Ngộ độc rượu điều trị thế nào?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Hữu Thắng - Bác sĩ Hồi sức cấp cứu - Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long

Uống quá nhiều rượu trong một thời gian dài có thể dẫn đến ngộ độc rượu, gây ra các vấn đề về sức khỏe, thậm chí là tử vong. Tuy nhiên, nhiều người lại không có những kiến thức cơ bản về cách sơ cứu và điều trị cho người ngộ độc rượu.

1. Ngộ độc rượu

Rượu là một dạng ethanol (cồn ethyl) được tìm thấy trong đồ uống có cồn, nước súc miệng, một số loại thuốc và một số sản phẩm gia dụng. Rượu mang lại cho người uống cảm giác hưng phấn, gây giảm khả năng ức chế, rối loạn hành vi. Khi uống rượu, con người sẽ giảm khả năng kiềm chế, các phản xạ liên quan đến mắt và tai đều giảm rõ rệt, đồng thời gây nguy hiểm cho bản thân và những người xung quanh.

Ngộ độc rượu ethyl thường là do uống quá nhiều đồ uống có cồn, đặc biệt là trong một khoảng thời gian ngắn. Ví dụ như với nồng độ từ 80-100mg rượu trong 100ml máu được coi là ngộ độc rượu và không đủ năng lực để lái xe. Bạn càng uống nhiều, đặc biệt là trong một khoảng thời gian ngắn, nguy cơ ngộ độc rượu càng cao.

Ngộ độc rượu có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như: nghẹt thở, ngừng thở, mất nước nghiêm trọng, động kinh, hạ thân nhiệt, nhịp tim không đều, tổn thương não, thậm chí là tử vong. Vì vậy, nhằm tránh ngộ độc rượu, giảm thiểu những biến chứng nguy hiểm, mỗi người hãy trang bị cho mình những kiến thức về sơ cứu và điều trị ngộ độc rượu.

Uống rượu
Ngộ độc rượu có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm

2. Cách điều trị

Ngộ độc rượu là một trường hợp khẩn cấp vì vậy khi bạn nghi ngờ rằng ai đó bị ngộ độc rượu - ngay cả khi bạn không thấy các dấu hiệu và triệu chứng thường gặp - hãy tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức.

Nếu trong tình trạng nhẹ, người bệnh không tự đi lại một mình, không tự lái xe, không vận hành máy móc hay lao động khác. Nên cho người bệnh ăn đủ: các chất tinh bột (cơm, cháo, mỳ,...) hoặc cho uống nước đường. Khi nằm ngủ, đặt người bệnh ở tư thế nằm nghiêng, đầu và vai cao hơn, giữ ấm và có người theo dõi (đảm bảo thở đều, êm và hồng hào, gọi hỏi biết).

Dưới đây là một số cách để sơ cứu người bệnh.

  • Gọi cấp cứu và đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất.
  • Nếu bạn biết về loại và lượng rượu mà người đó đã uống hãy cung cấp cho bệnh viện hoặc y tá cấp cứu. Đây là thông tin hữu ích để bác sĩ giúp người bệnh sống sót và hạn chế các biến chứng nguy hiểm.
  • Đừng để người bất tỉnh ở một mình, vì ngộ độc rượu ảnh hưởng đến cách hoạt động của phản xạ bịt miệng, người bị ngộ độc rượu có thể bị nghẹn do nôn mửa và không thể thở được. Trong khi chờ đợi sự giúp đỡ, đừng cố làm cho bệnh nhân nôn mửa vì có thể gây sặc đường thở.
  • Hãy giúp đỡ khi bệnh nhân có biểu hiện nôn bằng cách cố gắng giữ anh ấy hoặc cô ấy ngồi lên. Nếu người đó phải nằm xuống, hãy chắc chắn quay đầu sang một bên - điều này giúp ngăn ngừa nghẹt thở. Cố gắng giữ cho người tỉnh táo để tránh mất ý thức.
  • Khi bệnh nhân có dấu hiệu thở yếu, ngừng thở hãy hô hấp nhân tạo bằng các phương tiện và điều kiện có tại chỗ. Quan sát kỹ người bệnh, nếu thở yếu, ngừng thở hoặc tím tái thì hô hấp nhân tạo.
  • Không để người bệnh ngã hoặc va đập vào các vật cứng, không cho các vật cứng vào miệng.
Hô hấp nhân tạo
Khi bệnh nhân có dấu hiệu thở yếu, ngừng thở hãy hô hấp nhân tạo bằng các phương tiện và điều kiện có tại chỗ

3. Khi nào cần đưa người bệnh tới gặp bác sĩ?

Nếu người bệnh có một trong các dấu hiệu nặng, nguy hiểm hãy gọi người hỗ trợ và đưa tới cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời.

  • Với trường hợp nồng độ rượu trong máu dưới 100mg/100ml máu, chỉ cần cố định bệnh nhân tại giường, cho uống nhiều nước (chè đường nóng), sau vài giờ, bệnh nhân sẽ tự hồi phục.
  • Với trường hợp nồng độ rượu từ 100-200mg/100ml máu, ngoài việc cố định bệnh nhân tại giường, cần sử dụng thêm 100-200mg Vitamin B1 tiêm bắp. Có thể truyền Glucoza 5% hoặc 10% cho bệnh nhân. Nên rửa dạ dày cho bệnh nhân để loại trừ phần rượu còn trong ống tiêu hóa. Cần theo dõi bệnh nhân về nhịp thở, mạch và huyết áp. Không nên để bệnh nhân ngủ sâu, thường xuyên đánh thức để họ khỏi “quên thở”.
  • Với trường hợp nồng độ rượu nồng độ rượu trong máu trên 200mg/100ml máu, ngoài xử lý như trên, bệnh nhân nên được đặt Monitor theo dõi. Các trường hợp có biểu hiện suy hô hấp, bệnh nhân cần được đặt nội khí quản và thở máy.
  • Không dùng thuốc bình thần, an thần và thuốc ngủ cho bệnh nhân vì sẽ gây tăng nguy cơ suy hô hấp.

Các biện pháp đơn giản như gây nôn cho bệnh nhân có thể hữu ích trong cấp cứu ngộ độc rượu vì chúng giúp đào thải một lượng lớn rượu còn trong đường tiêu hóa. Tuy nhiên, nếu thời gian người bệnh uống rượu đã lâu thì biện pháp này ít kết quả vì rượu đã được hấp thụ vào máu.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: Mayoclinic.org

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

34.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan