Gãy cổ xương đùi: Nguyên nhân, biến chứng, di chứng thường gặp

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Chấn thương chỉnh hình - Khoa Ngoại Tổng hợp & Gây mê - Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Gãy cổ xương đùi là thảm họa với người cao tuổi, bệnh rất khó điều trị và để lại những di chứng nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của bệnh nhân. Vậy gãy cổ xương đùi là gì? Nguyên nhân, biến chứng và các di chứng hay gặp của gãy cổ xương đùi như thế nào?

1. Gãy cổ xương đùi là gì?

Gãy cổ xương đùi là loại gãy xương ở vị trí giữa chỏm xương đùi và khối mấu chuyển. Đây là loại gãy xương thường gặp, đặc biệt ở người già.

Cổ xương đùi có những đặc điểm về giải phẫu và chức năng làm cho gãy cổ xương đùi là gãy xương nặng, khó điều trị và để lại nhiều di chứng:

  • Xương đùi là xương lớn, cấu trúc xương ở vùng cổ xương đùi có 2 hệ thống bè xương, hệ thống bè quạt ở vùng cổ chỏm xương đùi và hệ cung nhọn ở vùng mấu chuyển, giữa 2 hệ thống bè xương là điểm yếu nhất của cổ xương đùi, gọi là tam giác ward, đây cũng là điểm dễ gãy nhất .
  • Hệ thống động mạch nuôi chỏm xương đùi khá nghèo nàn, lại đi vắt qua cổ xương đùi, nên khi gãy cổ xương đùi đa số các mạch máu nuôi chỏm bị tổn thương, nguy cơ hoại tử chỏm xương đùi cao.
  • Cổ xương đùi nằm hoàn toàn trong bao khớp nên khi gãy xương không có khối máu tụ bao quanh ổ gãy, không có can xương từ màng xương.
  • Cổ xương đùi gần như nằm hoàn toàn trong bao khớp, khi gãy máu tụ trong bao khớp làm tăng áp lực ổ khớp, tổn thương mạch máu nuôi khớp dẫn đến tình trạng dễ hoại tử chỏm xương đùi.

2. Nguyên nhân gãy cổ xương đùi

Nguyên nhân gãy cổ xương đùi chủ yếu do chấn thương, một số ít liên quan đến các bệnh lý.

2.1. Do chấn thương

  • Chấn thương trực tiếp: Do ngã đập vùng mấu chuyển lớn xuống nền cứng, lực truyền qua cổ xương đùi và làm gãy cổ xương đùi, cơ chế gãy do chấn thương trực tiếp ít gặp, chủ yếu gặp ở người già, người bị loãng xương có nến xương yếu
  • Chấn thương gián tiếp: Lực tác động vào gối hoặc bàn chân ở tư thế đùi khép gây ra một lực lớn dồn lên làm gãy cổ xương đùi, cơ chế này hay gặp hơn.
  • Ở người già chỉ cần một chấn thương nhẹ cũng có thể gây gãy cổ xương đùi thì ở người trẻ gãy cổ xương đùi hay gặp ở bệnh cảnh chấn thương nặng, đa chấn thương.
Gãy xương đùi chủ yếu do chấn thương
Người cao tuổi bị chấn thương có nguy cơ gãy cổ xương đùi cao hơn

2.2. Do bệnh lý

Các bệnh lý làm giảm chất lượng xương có thể gây gãy cổ xương đùi như loãng xương, viêm xương, u xương, ung thư di căn xương...

3. Biến chứng và di chứng

3.1. Biến chứng sớm

Bao gồm các biến chứng cấp tính ngay khi gãy cổ xương đùi và các biến chứng liên quan đến việc nằm lâu, bất động lâu

  • Biến chứng cấp tính:

Các biến chứng cấp có thể gặp như: Sốc mất máu, sốc do đau, tắc mạch mỡ ( do mỡ từ ổ gãy xương xâm nhập vào hệ tuần hoàn), nặng thêm các tình trạng bệnh lý tim mạch, hô hấp có sẵn của người bệnh gây nên các đợt suy tim mất bù, đợt cấp bệnh phổi mạn tính...

  • Các biến chứng liên quan đến nằm lâu, bất động lâu như:

Huyết khối tĩnh mạch chân, huyết khối động mạch phổi, loét tỳ đè, nhiễm trùng ( viêm phổi, nhiễm trùng tiết niệu..), teo cơ, suy dinh dưỡng...

3.2. Các di chứng của gãy cổ xương đùi

  • Hoại tử chỏm xương đùi (Do mất tuần hoàn nuôi chỏm, tuần hoàn tái tạo không đủ để đáp ứng nhu cầu), Khớp giả, Kết hợp xương thất bại.
  • Các di chứng này gây đau, biến dạng chi, hạn chế hoạt động, sinh hoạt.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số 02257309888 hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Hải Phòng.

35.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan