Chữa bệnh viêm dạ dày HP dương tính cho trẻ

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ Trần Mai Phương - Khoa Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Do điều kiện sống, khả năng tầm soát vi khuẩn Hp còn hạn chế nên tỷ lệ người mắc viêm dạ dày Hp dương tính ngày càng cao, đặc biệt là ở trẻ em. Trong khi đó việc tầm soát bệnh ở trẻ lại khó hơn so với người lớn.

1. Viêm dạ dày HP dương tính là gì?

Hp là vi khuẩn có tên Helicobacter pylori gây ra là tình trạng viêm dạ dày. Nhiễm khuẩn Hp tương đối phổ biến và ở các nước Đông Nam Á, tỷ lệ nhiễm Hp trung bình khoảng 55-60%. Tỷ lệ trẻ em mắc viêm dạ dày Hp dương tính tương đối cao, đặc biệt là trẻ trong giai đoạn ăn dặm và đi nhà trẻ (khoảng từ 2 đến 6 tuổi).

2. Vì sao trẻ mắc bệnh viêm dạ dày HP dương tính?

Hp lây nhiễm từ người sang người (qua đường miệng-miệng, phân-miệng, dạ dày-miệng). Vì sao trẻ mắc bệnh viêm dạ dày Hp dương tính dễ dàng hơn so với người lớn? Trẻ em là đối tượng dễ bị nhiễm vi khuẩn do chưa biết vệ sinh trong ăn uống, kèm theo thói quen ăn uống chung với người lớn cũng làm cho nguy cơ bị lây nhiễm từ người lớn cao hơn.

Hp
Vi khuẩn HP gây viêm dạ dày ở trẻ và người lớn

3. Các triệu chứng của nhiễm HP là gì?

Khi nào nên điều trị viêm dạ dày Hp dương tính cho trẻ? Hầu hết những người bị nhiễm Hp không có triệu chứng kể cả người lớn và trẻ em. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, người nhiễm Hp có những biểu hiện do viêm loét dạ dày gây ra như:

  • Đau hoặc khó chịu ở bụng trên;
  • Đầy bụng khó tiêu;
  • Chán ăn, sụt cân;
  • Buồn nôn hoặc nôn;
  • Đại tiện phân màu đen;
  • Chóng mặt, mệt do thiếu máu.

4. Chẩn đoán viêm dạ dày HP dương tính

Hiện nay các xét nghiệm phổ biến dùng để chẩn đoán viêm dạ dày Hp dương tính bao gồm:

  • Xét nghiệm xâm lấn: Bao gồm các can thiệp nội soi dạ dày để làm sinh thiết – mô học, urease test, cấy, PCR, FISH
  • Xét nghiệm không xâm lấn: Bao gồm các xét nghiệm phân, hơi thở, máu, nước tiểu, nước bọt.

Trước khi thực hiện xét nghiệm Hp, trẻ nên được ngưng kháng sinh ít nhất 4 tuần, ngưng thuốc ức chế tiết acid dạ dày ít nhất 2 tuần.

Nếu trẻ được nôi soi dạ dày tá tràng, tiêu chuẩn chẩn đoán nhiễm Hp như sau:

  • Kết quả cấy dương tính với Hp, hoặc
  • Có bằng chứng về mô học nhiễm Hp trên mẫu sinh thiết kèm với 1 xét nghiệm dương tính trong số các xét nghiệm sau: urease test, PCR, FISH.
  • Nếu mô học phù hợp với nhiễm Hp nhưng các xét nghiệm kể trên không thực hiện được thì có thể sử dụng các xét nghiệm không xâm lấn để hỗ trợ chẩn đoán.

Đối với trẻ không nội soi dạ dày tá tràng: xét nghiệm hơi thở hoặc tìm kháng nguyên trong phân cung cấp bằng chứng vi khuẩn Hp đang hoạt động. Những xét nghiệm này dùng để chẩn đoán nhiễm Hp ở trẻ xuất huyết giảm tiểu cầu mạn hoặc trẻ có cha mẹ bị ung thư dạ dày. Ngoài ra 2 xét nghiệm này còn giúp theo dõi diến tiến sau điều trị tiệt trừ Hp.

Trẻ đau bụng
Trẻ bị đau dạ dày cần được đến bệnh viện trong thời gian sớm để được chẩn đoán bệnh

5. Những trẻ nào cần được tầm soát HP

  • Trẻ bị loét dạ dày tá tràng hoặc bị MALT lymphoma;
  • Trẻ sinh ra trong gia đình có cha mẹ bị ung thư dạ dày;
  • Trẻ bị thiếu máu do thiếu sắt kháng trị;
  • Trẻ bị xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch mạn;

6. Điều trị khi bị nhiễm HP

Phác đồ điều trị viêm dạ dày Hp dương tính là phác đồ kết hợp ít nhất 2 loại thuốc kháng sinh và thuốc kháng hoặc ức chế axit dạ dày. Liệu trình kéo dài ít nhất 02 tuần hoặc có thể lâu hơn tùy vào từng trường hợp.

Việc điều trị nhiễm khuẩn Hp ở trẻ tương đối khó khăn vì các nguyên nhân:

  • Trẻ khó tuân thủ điều trị: Vì khi áp dụng các phác đồ tiệt trừ Hp, bệnh nhân có thể gặp những tác dụng phụ như đắng miệng, buồn nôn, rối loạn tiêu hóa... dẫn đến phụ huynh và trẻ khó có thể duy trì điều trị, trong khi các phác đồ này cần điều trị trong một khoảng thời gian dài.
  • Tỷ lệ trẻ tái nhiễm Hp ở trẻ khá cao: Theo nghiên cứu, tỷ lệ tái nhiễm HP có thể lên đến hơn 50% sau 12 tháng ở những trẻ 3-4 tuổi đã được điều trị thành công.
  • Vi khuẩn Hp kháng kháng sinh: sẽ làm suy giảm hiệu quả của thuốc điều trị. Do đó, việc điều trị cần có sự tư vấn và chỉ định từ bác sĩ và cam kết tuân thủ điều trị của bệnh nhân.
Trẻ uống thuốc, thuốc trẻ nhỏ,
Trẻ cần tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ

7. Chỉ định điều trị HP ở trẻ

Trẻ em thuộc các nhóm sau cần phải được chỉ định điều trị HP:

  • Trẻ bị loét dạ dày tá tràng hoặc MALT lymphoma được xác định bằng nội soi và có kết quả xét nghiệm nhiễm Hp.
  • Trẻ xuất huyết giảm tiểu cầu mạn hoặc thiếu máu thiếu sắt kháng trị có xét nghiệm dương tính với Hp.
  • Trẻ viêm dạ dày, có kết quả xét nghiệm dương tính với Hp kèm theo ba hoặc mẹ bị ung thư dạ dày;
  • Đối với trẻ có triệu chứng lâm sàng của các bệnh lý dạ dày tá tràng, dù có kết quả xét nghiệm Hp cũng cần thiết được làm nội soi tiêu hóa trước khi quyết định điều trị. Lưu ý xét nghiệm máu không dùng để chẩn đoán và điều trị HP.

8. Phòng ngừa nhiễm HP

Hp là loại vi khuẩn dễ lây lan, ngoài việc có mặt ở niêm mạc dạ dày, vi khuẩn Hp còn tồn tại trong nước bọt, mảng bám trên răng và khoang miệng của người bệnh. Vi khuẩn Hp có thể lây truyền từ người sang người bằng việc dùng chung bát đũa, ăn uống chung.

Trẻ em là đối tượng có nguy cơ cao nhiễm vi khuẩn Hp do mẹ thường có thói quen mớm thức ăn cho con, thói quen ăn uống chung ở trường lớp có thể sẽ mang vi khuẩn Hp vào cơ thể trẻ.

Ngoài ra, vi khuẩn Hp còn tồn tại trong phân người bệnh nên có thể lây truyền qua tay (nếu sau khi đi vệ sinh không rửa tay sạch sẽ), hoặc lây truyền qua vật trung gian như chuột, gián, ruồi... nếu chúng tiếp xúc với nguồn bệnh sau đó lại bám vào thức ăn.

Bên cạnh đó, vi khuẩn Hp ở dạ dày có thể lây nhiễm trong quá trình thực hiện thao tác nội soi dạ dày tại các cơ sở y tế nếu các dụng cụ nội soi không được vệ sinh sạch sẽ.

Rửa tay
Trẻ nên rửa tay sạch sẽ trước khi ăn

Hiện nay chưa có vaccin phòng ngừa Hp. Để hạn chế việc lây nhiễm Hp, gia đình cần chú ý:

  • Vệ sinh tay sạch sẽ;
  • Đảm bảo thực hiện thói quen vệ sinh trong ăn uống;
  • Tránh dùng chung dụng cụ ăn uống như gắp chung tô canh, gắp thức ăn cho nhau, chấm chung chén gia vị, uống chung ly nước, mớm thức ăn cho trẻ ...,
  • Tránh dùng chung các dụng cụ vệ sinh cá nhân như bàn chải đánh răng;
  • Người lớn nhiễm Hp nên tránh nêm nếm, đút thức ăn cho trẻ.

9. Khi nào cần đưa trẻ khám bác sĩ?

Bố, mẹ cần thường xuyên theo dõi con, đặc biệt khi thấy ở trẻ xuất hiện các triệu chứng sau thì cần đưa trẻ đến cơ sở y tế thăm khám.

  • Đau bụng nhiều
  • Ói ra máu
  • Đi tiêu ra máu, hoặc tiêu phân đen sệt
  • Trẻ có cơn đau ở vùng bên dưới xương sườn, đau giảm sau ăn.

Mặc dù một trong những dấu hiệu của bệnh viêm dạ dày Hp dương tính là trẻ bị đau bụng. Tuy nhiên, không phải cơn đau dạ dày nào cũng đều do vi khuẩn Hp gây ra. Đối với trẻ bị nhiễm Hp, để tránh tình trạng kháng kháng sinh, phụ huynh không nên tự ý mua kháng sinh cho trẻ uống, quá trình điều trị cần phải có chỉ định từ bác sĩ.

Khám nhi Vinmec Times City
Cha mẹ nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời

Vi khuẩn Hp có nhiều loại, nếu đã chữa khỏi một lần, khả năng tái nhiễm vẫn xảy ra khi mắc loại vi khuẩn khác. Người lớn cần đưa trẻ đi kiểm tra sức khỏe định kỳ, chỉ xét nghiệm và điều trị Hp khi có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

42.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan