Sàng lọc ung thư cổ tử cung bằng phương pháp xét nghiệm Papsmear thông thường

Bài được viết bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Hà Thị Thu Hiên - Bác sĩ Giải phẫu bệnh - Khoa Xét nghiệm - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Sàng lọc ung thư cổ tử cung, tức là công việc sàng lọc những nhóm người có nhiều nguy cơ bị ung thư cổ tử cung để tiến hành những khảo sát sâu hơn, nhằm phát hiện sớm và điều trị hiệu quả ung thư giai đoạn sớm hay các tổn thương tiền ung thư.

1. Xét nghiệm Papsmear là gì?

Xét nghiệm PAP (papsmear) hay còn gọi là phết tế bào âm đạo - cổ tử cung, do bác sĩ người Hy lạp Nicolas George Papanicolaou phát minh từ những năm 20 và được áp dụng rộng rãi trên thế giới từ những năm 50 của thế kỷ trước. Đây là xét nghiệm đơn giản, rẻ tiền, không gây tác động trên người được làm, dễ áp dụng đại trà và đó cũng là những điểm thuận lợi cần có của một công cụ dùng trong sàng lọc bệnh.

Xét nghiệm nhằm mục đích thu thập những tế bào vùng cổ tử cung để xem xét hình thái tế bào và nhận định có hay không có những biến đổi bất thường, có nguy cơ lành tính hay ác tính. Độ nhạy và độ đặc hiệu của xét nghiệm thay đổi tùy theo nhiều điều kiện: chất lượng mẫu lấy, chất lượng người đọc mẫu, chất lượng vận chuyển, lưu trữ và xử lý mẫu.

Xét nghiệm Pap smear
Xét nghiệm PAP có nhiều ưu điểm trong sàng lọc ung thư cổ tử cung

2. Đối tượng thực hiện sàng lọc ung thư cổ tử cung

Đối với việc sàng lọc ung thư cổ tử cung thì khoảng thời gian giữa các lần tầm soát, độ tuổi bắt đầu và kết thúc sàng lọc thay đổi tùy vào người làm sàng lọc ở quốc gia nào cùng thời gian phù hợp.

Tháng 3/2012, các tổ chức và cơ quan liên quan ở Hoa Kỳ, bao gồm U.S. Preventive Services Task Force (USPSTF), American Cancer Society (ACS), American Society for Colposcopy and Cervical Pathology (ASCCP); American Society for Clinical Pathology (ASCP) thống nhất đưa ra khuyến cáo năm 2012 về tầm soát ung thư cổ tử cung như sau:

  • Nên bắt đầu đi xét nghiệm sàng lọc ung thư cổ tử cung từ khi 21 tuổi. Phụ nữ dưới 21 tuổi không cần thiết làm sàng lọc.
  • Phụ nữ từ 21 đến 29 tuổi nên làm xét nghiệm Pap mỗi 3 năm một lần. Những người trong nhóm tuổi này không cần thiết làm xét nghiệm HPV trừ khi có kết quả xét nghiệm Pap bất thường.
  • Phụ nữ từ 30 đến 65 tuổi nên làm xét nghiệm Pap kèm với xét nghiệm HPV (được gọi là "xét nghiệm kép") mỗi 5 năm một lần. Hoặc làm riêng xét nghiệm Pap mỗi 3 năm một lần.
  • Phụ nữ trên 65 tuổi đã được xét nghiệm sàng lọc ung thư cổ tử cung có kết quả không có gì bất thường theo định kỳ trong 10 năm thì không cần thiết tiếp tục làm xét nghiệm sàng lọc ung thư cổ tử cung. Phụ nữ trên 65 tuổi có tiền sử CIN2, CIN3 hoặc ung thư biểu mô tại chỗ nên tiếp tục thường xuyên sàng lọc cho ít nhất 20 năm sau khi được chẩn đoán.
  • Những phụ nữ đã bị cắt bỏ tử cung và cổ tử cung (cắt bỏ toàn phần tử cung) vì lý do không liên quan đến ung thư cổ tử cung và cũng không có tiền sử bị ung thư cổ tử cung hay tình trạng tiền ung thư nghiêm trọng thì không cần thiết làm xét nghiệm.
  • Tất cả phụ nữ đã được vắc-xin phòng ngừa HPV vẫn nên làm xét nghiệm sàng lọc theo khuyến nghị dành cho nhóm tuổi của mình.

3. Thời điểm làm xét nghiệm PAP

  • Nên thực hiện xét nghiệm PAP 2 tuần sau khi kỳ kinh nguyệt cuối cùng kết thúc
  • Không quan hệ tình dục trong vòng 48h trước khi làm xét nghiệm.
  • Không sử dụng các thuốc bôi âm đạo, dụng cụ tránh thai âm đạo, kem bôi trơn, thụt rửa âm đạo 48h trước khi làm xét nghiệm.
Quan hệ tình dục
Trước khi làm xét nghiệm không quan hệ tình dục tròng vòng 48h

4. Xử lý và phân tích kết quả

  • Các tiêu bản xét nghiệm Pap được nhuộm Papanicolou theo tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo cho hình ảnh rõ ràng, tránh bỏ sót tổn thương.
  • Phân tích kết quả theo hệ thống phân loại của Bethesda.

Việc sàng lọc phát hiện sớm ung thư cổ tử cung bằng xét nghiệm Papsmear có ý nghĩa vô cùng quan trọng, đem lại cơ hội chữa trị cao hơn cho bệnh nhân, phát hiện những bất thường trong cấu trúc và hoạt động của tế bào cổ tử cung. Từ đó, cho thấy nguy cơ xảy ra ung thư trong tương lai. Thực hiện tầm soát những tế bào bất thường này là bước đầu tiên trong việc ngăn chặn sự phát triển có thể có của bệnh ung thư cổ tử cung.

Nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng chẩn đoán và điều trị, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đã áp dụng xét nghiệm phát hiện sớm ung thư cổ tử cung ThinPrep Pap Test, phương pháp mới này hiện đang được sử dụng phổ biến tại Mỹ, Châu Âu. ThinPrep Pap Test đã tạo ra bước ngoặt so với phương pháp Pap smear truyền thống, thông qua công nghệ chuyển tế bào có kiểm soát bằng màng lọc, giúp làm tăng độ nhạy và độ đặc hiệu trong việc phát hiện các tế bào tiền ung thư, đặc biệt là tế bào biểu mô tuyến, một loại tế bào ung thư rất khó phát hiện.

Để được tư vấn và đặt lịch khám, quý khách có thể liên hệ Hệ thống phòng khám của Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec trên toàn quốc TẠI ĐÂY.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

4.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan

Xin mời bạn chọn tỉnh thành: