Làm thế nào khi bé bị khò khè, ho có đờm?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Lê Thanh Cẩm - Khoa Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Ho là triệu chứng của nhiều bệnh thuộc đường hô hấp. Ho kèm theo khó thở, đặc biệt khi thời tiết giao mùa dễ làm trẻ mệt mỏi. Để hồi phục sức khỏe và giảm nguy cơ xảy ra các biến chứng, trẻ cần được chăm sóc cẩn thận và đúng cách.

1. Ho có đờm là gì?

Ho là một phản xạ tự nhiên của cơ thể giúp đẩy chất nhầy, dịch đờm ra ngoài giúp thông thoáng đường thở. Cơn ho xảy ra đơn thuần khi bụi bẩn, chất gây ô nhiễm, chất gây dị ứng, khói thuốc xâm nhập vào cơ thể hoặc do tác nhân vi khuẩn, virus trong các bệnh đường hô hấp. Chính những nguyên nhân này gây tăng tiết chất nhầy, đờm, dịch ở niêm mạc đường hô hấp. Lúc này, cơn ho xuất hiện giúp đẩy các chất tiết ra ngoài.

Các tác nhân xâm nhập vào đường thở gây ra phản ứng viêm. Ở giai đoạn đầu, viêm diễn ra nhẹ, gần như không có triệu chứng. Càng về sau, quá trình xơ hóa và tái cơ cấu niêm mạc diễn ra làm cho niêm mạc đường thở bị tăng sinh, phì đại mất đi sự đàn hồi gây suy giảm chức năng hô hấp.

Viêm tiến triển được biểu hiện ra ngoài qua các cơn ho, kết hợp với các triệu chứng khác như tức ngực, khó thở, sốt cao. Niêm mạc bị kích thích liên tục làm cơn ho diễn ra giai dẳng khó dứt. Nếu cơn ho kéo dài sẽ gây ra các biến chứng khác nguy hiểm và khó khăn hơn trong việc điều trị bệnh.

2. Ho có đờm xuất hiện trong các bệnh lý nào?

Viêm họng ở trẻ em
Ho có đờm xuất hiện trong nhiều bệnh viêm đường hô hấp

2.1. Các bệnh viêm đường hô hấp trên

Các bệnh đường hô hấp trên gây ra các cơn ho bao gồm viêm họng, viêm mũi, viêm xoang, viêm thanh quản, viêm khí quản. Khi bị viêm, niêm mạc bị kích thích làm tăng tiết chất nhầy dễ gây tắc đường hô hấp, nhất là vào ban đêm. Các chất nhầy quá nhiều gây khó thở, nghẹt mũi. Lúc này, ho là hành động hữu hiệu nhất giúp tống các chất dịch tiết ra khỏi cơ thể, từ đó làm thông đường thở giúp trẻ hô hấp dễ dàng hơn.

2.2. Các bệnh viêm đường hô hấp dưới

  • Viêm phế quản cấp và mạn tính là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây ra các cơn ho có đờm. Đặc biệt là trong viêm phế quản mạn, bệnh gây ra các cơn ho kéo dài, tái phát nhiều lần. Đờm thường có màu trắng đục, về sau có màu vàng; có nhầy mủ trong các đợt viêm cấp. Đờm được khạc nhiều vào buổi sáng với lượng ít.
  • Bệnh viêm phổi: Viêm phổi gây ra các cơn ho có đờm, đờm có màu vàng, màu gỉ sét, kèm theo hội chứng nhiễm trùng, đau tức ngực ở vùng phổi bị viêm. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra biến chứng suy hô hấp, gây tử vong cho trẻ.

2.3. Các bệnh lý khác

  • Bệnh giãn phế quản: Giãn phế quản là hậu quả của viêm phế quản mạn tính không được điều trị dứt điểm. Bệnh gây ho kéo dài, đặc biệt vào ban đêm khi các chất xuất tiết sản xuất nhiều. Giãn phế quản không được điều trị kịp thời có thể gây ra áp xe phổi, mủ phế quản, mủ phổi, mủ màng phổi, xơ phổi, khí phế thũng.
  • Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính: COPD cũng gây ra các cơn ho có đờm kéo dài. Bệnh xảy ra ở những người hút thuốc hoặc làm việc trong môi trường độc hại lâu năm.
  • Bệnh hen suyễn: Bệnh gây triệu chứng khó thở kèm theo ho có nhiều đờm (do xuất tiết nhiều), khi khạc được đờm, cơn hen có thể giảm dần. Đờm có màu trắng và dính.
  • Khí phế thủng: Đa số trường hợp bệnh là biến chứng của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Khí phế thủng gây ho và có nhiều đờm kéo dài, bệnh tiến triển xấu đi nếu không điều trị đúng cách và kịp thời.
  • Bệnh lao phổi: Đa số bệnh lao phổi thường gây ho, khạc đờm màu trắng đục đôi khi lẫn máu đỏ tươi.

3. Các phương pháp giảm khò khè và ho có đờm cho trẻ nhỏ?

Trẻ bị ho
Khi thời tiết chuyển lạnh nên giữ ấm cho trẻ đặc biệt là vùng cổ, tránh để trẻ ho nặng hơn

Ngoài việc tuân thủ phác đồ điều trị, trẻ cần được chăm sóc đúng cách để giúp quá trình hồi phục sức khỏe diễn ra như mong đợi.

  • Các hoạt động sinh hoạt

Cơ thể cần được bảo vệ dưới sự thay đổi bất thường của thời tiết. Khi thời tiết chuyển lạnh nên giữ ấm cho trẻ đặc biệt là vùng cổ, tránh để trẻ ho nặng hơn. Phụ huynh không nên để trẻ chơi ngoài nắng quá lâu.

Phụ huynh nên chú ý đến vệ sinh ăn uống của trẻ, dặn trẻ phải rửa tay với xà phòng trước - sau khi ăn và sau khi tiếp xúc với chất bẩn. Giữ vệ sinh nhà ở sạch sẽ, thoáng mát nhằm giảm cơ hội phát triển của vi khuẩn.

Trẻ nên được nghỉ ngơi đầy đủ, hạ sốt và rửa mũi bằng nước muối sinh lý trong trường hợp các chất dịch tiết cản trở hô hấp làm trẻ khó thở.

  • Dinh dưỡng

Thời gian này trẻ thường biếng ăn và cần được chăm sóc đặc biệt. Trẻ rất cần ăn những món có nhiều nước, dễ tiêu nhưng cũng đầy đủ dưỡng chất như súp, cháo, sữa vì giúp làm loãng đờm, giảm kích thích ho nhiều. Tăng sức đề kháng cho cơ thể bằng các thực phẩm giàu sinh tố A, giàu chất kẽm và chất sắt như các loại thịt bò, gà, trứng, rau có màu xanh, đỏ. Cần hạn chế những món ăn chiên, xào. Không nên cho ăn cá khi trẻ đang ốm vì mùi tanh của cá dễ gây ói.

Trẻ ho nhiều có thể ói ra thức ăn vừa mới ăn xong, vì thế nên cho uống vài muỗng nước trước khi cho trẻ ăn. Nên chia nhỏ bữa ăn trong ngày để trẻ ăn uống được nhiều hơn. Vỗ rung nhằm giúp trẻ ho dễ dàng và hiệu quả hơn.

  • Một số thực phẩm giảm ho

Uống nước hoặc trà thảo dược: Người bị ho nên ưu tiên dùng nước trái cây hoặc trà thảo dược. Các loại nước uống này vừa giúp bổ sung dưỡng chất và vitamin cho cơ thể, vừa có công dụng kháng viêm, giảm ho.

Mật ong: Mật ong có vị ngọt, dễ uống đối với trẻ. Thành phần có trong mật ong giúp làm dịu cảm giác đau rát sau cơn ho, kháng viêm, sát khuẩn cổ họng rất tốt.

Nước chanh muối: Chanh muối cũng là nguyên liệu phổ biến trong nhiều bài thuốc chữa ho theo dân gian. Nước chanh muối có thể làm dứt cơn ho, tiêu đờm và bảo vệ cổ họng, phổi tốt hơn.

Lưu ý trong việc chữa ho, khò khè cho bé là không nên tự ý cho bé dùng thuốc khi chưa được sự cho phép của bác sĩ. Điều này có thể khiến cho tình trạng của trẻ trở nên nghiêm trọng hơn. Trong trường hợp trẻ bị ho lâu ngày không khỏi thì cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế uy tín để khám. Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec với đội ngũ bác sĩ Nhi và trang thiết bị hiện đại, là địa chỉ được nhiều bậc cha mẹ tin tưởng trong việc điều trị các bệnh cho trẻ, điển hình như ho có đờm, ho khò khè, sốt cao, viêm phổi,....

Ngoài ra, cha mẹ cũng nên bổ sung thêm một số thực phẩm hỗ trợ có chứa thành phần Lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B,... giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất và đồng thời hỗ trợ hệ miễn dịch, tăng cường sức đề kháng, giảm nguy cơ mắc các bệnh viêm đường hô hấp trên, viêm phế quản, cảm cúm, sổ mũi,... Lysine rất cần thiết đối với sự phát triển của trẻ, Lysine thúc đẩy sản xuất men tiêu hóa để kích thích trẻ ăn ngon hơn và tiêu hóa dễ dàng, hiệu quả, gia tăng chuyển hóa thức ăn, hấp thụ tối đa chất dinh dưỡng từ thực phẩm. Tăng cường Lysine cho bé giúp cơ thể tạo kháng thể, phát triển sức đề kháng giúp làm giảm ho, loãng đờm ở trẻ.

Cha mẹ có thể tìm hiểu thêm: Vì sao cần bổ sung Lysine cho bé?

Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

26.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan