Nhiễm trùng huyết sơ sinh có nguy hiểm

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ nội trú, Bác sĩ Nguyễn Hùng Tiến - Bác sĩ Nội trú Nhi - Sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Nhiễm trùng huyết sơ sinh là một bệnh cảnh nhiễm trùng nặng nề xảy ra ở trẻ nhỏ dưới 28 ngày tuổi. Vì vi khuẩn có sự hiện diện trong máu, tình trạng này có thể ảnh hưởng đến bất kỳ hệ thống cơ quan nào trong cơ thể hoặc toàn bộ cơ thể, gây rối loạn chức năng và đôi khi nguy hiểm đến tính mạng.

1. Nhiễm trùng huyết sơ sinh là gì?

Nhiễm trùng huyết sơ sinh là một bệnh lý nhiễm trùng máu xảy ra ở trẻ nhỏ dưới 28 ngày tuổi.

Nhiễm trùng huyết sơ sinh được thành hai loại, giúp định hướng xác định nguyên nhân và tiếp cận điều trị, gồm có: (1) Nhiễm trùng huyết khởi phát sớm, xảy ra trong tuần đầu tiên của cuộc đời và (2) nhiễm trùng huyết khởi phát muộn, xảy ra khi bé được trên 1 tuần tuổi.

2. Các nguyên nhân gây nhiễm trùng huyết sơ sinh là gì?

Nhiễm trùng huyết sơ sinh có thể do vi khuẩn như Escherichia coli, Listeria và một số chủng liên cầu khuẩn gây ra. Trong đó, liên cầu khuẩn nhóm B là nguyên nhân chính gây ra nhiễm trùng sơ sinh. Tuy nhiên, vấn đề này đã trở nên ít phổ biến hơn khi phụ nữ được thăm khám sàng lọc tốt trong thai kỳ.

Nhiễm trùng sơ sinh thường là do tác nhân vi trùng xâm nhập trực tiếp vào cơ thể trẻ. Tuy nhiên, sự xâm nhập của vi trùng theo những con đường khác cũng có thể gián tiếp gây bệnh. Ví dụ, bé có thể bị nhiễm bệnh trước khi sinh nếu nước ối trong bào thai đã bị nhiễm trùng. Không chỉ thế, trong quá trình chuyển dạ sinh, trẻ sơ sinh cũng có thể bị nhiễm trùng do thủ thuật, thao tác đỡ sinh. Cuối cùng, sau khi sinh ra, em bé vẫn có thể bị nhiễm trùng trong quá trình chăm sóc tại bệnh viện hoặc ở nhà.

Bên cạnh đó, nếu trẻ có các yếu tố nguy cơ dưới đây sẽ làm tăng khả năng bị nhiễm trùng huyết:

Nhiễm trùng huyết khởi phát sớm:

  • Mẹ bị nhiễm liên cầu khuẩn nhóm B khi mang thai
  • Sinh non
  • Vỡ ối hơn 18 giờ trước khi sinh
  • Nhiễm trùng các mô nhau thai và nước ối (viêm màng đệm)

Nhiễm trùng huyết khởi phát muộn:

  • Có sử dụng các ống thông trong mạch máu để một thời gian dài
  • Nuôi dưỡng tại bệnh viện trong một thời gian dài.

3. Những biểu hiện của trẻ sơ sinh bị nhiễm trùng huyết như thế nào?

Trẻ sơ sinh bị nhiễm trùng huyết có thể có các triệu chứng sau:

  • Thay đổi nhiệt độ cơ thể
  • Rối loạn chức năng hô hấp như thở nhanh, thở chậm hay có cơn ngưng thở
  • Tiêu chảy hoặc giảm nhu động ruột
  • Hạ đường huyết
  • Giảm bú
  • Co giật
  • Nhịp tim chậm hoặc nhanh
  • Chướng bụng
  • Nôn ói
  • Lừ đừ hay li bì.
Trẻ sơ sinh nôn trớ
Trẻ nôn ói là một biểu hiện của bệnh nhiễm trùng huyết

4. Làm gì để chẩn đoán nhiễm trùng huyết ở trẻ sơ sinh?

Các triệu chứng nhiễm trùng huyết ở trẻ sơ sinh không đặc hiệu, đôi khi lại tương tự như một số bệnh lý khác. Lúc này, để chẩn đoán, trẻ sẽ cần phải thực hiện các xét nghiệm để xác định cũng như loại trừ các bệnh khác. Những xét nghiệm này có thể bao gồm:

  • Cấy máu: Điều này được thực hiện để làm bằng chứng có sự hiện diện và phát triển của vi khuẩn trong máu. Kết quả đôi khi sẽ cần mất đến vài ngày; theo đó, việc điều trị đã bắt đầu ngay lập tức, trước khi có kết quả cấy máu. Tuy nhiên, đây là cách chính xác nhất để chẩn đoán nhiễm trùng huyết.
  • X-quang và cấy đờm, để kiểm tra sự nhiễm trùng đến từ đường hô hấp.
  • Nuôi cấy nước tiểu: Tương tự như trên, điều này để kiểm tra khả năng có vi khuẩn trong hệ thống tiết niệu.
  • Chọc dò tủy sống: Điều này được thực hiện để kiểm tra nhiễm trùng từ não bộ và tủy sống (viêm màng não – tủy).
  • Nuôi cấy các loại bệnh phẩm khác, giúp tìm kiếm sự hiện diện của vi khuẩn ở những nơi khác, chẳng hạn như trong vết thương.
  • Các xét nghiệm thường quy khác như công thức máu, men gan, thận... để tầm soát sự tổn thương cũng như chức năng của các tạng trong cơ thể.

5. Cách điều trị nhiễm trùng huyết ở trẻ sơ sinh có gì đặc biệt?

Việc điều trị nhiễm trùng huyết sẽ phụ thuộc vào các triệu chứng, ngày tuổi và tình trạng sức khỏe nói chung của từng bé. Ngoài ra, điều trị cũng sẽ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng nhiễm khuẩn khi có tổn thương cơ quan.

Một trẻ sơ sinh bị nhiễm trùng huyết có thể có cơ thể rất ốm yếu. Lúc này, trẻ cần phải được theo dõi trong phòng chăm sóc đặc biệt dành cho trẻ sơ sinh. Ngoài việc dùng kháng sinh, bé còn sẽ được truyền dịch, các loại thuốc khác, oxy, nâng đỡ dinh dưỡng và giúp thở nếu cần.

Hầu hết các bé đều sẽ được dùng kháng sinh trong tối đa 3 tuần nếu tìm thấy vi khuẩn trong máu hoặc dịch tủy sống. Trái lại, việc điều trị sẽ ngắn hơn nếu không tìm thấy vi khuẩn.

6. Nhiễm trùng huyết sơ sinh có nguy hiểm không?

Phần lớn các trường hợp, nếu em bé bị nhiễm vi khuẩn sẽ hồi phục hoàn toàn và không có vấn đề nào khác. Tuy nhiên, trẻ phải được phát hiện và điều trị kịp thời không sẽ dẫn đến tử vong.

Nếu không được điều trị hay điều trị thất bại, trẻ có thể gặp các biến chứng do nhiễm trùng sơ sinh như di chứng tàn phế nếu ảnh hưởng thần kinh, rối loạn chức năng các cơ quan và thậm chí là tử vong.

Chính vì thế, cha mẹ cần lưu ý các dấu hiệu nghi ngờ nhiễm trùng huyết sơ sinh trên đây và đưa con đi khám càng sớm càng tốt.

Trẻ sốt cao co giật
Nhiễm trùng huyết ở trẻ sơ sinh cần được phát hiện kịp thời để điều trị sớm

7. Nhiễm trùng huyết sơ sinh có thể phòng ngừa được không?

Việc phòng tránh nhiễm trùng là dựa trên nền tảng giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Theo đó, cha mẹ và người chăm sóc cần áp dụng các biện pháp cơ bản tại chỗ để ngăn ngừa sự lây lan của nhiễm trùng, bao gồm

  • Rửa tay thường xuyên
  • Hạn chế đặt đường truyền trên cơ thể trẻ hay rút bỏ khi không còn chỉ định
  • Vô khuẩn tốt trong các thủ thuật xâm lấn vào cơ thể trẻ

Đối với phụ nữ còn trong giai đoạn mang thai, có thể cần dùng kháng sinh để phòng ngừa nhiễm trùng huyết sơ sinh nếu có:

  • Viêm màng não
  • Có nhiễm liên cầu trùng nhóm B
  • Từng có một con bị nhiễm trùng huyết do vi khuẩn

Khoa nhi tại hệ thống Y tế Vinmec với chức năng tiếp nhận, thăm khám và điều trị tích cực đối với các bệnh lý trẻ nhỏ hay mắc phải. Với thế mạnh trong khám - phát hiện - can thiệp sớm những trường hợp có nguy cơ cao về bất thường trong sự phát triển của trẻ.

Khách hàng có thể trực tiếp đến Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec trên toàn quốc để thăm khám hoặc liên hệ hotline tại đây để được hỗ trợ.

XEM THÊM:

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

9.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan