Biểu hiện khi đau vùng chậu mạn tính

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Trương Thị Phượng - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long

Đau vùng chậu mãn tính ở phụ nữ là tình trạng đau ở vùng dưới rốn và giữa hông, có thể kéo dài sáu tháng hoặc lâu hơn. Dấu hiệu đau vùng chậu này có thể là triệu chứng của một số bệnh rất nguy hiểm.

1. Nguyên nhân đau vùng chậu mãn tính

Đau vùng chậu mạn tính là một bệnh phức tạp có nhiều nguyên nhân. Đôi khi, nguyên nhân đau vùng chậu xuất phát từ một tình trạng rối loạn. Cơn đau cũng có thể do một số tình trạng sức khỏe.

Một số nguyên nhân bệnh lý dẫn đến đau vùng chậu như:

  • Lạc nội mạc tử cung: Triệu chứng phổ biến nhất của lạc nội mạc tử cung là đau vùng chậu mạn tính, đặc biệt là ngay trước và trong kỳ kinh nguyệt. Ngoài ra, các cơn đau cũng xảy ra khi quan hệ tình dục.
  • Bệnh lý cơ xương khớp: Thường gặp trong các trường hợp căng cơ vùng bụng hay vùng lưng, thoát vị đĩa đệm.
  • Bệnh cơ tuyến tử cung là tình trạng mô tuyến của nội mạc tử cung hiện diện bên trong cơ của thành tử cung.
  • Viêm mô kẽ bàng quang là một tình trạng viêm bàng quang mạn tính. Nguyên nhân do nhiễm trùng, nhiễm nấm, quan hệ tình dục không an toàn.
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu: Phụ nữ dễ bị nhiễm trùng tiểu hơn nam giới.
  • Viêm vùng chậu mạn tính thường là hậu quả của ứ dịch vòi trứng, nang vòi trứng - buồng trứng hay dính vùng chậu.
  • Hội chứng tắc nghẽn vùng chậu: Các tĩnh mạch trong khung chậu bị chèn ép và giãn do máu bị chặn gây ra các triệu chứng sau: Đau vùng chậu trở nên trầm trọng hơn khi đứng hoặc ngồi.
Lạc nội mạc tử cung
Lạc nội mạc tử cung có thể là nguyên nahan gây đau vùng chậu mãn tính

  • Hội chứng ruột kích thích: Đây là một rối loạn đường tiêu hóa và chức năng mạn tính gây đau bụng, tiêu chảy, co thắt và đầy hơi.
  • Cơ vùng chậu yếu: Khi dây chằng và cơ vùng chậu yếu, dẫn đến các cơ quan như bàng quang, tử cung hoặc trực tràng dễ bị di chuyển khỏi vị trí bình thường và sa vào âm đạo.

Ngoài ra, yếu tố tâm lý như: Trầm cảm, căng thẳng mạn tính, tiền sử lạm dụng tình dục hoặc thể chất có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh đau vùng chậu mạn tính. Cảm xúc buồn bã làm cho cơn đau nghiêm trọng hơn và chính những cơn đau mạn tính góp phần vào cảm xúc buồn bã. Hai yếu tố này thường trở thành một vòng luẩn quẩn.

2. Biểu hiện đau vùng chậu mạn tính

Những cơn đau vùng chậu mạn tính thường biểu hiện rất khác nhau:

  • Có trường hợp đau dữ dội, liên tục, đau âm ỉ, ngắt quãng.
  • Nhiều khi chỉ biểu hiện bằng cảm giác tức nặng vùng tiểu khung.
  • Đau khi đi tiểu, đi tiểu thường xuyên.
  • Đau khi quan hệ tình dục, đau khi ấn vào một số khu vực xương chậu.
  • Đau có thể như dao đâm, cảm giác kiến bò, đau có thể tăng lên khi đi lại, chạy nhảy hoặc hoạt động nhiều.
  • Một số trường hợp đau chỉ biểu hiện khi đứng lên, ngồi xuống.
  • Cơn đau thường đỡ hơn khi nằm nghỉ ngơi.

Những cơn đau vùng chậu khiến cho bệnh nhân luôn khó chịu, bứt rứt, cảm giác bất an, ăn ngủ kém, mất tập trung khi làm việc, dần dẫn tới các trạng thái bệnh tật khác như suy nhược cơ thể, trầm cảm, khó hòa nhập xã hội.

Đi tiểu liên tục, xuất hiện cơn co thắt vùng bụng là bị bệnh gì?
Đi tiểu thường xuyên là dấu hiệu của đau vùng chậu mãn tính

3. Điều trị đau vùng chậu mãn tính

Điều trị những cơn đau vùng chậu mãn tính bao gồm điều trị triệu chứng và điều trị nguyên nhân.

Điều trị triệu chứng:

  • Bằng các thuốc giảm đau thông thường như: ibuprofen, acetaminophen.
  • Các thuốc khác có thể được sử dụng kèm theo như kháng sinh, thuốc giảm viêm, chống phù nề.
  • Nếu cơn đau có nguồn gốc tâm lý có thể cho thêm các thuốc chống trầm cảm (amitriptyline, nortriptyline).

Điều trị nguyên nhân:

  • Khi phát hiện được như điều trị lạc nội mạc tử cung bằng phẫu thuật, điều trị nhiễm khuẩn, phẫu thuật bóc khối u xơ tử cung...
  • Điều trị hội chứng ruột kích thích bằng điều chỉnh chế độ ăn.
  • Khi đang có triệu chứng rối loạn tiêu hóa như đau bụng, tiêu chảy...nên tránh ăn các thức ăn, nước uống không thích hợp. Nên chia làm nhiều bữa nhỏ, tránh ăn quá no.
  • Giảm hoặc loại bỏ stress, tăng cường các hoạt động thể chất, luyện tập thói quen đại tiện mỗi ngày một lần, tập khí công, yoga...
Ibuprofen
Thuốc ibuprofen được sử dụng trong điều trị giảm đau vùng chậu mãn tính

Một số các biện pháp các có thể được sử dụng như tiêm giảm đau tại điểm đau bằng lidocain; kích thích các sợi thần kinh bằng điện qua da, liệu pháp tâm lý, tư vấn cho bệnh nhân khi cần thiết để giúp bệnh nhân lấy lại thăng bằng trong cuộc sống.

Những cơn đau vùng chậu mãn tính ở phụ nữ có thể không do nguyên nhân tổn thương thực thể. Nhưng trong bất kỳ trường hợp nào có biểu hiện những cơn đau vùng chậu kéo dài, bệnh nhân nhất thiết phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất để khám loại trừ những nguyên nhân có thể gây nguy hiểm có thể xảy ra.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan