Hậu quả nặng nề của rubella bẩm sinh

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Thị Hiên - Bác sĩ Sản phụ khoa - Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang

1. Rubella bẩm sinh là gì?

Bệnh rubella thường rất hiếm gây biến chứng. Triệu chứng bệnh rubella ở trẻ em thường xuất hiện nhanh, không gây khó chịu cho trẻ, chỉ làm người nhà lo lắng. Riêng người lớn và trẻ trên 7 tuổi thường có nhiều triệu chứng đi kèm gây khó chịu như mệt mỏi, đau khớp nhưng sẽ cũng khỏi sau vài ngày mà không để lại biến chứng gì. Tuy nhiên, gánh nặng thật sự của bệnh rubella chính là xuất hiện ở phụ nữ mang thai.

Phụ nữ bị rubella khi mang thai, trẻ sinh ra sẽ có nguy cơ cao mắc hội chứng Rubella bẩm sinh (CRS - trẻ bị nhiễm Rubella trước khi sinh), đây là một hội chứng gây hậu quả nặng nề và đặc thù nhất của bệnh Rubella khiến y học phải đặc biệt quan tâm và đặt vấn đề phòng ngừa chủ động.

Thời gian 3 tháng đầu là thời gian nguy hiểm nhất khi nhiễm Rubella ở phụ nữ mang thai, do virus rubella từ máu của mẹ chuyển qua nhau thai vào thai nhi trong giai đoạn khởi phát và toàn phát của bệnh. Virus này có khả năng phá hủy hay làm chậm sự phát triển của phôi thai và đây là nguyên nhân gây ra những dị tật bẩm sinh cho thai nhi.

Bà mẹ mang thai trong ba tháng đầu thai kỳ mắc rubella bẩm sinh có thể lây cho thai nhi (tỷ lệ rất cao, lên đến 80%), nếu bà mẹ nhiễm Rubella giai đoạn trong giữa thai kỳ, tỷ lệ con bị rubella bẩm sinh khoảng 25%. Hiện chưa có nghiên cứu khẳng định nếu phụ nữ mang thai sớm sau khi tiêm rubella bé sinh ra bị mắc rubella bẩm sinh do vắc xin.

2. Hậu quả nặng nề của rubella bẩm sinh

Bầu
Bệnh rubella ở thai phụ sẽ khiến trẻ bị nhiễm rubella trước khi sinh

Bệnh rubella ở thai phụ sẽ khiến trẻ bị nhiễm rubella trước khi sinh và có nguy cơ bị một hoặc nhiều dị tật, bệnh lý bẩm sinh như:

  • Tai: Trẻ sinh ra sẽ có nguy cơ cao bị điếc bẩm sinh, đây là hậu quả thường gặp nhất và là đặc điểm của rubella bẩm sinh
  • Tim: trẻ bị hở hẹp van tim, còn ống động mạch, thông vách ngăn giữa các buồng tim hoặc hẹp động mạch phổi
  • Mắt: Trẻ sinh ra sẽ bị khuyết tật ở mắt như đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp, bệnh lý ở võng mạc
  • Thần kinh: Trẻ bị chậm phát triển tâm thần, tật đầu nhỏ, bại não, viêm màng não, dị dạng ở não, cơ khớp, thể lực,...
  • Các bất thường khác như ở gan, lá lách, các dị tật về xương dài,...

Trẻ bị nhiễm rubella trong tử cung có thể còn thải ra virus trong dịch tiết hầu họng, phân, nước tiểu nhiều tuần sau khi chào đời, thậm chí có thể lâu hơn.

3. Điều trị và phòng ngừa chủ động Rubella

Hiện tại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu đối với rubella và hội chứng rubella bẩm sinh. Khi bị Rubella nói chung thì cần:

  • Điều trị triệu chứng như giảm đau, hạ nhiệt
  • Giữ ấm, tránh gió lạnh trong thời gian phát ban, đề phòng bội nhiễm viêm đường hô hấp
  • Ăn uống đủ chất dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng. Tăng cường ăn hoa quả như cam, chanh và các vitamin
  • Đối với trẻ nhỏ bị hội chứng Rubella bẩm sinh cần được điều trị những biến chứng do bệnh gây ra

Do vậy, cách tốt nhất để tránh các biến chứng không mong muốn do bệnh rubella mang lại thì mỗi người, mỗi phụ nữ mang thai cần dự phòng chủ động rubella nói chung bằng cách:

  • Tốt nhất là tiêm phòng vắc xin. Đối với trẻ em, tiêm phòng một mũi sau 15 tháng tuổi, mũi hai cách mũi một 6 - 10 tháng hoặc tiêm vào lúc trẻ 4 - 6 tuổi.
  • Người lớn nếu chưa từng mắc rubella cũng nên được tiêm chủng, nhất là phụ nữ ở độ tuổi mang thai.
  • Với phụ nữ, trước khi có ý định mang thai, tốt nhất nên tiêm ngừa Rubella. Thời điểm tiêm ngừa trước khi thụ thai ít nhất là 1 tháng, tốt nhất trước 3 - 4 tháng. Tiêm ngừa trước thời kỳ mang thai là biện pháp hữu hiệu để phòng ngừa hội chứng rubella bẩm sinh cho con.
  • Nhưng khi đã mang thai, tuyệt đối không được tiêm vắc xin ngừa rubella. vì vắc xin rubella là loại vắc xin sống giảm độc lực, thường sản xuất dưới dạng “tam liên” cùng với các vắc xin phòng sởi và quai bị, gây nguy hiểm cho thai nhi.
  • Nếu chưa tiêm ngừa rubella mà đang có thai, biện pháp tốt nhất là phòng nhiễm cho bản thân bằng cách hạn chế đến những nơi đông người, nhất là trong thời điểm có dịch, luôn mang khẩu trang khi ra ngoài. Vệ sinh răng miệng, đường hô hấp thường xuyên bằng các dung dịch súc miệng thông thường.
  • Đối với phụ nữ có thai, nhất là trong giai đoạn 3 tháng đầu của thai kỳ cần theo dõi chặt chẽ, nếu có triệu chứng nghi ngờ mắc rubella cần đến khám và được tư vấn tại bác sĩ chuyên khoa sản, chuyên khoa truyền nhiễm.
  • Nếu sản phụ bị rubella khi mang thai trong 2 - 3 tháng đầu thường nhận được lời khuyên phá bỏ thai để tránh nguy cơ cao sinh con dị tật bẩm sinh; đối với thai nhi 3 tháng giữa và 3 tháng cuối nếu không may bị nhiễm thì sẽ được bác sĩ tư vấn có thể dưỡng thai nhưng phải theo dõi giám sát nghiêm ngặt sau sinh.
Bệnh viện Vinmec có gói khám và chẩn đoán bệnh trĩ
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một lựa chọn tin cậy để đảm bảo chất lượng khám và tiêm phòng trước khi mang thai

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

698 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan