Mổ lấy thai: Các biến chứng có thể gặp trên mẹ và con

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BSCK II Trần Thị Mai Hương - Bác sĩ Sản phụ khoa - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng

Mổ lấy thai là phẫu thuật lấy thai nhi, nhau và màng ối qua một vết mổ ở thành bụng vào tử cung đang nguyên vẹn. Mổ lấy thai được áp dụng trong những trường hợp cần thiết để giảm nguy cơ cho sản phụ và thai nhi.

1. Mổ lấy thai được chỉ định khi nào?

Mổ lấy thai được thực hiện dưới sự chỉ định của bác sĩ sản khoa trong các trường hợp sau:

  • Bất tương xứng đầu chậu
  • Khởi phát chuyển dạ thất bại
  • Rối loạn cơn go tử cung không điều chỉnh được bằng thuốc
  • Cổ tử cung không tiến triển
  • Nhau tiền đạo trung tâm nhưng phần lớn các trường hợp nhau tiền đạo bán trung tâm
  • Nhau bong non
  • Sa dây rốn ở thai có khả năng sống nhưng không đủ điều kiện để sinh ngã âm đạo tức thì
  • Ngôi bất thường
  • Suy thai trong chuyển dạ
  • Thai kém phát triển trong tử cung, mạng sống bào thai đang bị đe dọa
  • Thai quá ngày có chống chỉ định khởi phát chuyển dạ
  • Vết mổ cũ thân tử cung + một bất thường khác
  • Ung thư cổ tử cung tại chỗ hoặc xâm lấn...

Phương pháp mổ lấy thai không bao gồm mổ bụng lấy một thai ngoài tử cung nằm trong ổ bụng hoặc lấy một thai nhi đã rơi vào trong ổ bụng một phần hay toàn phần do vỡ tử cung.

Mang thai bị đau vùng thắt lưng chậu: Nên sinh thường hay sinh mổ?
Trong trường hợp phát hiện ngôi thai bất thường, bà bầu có thể được chỉ định mổ lấy thai

2. Biến chứng khi mổ lấy thai gặp ở mẹ

Các biến chứng gần mẹ có thể sẽ gặp phải phải nhắc đến khi sử dụng phương pháp mổ lấy thai như:

  • Nhiễm trùng: có thể bị nhiễm trùng vết mổ, nhiễm trùng đường tiết niệu, viêm phổi. Thường gặp là nhiễm trùng vết mổ; nhiễm trùng ối gây viêm phúc mạc có thể dẫn đến cắt tử cung trong thời gian hậu phẫu.
  • Tai biến do phẫu thuật như chạm phải các cơ quan lân cận (bàng quang, ruột), khâu phải niệu quản, rò bàng quang – tử cung/âm đạo.
  • Chảy máu nhiều, Băng huyết trong hay sau mổ do đờ tử cung; chảy máu do rách đoạn dưới tử cung.
  • Liệt ruột.
  • Bung vết mổ, thoát vị thành bụng.
  • Xuất huyết nội.
  • Thuyên tắc tĩnh mạch, huyết khối.
  • Tử vong cho mẹ: có thể do thuyên tắc mạch ối, chảy máu không cầm được hoặc do không có đủ máu khi người mẹ thuộc nhóm máu hiếm.
  • Các tai biến do gây mê – hồi sức: có thể có những biến chứng do vô cảm như hội chứng hít (trong trường hợp gây mê nội khí quản); tụt huyết áp, nhức đầu sau mổ (trong trường hợp gây tê tuỷ sống), phản ứng thuốc (choáng phản vệ).

Xa hơn, sau khi mổ lấy thai trong thời gian phục hồi và sau khi đã phục hồi hoàn toàn mẹ cũng có nguy cơ mắc các biến chứng sau:

  • Dính ruột, tắc ruột.
  • Tắc ống dẫn trứng gây vô sinh thứ phát.
  • Lạc nội mạc tử cung tại sẹo mổ thành bụng.
  • Sẹo trên thân tử cung có thể bị nứt trong những lần có thai sau (nứt khi chưa vào chuyển dạ hoặc khi đã vào chuyển dạ)
  • Trong những lần có thai sau, khả năng sẽ phải mổ lại tăng và nếu sanh ngã âm đạo phải giúp sanh bằng giác hút hoặc forceps để giảm nguy cơ nứt sẹo mổ cũ trên đoạn dưới tử cung...

3. Biến chứng khi mổ lấy thai gặp ở con

Thai nhi được lấy ra bằng phương pháp mổ có nguy cơ đối mặt với các biến chứng cụ thể như:

  • Thai nhi có thể bị ảnh hưởng bởi thuốc mê.
  • Bị chạm thương trong khi phẫu thuật.
  • Hít phải nước ối, đặc biệt nước ối có phân su.
  • Trẻ sơ sinh do sanh mổ có nguy cơ suy hô hấp nặng (hội chứng chậm hấp thu dịch phổi) và đe dọa tính mạng do sự can thiệp khi mẹ chưa chuyển dạ, nhất là trẻ được can thiệp sanh mổ ở thời kỳ thai chưa đủ tháng
  • Tử vong chu sinh (trong vòng 28 ngày sau khi sinh) ở trường hợp mổ lấy thai cao hơn so với sanh thường.
  • Mổ lấy thai cũng làm gia tăng nguy cơ trẻ bị chết khi sanh ở lần sinh con tiếp theo (có thể tử cung bị sẹo do cuộc mổ lần trước không tạo điều kiện để bánh nhau bám tốt do đó việc cung cấp máu và chất dinh dưỡng nuôi bào thai không đầy đủ)...
Trẻ sơ sinh
Mổ lấy thai có thể gây ảnh hưởng đến thai nhi

4. Sau mổ lấy thai mẹ cần bao lâu để phục hồi?

Đối với các ca phẫu thuật lấy thai, mẹ cần đến 20-30 ngày để thực sự lấy lại sức khỏe bình thường. Thời gian này còn phụ thuộc vào thể trạng của từng mẹ và sự thành công của cuộc phẫu thuật. Mẹ cần được lưu viện 5-7 ngày để được theo dõi tình trạng sau phẫu thuật.

Sau sinh mổ, người mẹ không thể mang thai lại luôn, bác sĩ sản khoa khuyến cáo nên chờ ít nhất 2- 3 năm để có thai tiếp theo sau khi sinh mổ. Khoảng cách thực sự tốt để có bé tiếp theo là 5 năm, thời gian này đủ để mẹ phục hồi hoàn toàn, tránh tối đa các biến chứng sau mổ lấy thai và sẵn sàng có bầu.

Trong trường hợp mẹ lỡ vỡ kế hoạch có bầu trước thời gian an toàn thì cần được bác sĩ tư vấn, cho lời khuyên phù hợp nhất.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

35.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan