Bệnh sinh của sốc bỏng

Bài viết được viết bởi Bác sĩ chuyên khoa II Phan Phi Tuấn - Trưởng khoa Ngoại tổng hợp, Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.

Sốc bỏng là trạng thái suy sụp đột ngột toàn bộ chức năng quan của cơ thể do chấn thương bỏng gây nên. Sốc bỏng là trạng thái bệnh lý thường gặp ngay sau khi bị bỏng, nhất là ở những trường hợp bỏng rộng, sâu, diễn ra ở thời kỳ thứ nhất của bệnh bỏng, thường trong 72 giờ đầu.

1. Sốc bỏng nguy hiểm như thế nào?

Sốc bỏng hay gặp ở bệnh nhân có diện tích bỏng rộng, độ sâu lớn: nếu diện tích bỏng dưới 10% diện tích cơ thể thường không có sốc.

Với trẻ em, diện tích bỏng > 10 % và người lớn > 20 % thì khả năng xảy ra sốc bỏng cao, cần phải đặt ra công tác phát hiện, dự phòng và điều trị sốc bỏng. Bỏng càng rộng, độ sâu càng lớn tỷ lệ sốc càng cao, sốc càng nặng.

Frank G ( 1960) đã đưa ra cách tính để tiên lượng tỷ lệ sốc bỏng. Theo Frank .G cứ 1% diện tích bỏng nông: 1 chỉ số Frank và 1% diện tích bỏng sâu: 3 chỉ số Frank.

Nếu chỉ số của Frank:

  • Dưới 30 Tỷ lệ sốc gặp 5%.
  • Từ 30-55 Tỷ lệ sốc gặp 44%.
  • Từ 56-120 Tỷ lệ sốc gặp 80-90%.
  • Trên 120 Tỷ lệ sốc gặp 100%.

Bỏng da kết hợp bỏng hô hấp: sốc gặp tỷ lệ cao (trên 80%), thường nặng.

Ở trẻ em và người già: Tỷ lệ sốc cao hơn người trưởng thành. Nếu chỉ số Frank trên 71 hoặc diện tích bỏng sâu trên 20% => tỷ lệ sốc 100%.

Triệu chứng của bỏng điện
Vết bỏng càng lớn và sâu thì tỷ lệ sốc càng cao

2. Nguyên nhân gây sốc bỏng

2.1 Đau đớn quá mức

Da có 1 hệ thần kinh phong phú cho nên khi khi bị tổn thương sẽ kích thích nhiều đầu tận cùng thần kinh gây hưng phấn, sau ức chế hệ thần kinh trung ương, rối loạn toàn bộ các cơ quan, hệ thống và gây sốc.

  • Do rối loạn tuần hoàn: có thể do giảm thể tích, do đông máu nội mạch lan tỏa, tán huyết.

Giảm thể tích: giảm khối lượng máu lưu hành là nguyên nhân thường gặp trong sốc bỏng. khi bệnh nhân bỏng nặng, có thể giảm đến 30 -40 % máu lưu thông và gây sốc. Có nhiều cơ chế làm giảm khối lượng máu lưu hành.

  • Do thoát dịch, huyết tương từ lòng mạch ra khoảng gian bào. Nguyên nhân là do tổn thương mao mạch, rối loạn vi tuần hoàn gây giãn mạch, tăng tính thấm. Thoát huyết tương ra ngoài dưới hình thức phù ở vùng bỏng, vùng lân cận và còn là hiện tượng toàn thân.

Ngoài ra, còn do chênh lệch áp suất thẩm thấu do giảm protein trong lòng mạch. Hậu quả là huyết tương và đại phân tử thoát ra ngoài lòng mạch gây mất dịch và phù. Thoát huyết tương xuất hiện sớm 5 phút sau, cao nhất 8-12 giờ, với bỏng nặng có thể kéo dài 72 giờ sau bỏng, có thể đạt 2-5l/24 giờ.

  • Mất dịch qua vết bỏng: khi bị bỏng, mất dịch qua da do bốc hơi tăng 7-19 lần. lượng dịch mất do bay hơi có thể lên đến 0,84 ± 0,04 ml/ cm2/ 24 giờ.
Phương pháp lọc huyết tương
Bỏng gây thoát huyết tương ra khoảng gian bào

Ngoài ra mất dịch qua đường hô hấp, qua chất nôn.

  • Đông máu nội mạch lan tỏa: do rối loạn vi tuần hoàn (do giãn, do thoát huyết tương, máu cô) dẫn tới đông máu nội mạch lan tỏa => tắc nghẽn => hoại tử tổ chức.
  • Tán huyết: Tan vỡ hồng cầu do tác dụng trực tiếp yếu tố nhiệt có vai trò quan trọng. Nếu diện bỏng sâu lớn, tan huyết có thể còn tới 30-50%.

Hậu quả của những rối loạn trên dẫn tới thiếu oxy tổ chức, rối loạn nước, điện giải ( Kali xuất bào và Natri nhập bào) làm rối loạn áp lực thẩm thấu. Rối loạn cân bằng acid- base. Suy tim do gắng sức, rối loạn đông máu => Suy sụp tuần hoàn.

3. Hấp thu các độc chất và đáp ứng viêm quá mức

Khi các tác nhân có nhiệt độ cao gây bỏng, sẽ hình thành 3 vùng: vùng trung tâm (nơi tiếp xúc trực tiếp với tác nhân gây bỏng, thường là vùng hoại tử), vùng cận hoại tử bao quanh và vùng sung huyết ở ngoài cùng (biểu hiện giãn mạch, tăng tính thấm, thoát dịch).

Các diễn biến bệnh lý thường xảy ra ở khu vực cận hoại tử (vùng mà nhiệt độ khoảng 450C – 600C khi bị bỏng) với những biến đổi bệnh lý có thể phục hồi hoặc không phục hồi được. Tại vùng này xảy ra hàng loạt các rối loạn như: đau đớn, rối loạn vi tuần hoàn gây thiếu Oxy mô gây tổn thương tế bào.

Quá trình này gây phóng thích các men tiêu protein, tạo các chất có độc tính như: adenosine, histamine, leucotoxin, proteinase, desoxyribonuclease, cathepsin...... Một số nhà khoa học đã tìm ra một độc tố bỏng mạnh hơn nội độc tố gấp 1000 lần là LPC ( lipid protein complex) bản chất là lipid và protein hình thành từ da bỏng.

Chất này gây tổn thương tế bào, tiêu huyết, tăng tính thấm màng tế bào gây thoát dịch... Ngoài ra, chất này còn gây đáp ứng viêm hệ thống dẫn tới rối loạn chức năng cơ quan, suy đa cơ quan.

sốc bỏng
3 vùng tổn thương của bỏng

Tổn thương mô còn gây ra hội chứng đáp ứng miễn dịch hệ thống với việc hình thành quá mức các chất gây viêm, các cytokin, các chất chuyển hóa gây độc cho cơ thể như gốc oxy tự do, sản phẩm chuyển hóa của acid arachidonic, TNFα...

4. Nhiễm khuẩn

Nghiên cứu trên thực nghiệm gần đây cho thấy rằng ngay sau khi bị bỏng đã có sự dịch chuyển của vi khuẩn từ hệ tiêu hóa vào mạch máu và hệ bạch huyết từ đó xâm nhập các tạng và đi vào tuần hoàn. Điều này cho thấy vai trò của vi khuẩn đường ruột cũng như giải thích tình trạng nhiễm khuẩn huyết ngay sau khi bỏng.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những bệnh viện không những đảm bảo chất lượng chuyên môn với đội ngũ y bác sĩ, hệ thống trang thiết bị công nghệ hiện đại mà còn nổi bật với dịch vụ khám, tư vấn và chữa bệnh toàn diện, chuyên nghiệp; không gian khám chữa bệnh văn minh, lịch sự, an toàn và tiệt trùng tối đa.

Khách hàng có thể trực tiếp đến hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc để thăm khám hoặc liên hệ hotline tại đây để được hỗ trợ.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

8.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan