Phòng ngừa trật khớp háng sau thay khớp háng

Phẫu thuật thay khớp háng nhân tạo là một phương pháp phẫu thuật để điều trị những bệnh lý về khớp háng. Thông thường thay khớp háng sẽ giúp người bệnh cải thiện chức năng vận động. Tuy nhiên việc bị trật khớp háng sau khi thay khớp háng là điều thường xảy ra. Vậy để phòng ngừa tình trạng trên chúng ta phải làm như thế nào?

1. Tổng quan

Phẫu thuật thay khớp háng nhân tạo giúp cho người bệnh cải thiện chức năng vận động khi bị thoái hóa khớp háng, tạo thuận lợi cho người bệnh tái hòa nhập với cuộc sống thường ngày của gia đình và cộng đồng. Tuy nhiên, khi thay khớp háng toàn phần, phần khớp háng nhân tạo không thể hoàn thiện như khớp háng thật của con người, do đó để bảo vệ tốt khớp nhân tạo và phòng ngừa những tai biến có thể xảy ra trước mắt cũng như lâu dài, việc phục hồi chức năng sớm là vô cùng quan trọng và cần thiết.

Một trong những biến chứng sau thay khớp háng của người bệnh là trật khớp háng nhân tạo sau phẫu thuật. Trật khớp háng sau phẫu thuật có thể gặp từ 0,5 đến 4%, tùy thuộc vào kỹ thuật mổ, tình trạng của người bệnh, sự phối hợp của gia đình và bệnh nhân,... Trật khớp háng thường xảy ra trong 03 tháng đầu sau mổ, tư thế dễ gây trật khớp háng nhất là: gấp, khép và xoay trong khớp háng đặc biệt là khi cả ba tư thế này xảy ra cùng một lúc.

Thời gian trung bình để khớp háng nhân tạo được liền tốt là 3 tháng. Lúc này, xương đùi đã gắn liền với thân khớp, bao khớp giả đã được hình thành do đó khớp háng được vững chắc hơn, nguy cơ trật khớp sẽ giảm dần.

2. Phòng ngừa trật khớp háng

Để tránh biến chứng này, bản thân người bệnh và gia đình cần lưu ý một số tư thế và động tác ở dưới.

Ba nguyên tắc cơ bản người bệnh phải theo:

  • Luôn luôn giữ hai khớp háng ở vị thế cao hơn hai khớp gối.
  • Không bắt chéo hai chân với nhau kể cả ở gối cũng như cổ chân khi nằm cũng như khi ngồi, luôn giữ cho hai chân tách biệt nhau.
  • Không xoay bàn chân và các ngón chân vào trong hoặc ra ngoài, khi nằm ngửa luôn giữ cho các ngón chân hướng lên trần nhà.
không nên bắt chéo hai chân
Không nên bắt chéo hai chân

2.1. Khi nằm ngửa

Nên: Dạng hai chân, dùng gối chèn giữa hai chân để giữ chân mới mổ ở vị thế trung gian (các ngón chân chỉ thẳng lên trần nhà).

Không nên:

  • Không khép chân mổ vào sát với chân bên lành, không bắt chéo chân đã mổ qua chân lành, không xoay bàn chân vào phía trong, không gấp thân mình về phía trước làm gấp khớp háng, không nên nằm sấp.
  • Khi nằm ngửa không gấp gối về phía ngực quá nhiều, không gấp khớp háng bên mới mổ quá 90 độ.

2.2. Khi nằm nghiêng

  • Nên: Nằm nghiêng sang chân bên lành kẹp một chiếc gối ôm vào giữa hai chân để đỡ cho chân mới mổ không bắt chéo qua chân bên kia và bàn chân không bị xoay vào trong, các ngón chân không xoay xuống dưới.
  • Không nên: Không nằm nghiêng về phía chân mới mổ, không nằm đè chân mới mổ lên chân lành.

2.3. Khi ngồi

Nên: Luôn luôn ngồi ở tư thế khớp háng cao hơn khớp gối, nên ngồi trên ghế có tay vịn hai bên để khi muốn đứng lên hoặc ngồi xuống có thể nắm hai tay vào hai bên tay vịn để trợ giúp đẩy nâng người để đứng lên dễ dàng và an toàn hơn, sau mỗi giờ nên đứng lên và đi lại xung quanh một lần

Không nên:

  • Không cúi nhiều về phía trước khi ngồi xuống, không bắt chéo chân đã mổ qua chân kia, không gập đùi vào bụng hoặc gập lưng xuống quá nhiều làm cho góc giữa đùi và thân nhỏ hơn 90 độ.
  • Không ngồi trên ghế không có tay vịn vì như vậy sẽ rất khó khăn khi đứng lên, không cúi xuống để nhặt vật gì đó từ sàn nhà, không ngồi trên ghế tựa ngửa ra sau.

2.4. Khi đứng lên

  • Nên: Đặt bàn chân chân mới mổ ở phía trước ghế, (trước bàn chân bên lành); bàn chân bên lành ở phía dưới ghế (phía sau bàn chân mới mổ), hai tay vịn vào hai bên tay vịn ghế để đẩy người đứng lên.
  • Không nên: Đứng lên như trong hình bên, tức là đứng lên trong lúc hai bàn chân ở phía trước ghế và ngang nhau.

2.5. Khi đi vệ sinh

  • Nên: Ngồi trên bệ xí cao để khớp háng không bị gấp quá 90 độ.
  • Không nên: Ngồi trên bệ xí thấp để khớp háng phải gấp hơn 90 độ

2.6. Khi muốn lấy vật gì đó dưới sàn nhà

  • Không nên cúi người xuống quá thấp để nhặt đồ vật dụng gì đó dưới sàn, hoặc cúi xuống để xỏ chân vào giày, dép hoặc đi tất.

2.7. Khi tắm

  • Nên: Tắm bằng vòi hoa sen, người bệnh ngồi trên ghế cao, có tay vịn để khi ngồi tắm khớp háng không bị gấp quá 90 độ.
  • Không nên: Tắm bằng bồn tắm, không nên cúi xuống để múc nước tắm, không được ngồi xổm để tắm.

2.8. Trong sinh hoạt hàng ngày

Nên:

  • Dùng các dụng cụ trợ giúp như ghế ngồi cao phù hợp để không gấp khớp háng quá 90 độ, các dụng cụ có cán dài giúp đi giày, lấy đồ vật,... để không phải cúi xuống quá nhiều.
  • Nên hạn chế lên xuống cầu thang. Khi lên cầu thang phải bước chân bên lành lên bậc thang đầu tiên rối bước chân mới thay khớp háng lên theo trên cùng một bậc, khi xuống cầu thang phải bước chân mới thay khớp háng xuống trước với nạng hoặc gậy sau đó bước chân lành xuống cùng bậc. Khi cần qùy gối thì quỳ bên gối mới mổ, không quỳ gối bên chân khỏe hơn.

Không nên:

  • Người mang khớp háng giả không được ngồi xổm để làm bất cứ việc gì.
  • Không chơi các môn thể thao như nhảy cao, nhảy xa, bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn, cầu lông,..., không mang vác vật nặng,...
  • Không cúi khom hoặc ngồi xổm.
  • Không bước lên bề mặt gồ ghề hoặc bậc cao mà khớp gối sẽ ở mức cao hơn khớp háng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

4.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan