Thông tin về bệnh nhiễm khuẩn do não mô cầu và vắc-xin Metracna

Bài viết được viết bởi ThS.BS Nguyễn Thanh Hưng - Trưởng khoa Nhi - Sơ sinh, Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang

ThS.BS Huỳnh Bảo Toàn - Bác sĩ Nhi - Sơ sinh, Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang

Dược sĩ Khoa Dược - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang

1. Bệnh nhiễm khuẩn do não mô cầu gây nên bởi nguyên nhân gì?

Bệnh được gây nên bởi vi khuẩn có tên gọi Neisseria meningitidis. Vi khuẩn này có ít nhất 13 nhóm huyết thanh, bao gồm: A, B, C, D, X, Y, Z, W-135, E-29, H, I, K, L. Nhóm huyết thanh gây bệnh thường gặp ở Việt Nam là: A, B và C, trong đó nhóm huyết thanh A lưu hành nhiều nơi, có thể gây ra dịch lớn. Gần đây, có W-135 và Y.

2. Bệnh nhiễm khuẩn do não mô cầu có đường lây truyền ra sao?


Ổ chứa của vi khuẩn gây bệnh trong tự nhiên là người bệnh. Vì vậy, nguồn lây bệnh chủ yếu là người bệnh và người lành mang trùng. Phương thức lây truyền của bệnh là tiếp xúc trực tiếp qua đường hô hấp như ho, hắt hơi, hôn... với các giọt bắn của nước bọt từ người nhiễm sang người lành.

Viêm màng não do vi khuẩn não mô cầu
Vi khuẩn Neisseria meningitidis là nguyên nhân gây ra bệnh nhiễm khuẩn do não mô cầu

3. Mùa nào thì bệnh có nguy cơ bùng phát cao?

Bệnh xảy ra tản phát hoặc thành dịch, ở nước ta bệnh thường xảy ra vào mùa Đông – Xuân.

4. Thời gian ủ bệnh diễn ra trong bao lâu?

Thời gian ủ bệnh từ 2-10 ngày, trung bình là 3-4 ngày.

Bệnh có thể diễn tiến nặng lên nhanh chóng, gây ra hai bệnh cảnh nặng nề là nhiễm trùng huyếtviêm màng não. Bởi vậy, bệnh cần được chẩn đoán và điều trị sớm nhất có thể.

5. Tỷ lệ mắc bệnh ở Việt Nam có cao không?

Theo số liệu của Viện vệ sinh dịch tễ trung ương, tỷ lệ mắc bệnh ở nước ta là 2.3/100.000 dân, xếp thứ 6 trong 10 bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ chết cao nhất.

Thường gặp ở trẻ từ 6 tháng đến 1 tuổi.

6. Người mắc bệnh có thể có triệu chứng gì? Bệnh nghiêm trọng ra sao?

Bệnh có thể ở bệnh cảnh viêm họng do não mô cầu, hoặc các thể nặng hơn như viêm màng não, nhiễm trùng huyết với tỷ lệ tử vong cao từ 5-15%.

Những triệu chứng thường gặp của viêm màng não do não mô cầu: Sốt cao, đau đầu nhiều (trẻ nhũ nhi và trẻ nhỏ sẽ quấy khóc dữ dội), nôn và buồn nôn (trẻ kém ăn, bỏ bú, đừ), có thể xuất hiện cổ cứng hoặc thóp phồng (Khi bác sĩ thăm khám), co giật, hôn mê cũng có thể xảy ra.

Những triệu chứng thường gặp của nhiễm trùng huyết do não mô cầu: Có thể kèm theo viêm màng não hoặc không (30%) với sốt cao, rét run, nôn, tay chân lạnh, đau khớp – cơ, > 70% bệnh nhân xuất hiện các nốt màu đỏ hoặc tím đậm với kích thước 1-2mm đến vài cm, có dịch đục ở vùng trung tâm (Nốt tử ban). Nốt tử ban có xuất hiện nhiều ở quanh các khớp lớn như khuỷu, gối, cổ chân, có thể lan rộng thành mảng như bản đồ.

Nếu bệnh không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, có thể gây tử vong nhanh chóng trong vòng 24 giờ hoặc để lại những di chứng nặng nề.

đau đầu
Người nhiễm bệnh viêm màng não do não mô cầu thường xuất hiện triệu chứng đau đầu

7. Chúng ta phải làm gì để phòng bệnh?

Theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới và Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế, để phòng ngừa bệnh nhiễm khuẩn do não mô cầu ở trẻ em và người lớn, chúng ta cần:

+ Nâng cao nhận thức về bệnh, đặc biệt ở địa Phương có dịch lưu hành, cần phát hiện sớm và cách ly bệnh nhân và hợp tác với cán bộ y tế phòng dịch.

+ Giữ vệ sinh nơi ở, môi trường sống, nhà trẻ và lớp học thông thoáng, giữ đồ chơi của trẻ sạch sẽ.

+ Địa điểm ổ dịch cũ phải được giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nhiễm với các biểu hiện sốt, viêm hầu họng. Có thể xét nghiệm bệnh nhân cũ và người tiếp xúc nếu có điều kiện, để tìm người lành mang vi khuẩn.

+ Bệnh nhân cần điều trị triệt để, người tiếp xúc với bệnh nhân cần điều trị dự phòng theo phác đồ Bộ Y tế..

+ Khuyến cáo tiêm ngừa vắc - xin để phòng vi khuẩn với các typ A, B, C, Y và W-135.

8. Hiện nay, Việt Nam đã có đủ vắc-xin phòng bệnh nhiễm khuẩn do não mô cầu?

Như đã nêu trên, chúng ta có 13 typ huyết thanh gây bệnh. Tuýp gây bệnh nặng là A, B, C, Y và W-135. Các tuýp khác thường chỉ gây các triệu chứng hoặc bệnh cảnh nhẹ hơn.

Hiện tại trên thị trường Việt Nam tại các Trung tâm tiêm chủng của Vinmec, chúng ta có vắc-xin phòng ngừa viêm màng não mô cầu tuýp BCMengoc BCVắc-xin ngừa nhiễm khuẩn não mô cầu, viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết do não mô cầu týp A, C, Y, W-135 với tên gọi đầy đủ là Menactra do công ty Sanofi Pasteur sản xuất tại Mỹ.

Vacxin mengoc BC
Hình ảnh vắc-xin viêm màng não mô cầu tuýp BC – Mengoc BC

9. Ai có thể tiêm được vắc-xin Menactra?

Vắc-xin Menactra được chỉ định cho trẻ em từ 9 tháng đến người lớn 55 tuổi. Tại Vinmec, các khách hàng đến tiêm chủng đều được thực hiện khám sàng lọc và tư vấn từ các Bác sĩ chuyên khoa.

+ Trẻ từ 09 đến 24 tháng tuổi: Menactra được tiêm 02 liều cách nhau ít nhất 03 tháng.

+ Người 02-55 tuổi: Tiêm 01 liều.

10. Đã từng tiêm vắc-xin VA-Mengoc-BC có tiêm được vắc - xin Menactra không?

Được. Bệnh cảnh nặng do não mô cầu gây ra bởi các typ huyết thanh A, B, C, Y và W-135. Bởi vậy, nên tiêm cả 2 loại vắc-xin não mô cầu BC và Menactra. Quý khách hàng sẽ nhận tư vấn từ tổng đài hoặc chi tiết từ bác sĩ thăm khám.

Menactra
Hình ảnh vắc-xin Menactra

11. Phụ nữ có thai, cho con bú có tiêm được Menactra?

Hiện tại, khuyến cáo từ nhà sản xuất cho thấy chưa có dữ liệu để đánh giá đầy đủ.

12. Hiệu quả của vắc-xin Menactra như thế nào?

Vắc-xin Menactra được sản xuất bởi Sanofi Pasteur – Công ty sản xuất vaccine và chế phẩm sinh học hàng đầu thế giới, Menactra hiện lưu hành trên 50 quốc gia và vùng lãnh thổ. Menactra có tính sinh miễn dịch cao, có thể bảo vệ > 85% trẻ nhỏ chống lại 4 týp huyết thanh của vi khuẩn não mô cầu là A, C, Y, W-135.

Để tiêm ngừa vắc-xin Menactra cho trẻ và các thành viên trong gia đình, Quý khách hàng cần lựa chọn cơ sở tiêm chủng thực hiện quy trình tiêm chủng 4 bước gồm có:

  • Khám sàng lọc trước tiêm.
  • Thực hiện tiêm chủng.
  • Theo dõi phản ứng sau tiêm.
  • Nhân viên y tế kiểm tra sức khỏe sau tiêm chủng.
Khám nhi, khám trước tiêm phòng vacxin
Trẻ được bác sĩ chuyên khoa khám sàng lọc trước khi tiêm chủng

Bài viết tham khảo nguồn:

  1. Bệnh viêm màng não do não mô cầu, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế
  2. Meningococcal vaccination, CDC
  3. Meningococcal meningitis, WHO
  4. WHO recommendations for routine immunization, April 2019
Bài viết này được viết cho người đọc tại Hà Nội, Nha Trang.

178 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan