Bệnh Batten là bệnh gì?

Bệnh Batten là một nhóm rối loạn thần kinh hiếm gặp và trở nên nghiêm trọng hơn theo thời gian. Nhóm bệnh này thường bắt đầu từ 5 đến 10 tuổi. Mặc dù có nhiều dạng bệnh khác nhau nhưng tất cả đều gây tử vong và thường là ở tuổi vị thành niên hoặc lúc 20 tuổi.

1. Bệnh Batten là gì?

Bệnh Batten là tên gọi chung của một nhóm các rối loạn di truyền hiếm gặp, gây tử vong còn được gọi là neuronal ceroid lipofuscinoses hay NCLs. Trong các bệnh này, một khiếm khuyết trong một gen nhất định sẽ gây ra một loạt các vấn đề như cản trở khả năng tế bào tái sử dụng một số phân tử nhất định. Bệnh này có một số dạng giống với đặc điểm và triệu chứng giống nhau nhưng khác nhau về mức độ nghiêm trọng và tuổi khởi phát. Mỗi dạng được gây ra bởi một đột biến ở gen khác nhau. Mặc dù bệnh Batten, ban đầu được gọi cụ thể là dạng khởi phát ở tuổi vị thành niên của NCL, tuy nhiên thuật ngữ bệnh Batten ngày càng được sử dụng để mô tả tất cả các dạng của NCL.

Hầu hết các dạng bệnh Batten/NCL thường bắt đầu trong thời thơ ấu. Trẻ mắc bệnh thường xuất hiện khỏe mạnh và phát triển bình thường trước khi bắt đầu xuất hiện các triệu chứng. Trẻ sơ sinh hoặc sau sơ sinh thường xuất hiện các triệu chứng khi dưới 1 tuổi. Các triệu chứng phổ biến cho hầu hết các loại bao gồm mất thị lực, co giật, phát triển chậm và mất các kỹ năng có được, mất trí nhớ và các cử động bất thường. Khi bệnh tiến triển, trẻ có thể phát triển một hoặc nhiều triệu chứng bao gồm thay đổi tính cách và hành vi, vụng về, khó khăn trong học tập, kém tập trung, lú lẫn, lo lắng, khó ngủ, cử động không tự chủ và di chuyển chậm.

Trẻ bị co giật
Co giật là một triệu chứng ở trẻ mác bệnh Batten

Theo thời gian, trẻ em mắc bệnh này có thể bị co giật nặng hơn và mất dần ngôn ngữ, lời nói, mất trí nhớ và kỹ năng vận động. Cuối cùng, trẻ mắc bệnh Batten bị mù, ngồi xe lăn, nằm liệt giường, không thể giao tiếp và mất tất cả các chức năng nhận thức.

Hiện nay, không có cách chữa trị khỏi hoàn toàn cho những rối loạn này, nhưng việc điều trị một trong các dạng của nhóm bệnh này (bệnh CLN2) đã được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ chấp thuận.

Trẻ em với tất cả các dạng bệnh Batten có tuổi thọ được rút ngắn rất nhiều. Thông thường, nguy cơ tử vong sớm tăng lên tùy thuộc vào dạng bệnh và tuổi của trẻ khi bệnh khởi phát. Trẻ em mắc bệnh Batten ở trẻ sơ sinh thường mất sớm, thường là ở tuổi ấu thơ, trong khi những trẻ khởi phát muộn hơn có thể sống ở tuổi thiếu niên đến tuổi ba mươi. Nếu bệnh phát triển ở tuổi trưởng thành, các triệu chứng có xu hướng nhẹ hơn và có thể không ảnh hưởng đến tuổi thọ.

2. Một số dạng của bệnh Batten

Ban đầu, các bác sĩ chỉ gọi một dạng NCL là bệnh Batten, nhưng bây giờ tên này chỉ một nhóm tập hợp các rối loạn khác nhau. Trong bốn loại chính, ba loại khiến trẻ bị mù.

  • NCL bẩm sinh (Congenital NCL) ảnh hưởng đến trẻ em và có thể khiến trẻ được sinh ra với những cơn động kinh và đầu nhỏ bất thường (microcephaly). Bệnh này rất hiếm và thường trẻ tử vong sớm sau khi chào đời.
  • NCL ở trẻ sơ sinh (Infantile NCL) thường xuất hiện trong độ tuổi từ 6 tháng đến 2 tuổi. Bệnh cũng có thể gây ra chứng đầu nhỏ bất thường, cũng như các cơn co thắt mạnh trong cơ bắp. Hầu hết trẻ em bị bệnh này sẽ tử vong trước khi 5 tuổi.
Bệnh động kinh ở trẻ em: Những điều cần biết
NCL bẩm sinh là một dạng bệnh Batten khiến trẻ xuất hiện những cơn động kinh

  • NCL ở trẻ sơ sinh muộn (Late Infantile NCL) thường bắt đầu từ 2 tuổi đến 4 tuổi với các triệu chứng như co giật nhưng không đáp ứng với thuốc. Bệnh này thường gây tử vong khi trẻ từ 8 đến 12 tuổi.
  • NCL ở trưởng thành (Adult NCL) khởi phát trước 40 tuổi. Mặc dù người mắc bệnh này sẽ có tuổi thọ ngắn hơn so với người không mắc bệnh, nhưng tuổi tử vong có thể khác nhau tùy theo từng người bệnh. Các triệu chứng của bệnh này nhẹ hơn và có xu hướng tiến triển chậm hơn. Dạng bệnh này không gây mù.

3. Nguyên nhân gây bệnh Batten?

Bệnh Batten là một rối loạn di truyền ảnh hưởng đến chức năng trong các tế bào được gọi là lysosome. Lysosome là “thùng rác tái chế” của tế bào và thường xuyên phân hủy chất thải, protein và các hợp chất béo tự nhiên thành các thành phần nhỏ hơn và có thể được loại bỏ khỏi tế bào hoặc tái chế. Lipid bao gồm axit béo, dầu, sáp và sterol. Trong bệnh Batten/NCL, các gen bị đột biến không tạo ra lượng protein thích hợp cho chức năng của lysosomes. Mỗi gen (đại diện cho một dạng bệnh) cung cấp thông tin cho một loại protein cụ thể bị đột biến và không được sản xuất. Những protein này cần thiết cho các tế bào não (tế bào thần kinh) và các tế bào khác hoạt động hiệu quả. Việc thiếu protein chức năng gây ra sự tích tụ bất thường của vật liệu “rác” trong lysosomes, cũng như sự tích tụ bất thường lipofuscin. Các nhà khoa học hiện nay chưa biết liệu chính lipofuscin là chất độc hại hay sự tích tụ là dấu hiệu chức năng của lysosomes bị suy yếu.

4. Bệnh Batten di truyền như thế nào?

Các nhà khoa học không biết hiện nay có bao nhiêu người mắc bệnh Batten, nhưng theo một số ước tính, có khoảng 1 trong 12.500 người ở một số quần thể mắc bệnh này. Bệnh Batten ảnh hưởng đến khoảng 2 đến 4 trên 100.000 trẻ em ở Hoa Kỳ. Nhiều người có thể là người khỏe mạnh mang gen khiếm khuyết có thể gây ra bất kỳ bệnh NCL nào.

Tất cả mọi người đều thừa hưởng hai bản sao gen bên trong các tế bào của họ, một từ bố và một từ mẹ. Bệnh Batten được gây ra khi cả hai bản sao của một gen cụ thể bị khiếm khuyết. Điều này được gọi là chứng bệnh lặn nhiễm sắc thể (autosomal recessive disease). Những người chỉ có một bản sao bị lỗi (người mang gen) sẽ không phát triển các triệu chứng và thường không biết về tình trạng bản thân họ có mang gen bị bệnh.

Phenylceton niệu là một bệnh di truyền
Bệnh Batten là một bệnh di truyền

Nếu cả hai cha mẹ đều mang một gen khiếm khuyết gây ra NCL thì xảy ra nguy cơ trong 4 trong mỗi lần mang thai thì có 1 con mắc bệnh (25%). Đồng thời, trong mỗi lần mang thai, có 50% nguy cơ thai nhi thừa hưởng một bản sao của gen khiếm khuyết, điều này sẽ khiến đứa trẻ trở thành người mang mầm bệnh, giống như cha mẹ, vì một bản sao gen bình thường sẽ được thừa hưởng từ cha hoặc mẹ. Người mang mầm bệnh thường không bị ảnh hưởng, nhưng có thể truyền gen bất thường cho con cái theo cách tương tự mà họ đã được thừa hưởng từ ông bà. Cuối cùng, có 25% trẻ được thừa hưởng hai gen hoàn toàn bình thường.

Trẻ có nguy cơ mắc bất kỳ dạng bệnh Batten nào khi (1) trẻ có cha mẹ mắc bệnh Batten hoặc (2) trẻ có cả cha và mẹ là người mang gen NCL gây ra rối loạn nhưng không thì bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

5. Chẩn đoán và điều trị bệnh Batten

5.1. Chẩn đoán bệnh Batten

Sau khi xem xét tiền sử bệnh tật của cá nhân, gia đình và khám thần kinh, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện một số xét nghiệm để chẩn đoán bệnh Batten và dạng bệnh. Hiện nay, hầu hết các chẩn đoán bệnh Batten được thực hiện bằng xét nghiệm di truyền. Các xét nghiệm chẩn đoán có thể bao gồm:

  • Phân tích ADN/xét nghiệm di truyền được thực hiện nhằm xác nhận sự hiện diện của một gen đột biến gây ra bệnh NCL, cũng như được sử dụng trong chẩn đoán trước sinh.
  • Đo hoạt tính enzyme có thể được sử dụng để xác nhận hoặc loại trừ bệnh CLN1 và CLN2.
  • Xét nghiệm máu hoặc xét nghiệm nước tiểu có thể phát hiện những bất thường chỉ ra bệnh Batten. Ví dụ, nồng độ cao của một hóa chất gọi là dolichol được tìm thấy trong nước tiểu của nhiều người bị NCL và sự hiện diện của các tế bào bạch cầu bất thường được gọi là vacuolated lymphocytes, xuất hiện phổ biến đối với một số bệnh đột biến.
  • Lấy mẫu da hoặc mô có thể cho thấy các hình dạng đặc biệt được hình thành do tích lũy lipofuscin, một số trông giống như một nửa mặt trăng trong khi những người khác trông giống như dấu vân tay khi nhìn dưới kính hiển vi đặc biệt. Các lipofuscins cũng có màu vàng chanh (greenish-yellow) khi nhìn dưới kính hiển vi có ánh sáng cực tím.
Điện não đồ đóng vai trò quan trọng trong chẩn đoán động kinh ở trẻ sơ sinh
Điện não đồ giúp chẩn đoán bệnh Batten

  • Điện não đồ (EEG) theo dõi hoạt động của não bằng cách sử dụng các điện cực đặt trên da đầu. Các mô hình Telltale trong hoạt động điện của não cho thấy người bệnh bị động kinh và một số mô hình kết hợp với khám và tiền sử lâm sàng cũng có thể gợi ý mạnh về một loại bệnh NCL cụ thể.
  • Nghiên cứu điện về mắt, bao gồm các phản ứng điện gợi thị giác (đo hoạt động điện trong não do thị giác tạo ra) và điện não đồ (được sử dụng để phát hiện bất thường trong võng mạc), có thể xác định các vấn đề về mắt thường gặp ở một số dạng bệnh của NCL. Đôi khi màu vàng chanh của lipofuscins có thể được phát hiện bằng cách kiểm tra phía sau mắt. Tuy nhiên, hiện nay kỹ thuật này ít khi được thực hiện do hầu hết các chẩn đoán có thể được thực hiện bằng xét nghiệm ADN.
  • Chẩn đoán hình ảnh bằng cách chụp cắt lớp vi tính (CT) và quét cộng hưởng từ (MRI) có thể giúp các bác sĩ tìm kiếm những thay đổi về ngoại hình của não.

5.2. Điều trị bệnh Batten

Hiện nay, không có phương pháp điều trị cụ thể nào có thể đảo ngược các triệu chứng của bất kỳ dạng nào của bệnh Batten. Năm 2017, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ đã phê duyệt một liệu pháp thay thế enzyme cho bệnh CLN2 (thiếu TTP1) được gọi là cerliponase alfa, đã được chứng minh là làm chậm hoặc ngăn chặn sự tiến triển của các triệu chứng. Nhưng không có phương pháp điều trị nào có thể làm chậm hoặc ngừng tiến triển của bệnh đối với các rối loạn NCL khác.

Động kinh đôi khi có thể được giảm hoặc kiểm soát bằng thuốc chống động kinh. Các loại thuốc khác cũng có thể được sử dụng để điều trị chứng của lo âu, trầm cảm, parkinson và cứng cơ. Khi gặp các triệu chứng phát sinh, dựa vào tình trạng người bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng các biện pháp điều trị thích hợp. Vật lý trị liệu có thể giúp những người mắc bệnh duy trì chức năng càng lâu càng tốt.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: ninds.nih.gov, webmd.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan