Dùng Corticosteroid dạng hít điều trị hen phế quản ở trẻ

Hen phế quản là bệnh hô hấp mạn tính rất phổ biến ở trẻ em, thường được điều trị và kiểm soát bằng thuốc corticosteroid đường hít. Tuy nhiên, loại thuốc này vừa mang đến hiệu quả, vừa gây ra một số bất lợi cho bệnh nhi.

1. Điều trị hen phế quản ở trẻ em

Hen phế quản ở trẻ em (suyễn) là một bệnh viêm mạn tính của đường thở, khiến bộ phận này trở nên rất nhạy cảm với tác nhân kích thích. Đường thở, chủ yếu là phế quản, của bệnh nhi dễ bị phù nề, co thắt và chứa đầy chất nhầy dẫn đến tắc nghẽn. Đây là nguyên nhân gây ra các triệu chứng ho tái đi tái lại, ho về đêm, có cảm giác nặng ngực, khò khè, khó thở khi thay đổi thời tiết hay gắng sức,...

Nếu việc chẩn đoán hen phế quản ở trẻ em bị chậm trễ, trẻ thường xuyên bị lên cơn phải nhập viện, thậm chí có thể tử vong. Do đó, khi phát hiện các dấu hiệu nghi ngờ mắc hen, cha mẹ cần đưa bé đến khám chuyên khoa hô hấp để được chẩn đoán và điều trị hen phế quản ở trẻ phù hợp.

Corticosteroid dạng hít là lựa chọn trong điều trị và kiểm soát tình trạng hen phế quản ở trẻ em mọi lứa tuổi. Bên cạnh đó, dạng khí dung (phun sương) qua mũi cũng thường hay được sử dụng. Đa số bệnh nhi mắc hen phế quản bắt đầu dùng corticosteroid hít trong trường hợp:

  • Bệnh còn nhẹ;
  • Đã dùng thuốc giãn phế quản hít salbutamol hoặc terbutalin nhưng không đáp ứng.
Hen phế quản
Hen phế quản ở trẻ em

Khi tình trạng hen tiến triển nặng, bệnh nhân buộc phải lệ thuộc vào corticosteroid uống. Ngoài ra, người bệnh cần kết hợp corticosteroid với các nhóm thuốc khác nếu không kiểm soát được hen phế quản, ngay cả khi:

  • Đã dùng Corticosteroid dạng hít liều trung bình: Sử dụng thêm thuốc nhóm chủ vận beta 2 tác dụng kéo dài;
  • Đã dùng Corticosteroid dạng hít liều cao: Sử dụng thêm thuốc nhóm kháng Leukotriene.

2. Lợi ích của Corticosteroid dạng hít

2.1. Có hiệu quả chữa hen phế quản ở trẻ em

Nhìn chung, dùng Corticosteroid dạng hít kéo dài, đặc biệt là với liều thấp, sẽ khá an toàn. Thuốc giúp làm giảm số lần lên cơn hen nặng hoặc không còn lên cơn hen.

2.2. Ngăn ngừa tác dụng phụ của thuốc uống

Theo các chuyên gia, Corticosteroid dạng hít - phun sẽ giúp ngăn ngừa cơ bản sự xuất hiện của những tác dụng phụ. Ưu điểm của thuốc dạng hít - phun so với dạng uống - tiêm cụ thể là:

  • Corticosteroid toàn thân (dạng uống hoặc tiêm tĩnh mạch): Dùng liều khá cao, thuốc đi vào máu rồi mới đến niêm mạc đường thở, do đó tác động lên toàn bộ cơ thể;
  • Corticosteroid dạng hít: Tác động trực tiếp lên phổi (khoảng 10 - 50%), do vậy sẽ có nồng độ cao nhất ở niêm mạc đường hô hấp. Phần còn lại (80 - 50%) được nuốt vào dạ dày và bất hoạt ở gan, nồng độ thuốc vào máu rất thấp nên sẽ gây ra ít tác dụng phụ hơn.

2.3. Giảm tổng liều thuốc điều trị hen phế quản ở trẻ

Các số liệu thống kê cho thấy, tổng liều Corticosteroid dạng hít dùng cho điều trị dự phòng trong 1 năm ít hơn nhiều (tối đa chỉ bằng 1/4) so với tổng liều thuốc cần cho điều trị một đợt hen cấp tính (kéo dài khoảng 10 ngày).

Bảng so sánh tổng liều thuốc corticosteroid phải dùng để điều trị cơn hen cấp dạng uống / tiêm (10 ngày) so với điều trị dự phòng dạng hít (1 năm)

Bảng so sánh trên chưa kể đến trường hợp trong vòng 1 năm, trẻ có thể bị nhiều đợt hen cấp. Nếu điều này xảy ra, tổng liều thuốc corticosteroid dạng uống hoặc tiêm mà bệnh nhân phải sử dụng sẽ còn nhiều hơn nữa.

3. Tác dụng phụ khi dùng Corticosteroid dạng hít kéo dài

Bên cạnh những lợi ích đã nêu, dùng Corticosteroid dạng hít trong điều trị hen phế quản ở trẻ vẫn có một số nguy cơ tiềm tàng. Những tác dụng phụ có thể xảy ra khi sử dụng loại thuốc này cho trẻ mà phụ huynh cần đề phòng là:

  • Nấm hoặc tưa miệng: Dùng Corticosteroid dạng hít lâu dài có thể gây bội nhiễm nấm Candida ở mũi và miệng của trẻ;
  • Nguy cơ tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể: Trường hợp này chỉ xảy ra khi trẻ làm dây corticosteroid hít vào mắt;
  • Khàn giọng: Dùng corticosteroid hít liều cao có thể gây khàn giọng;
  • Ho hoặc khò khè: Xảy ra sau khi hít thuốc do phản ứng của phế quản;
  • Ngộ độc toàn thân: Khi sử dụng corticosteroid hít kéo dài kèm theo corticosteroid uống, lúc đầu bé có thể bị cường vỏ thượng thận, sau đó ngừng thuốc đột ngột sẽ dẫn đến suy thượng thận cấp;
  • Giảm chiều cao của trẻ: Khi dùng với liều thấp và vừa, các thuốc Corticosteroid dạng hít có thể ảnh hưởng nhẹ đến quá trình tăng trưởng, cụ thể là giảm 1cm chiều cao của trẻ trong năm đầu điều trị. Tuy nhiên sau đó chiều cao sẽ không bị ảnh hưởng nữa;
  • Những tác dụng phụ khác: Thuốc có thể gây đau đầu, viêm họng, kích ứng mũi, hắt hơi, buồn nôn, nôn, chảy máu cam, phát ban, ngứa, sưng mặt, thậm chí là sốc phản vệ nhưng hiếm gặp.
Cha mẹ nên làm gì khi trẻ bị cảm lạnh nôn nhiều?
Trẻ có thể gặp tình trạng nôn hoặc buồn nôn

4. Biện pháp ngăn ngừa tác dụng phụ

  • Súc miệng sau khi dùng thuốc

Việc súc miệng sau khi dùng corticosteroid dạng phun - hít giúp loại bỏ gần hết thuốc thừa đọng lại ở miệng và họng bệnh nhân. Người bệnh cần ngậm nước sạch, ngửa cổ và nhẹ nhàng súc miệng, họng rồi nhổ phần nước này ra ngoài. Lặp lại 2 lần để giúp loại bỏ hoàn toàn corticosteroid thừa, giảm nguy cơ bị nấm, tưa miệng hoặc khàn giọng.

  • Dùng thuốc qua buồng đệm

Để phòng ngừa và khắc phục các tác dụng phụ của thuốc, nên cho trẻ hít thuốc chậm qua buồng đệm.

  • Chế độ dinh dưỡng

Khi điều trị hen phế quản ở trẻ bằng thuốc Corticosteroid dạng hít, phụ huynh cần tăng cường dùng thực phẩm giàu kali cho bé, ví dụ như ăn nhiều cam, chuối, nho,... đồng thời bổ sung canxi hàng ngày.

Tiêm phòng vắc-xin Lao tại Vinmec
Tiêm phòng vắc-xin phòng bệnh

  • Tiêm vắc-xin phòng cúm

Vắc-xin phòng cúm nên được tiến hành hàng năm, giúp tránh nhiễm bệnh và từ đó làm giảm đáng kể tần suất cơn hen phế quản / suyễn.

  • Dùng đúng liều theo chỉ định

Nếu trẻ bị khàn giọng, nên tham khảo ý kiến bác sĩ để hạ liều thuốc tạm thời. Việc dùng corticoid hít điều trị hen phế quản ở trẻ cần được theo dõi bởi bác sĩ chuyên khoa, đặc biệt thận trọng khi phối hợp với corticosteroid uống để tránh gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng. Thông thường chỉ nên phối hợp Corticosteroid dạng hít với uống liều vừa đủ, đợt ngắn trong trường hợp cần thiết.

Ngoài ra, trẻ đang điều trị bằng thuốc Corticosteroid dạng hít cũng cần được theo dõi chiều cao đều đặn.

Nhìn chung, để điều trị hen phế quản ở trẻ thành công, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa bác sĩ, bệnh nhi và gia đình. Corticosteroid dạng hít có tác dụng làm giảm hoặc hết hẳn cơn hen suyễn, khá an toàn, đồng thời giảm được tổng liều thuốc so với corticosteroid uống. Tuy nhiên thuốc cũng có nguy cơ gây ra một số tác dụng phụ mà phụ huynh cần nắm được cách phòng tránh. Nếu các triệu chứng không mong muốn đi kèm kéo dài dai dẳng và nặng nề thì nên ngừng thuốc và báo ngay cho bác sĩ.

Khám nhi
Khám và điều trị bệnh lý trẻ em tại Vinmec

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những bệnh viện không những đảm bảo chất lượng chuyên môn với đội ngũ y bác sĩ, hệ thống trang thiết bị công nghệ hiện đại mà còn nổi bật với dịch vụ khám, tư vấn và chữa bệnh toàn diện, chuyên nghiệp; không gian khám chữa bệnh văn minh, lịch sự, an toàn và tiệt trùng tối đa.

Khách hàng có thể trực tiếp đến hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc để thăm khám hoặc liên hệ hotline tại đây để được hỗ trợ.

XEM THÊM:

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

19.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan