi lại khó khăn
  • Nôn liên tục
  • Động kinh
  • Thính giác thay đổi
  • Tê mặt

3. Nguyên nhân gây chóng mặt

Chóng mặt do nhiều nguyên nhân gây nên, bao gồm rối loạn tai trong, say tàu xe và tác dụng của thuốc. Đôi khi tình trạng này được gây ra bởi một tình trạng sức khỏe tiềm ẩn, chẳng hạn như tuần hoàn kém, nhiễm trùng hoặc chấn thương.

Nguyên nhân gây chóng mặt có thể là do sự xáo trộn trong tai trong nhằm điều chỉnh sự cân bằng của cơ thể. Khi di chuyển đầu, bên trong tai sẽ cho biết vị trí đầu, gửi tín hiệu đến não để duy trì sự cân bằng. Nếu có vấn đề bên trong tai, bệnh nhân sẽ có triệu chứng đau, chóng mặt.

  • Bệnh chóng mặt vị trí lành tính (BPPV). Tình trạng này gây ra cảm giác mãnh sai lầm rằng bạn đang quay hoặc di chuyển. Cảm giác này xảy ra do một sự thay đổi nhanh chóng trong chuyển động đầu, chẳng hạn như khi bạn lật người trên giường, ngồi dậy hoặc bị một cú đánh vào đầu. BPPV là nguyên nhân phổ biến nhất của chứng chóng mặt.
  • Nhiễm trùng. viêm dây thần kinh tiền đình có thể gây ra chứng chóng mặt dữ dội và liên tục. Nếu bạn bị mất thính lực đột ngột, bạn có thể bị viêm mê cung.
  • Bệnh Meniere. Bệnh này liên quan đến sự tích tụ quá nhiều chất dịch trong tai trong của bạn. Bệnh đặc trưng bởi các cơn chóng mặt đột ngột kéo dài đến vài giờ. Bạn cũng có thể bị mất thính lực dao động, ù tai.
  • Đau nửa đầu. Những người bị chứng đau nửa đầu có thể bị chóng mặt ngay cả khi họ không bị đau đầu dữ dội. Các cơn chóng mặt như vậy có thể kéo dài vài phút đến vài giờ.

Bạn có thể cảm thấy chóng mặt, ngất xỉu hoặc mất thăng bằng nếu tim bạn không bơm đủ máu lên não. Nguyên nhân bao gồm:

  • Giảm huyết áp. Huyết áp tâm thu giảm đáng kể - con số cao hơn trong chỉ số huyết áp của bạn - có thể dẫn đến tình trạng lâng lâng hoặc cảm giác ngất xỉu. Chứng chóng mặt có thể xảy ra sau khi ngồi dậy hoặc đứng quá nhanh. Tình trạng này còn được gọi là hạ huyết áp tư thế đứng.
  • Tuần hoàn máu kém. Các tình trạng như bệnh cơ tim, đau tim, rối loạn nhịp tim và thiếu máu não có thể gây chóng mặt. Việc giảm thể tích máu có thể gây ra lưu lượng máu đến não hoặc tai trong của bạn không đủ.
Tụt huyết áp
Tụt huyết áp có thể gây chóng mặt

Các nguyên nhân gây chóng mặt khác như:

  • Rối loạn thần kinh. Một số tình trạng rối loạn thần kinh - như bệnh Parkinson và bệnh đa xơ cứng - có thể dẫn đến mất thăng bằng tiến triển.
  • Thuốc. Chóng mặt có thể là tác dụng phụ của một số loại thuốc - chẳng hạn như thuốc chống động kinh, thuốc chống trầm cảm, thuốc an thần. Đặc biệt, thuốc hạ huyết áp có thể gây ngất nếu người bệnh hạ huyết áp quá nhiều.
  • Rối loạn lo âu. Một số rối loạn lo âu có thể gây ra chóng mặt hoặc cảm giác quay cuồng.
  • Thiếu máu. Các dấu hiệu và triệu chứng khác có thể xảy ra kèm theo chóng mặt nếu bạn bị thiếu máu bao gồm mệt mỏi, ủ rũ và da dẻ nhợt nhạt.
  • Lượng đường trong máu thấp (hạ đường huyết). Tình trạng này thường xảy ra ở những người mắc bệnh tiểu đường sử dụng insulin. Chóng mặt có thể đi kèm với tình trạng đổ nhiều mồ hôi và lo lắng.
  • Quá nóng và Mất nước. Nếu bạn hoạt động trong thời tiết nóng hoặc nếu bạn không uống đủ nước, bạn có thể cảm thấy chóng mặt vì quá nóng (tăng thân nhiệt) hoặc do mất nước.

4. Các yếu tố làm tăng nguy cơ chóng mặt

Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ bị chóng mặt bao gồm:

  • Tuổi tác. Người lớn tuổi có nhiều khả năng mắc các bệnh nội khoa gây chóng mặt, đặc biệt là cảm giác mất cân bằng. Họ cũng có nhiều khả năng dùng thuốc có thể gây chóng mặt.
  • Đã từng bị chóng mặt: Nếu bạn đã từng bị chóng mặt trước đây, chứng chóng mặt có khả năng tái diễn.

5. Biến chứng do chóng mặt

Chóng mặt có thể làm tăng nguy cơ té ngã và khiến bạn bị thương. Bị chóng mặt trong khi lái xe hoặc vận hành máy móc hạng nặng có thể làm tăng khả năng xảy ra tai nạn. Bạn cũng có thể gặp hậu quả lâu dài nếu tình trạng sức khỏe hiện tại, chẳng hạn như thiếu máu, rối loạn thần kinh - nguyên nhân gây chóng mặt không được điều trị.

Khoa Khám bệnh và Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec giữ chức năng chuyên môn trong việc khám và điều trị các bệnh liên quan đến hệ thần kinh trung ương (hộp sọ, màng não, não bộ, mạch máu não, các dây thần kinh trong sọ, tuyến yên, cột sống, đĩa đệm, màng tủy sống) và hệ thần kinh ngoại vi (các dây thần kinh và hạch thần kinh bên ngoài não bộ và tủy sống).

Khách hàng có thể trực tiếp đến hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc để thăm khám khi có triệu chứng chóng mặt và các rối loạn thần kinh hoặc liên hệ hotline TẠI ĐÂY để được hỗ trợ.

Nguồn tham khảo: Mayoclinic.org

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

76.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan