Xuất huyết não - màng sớm ở trẻ nhỏ

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Ân - Bác sĩ Nhi - Sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long. Bác sĩ là người rất tâm huyết với công tác chăm sóc sức khỏe cho trẻ em và có kinh nghiệm điều trị thành công nhiều ca bệnh xuất huyết não - màng sớm ở trẻ nhỏ.

Xuất huyết ở trẻ sơ sinh là một tình trạng nguy hiểm, thường gặp nhất là xuất huyết dưới da, xuất huyết não, màng não...Xuất huyết não đến mức độ nghiêm trọng dẫn đến chèn ép hoặc tổn thương mô não dẫn đến tỷ lệ tử vong cao, tỷ lệ để lại di chứng tới 40-50%.

1. Xuất huyết não ở trẻ sơ sinh là gì?

Xuất huyết não ở trẻ sơ sinh là một trong những chấn thương khi sinh, có mức độ từ nhẹ đến cực kỳ nghiêm trọng.

Nguyên nhân của xuất huyết não ở trẻ sơ sinh có thể là do ngạt khi sinh, vì thiếu oxy trong lúc chuyển dạ hoặc ngay sau chào đời, hoặc do các chấn thương khi sinh, chấn thương do lực cơ học quá mức tác động trên đầu của trẻ, có thể do rối loạn đông máu. Trong nhiều trường hợp, đây cũng có thể là biến chứng xuất phát từ những sơ suất y tế trong quá trình đỡ sinh. Ví dụ, các bác sĩ có thể sử dụng sai cách các công cụ như kẹp gắp và giác hút...

Cho dù là nguyên nhân nào, cần bắt buộc phải chẩn đoán xuất huyết não ở trẻ sơ sinh càng sớm càng tốt để trẻ được điều trị kịp thời và hạn chế di chứng nặng nề trong tương lai.

2. Các loại xuất huyết não ở trẻ sơ sinh là gì?

Có nhiều loại xuất huyết não ở trẻ sơ sinh khác nhau, bao gồm xuất huyết nội sọ (bên trong não) và xuất huyết ngoại sọ (bên ngoài não).

2.1. Xuất huyết nội sọ

2.1.1 Đột quỵ thể xuất huyết

Đột quỵ thể xuất huyết xảy ra khi mạch máu bị vỡ ra, gây chảy máu lan tràn trong nhu mô não. Điều này có thể khiến một nhóm tế bào não bị thiếu oxy và chất dinh dưỡng. Đột quỵ xuất huyết cũng có thể dẫn đến sự tích tụ áp lực, gây kích thích và sưng phù nhu mô não, cuối cùng gây tổn thương não ở trẻ sơ sinh.

2.2.2 Xuất huyết dưới nhện

Xuất huyết dưới nhện được đặc trưng bởi chảy máu từ các mạch máu trong khoang dưới nhện, là khu vực trong cùng của hai màng bao phủ nhu mô não.

2.2.3 Xuất huyết não thất

Xuất huyết não thất xảy ra khi có chảy máu vào hệ thống não thất trong nhu mô não, nơi vốn có chức năng sản xuất và dẫn lưu dịch não tủy. Đây là một loại chảy máu nội sọ rất nghiêm trọng và thường thấy ở trẻ sinh non và trẻ sơ sinh có cân nặng lúc sinh thấp. Cơ chế là do các mạch máu trong não của trẻ sinh non chưa phát triển đầy đủ và do đó sẽ yếu hơn so với trẻ đủ tháng. Không những vậy, tình trạng thiếu oxy và các chấn thương khi sinh cũng có thể góp phần gây xuất huyết não thất.

Xuất huyết não ở trẻ sơ sinh
Xuất huyết não thất thường xuyên xảy ra đối với trẻ sinh non

2.2.4 Xuất huyết dưới màng cứng và tụ máu dưới màng cứng

Xuất huyết dưới màng cứng xảy ra khi có một hoặc nhiều mạch máu trong không gian dưới màng cứng vỡ ra. Nguyên nhân gây vỡ các mạch máu tại vị trí này thường do các chấn thương, có thể bao gồm cả chấn thương trong lúc chuyển dạ.

2.2. Xuất huyết ngoại sọ

2.2.1 Tụ máu đầu

Một vết sưng trên da đầu, có thể kèm theo xuất huyết, trải dài theo viền miệng của máy hút đặt trên đầu trẻ.

2.2.2 U máu đầu

U máu đầu là một dạng xuất huyết não đặc trưng bởi sự chảy máu xảy ra giữa hộp sọ và lớp da đầu. Đây có thể là tình trạng nặng nề hơn của tụ máu đầu khi dùng giác hút hay đầu trẻ nằm quá lâu trong đường sinh dục dưới của mẹ trong khi chuyển dạ kéo dài. U máu đầu có thể tự biến mất, nhưng cần được theo dõi cẩn thận bởi các bác sĩ sơ sinh. Đôi khi em bé cần điều trị các biến chứng liên quan như thiếu máu và vàng da.

2.2.3 Tụ máu ngoài màng cứng

Tình trạng có sự hiện diện của máu tích tụ ở khu vực giữa lớp màng cứng và hộp sọ, nơi vốn chỉ có mô liên kết lỏng lẻo.

3. Yếu tố nguy cơ xuất huyết não ở trẻ sơ sinh như thế nào?

Các yếu tố nguy cơ thường gặp và nguyên nhân gây xuất huyết nội sọ ở trẻ bao gồm:

  • Thai to: Đây là một tình trạng mang thai trong đó thai nhi có kích thước lớn hơn mức độ trung bình đối với tuổi thai, có thể làm cho quá trình chuyển dạ sinh đường âm đạo trở nên nguy hiểm.
  • Bất cân xứng đầu chậu: Bất cân xứng đầu chậu cũng thuộc một trong những vấn đề tương tự như thai to. Bên cạnh đó còn có sự không phù hợp về kích thước giữa đầu thai nhi và khung xương chậu mẹ khi đầu to bất thường và/hoặc xương chậu nhỏ một cách bất thường.
  • Ngôi thai, phần trình diện của thai nhi bất thường, chẳng hạn như ngôi mông, ngôi mặt hoặc ngôi trán.
  • Chấn thương do chuyển dạ kéo dài.
  • Rối loạn về đông cầm máu, chẳng hạn như thiếu vitamin K hoặc bệnh máu khó đông bẩm sinh.
  • Bệnh não do thiếu oxy gây thiếu máu cục bộ: Bệnh não do thiếu oxy gây thiếu máu cục bộ là một chấn thương não sơ sinh nguy hiểm do giảm oxy và lưu lượng máu đến trẻ tại hoặc gần thời điểm sinh. Việc thiếu lưu lượng máu dẫn đến chết các tế bào hàng loạt và khiến các thành mạch máu bị phá vỡ, dẫn đến chảy máu ra khỏi lòng mạch.
  • Các can thiệp y tế trong quá trình chuyển dạ như kẹp gắp hay dùng máy hút
  • Rặn sinh không đúng giai đoạn: Kỹ thuật rặn sinh không đúng cách. Đồng thời, người đỡ sinh vặn hoặc kéo quá mức trên đầu trẻ sơ sinh...
Trường hợp ngôi thai bất thường cũng dẫn đến dễ vỡ ối non
Xuất huyết não ở trẻ sơ sinh có thể do sự bất thường của ngôi thai

4. Dấu hiệu và triệu chứng xuất huyết não ở trẻ sơ sinh có nguy hiểm không?

Các triệu chứng xuất huyết nội sọ ở trẻ sơ sinh sẽ thay đổi dựa trên loại và mức độ nghiêm trọng của bệnh lý. Trong đó, những dấu hiệu sau đây sẽ tương đối thường gặp.

  • Sốt
  • Bú kém hoặc bỏ bú
  • Khóc thét
  • Thóp phồng
  • Tri giác giảm sút, lừ đừ, ngủ gà
  • Động kinh
  • Có cơn ngưng thở kéo dài
  • Thở nông hoặc thở nhanh

5. Chẩn đoán xuất huyết não ở trẻ sơ sinh như thế nào?

Khi có các dấu hiệu xuất huyết não hay nghi ngờ khả năng này có thể xảy ra, nhất là trên các trẻ sơ sinh có nguy cơ cao, việc chẩn đoán xuất huyết não sẽ cần phải sử dụng các công cụ hình ảnh để xác nhận sự hiện diện của máu tự do trong hộp sọ. Các phương tiện phổ biến bao gồm:

5.1 Siêu âm Doppler xuyên sọ

Bằng cách sử dụng sóng âm thanh để đo lưu lượng, tốc độ dòng máu và sự cản âm của các cấu trúc, siêu âm Doppler xuyên sọ là một xét nghiệm không xâm lấn, cung cấp hình ảnh về lưu lượng máu tổng thể trong toàn bộ nhu mô não. Phương tiện này khá được ưa chuộng ở trẻ em nhờ vào các thóp sọ - đóng vai trò như các “cửa sổ” tự nhiên.

5.2 Chụp cộng hưởng từ hay chụp cắt lớp sọ não (MRI hay CT Scan)

Những phương tiện hình ảnh học này được thực hiện khá dễ dàng, cho thấy chi tiết các cấu trúc trong sọ não. Tuy nhiên, đây là tiềm ẩn nguy cơ phơi nhiễm tia X ở trẻ nhỏ.

5.3 Chụp động mạch có cản quang

Đây là một thủ thuật xâm lấn. Trong đó, bác sĩ sẽ luồn một ống mỏng, kích thước rất nhỏ được đưa vào các mạch máu dẫn máu trực tiếp đến não và sau đó bơm thuốc nhuộm tương phản vào. Hình ảnh mạch máu quan sát được sẽ hiện rõ lên nhờ độ tương phản của thuốc trong lòng mạch. Nếu thuốc thoát ra khỏi lòng mạch là bằng chứng rõ ràng cho chẩn đoán xuất huyết não. Tuy nhiên, phương tiện này không được ưu tiên sử dụng đầu tiên do có nguy cơ gây tổn thương khi thực hiện thủ thuật, đồng thời cũng có nguy cơ phơi nhiễm tia X và các tai biến khi dùng thuốc cản quang.

6. Các cách điều trị xuất huyết nội sọ ở trẻ sơ sinh?

Điều trị xuất huyết não ở trẻ sơ sinh phụ thuộc phần lớn vào kích thước của khối máu chảy, nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ cũng như đặc điểm về thể trạng hiện thời của trẻ.

Các lựa chọn điều trị có thể bao gồm điều trị nội khoa và điều trị ngoại khoa tùy theo nguyên nhân xuất huyết; phương pháp điều trị ngoại khoa: tiếp cận dưới da sửa chữa các mạch máu bất thường, bao gồm dùng ống thông, keo sinh học, bơm bóng chèn hoặc bít tắc, hay phẫu thuật mở sọ nếu khối máu lớn, có nguy cơ chèn ép. Từ đó, các kết quả cũng như di chứng lâu dài trong cuộc sống sau biến cố xuất huyết não ở trẻ sơ sinh sẽ phụ thuộc rất nhiều vào mức độ nghiêm trọng của khối xuất huyết và quyết định điều trị, theo dõi ngày hôm nay.

Tóm lại, hành trang một trẻ sơ sinh cần phải vượt qua để cất tiếng khóc chào đời luôn ẩn chứa những rủi ro chấn thương, có thể từ nhẹ đến nặng, tùy thuộc vào loại chấn thương và phần nào của cơ thể bé bị ảnh hưởng. Trong đó, xuất huyết não ở trẻ sơ sinh là một chấn thương khi sinh khá thường gặp vì nhiều lý do. Tuy nhiên, dù cho có là nguyên nhân nào, trẻ cũng luôn cần được điều trị ngay lập tức để đảm bảo kết quả tốt cũng như hạn chế di chứng về sau.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

12.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan