Điều trị viêm họng do nhiễm khuẩn bằng thuốc

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS CKII Nguyễn Văn Thái - Khoa Tai Mũi Họng và Phẫu thuật đầu cổ, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng. Bác sĩ Thái đã có hơn 17 năm kinh nghiệm điều trị, đặc biệt trong lĩnh vực Phẫu thuật Đầu cổ.

Viêm họng do nhiễm khuẩn vẫn xuất hiện với các dấu hiệu bệnh thông thường, tuy nhiên khi không được điều trị bằng thuốc bệnh có nguy cơ biến chứng nặng nề như viêm cầu thận cấp hay thấp tim...Điều trị viêm họng do nhiễm khuẩn thường được bác sĩ chỉ định sử dụng thuốc kháng sinh, đi kèm với đó là thuốc hạ sốt, thuốc kháng viêm...

1. Bệnh viêm họng do nhiễm khuẩn là gì?

Viêm họng do nhiễm khuẩn là tình trạng cổ họng đau rát do vi khuẩn Streptococcus gây ra. Các triệu chứng thường nghiêm trọng hơn so với nhiễm trùng cổ họng do virus. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh sẽ gây ra các biến chứng như viêm thận hoặc sốt thấp khớp.

Vi khuẩn tên Streptococcus pyogenes, hoặc Streptococcus nhóm A là nguyên nhân chính dẫn đến bệnh viêm họng do nhiễm khuẩn. Đây là bệnh rất dễ lây truyền và chủ yếu lây lan dưới các hình thức sau:

  • Đường hô hấp: hít phải các hạt nước trong không khí khi người bệnh ho hoặc hắt hơi.
  • Ăn uống chung với người bệnh.
  • Tiếp xúc với các đồ vật như tay nắm cửa hoặc những bề mặt khác có dính vi khuẩn gây bệnh.

Bất cứ ai cũng có thể bị viêm họng do nhiễm khuẩn nhưng dễ bị nhất là trẻ từ 5 đến 15 tuổi. Trẻ từ 3 tuổi trở xuống hiếm khi mắc bệnh này. Nguy cơ thông thường nhất là gần gũi, tiếp xúc với người bị bệnh.

2. Triệu chứng viêm họng do nhiễm khuẩn

Viêm họng điều trị
Triệu chứng viêm họng có thể xuất hiện tình trạng sốt trên 38 độ

Sau khi nhiễm khuẩn Streptococcus, bạn có thể mất từ 2 đến 5 ngày mới xuất hiện triệu chứng. Các triệu chứng viêm họng:

  • Đau cổ họng hoặc gặp khó khăn khi nuốt
  • Sốt trên 38 độ C
  • Đau đầu
  • Phát ban
  • Đau dạ dày
  • Ăn không ngon, buồn nôn
  • Đau cơ và cứng cơ
  • Sưng hạch hầu và có những mảng trắng trong cổ họng hoặc những chấm đỏ nhỏ có thể xuất hiện trên vòm miệng
  • Các hạch bạch huyết ở cổ sưng lên và đau.

Tuy nhiên, không phải ai nhiễm vi khuẩn Streptococcus đều bị viêm họng. Nói cách khác, bạn có thể mang vi khuẩn và có thể truyền qua người khác nhưng không biểu hiện bệnh.

3. Điều trị viêm họng do nhiễm khuẩn bằng thuốc

3.1. Khám và chẩn đoán bệnh

Bác sĩ sẽ chẩn đoán viêm họng do nhiễm khuẩn dựa trên các triệu chứng hoặc khám lâm sàng. Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ chẩn đoán bệnh dựa vào các phương pháp:

  • Lấy mẫu dịch từ cổ họng: nhằm xác định có sự hiện diện của vi khuẩn gây bệnh hay không.
  • Xét nghiệm kháng nguyên: bạn sẽ phải thực hiện phương pháp này khi kết quả từ việc lấy mẫu dịch không đáp ứng được yêu cầu của bác sĩ.

3.2. Điều trị bệnh viêm họng do nhiễm khuẩn

Viêm họng do nhiễm khuẩn phải được điều trị bằng kháng sinh. Dù rằng chữa viêm họng bằng các phương pháp dân gian không kháng sinh, thì các triệu chứng của bệnh sẽ vẫn tự giới hạn, nhưng trong một số trường hợp sẽ có biến chứng khó lường. Ngoài ra, viêm họng điều trị triệt để cũng nhằm giảm khả năng lây bệnh cho những người xung quanh.

Đối với điều trị viêm họng cho nhiễm khuẩn nhóm A

Có thể sử dụng các nhóm kháng sinh như penicillin, cephalosporin hoặc macrolid, trong đó, kháng sinh nhóm penicillin vẫn là thuốc được lựa chọn đầu tiên trong điều trị viêm họng. Vì đây là thuốc dễ sử dụng, chi phí thấp và có hiệu quả cao.

Đối với điều trị cho bệnh nhân dị ứng thuốc

Trong trường hợp người bệnh có tiền sử hoặc dị ứng với nhóm thuốc penicillin, có thể sử dụng thay đổi sang các nhóm thuốc khác như cephalosporin (cefadroxil, cefuroxim, cefixim...) và macrolid (nhưng cần làm kháng sinh đồ vì đã có những báo cáo của các nghiên cứu về việc viêm họng do nhiễm khuẩn nhóm A đã kháng một số thuốc trong những nhóm kháng sinh này).

Các thuốc hỗ trợ

  • Thuốc hạ sốt như paracetamol (khi sốt cao trên 38,5 độ C).
  • Nhóm thuốc kháng viêm, chống phù nề như alphachymotrypsin cũng thường được sử dụng cho những người bệnh này.
  • Ngoài ra, người bệnh nên tăng cường ăn hoa quả (hoặc uống vitamin C) để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
Viêm họng điều trị
Người bệnh nên tăng cường ăn hoa quả hoặc uống vitamin C

4. Biến chứng của viêm họng do nhiễm khuẩn có thể gặp phải

Viêm họng do nhiễm khuẩn lây truyền trực tiếp giữa người với người. Thông thường, một người dễ bị lây bệnh khi có tiếp xúc với những giọt nước li ti bắn ra do người bị bệnh ho hoặc hắt hơi. Phải mất 2-5 ngày sau khi tiếp xúc mới bắt đầu có những biểu hiện phát bệnh.

Người bị viêm họng do nhiễm khuẩn dễ bị lây bệnh do sức đề kháng đang yếu. Bệnh viêm họng do nhiễm khuẩn thường có triệu chứng nặng hơn so với các nguyên nhân khác. Nguy hiểm hơn, nếu bệnh nhân không được điều trị kịp thời và đúng cách có thể dẫn tới các biến chứng:

  • Nhiễm trùng ở Amidan, ở tai, máu, viêm cầu thận cấp và sốt thấp khớp.
  • Sốt thấp khớp có thể dẫn tới đau khớp và viêm, phát ban thậm chí làm tổn hại cho van tim, thấp tim

Nên gọi bác sĩ hoặc đến bệnh viện nếu bạn có một trong các triệu chứng sau:

  • Đau họng kèm sưng hạch bạch huyết
  • Đau họng trên 48 tiếng
  • Đau họng kèm sốt trên 38 độ C ở trẻ lớn hoặc sốt trên 48 tiếng
  • Đau họng kèm phát ban
  • Khó thở hoặc khó nuốt, kể cả nuốt nước bọt
  • Sốt kèm đau khớp, thở gấp và phát ban
  • Nước tiểu đậm màu hơn 1 tuần sau khi đau họng. Đây là trường hợp biến chứng nghiêm trọng vì thận bị sưng do vi khuẩn.

5. Chăm sóc người bệnh và phòng ngừa viêm họng do nhiễm khuẩn

Để điều trị bệnh viêm họng hiệu quả, ngoài việc tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, người bệnh cũng cần được nghỉ ngơi, uống nhiều nước, ăn các thức ăn nhẹ nhàng như cháo, súp... súc miệng bằng nước muối sinh lý hàng ngày theo hướng dẫn của bác sĩ, tránh tiếp xúc, tụ tập nơi đông người...Phòng ngừa viêm họng do nhiễm khuẩn, cần:

  • Rửa tay sau khi ho, hắt hơi, trước khi chuẩn bị hoặc khi ăn uống để phòng ngừa lây bệnh. Rửa tay thường xuyên là cách tốt nhất để hạn chế sự lây lan bệnh.
  • Uống đầy đủ các loại kháng sinh theo sự chỉ định của bác sĩ.
Viêm họng điều trị
Uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ
  • Tránh tiếp xúc với người mắc viêm họng do liên cầu. Không dùng chung những đồ vật cá nhân như ly uống nước
  • Ăn những thức ăn mềm như soup, ngũ cốc, khoai tây nghiền và sữa chua. Thức ăn quá lạnh như sữa chua đông đá cũng được xem như thực phẩm mềm
  • Không hắt hơi hoặc ho vào người khác nếu bạn bị bệnh. Che miệng lại và dạy trẻ che miệng khi ho hoặc hắt hơi
  • Không ăn những thức ăn cay.

Viêm họng do nhiễm khuẩn là bệnh lây truyền qua đường hô hấp, chữa viêm họng bắt buộc phải sử dụng kháng sinh. Bên cạnh đó, cần có phương pháp chăm sóc người bệnh để có kết quả điều trị hiệu quả như: súc miệng nước muối hàng ngày, vệ sinh chân tay sạch sẽ tránh để vi khuẩn xâm nhập, nghỉ ngơi,ăn uống điều độ an toàn...

Chuyên khoa Tai Mũi Họng - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec chuyên khám và điều trị các bệnh lý tai mũi họng thông thường như: viêm đau họng, ù tai, viêm mũi không do dị ứng, ung thư cổ họng; các khối u vùng đầu mặt cổ, các dị tật bẩm sinh vùng tai mũi họng bằng các phương pháp ngoại khoa phổ biến.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

24.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan