Rối loạn giấc ngủ - nỗi ám ảnh của người cao tuổi

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Bùi Ngọc Phương Hòa - Bác sĩ Nội đa khoa - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Người cao tuổi trải qua giấc ngủ thực sự chỉ khoảng 4 tiếng mỗi ngày, điều này biểu hiện cho việc ngủ không đủ giấc. Đi ngủ thường trằn trọc nên ngủ rất khuya nhưng lại tỉnh rất sớm.

Mất ngủ, khó ngủ là triệu chứng thường gặp ở tất cả các nhóm tuổi, nhưng phụ nữ gặp nhiều hơn nam giới, đặc biệt ở người lớn tuổi. Người ta ước tính khoảng 48% những người trên 50 tuổi bị mất ngủ.

1. Dấu hiệu rối loạn giấc ngủ ở người cao tuổi

Đó là khó đi vào giấc ngủ, khó duy trì giấc ngủ, thường thức dậy sớm, tỉnh giấc nửa đêm khó để tiếp tục ngủ lại, hoặc trằn trọc gần đến sáng mới chợt mắt được, không thấy khỏe sau giấc ngủ,...

Ở người cao tuổi cũng dễ xảy ra tình trạng đảo lộn giấc ngủ, không ngủ được vào ban đêm mà ngủ vào ban ngày. Thậm chí có người bệnh không ngủ được vào ban đêm và cả ban ngày. Ban đêm người bệnh rất tỉnh táo, cơ thể làm việc bình thường.

2. Nguyên nhân gây rối loạn giấc ngủ ở người cao tuổi

Rối loạn giấc ngủ ở người cao tuổi được chia làm 2 loại chính là: mất ngủ và đảo lộn giấc ngủ.

2.1. Nguyên nhân gây mất ngủ

  • Nguyên nhân gây mất ngủ là do môi trường xung quanh không yên tĩnh, dùng các chất gây hưng phấn trước khi ngủ như: trà, cà phê, nước ngọt có gas... hay một số loại thuốc như Amphetamin, Methylphenidate...
  • Một số người có thói quen uống ít rượu trước khi ngủ đến khi ngưng đột ngột cũng có thể gây mất ngủ, hay những trường hợp dùng thuốc an thần lâu ngày khi ngưng thuốc đột ngột cũng gây mất ngủ.
  • Ngưng thở khi ngủ (25% – 35 %) ở người trên 60 tuổi, béo phì, nam nhiều hơn nữ, đặc biệt nhiều ở người đã có dấu hiệu sa sút tâm thần.
  • Ngoài ra, người cao tuổi hay mất ngủ còn do tình trạng đau mãn tính ở khớp hay cột sống (thoái hóa khớp, loãng xương,..), dị ứng về đêm, khó thở khi ngủ (suy tim, hen,...), chứng co giật chân khi ngủ (hội chứng chân không yên), rối loạn nhịp tim dạng ngoại tâm thu, suy tim, trào ngược thực quản, tiểu đêm nhiều lần (do u xơ tiền liệt tuyến, tiểu đường,..), bệnh nội tiết như hội chứng cushing, cường tuyến giáp trạng...
Nguyên nhân mất ngủ
Tiểu đêm nhiều lần là nguyên nhân gây mất ngủ ở người cao tuổi
  • Tình trạng mất ngủ xảy ra còn do tác dụng phụ của thuốc trị bệnh như thuốc trị cao huyết áp (nhóm tác dụng lên hệ thần kinh trung ương), thuốc trị trầm cảm... Ở người trung niên và cao tuổi, trầm cảm là nguyên nhân gây mất ngủ, đặc biệt là lúc gần sáng.
  • Các nguyên nhân khác là do tình trạng lo âu mãn tính kéo dài, những cơn ác mộng xảy ra trong giấc ngủ nhanh, tình trạng không vận động thể lực, không tập thể dục hay chơi thể thao, người lao động trí óc không chú ý đến rèn luyện thân thể...

2.2. Nguyên nhân gây đảo lộn giấc ngủ

  • Tình trạng đảo lộn giấc ngủ hay gặp ở người cao tuổi do rối loạn chức năng hoạt động tại não do quá trình lão hóa hoặc xảy ra sau tai biến mạch máu não hoặc một cơn bệnh nặng...

3. Rối loạn giấc ngủ có nguy hiểm không?

Rối loạn giấc ngủ ảnh hưởng tới hoạt động nhận thức (gồm ghi nhận, hiểu sự việc, phán đoán và xử lý công việc), ảnh hưởng tới sức khỏe cơ thể, tới chất lượng cuộc sống của bản thân người lớn tuổi và với thân nhân, con cháu...

Ở bệnh nhân rối loạn giấc ngủ kéo dài, quá trình khôi phục sức khỏe không được hiệu quả làm cho người bệnh thường xuyên cảm thấy mệt nhọc, yếu đuối và có những triệu chứng khác như: dễ cáu gắt, bần thần, chóng mặt, hay quên, bi quan, chán ăn, sa sút trí tuệ,...

Rối loạn giấc ngủ kéo dài gây ra suy nhược cơ thể, suy nhược thần kinh. Mất ngủ thường trầm trọng thêm các triệu chứng rối loạn tâm thần, nếu kéo dài cần được xem xét như một yếu tố góp phần ý nghĩ tự sát.

4. Khắc phục tình trạng rối loạn giấc ngủ ở người cao tuổi

  • Điều trị để đưa giấc ngủ trở về bình thường bằng cách không cho người bệnh ngủ vào ban ngày. Nếu ban đêm không ngủ được, người bệnh có thể dùng thêm thuốc an thần, sau đó giảm liều an thần trong vài ngày đến vài tuần cho đến khi ngủ được bình thường thì ngưng thuốc an thần. Cần hỏi lời khuyên của bác sĩ để sử dụng thuốc an thần cho giấc ngủ, không sử dụng thuốc một cách bừa bãi.
  • Rèn luyện các hoạt động thể chất thường xuyên, cân bằng giữa hoạt động trí óc và thể chất.
  • Ngủ trong môi trường tuyệt đối yên tĩnh, không có ánh sáng.
  • Kết hợp những yếu tố vật lý tạo điều kiện đi vào giấc ngủ dễ hơn như tiếng động đều đều, tiếng mưa rơi, tiếng lá xào xạc, tiếng hát ru...
  • Tự giải tỏa xung đột, các ý nghĩ ám ảnh lo lắng thường ngày giúp thư giãn, nghỉ ngơi, giải trí theo thói quen, dùng thức ăn ấm, nhẹ dễ tiêu, đi nằm khi đã buồn ngủ... Nếu thức giấc cũng chỉ vận động nhẹ nhàng, tăng tập luyện sức khỏe vào buổi sáng. Chủ động thư giãn, không suy nghĩ miên man, tập trung vào nhịp thở, đếm số 1 – 2 - 3 để tự gây ức chế vỏ não, dễ đi vào giấc ngủ.
  • Điều trị mất ngủ ở người lớn tuổi cũng cần điều trị các bệnh lý nội khoa kèm theo (bệnh tuyến giáp, bệnh hệ tiết niệu, bệnh tiểu đường và các rối loạn tâm thần), đây là những căn bệnh “đóng góp” vào nguyên nhân mất ngủ, nếu không điều trị những căn bệnh này thì không thể giải quyết hiệu quả bệnh mất ngủ.
Điều trị rối loạn giấc ngủ ở người cao tuổi
Tập thế dục thường xuyên vào buổi sáng giúp cải thiện giấc ngủ ở người cao tuổi

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số 02439743556 hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Hà Nội.

9.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan