Tháng thứ 8 sau khi bé chào đời

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Mỹ Linh - Bác sĩ Nhi sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Trẻ 8 tháng tuổi rất, rất bận khám phá, tìm hiểu, tham gia vào các trò chơi và có các hành động tương tác phức tạp hơn, do đó cha mẹ sẽ mất nhiều công sức và thời gian coi sóc trẻ hơn so với trước đây.

1. Sự phát triển của trẻ 8 tháng tuổi

Khả năng giao tiếp của trẻ tăng lên từng ngày, trẻ 8 tháng tuổi có khả năng sử dụng âm thanh, cử chỉ và biểu cảm trên mặt để gây sự chú ý đối với người lớn và biểu lộ ý muốn của bản thân cho người lớn biết.

Trẻ kết hợp nguyên âm và phụ âm ngày càng tốt hơn, phát âm từ ngày càng tốt và rõ hơn. Cha mẹ luôn là người quan trọng nhất với trẻ, do đó không có gì ngạc nhiên nếu trẻ xuất hiện sự sợ hãi trước người lạ.

Tại sao trẻ lại không thân thiện với người lạ? Điều này rất bình thường, đó là dấu hiệu của sự trưởng thành, và sự e dè, xấu hổ này sẽ qua đi, do đó hãy để trẻ giữ khoảng cách và nguyên tắc của riêng trẻ trong giai đoạn này.

Một điểm đáng chú ý nữa ở thời điểm này là trẻ thường gắn chặt với một vật gì đó mang lại cảm giác thoải mái (như cái chăn chẳng hạn). Đây cũng là một yếu tố phát triển tự nhiên ở trẻ. Giờ trẻ đã có thể tự di chuyển, tự tách (hoặc bị tách) ra khỏi cha mẹ ở một số thời điểm nhất định, và đồ vật kia sẽ mang lại cho trẻ cảm giác ấm áp, an toàn như khi trẻ ở bên cha mẹ, do đó cha mẹ nên để trẻ được an tâm với thứ trẻ muốn.

2. Sự tăng trưởng của trẻ 8 tháng tuổi

Khi trẻ 8 tháng tuổi, cân nặng ở trẻ gái đạt khoảng 5,9 - 10,4 kg, và trẻ trai khoảng 6,4 - 11,3 kg. Chiều cao chung của trẻ đạt khoảng 63,5 - 76,2 cm.

Trong việc ăn uống, trẻ xuất hiện hành vi mới, đó là thay vì được cho ăn bằng thìa, trẻ thích được tự bốc ăn bằng tay hơn. Việc này có thể gây ra một đống lộn xộn và khiến cha mẹ bối rối, nhưng để trẻ tập tự bốc ăn là điều cần thiết. Quá trình này giúp trẻ hoàn thiện các kỹ năng cầm nắm, cũng như dần hình thành thói quen tự ăn.

Khi khả năng ăn của trẻ tăng lên, cha mẹ có thể mở rộng thực đơn cho trẻ, tuy nhiên thời điểm này nên cho trẻ ăn những thức ăn tương đối mềm như: Bánh mì ngũ cốc nguyên hạt, bánh gạo, ngũ cốc, phô mai, đậu nghiền, trứng nấu chín kỹ,... Tránh các loại nho chưa qua chế biến, đậu nguyên hạt (chưa được nghiền), rau quả cứng, miếng thịt quá lớn,...

3. Vấn đề sức khỏe với trẻ 8 tháng tuổi

Tháng thứ 8 sau khi bé chào đời
Tiêm vacxin cho trẻ

Vắc xin phòng cúm: Khá nhiều cha mẹ băn khoăn liệu trẻ có cần vắc xin phòng cúm hay không, thì câu trả lời là có. Biến chứng của cúm ở trẻ dưới 5 tuổi thường nghiêm trọng, do đó để bảo vệ sức khỏe cho trẻ, cha mẹ nên đưa đi tiêm phòng cúm. Lịch tiêm cụ thể cha mẹ cần tham vấn với bác sĩ. Cha mẹ cần lưu ý virus cúm mỗi năm lại biến đổi, do đó trẻ cần được tiêm phòng hàng năm.

Ngoài chế độ dinh dưỡng, trẻ 8 tháng cần 5mg kẽm nguyên tố/ngày để trẻ ăn ngon, đạt chiều cao và cân nặng đúng chuẩn và vượt chuẩn. Kẽm đóng vai trò tác động đến hầu hết các quá trình sinh học diễn ra trong cơ thể, đặc biệt là quá trình phân giải tổng hợp axit nucleic, protein... Các cơ quan trong cơ thể khi thiếu kẽm có thể dẫn đến một số bệnh lý như rối loạn thần kinh, dễ sinh cáu gắt,... Vì vậy cha mẹ cần tìm hiểu về Vai trò của kẽm và hướng dẫn bổ sung kẽm hợp lý cho bé.

Ngoài kẽm, cha mẹ cũng cần bổ sung cho trẻ các vitamin và khoáng chất quan trọng khác như lysine, crom, vitamin nhóm B,... giúp con ăn ngon, có hệ miễn dịch tốt, tăng cường đề kháng để ít ốm vặt.

Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.

Bài viết tham khảo nguồn: mayoclinic.org và whattoexpect.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan