Tinh trùng được rửa sạch ở người có HIV

Một tỷ lệ lớn người nhiễm HIV đang trong độ tuổi sinh sản và rất nhiều người trong số họ rất mong muốn có con.

Vì thế phương pháp lọc rửa tinh trùng ra đời để giúp các các cặp vợ chồng nhiễm HIV có thể thực hiện ước mơ làm cha mẹ. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn các cặp vợ chồng cần cân nhắc kỹ lưỡng rủi ro và theo dõi sát sao tại các cơ sở y tế uy tín.

1. Lọc rửa tinh trùng cho người có HIV được thực hiện như thế nào?

Sự ra đời của các loại thuốc kháng virus hoạt tính cao (HAART) đã giúp cải thiện tuổi thọ và chất lượng cuộc sống của người nhiễm HIV rất nhiều so với trước đây. Mặc dù việc sinh con khi nhiễm HIV là điều không được khuyến khích, tuy nhiên một tỷ lệ lớn người nhiễm HIV đang trong độ tuổi sinh sản và rất nhiều cặp vợ chồng nhiễm HIV rất mong muốn có con. Họ đang khao khát tìm kiếm các phương pháp giúp sinh ra những đứa trẻ khỏe mạnh, không bị nhiễm bệnh.

Lọc rửa tinh trùng cho người có HIV là phương pháp đang nhận được nhiều sự quan tâm của những cặp vợ chồng có chồng dương tính với HIV còn vợ âm tính. Đây là phương pháp có độ an toàn cao hơn so với quan hệ tình dục không có biện pháp bảo vệ để mang thai. Nguyên tắc của phương pháp này khá đơn giản: theo lý thuyết virus HIV có trong một số tế bào được tìm thấy trong tinh dịch nhưng không có trong tinh trùng. Mẫu tinh dịch từ người chồng nhiễm HIV sẽ được quay trong máy ly tâm, máy sẽ quét tinh trùng về một phía và tinh tương về một phía. Sau đó, tinh trùng được rửa qua một loại gel đặc biệt giúp loại bỏ các vật liệu bị nhiễm HIV. Sau khi rửa, số tinh trùng sẽ được chia thành hai phần. Một nửa sẽ được dùng để xét nghiệm dấu vết của virus HIV. Nếu mẫu xét nghiệm này âm tính, nửa tinh trùng còn lại sẽ được cấy vào buồng tử cung của người vợ. Người vợ sẽ được theo dõi theo quy trình của một người thụ tinh bằng phương pháp hỗ trợ sinh sản.

Lọc rửa tinh trùng
Lọc rửa tinh trùng cho người có HIV là biện pháp có độ an toàn cao để mang thai

Ca lọc rửa tinh trùng cho người nhiễm HIV muốn sinh con đầu tiên trên thế giới được thực hiện vào 1989. Một nghiên cứu năm 2000 cho thấy, đứa trẻ đầu tiên sinh ra từ kỹ thuật này (vào năm 2000 đứa trẻ đã được 11 tuổi), mẹ đứa bé và hơn 350 đứa trẻ được thụ thai tương tự (cùng mẹ của họ) đều không bị nhiễm HIV.

Một báo cáo năm 2004 của WHO được tổng hợp từ 23 nghiên cứu khác nhau được thực hiện ở Châu Âu cho thấy: trong 914 cặp vợ chồng thực hiện phương pháp lọc rửa tinh trùng cho người có HIV. Sau khi tinh trùng đã được lọc rửa, các cặp vợ chồng này đã thực hiện tổng cộng 1680 chu kỳ hỗ trợ sinh sản (72.7% thụ tinh bằng cách bơm tinh trùng vào tử cung và phần còn lại thụ tinh trong ống nghiệm). Các nghiên cứu báo cáo không có người vợ nào bị nhiễm HIV và cũng không bất kỳ đứa trẻ nào được sinh ra bị nhiễm HIV.

2. Những lưu ý khi thực hiện lọc rửa tinh trùng cho người có HIV

Để đảm bảo an toàn các cặp vợ chồng có chồng bị nhiễm HIV thì họ thường được khuyên nhận con nuôi hoặc sử dụng tinh trùng khỏe mạnh từ người hiến tặng. Nếu muốn sinh con khi nhiễm HIV bằng phương pháp lọc tinh trùng, hai vợ chồng phải cân nhắc thật kỹ. Tuy các báo cáo cho kết quả rất khả quan, nhưng một điều chắc chắn là không có phương pháp nào là an toàn và đảm bảo thành công tuyệt đối. Ngay cả ở các nước phát triển nơi đã thực hiện nhiều ca lọc tinh trùng cho người nhiễm HIV muốn sinh con cũng chưa khẳng định tính chắc chắn của phương pháp này. Nếu chẳng may sinh ra đứa trẻ bị nhiễm HIV thì người lớn sẽ vô cùng ân hận.

Vợ chồng
Để tránh rủi ro các cặp vợ chồng vẫn nên nhận con nuôi nếu người chồng bị nhiễm HIV

Nếu sau khi được tư vấn, phân tích các rủi ro, các cặp vợ chồng vẫn quyết định thực hiện lọc tinh trùng này thì hai vợ chồng phải tuân thủ chặt chẽ quy trình thăm khám của cơ sở y tế và hướng dẫn của bác sĩ điều trị. Để đảm bảo người vợ không bị nhiễm HIV, người vợ thường sẽ được xét nghiệm và theo dõi trong 6 tháng để loại trừ những trường hợp nhiễm HIV giai đoạn cửa sổ. Sau thời gian này, nếu xét nghiệm lại người vợ vẫn hoàn toàn âm tính với HIV. Việc lọc rửa tinh trùng của người chồng sẽ được thực hiện, sau khi thực hiện nhiều xét nghiệm để đảm bảo tinh trùng không có HIV, bác sĩ sẽ tiến hành cấy tinh trùng vào tử cung người vợ. Người vợ cần được theo dõi chặt chẽ trong suốt quá trình mang thai cho đến khi em bé được sinh ra đến một tuổi. Trong suốt quá trình thực hiện, người chồng cần duy trì việc điều trị HIV bằng thuốc kháng virus hoạt tính cao (HAART). Trong phương pháp lọc rửa tinh trùng, tỷ lệ mang thai ở người vợ sẽ cao hơn khi người chồng có tải lượng virus thấp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

9.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan