Nguyên nhân, triệu chứng viêm niệu đạo ở trẻ nhỏ

Viêm niệu đạo ở trẻ nhỏ là một bệnh lý thường gặp, nguyên nhân là do sự phát triển của vi khuẩn, ký sinh trùng hay virus trong bàng quang (nơi chứa nước tiểu) và ở thận (nơi lọc và tạo thành nước tiểu). Viêm niệu đạo trẻ em có thể không có triệu chứng hay chỉ khiến cho trẻ có cảm giác mệt mỏi hay có thể gây ra những biến chứng rất nặng.

1. Nguyên nhân gây bệnh viêm niệu đạo ở trẻ em

1.1. Nguyên nhân gây viêm niệu đạo trẻ em

Nguyên nhân gây ra viêm niệu đạo ở trẻ em là bởi các loại vi khuẩn, vi nấm, ký sinh trùng hoặc virus. Đứng đầu là vi khuẩn E.coli. Bên cạnh đó còn có các loại vi khuẩn khác như Klebsiella, Pseudomonas aeruginosa và Enterococci,... Các loại vi khuẩn này thường tồn tại trong phân người, trong môi trường sống (trong đất, bụi, nước và không khí, thực phẩm, rau, quả...) bằng cách nào đó chúng đến trú ngụ ở xung quanh hậu môn rồi vào đường niệu đạo gây nhiễm trùng dẫn đến bệnh viêm niệu đạo ở trẻ nhỏ.

Từ nguyên nhân gây bệnh cho thấy, môi trường sống bị ô nhiễm, vệ sinh chăm sóc trẻ không đúng cách có thể làm tăng nguy cơ bị viêm niệu đạo trẻ em. Một số tình trạng cụ thể dẫn đến viêm niệu đạo ở trẻ như không mặc quần hoặc mặc quần thủng, chơi lăn lê trên mặt đất, sử dụng bỉm không đúng cách (quên không thay bỉm, chọn bỉm loại không khô thoáng cho da bé...), bé không rửa tay sau khi đi vệ sinh, ... đều là những việc làm tạo điều kiện cho vi khuẩn trú ngụ, sinh sôi và gây bệnh.

1.2. Yếu tố nguy cơ làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh

  • Trẻ dưới 2 tuổi: do cơ chế miễn dịch chưa đầy đủ;
  • Trẻ có bất thường trong hệ tiết niệu (các bệnh lý đường tiết niệu làm cho nước tiểu của trẻ không được lưu thông tốt, gây ứ đọng nước tiểu);
  • Chít hẹp phần bao quy đầu;
Hẹp bao quy đầu
Hẹp bao quy đầu ở trẻ có thể làm tăng nguy cơ viêm niệu đạo
  • Dị dạng đường tiết niệu bẩm sinh;
  • Bàng quang thần kinh (bàng quang giãn to gây mất trương lực co bóp hay rối loạn trương lực co bóp không đẩy hết được nước tiểu ra ngoài sau mỗi lần đi tiểu);
  • Ứ nước bể thận do chít hẹp khúc nối bể thận niệu quản;
  • Sỏi bàng quang- niệu quản;
  • Trẻ mắc các bệnh gây suy giảm miễn dịch như: nhiễm virus cúm, nhiễm trùng da, nhiễm trùng đường hô hấp, ỉa chảy có mất nước nặng;
  • Sau các thủ thuật xâm lấn có đặt ống thông tiểu nhưng không đảm bảo vô khuẩn;
  • Tình trạng suy dinh dưỡng kéo dài;
  • Táo bón;
  • Điều kiện vệ sinh kém;
  • Thói quen nhịn đi tiểu và uống ít nước của lứa tuổi nhà trẻ.

2. Triệu chứng viêm niệu đạo ở trẻ em

Những triệu chứng viêm niệu đạo ở trẻ em trên 3 tuổi thường giống người lớn với những biểu hiện như sau:

  • Cảm giác đau khi đi tiểu;
  • Đi tiểu rắt, nhiều lần hơn bình thường;
  • Tiểu són ra quần;
  • Tiểu dầm vào ban đêm;
  • Cảm giác mệt mỏi, không khỏe trong người;
  • Mất cảm giác ngon miệng, biếng ăn;
  • Sốt cao;
sốt cao
Viêm niệu đạo gây tình trạng sốt cao ở trẻ em

  • Cảm giác đau tức vùng bụng dưới hay đau vùng hông lưng.

Những triệu chứng viêm niệu đạo ở trẻ nhỏ dưới 3 tuổi:

Trẻ nhỏ hay sơ sinh có triệu chứng bệnh rất thầm lặng và không điển hình. Các bé không thể kêu đau hay nêu lên sự khó chịu liên quan đến đường tiểu và bạn cũng khó theo dõi được việc trẻ đi tiểu lắt nhắt nhiều lần hơn bình thường (do trẻ thường được quấn tã và bình thường thì số lần đi tiểu của trẻ cũng đã rất nhiều).

Các bé thường biểu hiện qua các dấu hiệu gián tiếp như viêm niệu đạo gây sốt, bứt rứt, khó chịu, quấy khóc. Đối với trẻ càng nhỏ thì bệnh viêm niệu đạo trẻ nhỏ có thể biểu hiện càng nặng hơn do tình trạng nhiễm trùng huyết (vi trùng xâm nhập vào máu và lan nhanh khắp cơ thể).

3. Phòng bệnh viêm niệu đạo ở trẻ em

  • Để phòng tránh bệnh viêm niệu đạo trẻ nhỏ cho trẻ cha mẹ trẻ phải luôn quan tâm đến vấn đề vệ sinh và những sinh hoạt thường ngày của trẻ, không nên phó thác cho ông bà cũng như thầy cô giáo ở trường.
  • Với trẻ nhỏ cần lau khô và thay tã cho trẻ ngay sau khi đi vệ sinh đồng thời cần chủ động xem có cặn trắng ở bỉm không mỗi khi thay bỉm.
  • Quan sát trẻ đi tiểu nếu thấy phồng bao quy đầu hoặc tia tiểu nhỏ cần cho trẻ khám kịp thời vì có thể do dài hoặc hẹp bao quy đầu.
  • Phụ huynh cần hướng dẫn và tập cho trẻ thói quen trẻ đi vệ sinh đúng cách.
  • Cần cho trẻ uống đủ nước mỗi ngày, ăn uống đảm bảo vệ sinh với các loại thực phẩm rau củ quả để tăng lượng nước làm cho hệ bài tiết nước tiểu của trẻ được tốt hơn.
  • Khi phát hiện trẻ có các bất thường về giải phẫu hệ tiết niệu cần đến khám để phẫu thuật sớm trả lại chức năng sinh lý, chống viêm niệu đạo trẻ nhỏ do ứ trệ dòng chảy của nước tiểu.
Khám nhi Vinmec Times City
Khi trẻ xuất hiện triệu chứng viêm niệu đạo, cha mẹ cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được thăm khám

Khoa nhi tại hệ thống Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là địa chỉ tiếp nhận và thăm khám các bệnh lý mà trẻ sơ sinh cũng như trẻ nhỏ dễ mắc phải: Sốt virus, sốt vi khuẩn, viêm tai giữa, viêm phổi ở trẻ,.... Với trang thiết bị hiện đại, không gian vô trùng, giảm thiểu tối đa tác động cũng như nguy cơ lây lan bệnh. Cùng với đó là sự tận tâm từ các bác sĩ giàu kinh nghiệm chuyên môn với các bệnh nhi, giúp việc thăm khám không còn là nỗi trăn trở của các bậc cha mẹ.

Khách hàng có thể trực tiếp đến hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc để thăm khám hoặc liên hệ hotline tại đây để được hỗ trợ.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

4.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan