Hậu quả của suy nhược thần kinh

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Hường - Bác sĩ Nội thần kinh - Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Suy nhược thần kinh là tình trạng phổ biến hiện nay đối với tất cả mọi người đặc biệt là những người lao động trí óc, với nguyên nhân là do những chấn thương về tâm lý kéo dài, gây ảnh hưởng xấu đến cuộc sống học tập, làm việc và những sinh hoạt hằng ngày của chúng ta. Hơn nữa, hậu quả của suy nhược thần kinh để lại cũng rất phức tạp

1. Suy nhược thần kinh là gì?

Suy nhược thần kinh là một bệnh lý nằm trong nhóm những rối loạn thần kinh chức năng, cụ thể là rối loạn chức năng vỏ não và những trung khu dưới vỏ do một số tế bào não làm việc quá sức, kết quả là quá trình hồi phục và nghỉ ngơi của cơ thể không được diễn ra như bình thường dẫn đến mệt mỏi, đau đầu và nhiều triệu chứng khác của suy nhược thần kinh và trầm cảm. Suy nhược thần kinh được những nhà nghiên cứu tìm ra nguyên căn là do tâm lý gây ra, vì vậy nó còn có tên gọi khác là bệnh tâm căn suy nhược.

Cần phân biệt được suy nhược thần kinh và suy nhược cơ thể. Vì suy nhược thần kinh là bệnh lý do vấn đề tâm lý, còn suy nhược cơ thể là tình trạng sức khỏe suy giảm trong thời gian dài nên cần nắm rõ hai bệnh lý này để điều trị hiệu quả hơn.

2. Nguyên nhân suy nhược thần kinh

Nguyên nhân suy nhược thần kinh được tìm ra là do những vấn đề tâm lý, căng thẳng stress kéo dài trong cuộc sống, cụ thể là những mâu thuẫn, lo âu trong cuộc sống gia đình, bạn bè, môi trường làm việc. Sau một thời gian căng thẳng stress kéo dài, làm việc quá sức sẽ dẫn đến suy nhược thần kinh mãn tính và thậm chí là suy nhược thần kinh và trầm cảm.

Những yếu tố thuận lợi dẫn đến suy nhược thần kinh đó là:

  • Cơ địa thần kinh yếu
  • Lao động trí óc quá sức dẫn đến kiệt sức
  • Cuộc sống có nhiều căng thẳng
  • Những nhân tố kích thích suy nhược thần kinh ở môi trường xung quanh như tiếng ồn, điều kiện làm việc và học tập không tốt
  • Bệnh lý viêm nhiễm mãn tính như viêm xoang, viêm túi mật, viêm loét dạ dày
  • Uống rượu nhiều dẫn đến nghiện rượu
  • Mất ngủ kéo dài
  • Thiếu dinh dưỡng trong chế độ ăn hàng ngày

3. Hậu quả của suy nhược thần kinh

Tuy không phải là một bệnh lý gây nguy hiểm đến tính mạng của con người nhưng những hậu quả của suy nhược thần kinh để lại gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất, sức khỏe tinh thần cũng những chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Hậu quả của suy nhược thần kinh bao gồm:

  • Hội chứng kích thích suy nhược: người bệnh dễ có khả năng bị kích thích, bị làm khó chịu bởi những tiếng động nhỏ. Ngoài ra, người bệnh còn dễ bị mệt mỏi, đau nhức đầu kéo dài hơn 3 tháng và nghỉ ngơi thường không thuyên giảm đi triệu chứng này.
  • Nhức đầu: nhức đầu âm ĩ, đau đầu vùng trán, vùng đỉnh đầu và vùng thái dương, đau đầu đột ngột và kéo dài trong khoảng vài giờ đồng hồ đến 1 ngày. Đặc biệt, khi bệnh nhân mệt mỏi, xúc động mạnh thì nhức đầu tăng lên và sẽ giảm đi khi bệnh nhân đi vào giấc ngủ.
  • Mất ngủ: ngủ không sâu, hay nằm mơ hoặc không ngủ được. Giấc ngủ khó thực hiện bởi sự tác động của ánh sáng, tiếng động nên sau khi thức dậy, cơ thể người bệnh mệt mỏi, uể oải và bủn rủn tay chân. Vì mất ngủ về đêm nên ban ngày, người bệnh cảm thấy buồn ngủ nhưng không ngủ được, gây ảnh hưởng đến cuộc sống, công việc, học tập và sinh hoạt hằng ngày.
  • Triệu chứng về thần kinh: đau cột sống, mỏi vùng cô, buốt xương sống. Những rối loạn cảm giác, giác quan, nội tạng, hoa mắt, chóng mặt... cũng thường xuyên xảy ra với những bệnh nhân suy nhược thần kinh.
  • Rối loạn thực vật và nội tạng đa dạng: biểu hiện là mạch không đều, huyết áp hạ, đánh trống ngực, đau tim, thân nhiệt tăng và giảm không ổn định, tăng tiết mồ hôi, liệt dương, rối loạn vòng kinh...
  • Triệu chứng về tâm thần: các rối loạn về cảm xúc khiến bệnh nhân hay xúc động, hồi hộp, lo âu, khí sắc trầm hơn. Khả năng tập trung trong công việc và học tập của bệnh nhân vì thế cũng giảm đi.
Hậu quả của suy nhược thần kinh
Hậu quả của suy nhược thần kinh có thể gây ra các triệu chứng của tâm thần

4. Thuốc điều trị suy nhược thần kinh

Khi mắc phải bệnh lý suy nhược thần kinh, bệnh nhân không nên tự mua thuốc uống tại nhà mà cần phải đến gặp bác sĩ để được chỉ định những loại thuốc phù hợp tránh gây tác dụng phụ không mong muốn.

Cơ chế của thuốc điều trị suy nhược thần kinh là thuốc sẽ tác động lên quá trình hưng phấn của hệ thần kinh và làm giảm đi tình trạng suy nhược thần kinh. Các loại thuốc bao gồm sulbutiamine, asthenal, hoặc thuốc tăng cường tuần hoàn não như piracetam, ginkgo biloba.

Ngoài ra, còn có thể cho bệnh nhân sử dụng thêm thuốc an thần nhưng phải chú ý đến tác dụng phụ của thuốc, thuốc giảm đau như paracetamol và acetaminophen cũng được sử dụng. Vitamin cũng được sử dụng trên bệnh nhân suy nhược thần kinh để cung cấp những yếu tố vi lượng cho cơ thể, nhằm mục đích tác động lên quá trình chuyển hóa trong cơ thể. Điều quan trọng nhất là cần phải kết hợp điều trị bằng thuốc và những liệu pháp tâm lý để người bệnh có thể giải tỏa được những căng thẳng trong cuộc sống và cân bằng tâm lý hơn.

5. Suy nhược thần kinh nên ăn gì?

Một phần đóng góp không nhỏ trong quá trình điều trị suy nhược thần kinh được hiểu quả đó là cơ thể phải được cung cấp đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng như carbohydrate, protein, chất xơ, vitamin, khoáng chất và những loại thức ăn tốt cho hoạt động của hệ thần kinh.

Chất xơ
Bệnh nhân suy nhược thần kinh cần có chế độ dinh dưỡng khoa học

Thực phẩm có chức năng chống lại quá trình oxy hóa, ngăn chặn gốc tự do, tăng dẫn truyền thần kinh, bảo vệ não bộ khỏi tổn thương và giảm căng thẳng mệt mỏi là một lựa chọn hàng đầu trong những thực phẩm nên ăn khi bị suy nhược thần kinh.

Một trong những loại thực phẩm tiêu biểu của nhóm này là bí đỏ vì nó có chứa các loại vitamin như vitamin A, C, E và những chất như acid glutamic, tryptophan có chức năng dẫn truyền thần kinh. Ngoài ra, những chất này trong bí đỏ còn giúp tăng đào thải amoniac, tăng trí nhớ của não bộ, giảm lo âu, trầm cảm ở người.

Bên cạnh đó, các loại đậu và hải sản cũng chứa rất nhiều magie và selen là những coenzyme quan trọng trong quá trình chuyển hoá glucid và lipid thành năng lượng cần thiết cho hoạt động của tế bào thần kinh.

Chocolate cũng là chất chống oxy hóa cực mạnh giúp tăng lưu lượng máu lên não. Chocolate làm giải phóng endorphin là chất có lợi cho tâm lý con người, giảm đi những phản ứng tiêu cực về cảm xúc trong bệnh suy nhược thần kinh.

Bổ sung những vitamin nhóm B gồm B1, B2, B6... đóng vai trò tạo nên những coenzym như NAD+ và NADP+ là nguồn năng lượng chủ yếu của những tế bào thần kinh. Vitamin B1 còn giúp bệnh nhân có cảm giác thèm ăn, tăng sự hưng phấn cho não bộ, giảm mệt mỏi căng thẳng.

Sữa là một trong những thực phẩm chứa rất nhiều vitamin, acid amin và chất khoáng cần thiết cho não bộ. Sữa có chứa những thành phần như tryptophan giúp tạo ra serotonin làm não bộ hưng phấn, duy trì trạng thái vui vẻ, kiểm soát được cảm xúc cũng như hành vi của mình, chống lại quá trình oxy hóa, phá hủy những gốc tự do có hại cho hoạt động của hệ thần kinh.

Những loại ngũ cốc như gạo lứt, bột yến mạch hay lúa mì chứa rất nhiều folat làm tăng máu lên não, và cũng chứa vitamin B1, B6 giúp tăng cường trí nhớ người bệnh.

Những thực phẩm chức acid béo omega 3 giúp tăng cường hoạt động của bộ não như cá hồi, cá thu, cá ngừ, dầu hạt lanh, dầu vừng hay dầu ô liu.

Điều trị tâm lý tại phòng khám
Khám bệnh suy nhược thần kinh tại phòng khám Tâm lý - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec

Cuộc sống xã hội hiện đại có nhiều căng thẳng stress dẫn đến tình trạng suy nhược thần kinh rất phổ biến hiện nay. Để cải thiện được hiện tượng này, chúng ta cần phải bảo vệ cơ thể tránh khỏi những căng thẳng lo âu trong cuộc sống, đồng thời bổ sung đầy đủ những dưỡng chất cần thiết để có một bộ não thật khỏe mạnh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

45.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan