Phát hiện sớm đau mắt đỏ ở trẻ sơ sinh

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKI Nguyễn Thị Bích Nhĩ - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang

Hiện tượng đau mắt đỏ hay viêm kết mạc là tình trạng viêm ở phần bên trong mí mắt, khiến các mạch máu trở nên rõ ràng và tạo nên màu hồng hoặc đỏ ở mắt. Trẻ sơ sinh bị đau mắt đỏ không phải là trường hợp hiếm gặp vì bệnh lý này phổ biến ở mọi độ tuổi. Lúc này, trẻ có thể cảm thấy ngứa trong mắt, đồng thời tiết dịch khá nhiều ở khóe mắt.

1. Nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh bị đau mắt đỏ

Đau mắt đỏ có thể bắt nguồn từ việc nhiễm trùng mắt hoặc tiếp xúc với hóa chất gây kích ứng. Thông thường, nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh bị đau mắt đỏ là do nhiễm virus, vi khuẩn hoặc do dị ứng tự nhiên.

Đau mắt đỏ ở trẻ sơ sinh có thể xuất hiện trong 1 ngày đến 2 tuần sau khi sinh. Bệnh khiến mắt trẻ bị đỏ, sưng mí. Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này như: tắc tuyến lệ, nhiễm vi rút, vi khuẩn truyền từ mẹ sang con khi vượt cạn... Cụ thể như sau:

1.1. Đau mắt đỏ do chlamydia

Đây là bệnh do vi khuẩn chlamydia trachomatis gây ra, có thể gây đau mắt đỏ và nhiễm trùng bộ phận sinh dục. Những thai phụ mắc bệnh này nếu không được điều trị có thể lây truyền cho trẻ trong khi sinh.

Các triệu chứng thường gặp của viêm kết mạc ở trẻ sơ sinh do chlamydia là đỏ mắt, sưng mí và chảy mủ. Các triệu chứng này có thể xuất hiện trong vòng 5 - 12 ngày sau khi sinh. Khoảng 50% trường hợp đau mắt đỏ ở trẻ sơ sinh do chlamydia cũng bị nhiễm trùng ở các bộ phận khác trên cơ thể như phổi và vòm họng.

1.2. Đau mắt đỏ do bệnh lậu mủ

Tương tự như đau mắt đỏ do chlamydia, đau mắt đỏ do lậu mủ cũng có thể lây từ mẹ sang con trong khi sinh. Bệnh sẽ khởi phát sau sinh từ 2 – 4 ngày với các triệu chứng như đỏ mắt, sưng mí và mủ dày ở mắt. Tình trạng đau mắt đỏ ở trẻ sơ sinh này có thể dẫn đến nhiễm trùng máu rất nghiêm trọng (nhiễm khuẩn huyết), nhiễm trùng niêm mạc não và tủy sống (viêm màng não).

1.3. Đau mắt đỏ do kích ứng với thuốc

Một số loại thuốc nhỏ mắt dành riêng cho trẻ sơ sinh để ngăn ngừa nhiễm trùng do vi khuẩn có thể gây ra kích ứng. Trong trường hợp này, mắt trẻ có thể đỏ nhẹ và hơi sưng.

1.4. Các nguyên nhân khác

Một số virus, vi khuẩn khác trong cơ thể người mẹ có thể gây đau mắt đỏ ở trẻ sơ sinh như những vi khuẩn sống trong âm đạo (dù không lây truyền qua đường tình dục), virus gây mụn rộp sinh dục...

Trẻ em
Một số virus, vi khuẩn khác trong cơ thể người mẹ có thể gây đau mắt đỏ ở trẻ sơ sinh

2. Các dấu hiệu đau mắt đỏ

Các dấu hiệu thường gặp của đau mắt đỏ ở trẻ sơ sinh như:

2.1 Mắt đỏ

Dấu hiệu đầu tiên của bệnh chính là phần lòng trắng của mắt chuyển sang màu đỏ hoặc màu hồng. Điều này xuất hiện là do tình trạng viêm của các mạch máu nhỏ trên bề mặt của mắt. Tình trạng mắt đỏ thường bắt đầu ở một mắt, nhưng sau đó lan truyền sang mắt kia trong vòng 24 đến 48 giờ. Bên trong của mí mắt cũng có màu đỏ bất thường, các cha mẹ có thể kiểm tra bằng cách kéo nhẹ mi mắt bên dưới xuống để quan sát.

2.2 Mắt có chất nhầy và chảy nước

Khi mắt bắt đầu bị đỏ, thì mắt cũng xuất hiện chất nhầy hay còn gọi là ghèn có màu vàng, trắng hoặc xanh. Chất nhầy bắt đầu đóng dày lên ở các góc của mắt, cuối cùng bao phủ toàn bộ bề mặt của mắt. Buổi sáng ngủ dậy trẻ sẽ rất khó mở mắt do chất nhầy tích tụ ở mắt.

2.3 Mắt sưng phù lên

Khi tình trạng viêm mí mắt do đau mắt đỏ trở nên nghiêm trọng, mí mắt và vùng xung quanh mắt sẽ bị sưng. Mắt sưng phù quá nặng khiến trẻ rất khó mở mắt.

2.4 Các triệu chứng giới hạn ở mắt

Đau mắt đỏ là tình trạng nhiễm trùng chỉ diễn ra ở mắt. Đau mắt đỏ không gây sốt, mệt mỏi, ăn uống kém hoặc bất kỳ triệu chứng tổng thể nào khác.

Cha mẹ cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ ngay nếu:

  • Mắt trẻ ngày càng đỏ và sưng hơn.
  • Gỉ mắt có màu vàng đậm hoặc màu xanh.
  • Bé quấy khóc liên tục và xuất hiện sốt cao.
  • Thấy có màng trong mắt của bé.
  • Sau 5 ngày, tình trạng đau mắt đỏ của trẻ vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

3. Cách chữa đau mắt đỏ hiệu quả cho trẻ sơ sinh

Nhỏ mắt cho trẻ
Một số tình trạng có thể dùng thuốc kháng sinh dạng thuốc nhỏ mắt hoặc thuốc mỡ tra mắt

Các bác sĩ có thể điều trị đau mắt đỏ sơ sinh do nhiễm trùng bởi vi khuẩn gây ra. Quá trình điều trị sẽ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của nhiễm trùng và nguyên nhân gây bệnh. Một số tình trạng nhẹ thuốc kháng sinh được sử dụng như thuốc nhỏ mắt hoặc thuốc mỡ tra mắt. Các kháng sinh khác được dùng qua đường uống hoặc tiêm tĩnh mạch.

Điều trị viêm kết mạc ở trẻ sơ sinh mức độ nặng có thể kết hợp thuốc nhỏ tại chỗ, thuốc kháng sinh đường uống, tiêm tĩnh mạch. Rửa mắt bị nhiễm trùng bằng dung dịch nước muối sẽ loại bỏ bớt gỉ mắt dạng mủ bị tích tụ, rửa loại bỏ bớt các tác nhân gây bệnh.

Viêm kết mạc do bị tắc tuyến lệ có thể được điều trị bằng cách massage nhẹ nhàng giữa mắt và vùng mũi. Nếu bệnh không hết sau 1 tuổi, trẻ có thể cần phải được can thiệp bằng các thủ thuật thông lệ đạo...

Điều trị đặc hiệu cho từng nhóm nguyên nhân đau mắt đỏ như sau:

  • Viêm kết mạc do Chlamydia

Thường sử dụng thuốc kháng sinh dạng uống để điều trị viêm kết mạc bao gồm erythromycin. Chỉ điều trị tại chỗ là không hiệu quả vì không loại bỏ được các vi khuẩn trong mũi hầu của trẻ sơ sinh và những vi khuẩn này có thể dẫn đến viêm phổi gây đe dọa tính mạng nếu không được điều trị đúng cách.

Tuy nhiên, hiệu quả điều trị của erythromycin toàn thân là khoảng 80% nên thường phải kết hợp với kháng sinh tại chỗ (thuốc mỡ erythromycin) như một biện pháp bổ sung.

  • Viêm kết mạc do lậu cầu

Thường kết hợp nhỏ thuốc, tra thuốc tích cực, tình trạng nặng cần cân nhắc dùng thuốc kháng sinh tiêm tĩnh mạch để điều trị viêm kết mạc do lậu cầu. Nếu không được điều trị, trẻ sơ sinh có thể phát triển loét giác mạc (vết loét mở ở giác mạc) và dễ dẫn đến mù lòa.

  • Viêm kết mạc do dị ứng thuốc

Vì loại viêm kết mạc này là do kích ứng thuốc nhỏ nên thường là ngưng nhỏ, đổi thuốc. Trẻ sơ sinh thường sẽ khỏe hơn từ 24 đến 36 giờ. Chăm sóc bằng các thuốc dưỡng để bảo vệ nhãn cầu.

  • Viêm kết mạc do vi khuẩn và virus khác

Dùng thuốc kháng sinh phù hợp dạng thuốc nhỏ hoặc thuốc mỡ để điều trị bệnh viêm kết mạc gây ra do vi khuẩn khác ngoài Chlamydia trachomatis và Neisseria gonorrhoeae. Kháng sinh tại chỗ có thể được xem xét nếu có nhiễm khuẩn thứ phát trong các trường hợp dị tật bẩm sinh.

Các viêm kết mạc do virus điều trị chủ yếu là hỗ trợ giảm kích ứng bằng thuốc chống viêm, đồng thời dùng các thuốc bôi trơn bảo vệ nhãn cầu, giảm bớt kích thích mắt.

Ngay khi nghi ngờ trẻ bị đau mắt đỏ, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám. Bác sĩ sẽ kiểm tra tình trạng mắt của trẻ và đưa ra cách điều trị tùy từng trường hợp cụ thể. Cha mẹ cũng cần rửa tay thường xuyên, nhất là trước và sau khi cha mẹ kiểm tra mắt của trẻ để tránh viêm nhiễm lây lan.

Đau mắt đỏ là bệnh khá dễ lây nên cha mẹ cần cẩn thận để những thành viên khác trong nhà không bị lây bệnh của trẻ. Khi trẻ bị đau mắt đỏ, cha mẹ nên cho trẻ ở nhà, không đến những nơi công cộng. Mẹ cũng cần thường xuyên giặt trải giường, khăn tắm và khăn lau mặt của trẻ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

112.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan