Những việc cần làm khi khám giãn tĩnh mạch thừng tinh

Giãn tĩnh mạch thừng tinh là bệnh lý phổ biến ở nam giới, xảy ra ở tất cả các nhóm tuổi, đặc biệt là sau tuổi dậy thì. Đây là căn bệnh gây ra 15 – 25% trường hợp vô sinh nguyên phát và 75 – 81% trường hợp vô sinh thứ phát.

1. Giãn tĩnh mạch thừng tinh là gì?

Giãn tĩnh mạch thừng tinh là tình trạng giãn hệ thống tĩnh mạch tinh (gồm tĩnh mạch tinh trong, tĩnh mạch tinh bìu và tĩnh mạch tinh sau). Nguyên nhân gây ra tình trạng này là do vấn đề trên hệ thống van tĩnh mạch, khiến máu chảy ngược từ ổ bụng vào bìu (thay vì chảy một chiều từ tinh hoàn tới ổ bụng như bình thường), làm rối loạn môi trường phát triển của tinh trùng.

Tinh hoàn là nơi sản xuất tinh trùng. Tĩnh mạch tinh là nơi đem chất bài tiết và CO2 ra ngoài, đồng thời tản nhiệt cho tinh hoàn. Khi tĩnh mạch tinh bị giãn thì chất tiết, CO2 bị ứ đọng sẽ làm nhiệt độ tinh hoàn tăng lên, ảnh hưởng tới chức năng sản xuất tinh trùng. Người bị giãn tĩnh mạch thừng tinh có thể bị suy giảm số lượng và chất lượng tinh trùng, thậm chí không còn tinh trùng trong tinh dịch, gây vô sinh.

2. Những việc cần làm khi khám giãn tĩnh mạch thừng tinh

Ở giai đoạn sớm, giãn tĩnh mạch thừng tinh thường không có triệu chứng. Hầu hết các bệnh nhân tình cờ phát hiện bị bệnh khi đi khám sức khỏe sinh sản. Khi đi khám vô sinh, bệnh nhân sẽ được thăm khám lâm sàng, kết hợp với các xét nghiệm tinh dịch đồ, nội tiết tố sinh dục nam và siêu âm bìu để xác định xem nguyên nhân gây bất thường về số lượng, chất lượng, hình dạng tinh trùng,... có phải do giãn hệ thống tĩnh mạch tinh gây ra không. Sau khi được chẩn đoán giãn tĩnh mạch tinh, kết hợp với bất thường về tinh dịch đồ, bệnh nhân sẽ được tư vấn điều trị bệnh theo phương án tốt .

2.1 Chẩn đoán bệnh bằng thăm khám lâm sàng

Bác sĩ sẽ dựa trên triệu chứng mà bệnh nhân đang gặp phải (đau tinh hoàn, có cảm giác nặng ở vùng bìu), kết hợp với thăm khám lâm sàng: nhìn, sờ thấy các búi tĩnh mạch giãn ở bìu,... để chẩn đoán bệnh.

Khi khám lâm sàng cần cho bệnh nhân đứng thẳng, tạo điều kiện thư giãn cơ dartos vùng bìu để đánh giá chính xác hơn các tĩnh mạch tinh. Bác sĩ thăm khám cẩn thận vùng bìu, dùng ngón tay trỏ và ngón tay giữa kiểm tra thừng tinh. Trong những trường hợp điển hình, bác sĩ có thể dễ dàng nhìn thấy búi giãn tĩnh mạch ở phía trên và sau tinh hoàn.

Những việc cần làm khi khám giãn tĩnh mạch thừng tinh
Thăm khám lâm sàng chẩn đoán giãn tĩnh mạch thừng tinh

Để kiểm tra chính xác hơn, bác sĩ có thể cho bệnh nhân làm nghiệm pháp Valsalva (nghiệm pháp gắng sức). Phương pháp này thực hiện như sau: cho người bệnh thở sâu, giữ hơi thở và rặn trong khi bác sĩ kiểm tra vùng bìu ở phía trên tinh hoàn.

Trên lâm sàng, giãn tĩnh mạch thừng tinh được chia làm 5 mức độ:

  • Độ 0: không phát hiện được trên lâm sàng, chỉ chẩn đoán được trên siêu âm, chụp mạch máu hay các phương tiện chẩn đoán khác.
  • Độ 1: sờ thấy búi tĩnh mạch thừng tinh bị giãn khi làm nghiệm pháp Valsalva.
  • Độ 2: sờ thấy búi tĩnh mạch bị khi người bệnh ở tư thế đứng thẳng.
  • Độ 3: nhìn thấy búi tĩnh mạch giãn khi người bệnh ở tư thế đứng thẳng.
  • Độ 4: nhìn thấy búi tĩnh mạch giãn dưới da bìu cả khi người bệnh đứng hoặc nằm.

2.2 Chẩn đoán cận lâm sàng - siêu âm Doppler

Siêu âm Doppler mạch máu tinh hoàn là phương pháp giúp bác sĩ đánh giá chính xác mức độ giãn tĩnh mạch tinh. Bình thường, đường kính tĩnh mạch tinh không quá 2mm. Nếu khi siêu âm, có ít nhất một tĩnh mạch trong đám rối tĩnh mạch có đường kính trên 2mm và có hồi lưu phình to hơn khi bệnh nhân đứng dậy hoặc thực hiện nghiệm pháp Valsalva thì được xác định là giãn tĩnh mạch thừng tinh.

Những việc cần làm khi khám giãn tĩnh mạch thừng tinh
Siêu âm Doppler chẩn đoán giãn hệ thống tĩnh mạch tinh

Ngoài ra, phương pháp siêu âm và chụp cắt lớp vi tính ổ bụng cũng có thể được chỉ định cho bệnh nhân đã xác định giãn tĩnh mạch tinh. Việc này nhằm loại trừ các trường hợp bị giãn tĩnh mạch thừng tinh thứ phát do các khối u sau phúc mạc hoặc ở tiểu khung chèn ép. Xét nghiệm nội tiết tố sinh sản LH (luteinizing hormone), FSH (follicle stimulating hormone), testosterone cũng được áp dụng khi đã chẩn đoán giãn tĩnh mạch tinh để kiểm tra xem người bệnh có rối loạn về nội tiết hay không,...

Trên thăm khám siêu âm, giãn tĩnh mạch thừng tinh được chia làm 5 mức độ:

  • Độ 1: không giãn tĩnh mạch tinh trong bìu, có dòng trào ngược của đám rối tĩnh mạch tinh trong thừng tinh đoạn ống bẹn khi bệnh nhân làm nghiệm pháp Valsalva.
  • Độ 2: không giãn tĩnh mạch thừng tinh ở tư thế nằm. Khi bệnh nhân chuyển tư thế đứng, thực hiện nghiệm pháp Valsalva: có giãn tĩnh mạch và dòng trào ngược khu trú ở cực trên tinh hoàn.
  • Độ 3: không giãn tĩnh mạch tinh ở tư thế nằm. Khi bệnh nhân chuyển tư thế đứng và thực hiện nghiệm pháp Valsalva: có giãn tĩnh mạch và xuất hiện dòng trào ngược lan tỏa ở cả cực trên và cực dưới tinh hoàn.
  • Độ 4: giãn tĩnh mạch tinh, có dòng trào ngược khi làm nghiệm pháp Valsalva ở tư thế nằm.
  • Độ 5: giãn tĩnh mạch thừng tinh, có dòng trào ngược ngay cả khi không thực hiện nghiệm pháp Valsalva.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

13.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan