Sốc phản vệ là gì và thường xảy ra trong trường hợp nào?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Mỹ - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Sốc phản vệ là tai biến dị ứng nghiêm trọng, có thể gây tử vong. Sốc phản vệ có thể xảy ra sau vài giây hoặc vài phút sau khi tiếp xúc với chất khiến người bệnh bị dị ứng, không những chỉ gặp ở trẻ nhỏ mà còn gặp ở người lớn nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời.

1. Sốc phản vệ là gì?

Sốc phản vệ là một kiểu phản ứng dị ứng cấp tính nặng và đe dọa trực tiếp tới tính mạng nếu không được điều trị kịp thời.

Với sự xuất hiện đột ngột của giãn mạchthành mạch tăng tính thẩm thấu, phế quản nhạy cảm quá mức, sốc phản vệ là một hội chứng lâm sàng dễ nhận biết.

Sốc phản vệ là tình trạng một số chất hóa học được giải phóng bởi hệ miễn dịch trong phản vệ khiến bạn bị sốc.

Một số trường hợp có thể xác định được nguyên nhân gây ra sốc phản vệ nhưng một số khác lại rất khó để có thể xác định bởi nguyên nhân gây ra có thể là có sự kết hợp của nhiều nguyên nhân khác nhau, việc chẩn đoán càng trở nên khó khăn hơn. Khoảng 20% những trường hợp bị sốc phản vệ không xuất hiện các triệu chứng ở da hay niêm mạc, số khác lại xuất hiện triệu chứng ở hệ tuần hoàn như giảm huyết áp.

Sự tương tác giữa kháng nguyên và kháng thể dẫn đến cơ thể xuất hiện một lượng lớn các yếu tố gây giãn mạch, huyết áp giảm khiến cơ thể có thể bị sốc phản vệ. Sốc do tiêm kháng sinh penicillin là loại sốc phản vệ hay gặp nhất.

Nguyên nhân sốc phản vệ
Tiêm thuốc kháng sinh penicillin thường gây sốc phản vệ nhất

2. Cơ chế nảy sinh sốc phản vệ

Cơ chế nảy sinh sốc phản vệ trải qua 3 giai đoạn:

  • Giai đoạn 1 - giai đoạn mẫn cảm: Khi dị nguyên đi vào cơ thể, tình trạng sốc phản vệ bắt đầu xảy ra. Dị nguyên đi vào cơ thể qua đường tiêm truyền hoặc có thể do ăn uống, do hít phải hoặc tiếp xúc qua da, tại đây dị nguyên gặp đại thực bào. Đại thực bào được hoạt hóa, các thông tin được truyền qua ARN và tiết ra chất interleukin (IL 1). TCD4 được hoạt hóa bởi IL1, với sự tham gia của các phức hợp chuyển lớp 1 và 3, thứ lớp của TCD4 là TH1 và TH2 bị tác động.

Vai trò của TH2 được thể hiện một cách rõ rệt trong trường hợp bị sốc phản vệ do thuốc, với sự tham gia của IL 4 và IL5 dẫn đến sự sản sinh IgE.

Kháng thể IgE từ tế bào plasma chui qua màng tương báo và được gắn trên bề mặt của dưỡng bào.

  • Giai đoạn 2 - giai đoạn hóa sinh bệnh: dị nguyên kết hợp với IgE giải phóng nhiều loại hoạt chất trung gian: serotonin, histamin...
  • Giai đoạn 3 - giai đoạn sinh lý bệnh: Các hoạt chất trung gian gây tác động khiến cho động mạch bị giãn, huyết áp giảm, phế quản bị co thắt gây nên những cơn đau ở vùng bụng, động mạch não bị co khiến cảm thấy đau đầu, choáng hoặc có thể là hôn mê.

Hậu quả của cơ chế này chính là tăng tính thẩm thấu mao quản và việc nhạy cảm quá mức của phế quản khiến cho mạch ngoại biên bị giãn, tính thẩm thấu thành mạch tăng, thể tích tuần hoàn bị giảm dẫn đến tình trạng tụt huyết áp, hoạt động của cơ tim bị ảnh hưởng bên cạnh đó phế quản bị co thắt thanh quản bị phù nề, đường hô hấp bị hẹp lại gây nên tình trạng suy hô hấp cấp.

Sốc phản vệ xảy ra khi cơ thể có cơ địa dị ứng, tức là có thể xảy ra với người này nhưng có thể lại không xảy ra đối với người khác.

Sốc phản vệ độ 3
Sốc phản vệ bắt đầu xảy ra khi dị nguyên đi vào cơ thể qua đường tiêm truyền

3. Nguyên nhân gây ra sốc phản vệ

Để chống lại những chất lạ khi đi vào cơ thể, hệ miễn dịch sẽ sản xuất ra nhiều kháng thể đặc hiệu. Đối với những chất có hại thì đây là phản ứng hữu hiệu. Tuy nhiên, một số trường hợp khác, hệ miễn dịch lại phản ứng một cách quá mẫn cảm với những chất vô hại như thức ăn...khi đó hệ miễn dịch sẽ khởi động chuỗi các phản ứng hóa học dẫn đến hiện tượng dị ứng.

Thuốc uống, thuốc tiêm, truyền dịch, thức ăn hoặc nọc côn trùng là những nguyên nhân dễ gây ra tình trạng sốc phản vệ. Một số nguyên nhân khác gây ra sốc như bị mất máu nhiều, cơ thể bị giập nát khi bị chấn thương,....

Các loại thuốc như kháng sinh, thuốc giảm đau chống viêm, thuốc giãn cơ, thuốc gây tê, gây mê là những nguyên nhân phổ biến nhất của sốc phản vệ do thuốc. Nọc ong cũng là loại nọc côn trùng hay gặp nhất gây nên tình trạng sốc phản vệ. Thức ăn hàng ngày như trứng, lạc, các loại hải sản là những nguyên nhân thường gặp gây ra sốc phản vệ do thức ăn.

Cần có sự hướng dẫn và can thiệp kịp thời của bác sĩ khi bạn xuất hiện các dấu hiệu bị sốc phản vệ. Sốc phản vệ có thể gây tử vong khi không được xử lý kịp thời, chính vì vậy nếu cảm thấy cơ thể có sự thay đổi đột ngột khi tiếp xúc với tác nhân lạ cần nghi ngờ tình trạng sốc phản vệ xảy ra (phải được xử trí ngay lập tức càng sớm càng tốt). Nếu bị dị ứng thức ăn cần đọc kỹ và chú ý tới những thực phẩm đang dùng có nguy cơ cao gây nên dị ứng cho bản thân.

Thạc sĩ. Bác sĩ Mỹ có kinh nghiệm trên 6 năm làm bác sĩ Nội khoa tại các Bệnh viện Trung Ương huế, Bệnh viện Đại học Y dược Huế; Bệnh viện Tâm Trí Đà nẵng; Bệnh viện Đà Nẵng. Hiện là Bác sĩ Nội Khoa Nội tổng hợp Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

365K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan