Người bị vô kinh có thể có thai không?

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Trương Nghĩa Bình - Bác sĩ Chuyên khoa sản - Khoa Sản Phụ Khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Kinh nguyệt là hiện tượng sinh lý bình thường của người phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Tuy nhiên có một số phụ nữ không thấy kinh nguyệt xuất hiện hay còn gọi là vô kinh, đây có thể là nguyên nhân gây ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản sau này, vậy vô kinh liệu có thể mang thai được không?

1. Vô kinh là gì?

Vô kinh là tình trạng không xuất hiện kinh nguyệt liên tục một thời gian hoặc vĩnh viễn do rối loạn chức năng vùng dưới đồi, tuyến yên, buồng trứng , tử cung hoặc âm đạo. Vô kinh được chia thành 2 loại:

  • Vô kinh nguyên phát: là trường hợp đã quá tuổi đáng lẽ phải có kinh mà vẫn không có
  • Vô kinh thứ phát: là người phụ nữ đã từng có kinh từ một lần trở lên nhưng lại không có trong 3 chu kỳ liên tục (có thể là trên dưới 3 tháng) trở lên.
Vô kinh
Vô kinh là tình trạng không xuất hiện kinh nguyệt liên tục một thời gian hoặc vĩnh viễn

Ngoài ra, vô kinh còn được chia ra 2 loại:

  • Vô kinh giả khi người phụ nữ vẫn có kinh hàng tháng nhưng máu kinh không chảy được ra ngoài (để biết là có xuất hiện kinh) mà lại đọng ở bên trong do khuyết tật ở bộ máy sinh dục như không có âm đạo, màng trinh bị bịt kín.
  • Vô kinh thật là trường hợp bộ máy sinh dục của người phụ nữ bên ngoài cấu tạo gần như bình thường nhưng từ tuổi dậy thì đến lúc trưởng thành chưa bao giờ thấy kinh.

2. Nguyên nhân dẫn đến vô kinh

  • Vô kinh do tình trạng toàn thân: người quá gầy yếu do suy dinh dưỡng, do thiếu máu, nhiễm độc, có bệnh gan, bệnh thận mạn tính.... Có người sau khi phải dùng dài ngày các thuốc an thần, thuốc chuyển hóa hoặc thuốc chống ung thư bị vô kinh. Vô kinh có thể xuất hiện khi có những biến động về thần kinh quá mức như vui, buồn, sợ hãi, vất vả, thay đổi môi trường sống...
  • Vô kinh do rối loạn hoạt động nội tiết: vùng chỉ huy nội tiết ở trên não bị suy thoái, hoặc do tăng hoạt động quá mức toàn bộ hệ thống hay từng bộ phận làm ảnh hưởng đến các hoạt động của các bộ phận khác trong hệ thống đó. Các rối loạn của các tuyến nội tiết khác trong cơ thể như tuyến thượng thận, tuyến giáp trạng...
  • Vô kinh do bất thường: dị tật, khuyết tật của cơ thể hoặc của bộ phận sinh dục, đặc biệt ở buồng trứng, tử cung. Phụ nữ bị rối loạn di truyền về nhiễm sắc thể khiến cơ thể, đặc biệt bộ phận sinh dục không phát triển; người mang dị tật bẩm sinh: không có buồng trứng, không có tử cung.

Một số trường hợp tuy có buồng trứng, có tử cung nhưng lại không có âm đạo hoặc do màng trinh bịt kín âm đạo gây nên tình trạng vô kinh giả. Những trường hợp do bệnh tật hay tai biến của sinh sản, gây tổn thương ở não hoặc phải cắt bỏ tử cung, buồng trứng sẽ bị vô kinh sau mổ. Các bệnh ở tử cung, đặc biệt bệnh lao tử cung, những trường hợp phải nạo, hút nhiều lần khiến mất hết niêm mạc tử cung hoặc làm cho tử cung bị dính sẽ đưa đến thiểu kinh (kinh ít) hoặc vô kinh.

3. Người bị vô kinh có thể mang thai được không?

Đối với những người gặp phải vô kinh nguyên phát thì có rất nhiều khả năng buồng trứng hoạt động không bình thường, điều này khiến việc thụ thai trở nên khó khăn hơn so với những người bình thường.

Vô kinh
Những người gặp phải vô kinh nguyên phát việc thụ thai trở nên khó khăn hơn so với những người bình thường

Còn với những người mắc vô kinh thứ phát thì chu kỳ rụng trứng sẽ bị rối loạn, ảnh hưởng tới việc thụ thai hay nói cách khác việc thụ thai là rất khó khăn.

Chính vì thế, khi có biểu hiện vô kinh, phụ nữ nên sớm đến các trung tâm y tế, cơ sở chuyên khoa phụ sản để được thăm khám và chẩn đoán chính xác, từ đó có những phương pháp điều trị thích hợp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

70.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan