Các nguyên nhân khiến trẻ đái dầm

Đái dầm là tình trạng tiểu tiện không tự chủ khi đang ngủ, chủ yếu xuất hiện ở trẻ em. Đái dầm ở trẻ được chia thành 2 loại là nguyên phát và thứ phát. Có rất nhiều yếu tố khiến trẻ đái dầm ban đêm, tuy nhiên hầu hết không phải là do bệnh lý nghiêm trọng.

1. Đái dầm tiên phát di truyền

Một trong 2 nhóm đái dầm ở trẻ chính và phổ biến nhất là đái dầm tiên phát (nguyên phát), khi trẻ tiểu dầm liên tục trong 6 tháng và chưa từng có thời gian nào giữ khô được cả đêm. Theo các nghiên cứu, đái dầm nguyên phát thường mang tính di truyền. Cụ thể, tỷ lệ trẻ có nguy cơ bị đái dầm như sau:

  • Nếu bố và mẹ đã từng đái dầm khi còn nhỏ: 77%;
  • Nếu chỉ có bố hoặc mẹ từng đái dầm: 44%;
  • Nếu cả bố và mẹ đều không từng đái dầm: 15%.

Đối với đái dầm tiên phát do di truyền, đa phần tất cả trường hợp những đứa bé khác trong gia đình dòng họ đều đã và đang gặp phải tình trạng này. Nhìn chung, đái dầm tiên phát ở trẻ dưới 5 tuổi không phải điều đáng lo lắng vì lúc này trẻ vẫn đang trong quá trình hoàn thiện chức năng kiểm soát tiểu tiện.

2. Giảm dung tích bàng quang

Bàng quang nhỏ là một trong những lý do chính khiến trẻ em thường dễ tè dầm nhiều hơn so với người lớn. Ở những trẻ đái dầm, dung tích bàng quang cũng sẽ thấp hơn các bạn đồng trang lứa với những biểu hiện cụ thể như sau:

  • Ban ngày: Trẻ có bàng quang nhỏ thường đi tiểu thường xuyên hơn, đôi khi phải nhanh chóng chạy vào nhà vệ sinh để “giải quyết nhu cầu” kịp thời;
  • Ban đêm: Khả năng giữ nước tiểu trong bàng quang cả đêm khi ngủ của trẻ cũng kém hơn.

Tuy nhiên có trường hợp khi gây mê để kiểm tra, các bác sĩ phát hiện những bé có các dấu hiệu như trên lại có bàng quang với kích thước hoàn toàn bình thường. Điều này chứng tỏ bàng quang của trẻ không nhỏ về mặt giải phẫu, tuy nhiên cơ thể lại bị kích thích phản xạ mắc tiểu trước khi bàng quang đầy thực sự. Đối với những trường hợp như vậy thuật ngữ y học gọi là giảm dung tích chức năng.

Đái dầm nhiều có nguy hiểm không?
Bàng quang nhỏ là một trong những lý do chính khiến trẻ em thường dễ tè dầm nhiều hơn so với người lớn

3. Tăng sản xuất nước tiểu về đêm

Hormone vasopressin được não sản xuất vào ban đêm có vai trò tăng tái hấp thu nước vào dòng máu, từ đó giảm lượng nước tiểu bài tiết ở thận. Cơ chế giảm sản xuất nước tiểu về đêm giúp con người có thể ngủ tới sáng mà không phải bị gián đoạn do cảm giác mắc tiểu. Một số nghiên cứu trong lĩnh vực này đưa ra giả thuyết rằng không sản xuất đủ hormone vasopressin là nguyên nhân khiến trẻ đái dầm ban đêm.

Đa phần trẻ em 3 - 5 tuổi sẽ giữ được khô ráo cả đêm khi não có kỹ năng gửi tín hiệu ra lệnh cho bàng quang chứa thêm nước tiểu, hoặc não đánh thức trẻ dậy đi tiểu khi bàng quang đã quá đầy. Do đó các bác sĩ nhi khoa cho rằng chỉ cần điều trị đái dầm ở trẻ từ 6 tuổi trở lên và quá trình này đòi hỏi sự thông cảm của bố mẹ cũng như sự hợp tác từ phía bệnh nhi.

4. Không thể tỉnh giấc

Trước đây có quan niệm cho rằng trẻ đái dầm là do chìm vào giấc ngủ sâu hoặc do trẻ lười biếng, chưa có ý thức trưởng thành. Tuy nhiên, các nghiên cứu hiện nay phát hiện thấy trẻ đái dầm ban đêm trong tất cả các giai đoạn của giấc ngủ. Một số trẻ không đáp ứng được với các phản ứng từ bên trong cơ thể khi đang ngủ, cụ thể trẻ đái dầm là do không có khả năng tỉnh giấc lúc bàng quang đạt dung tích tối đa và phát ra tín hiệu cần bài tiết.

Chính vì vậy, bố mẹ cần thấu hiểu cho trẻ và không làm ầm ĩ mỗi khi trẻ đái dầm ban ngày hay là ban đêm để tránh không khí căng thẳng trong gia đình, lâu dần có thể làm mất đi sự tự tin và ảnh hưởng lớn quá trình phát triển tâm lý của trẻ. Người lớn nên chủ động tìm mọi cách giúp đỡ trẻ sao cho khoa học, phù hợp với từng lứa tuổi để có hiệu quả cao nhất, thay vì những biện pháp tiêu cực như chê cười, trách phạt.

5. Táo bón

Táo bón ở trẻ
Táo bón cũng là một trong những nguyên nhân gây đái dầm ở trẻ nhưng thường bị bỏ sót

Táo bón cũng là một trong những nguyên nhân gây đái dầm ở trẻ nhưng thường bị bỏ sót do hầu hết phụ huynh ít quan tâm tới việc đi ngoài của con khi bé đã biết tự ngồi bô.

Táo bón khiến trực tràng đầy phân, gây chèn ép và làm giảm dung tích bàng quang. Do bàng quang bị tăng áp lực nên gây “hiểu nhầm”, đồng thời gửi tín hiệu thần kinh tới não thông báo túi chứa nước tiểu đã đầy. Cải thiện tình trạng táo bón ở trẻ có thể giúp giảm bớt hoặc thậm chí là chữa khỏi chứng đái dầm.

6. Yếu tố tâm lý thứ phát

Đái dầm thứ phát là khi trẻ chưa từng tiểu dầm hoặc đã hoàn toàn khô ráo về đêm trong 6 tháng, tuy nhiên sau đó lại xuất hiện đái dầm. Đối với dạng này, những điều khác thường xảy ra trong cuộc đời của trẻ có thể là nguyên nhân, chẳng hạn như:

  • Căng thẳng tâm lý đáng kể: Ví dụ cha mẹ ly dị, chuyển nhà, chuyển trường, mất người thân...;
  • Vấn đề về thể chất: Bệnh nhiễm trùng tiết niệu hoặc tiểu đường;
  • Thay đổi tình huống: Điều chỉnh chế độ ăn uống hay thói quen đi ngủ.

Đái dầm thứ phát thường khỏi hẳn khi rắc rối tâm lý được giải quyết ổn định. Do đó, bước đầu tiên để giúp đỡ trẻ là tìm ra vấn đề hoặc biến cố đang làm ảnh hưởng đến trẻ.

Đối với trẻ đã lớn, phụ huynh tuyệt đối không trêu chọc, la mắng hoặc dọa nạt khi thấy trẻ đái dầm. Thay vào đó là nên trấn an và giáo dục trẻ, khuyến khích trẻ đi tiểu trước giờ ngủ và không cho uống quá nhiều nước vào ban đêm. Ngoài ra, bố mẹ cũng có thể tìm hiểu các loại thực phẩm góp phần khắc phục chứng đái dầm để bổ sung vào thực đơn cho trẻ, vì ở độ tuổi này thì không cần thiết điều trị bằng thuốc.

7. Lạm dụng tình dục

Lạm dụng tình dục có thể là một yếu tố gây đái dầm ở trẻ khiến nhiều phụ huynh bất ngờ. Nếu trước đây trẻ có khả năng ngủ khô ráo cả đêm, nhưng hiện tại lại hay tè dầm thì bố mẹ ít nhất phải nghĩ tới nguyên nhân này. Ngoài thay đổi thái độ và cách cư xử, trẻ bị lạm dụng tình dục cũng có các biểu hiện như:

  • Nhiễm trùng tiết niệu mạn tính;
  • Bộ phận sinh dục ra nhiều chất tiết;
  • Ngứa hoặc đau vùng kín.

8. Các tình trạng bệnh lý

Nguyên nhân khiến trẻ đái dầm ban ngày hoặc về đêm xuất phát từ những tình trạng bệnh lý rất hiếm, chiếm chưa đến 3% tổng các trường hợp, và chủ yếu thuộc loại đái dầm thứ phát. Tương tự như chứng tiểu đêm ở người lớn, trẻ bị đái dầm có thể là triệu chứng của:

  • Ngừng thở khi ngủ;
  • Thiếu hồng cầu hình liềm;
  • Bệnh đường tiết niệu;
  • Tiểu đường;
  • Rối loạn thần kinh.

Phụ huynh cần đưa bé đến cơ sở y tế để thăm khám tỉ mỉ và làm một số xét nghiệm nước tiểu để có thể chẩn đoán được nguyên nhân, cũng như tìm ra cách chữa trị hiệu quả.

Mặc dù đôi khi các trường hợp đái dầm ở trẻ nặng có thể gây nhiễm trùng tiểu hoặc viêm da, tuy nhiên tình trạng này chủ yếu ảnh hưởng đến tâm lý và sự phát triển tinh thần tự nhiên của trẻ nhiều hơn là tổn hại đến sức khỏe thể chất. Một số nguyên nhân phổ biến khiến trẻ đái dầm ban ngày lẫn ban đêm là do bàng quang nhỏ, ngưng thở khi ngủ, táo bón và mất cân bằng hormone... Bố mẹ nên cùng trẻ tìm biện pháp giải quyết vấn đề này một cách khoa học nhất, tránh phạt và quở mắng trẻ.

Nếu không thể cải thiện chứng đái dầm ở trẻ bằng các phương pháp khắc phục tại nhà, cha mẹ nên đưa trẻ đến Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để được chẩn đoán xác định nguyên nhân và can thiệp điều trị. Các bác sĩ chuyên khoa tiết niệu hàng đầu tại Vinmec sẽ thực hiện các phương pháp thăm khám cần thiết tìm ra nguyên nhân gây hội chứng tiểu đêm và đưa ra các tư vấn điều trị hiệu quả nhất, giúp trẻ sớm trở lại nếp sinh hoạt bình thường.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan