Đặc điểm bên ngoài trẻ sơ sinh đủ tháng: Cách nhận biết

Nhận biết đặc điểm bên ngoài trẻ sơ sinh đủ tháng sẽ giúp cha mẹ có thêm kiến thức để chăm sóc trẻ ngay sau khi sinh và khi xuất viện về nhà. Vậy đặc điểm bên ngoài trẻ sơ sinh đủ tháng như thế nào?

1. Đặc điểm bên ngoài trẻ sơ sinh đủ tháng

Trẻ sơ sinh đủ tháng được định nghĩa là trẻ có tuổi thai 9 tháng 10 ngày trong tử cung của người mẹ, tính theo tuần tuổi thai là nằm trong khoảng 38 - 42 tuần, trung bình là 40 tuần, tính theo ngày tuổi thai là khoảng 278 ngày - 280 ngày (được tính từ ngày đầu chu kỳ kinh cuối của người mẹ).

Đặc điểm bên ngoài trẻ sơ sinh đủ tháng được thể hiện qua các tiêu chuẩn về chiều dài, cân nặng, các chỉ số chu vi vòng đầu, vòng ngực cũng như đặc điểm hình thể bên ngoài và trương lực cơ.

1.1 Chiều dài, cân nặng và các chỉ số

  • Chiều dài: >45cm, trung bình là 50cm.
  • Cân nặng: trung bình >2500g, bé gái từ 2900-3000g, bé trai từ 3000-3100g.
  • Vòng đầu: 32 - 35cm, vòng ngực 33 - 34cm.
  • Thóp trước: 2,5 - 3cm.
  • Các chi: chi dưới và chi trên gần bằng nhau và tương đương 1/3 chiều dài cơ thể.
trẻ sơ sinh béo phì
Dựa vào cân nặng tiêu chuẩn để bác sĩ xác định trẻ sinh đủ tháng

1.2 Hình thể bên ngoài

Đặc điểm bên ngoài trẻ sơ sinh về mặt hình thể như sau:

  • Da: Mềm mại và hồng hào, có ít lông tơ, dưới da lớp mỡ đã phát triển, lòng bàn chân có nhiều nếp nhăn.
  • Tóc, móng: Tóc mềm và dài, móng các chi dài và trùm lên các ngón.
  • Trán: Vầng trán nở rộng
  • Tai: Sụn vành tai đã cứng, vành tai có độ cong tròn đều.
  • Núm vú: Núm vú có sắc tố và nổi cộm lên khoảng 2mm.
  • Bộ phận sinh dục: Ở bé trai, tinh hoàn phát triển và nằm trong túi bìu, bề mặt bìu có nhiều nếp nhăn. Ở bé gái, môi lớn đã phát triển và che kín cả âm hộ, môi nhỏ.

1.3 Trương lực cơ

Đặc điểm bên ngoài trẻ sơ sinh về trương lực cơ như sau:

  • Trẻ co nhiều hơn duỗi, khi nằm các chi gấp lại, đùi và cẳng chân tạo thành góc 90 độ.
  • Khi kéo duỗi cẳng tay của trẻ và buông ra thì trẻ co lại.
  • Khi đưa bàn chân trẻ tiếp xúc với bề mặt cứng thì chân trẻ có phản xạ đẩy.
Đặc điểm bên ngoài trẻ sơ sinh đủ tháng
Đặc điểm bên ngoài trẻ sơ sinh đủ tháng

2. Đặc điểm trẻ sơ sinh đủ tháng

Về các chức năng sinh lý, đặc điểm trẻ sơ sinh đủ tháng như sau:

  • Hô hấp: Nhịp thở của trẻ từ 40 - 60 lần/phút, đôi khi thở không đều hoặc ngừng thở ngắn, tuy nhiên tình trạng này sẽ biến mất sau khi sinh 1 - 2 giờ. Sau đó, trẻ ổn định nhịp thở 40- 45 lần/phút.
  • Tuần hoàn và tim mạch: Nhịp tim của trẻ thường nhanh, dao động trong khoảng 140 - 160 lần/phút, sau đó ổn định, phụ thuộc nhịp thở. Điện tim của trẻ thường to với tỉ lệ tim ngực hơi lệch về bên phải.
  • Huyết học: Sau khi sinh, số lượng hồng cầu, bạch cầu và Hematocrit thường cao nhưng sau đó giảm dần theo tuổi.
  • Thần kinh: Trẻ thường trong tình trạng hưng phấn và dễ bị kích thích. Vỏ não có ít nếp nhăn nhưng số lượng tế bào não nhiều.
  • Cân bằng điện giải: Đặc điểm trẻ sơ sinh đủ tháng là thận to hơn và giữ các chất điện giải. Vì vậy, nồng độ kali và natri trong máu dễ tăng lên. Sau khi sinh 3 ngày, thận bắt đầu thải nước tiểu tốt.
  • Chuyển hóa: Khi trẻ còn trong tử cung người mẹ, gan có nhiệm vụ tạo máu. Sau khi trẻ được sinh ra, gan dần dần phát triển và chuyển đổi thành chức năng chuyển hóa. Chức năng này tiếp tục được hoàn thiện.
Nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh chậm tăng cân do nhiễm trùng sau sinh
Trẻ sinh đủ tháng dễ bị kích động và trong trạng thái hưng phấn

Về các giác quan, đặc điểm trẻ sơ sinh đủ tháng như sau:

  • Xúc giác: Xúc giác của trẻ phát triển tốt, tuy nhiên tuyến mồ hôi chưa hoạt động.
  • Thính giác: Thính giác của trẻ phát triển tốt, khi có tiếng động có thể khiến trẻ giật mình.
  • Khứu giác: Khứu giác của trẻ phát triển tương đối tối, khi có mùi hắc trẻ có thể hắt hơi. Khứu giác tiếp tục phát triển và trẻ sẽ dần phân biệt được mùi của mẹ.
  • Vị giác: Vị giác của trẻ phát triển, trẻ có thể phân biệt được vị ngọt.
  • Thị giác: Thị giác của trẻ chưa phát triển, trẻ khóc nhưng chưa có nước mắt do tuyến nước mắt chưa phát triển.

3. Chăm sóc trẻ sơ sinh đủ tháng

Chăm sóc trẻ sơ sinh đủ tháng bao gồm chăm sóc trẻ ngay sau khi được sinh ra và chăm sóc hằng ngày tại bệnh viện cũng như sau khi về nhà.

3.1 Chăm sóc trẻ sơ sinh đủ tháng sau khi sinh

  • Ngay sau khi sinh, trẻ cần được vệ sinh để giúp đường mũi họng thông thoáng.
  • Dùng khăn khô và ấm lau toàn thân trẻ.
  • Cắt rốn cho trẻ bằng dụng cụ (đã được hấp trong 120 độ C và trong thời gian 30 phút). Lưu ý, không bôi thuốc vào rốn của trẻ, băng rốn cho trẻ bằng băng vô khuẩn.
  • Đánh giá tình trạng sức khỏe của trẻ bằng bảng Apgar.
  • Kiểm tra toàn thân của trẻ để tìm dị tật bẩm sinh nếu có.
  • Ủ ấm trẻ và đặt trẻ nằm nghiêng một bên.
Trẻ sơ sinh buồn ngủ
Ba mẹ nên chú ý ủ ấm cho trẻ sơ sinh

3.2 Chăm sóc trẻ sơ sinh đủ tháng mỗi ngày như thế nào?

  • Cho trẻ bú ngay khi có thể và càng sớm càng tốt. Trễ nhất là 1 giờ sau khi sinh. Tần suất cho trẻ bú từ 6 – 12 lần/ngày và tùy thuộc vào nhu cầu của trẻ.
  • Quan sát đặc điểm bên ngoài trẻ sơ sinh: Quan sát màu sắc của da để kịp thời phát hiện hiện tượng vàng da (có thể là vàng da sơ sinh hoặc vàng da bệnh lý), hoặc tím tái và những bất thường khác (như nốt phỏng, ...).
  • Theo dõi hô hấp, tim mạch và thân nhiệt: Theo dõi nhịp thở của trẻ có đạt 40 - 60 lần/phút, nhịp tim 120 lần/phút, thân nhiệt 36 - 37 độ C, tần suất đi tiêu trong ngày, đặc điểm phân, sờ bụng thấy chướng hoặc mềm.
  • Chăm sóc rốn: Khi trẻ chưa rụng rốn, cần chăm sóc và thay băng mỗi ngày, tránh để rốn bị ướt. Trường hợp phát hiện rốn ướt hoặc có mủ, trẻ cần được bác sĩ kiểm tra sớm.
Trẻ sơ sinh rụng rốn nhưng chưa khô
Việc chăm sóc rốn cho trẻ sơ sinh rất quan trọng

  • Chăm sóc da: Chăm sóc trẻ sơ sinh đủ tháng cần lưu ý không nên lau sạch chất gây (chất có màu trắng trên da trẻ sau khi sinh vì có tác dụng bảo vệ và giữ nhiệt). Dùng khăn mềm và sạch thấm chất gây ở các vùng có nếp gấp như cổ, nách, bẹn. 2 ngày sau khi sinh, nhân viên y tá hoặc mẹ có thể sử dụng khăn ướt và ấm để lau trẻ. Những ngày tiếp theo, trẻ sơ sinh đã có thể được tắm bằng nước ấm và lau lần lượt từ nửa người trên đến nửa người dưới. Lau khô và quấn ủ ấm cho trẻ từ trên xuống dưới. Đặc biệt, sau khi tắm cho trẻ sơ sinh cần đặt trẻ nằm nghiêng một bên để tránh trào ngược dạ dày vào phổi.
  • Chăm sóc không gian sống của trẻ: Chăm sóc trẻ sơ sinh đủ tháng cần lưu ý phòng thông thoáng, sạch sẽ, có ánh sáng, tránh gió lùa, nhiệt độ phòng trong khoảng 28 - 30 độ C. Kiểm tra trẻ thường xuyên, tránh để trẻ bị ướt.

Đặc điểm bên ngoài trẻ sơ sinh đủ tháng thể hiện qua các tiêu chuẩn như cân nặng, chiều dài và hình thể, giúp đánh giá tổng trạng sức khỏe và sự phát triển của trẻ.

Hướng dẫn cách mặc áo cho trẻ sơ sinh - Cùng mẹ chăm sóc bé đúng cách

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

11.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan