Điều trị và phục hồi chức năng ở trẻ bại não thể múa vờn

Bại não thể múa vờn là một tổn thương đặc trưng bởi những cử động hành vi lộn xộn, không có mục đích của trẻ. Phương pháp giáo dục và dụng cụ chỉnh hình, dụng cụ thích nghi được sử dụng hỗ trợ trong phục hồi chức năng cho trẻ bại não.

1. Bại não và các thể của bại não

Bại não gồm có 3 thể bệnh chính:

Bại não thể liệt cứng:

  • Chiếm 70-80% tổng số các trường hợp bại não.
  • Biểu hiện đặc trưng bởi sự co cứng của các cơ khối cơ, cử động khó khăn.
  • Có thể kèm liệt, thường là liệt 2 chi dưới, hoặc liệt nửa người(tay nặng hơn chân), nặng thì liệt cứng tứ chi. Ở những bệnh nhân liệt cứng tứ chi, bệnh nhân thường có đi kèm với sự chậm phát triển về trí tuệ.

Bại não thể múa vờn:

  • Chiếm 15-20% tổng số bệnh nhân bại não.
  • Bại não thể múa vờn có ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể trẻ. Đặc trưng của thể này là sự thay đổi về trương lực cơ (lúc tăng lúc giảm thất thường).
  • Có những cử động chậm, xoắn hoặc nhanh của bàn chân bàn tay, cánh tay và các cơ ở mặt. Đó là các cử động lộn xộn và không có chủ đích.
  • Khả năng giữ thăng bằng kém, dễ ngã.
  • Dấu hiệu rung giật và múa vờn, có thể có động kinh và các rối loạn nhai nuốt.

Bại não thể thất điều:

  • Chiếm 5-10% tổng số các bệnh nhân bại não.
  • Thể đặc trưng bởi những những vấn đề về cân bằng và phối hợp.
  • Đi không vững, loạng choạng, vận động đi lại khó khăn.
  • Khó cầm nắm, khó chạm hai tay vào nhau.
  • Mắt chuyển động chậm, khó khăn trong giao tiếp.
  • Rung chi biên độ nhỏ và chậm.
  • Rối loạn vận động về biên độ, nhịp độ và độ chính xác.
Bại não thể múa vờn
Bại não thể múa vờn

2. Điều trị và phục hồi chức năng ở trẻ bại não thể múa vờn

2.1. Nguyên tắc điều trị

Tập các bài tập làm tăng cường trương lực cơ ở một số nhóm cơ chính, giảm và hạn chế các vận động không chủ đích.

Phá vỡ và ức chế các phản xạ nguyên thủy như duỗi chéo, nâng đỡ hữu hiệu.

Tạo thuần các vận động và kích thích phát triển vận động thô cho trẻ theo đúng các mốc vận động lẫy, ngồi, bò, quỳ đứng và đi.

Rèn cho trẻ tăng khả năng độc lập trong các hoạt động sinh hoạt hàng ngày như ăn uống, tắm giặt, vệ sinh...

Tạo môi trường và kích thích cho trẻ giao tiếp sớm, dần phát triển ngôn ngữ tư duy.

2.2. Phục hồi chứng năng cho trẻ bại não thể múa vờn

Phục hồi chức năng cho trẻ bại não bằng các phương pháp vật lý trị liệu.

2.2.1. Vật lý trị liệu

bại não ở trẻ em
Tập vận động cho trẻ theo các mốc vận động thô

Tập vận động cho trẻ theo các mốc vận động thô của cơ thể theo thứ tự từ trước đến sau bao gồm: kiểm soát đầu cổ, lẫy, ngồi, quỳ, bò, đứng rồi đi đến chạy.

Có 3 kỹ thuật chính:

Đối với trẻ bại não thể múa vờn có 1 tay gập, 1 tay duỗi hoặc 2 tay gập.

  • Mục tiêu: giúp trẻ đưa tay về tư thế vị trí trung gian.
  • Cách thực hiện:
  • Trẻ: ngồi trên sàn
  • Kỹ thuật viên: ngồi đối diện với trẻ.
  • Thao tác: Hai tay của kỹ thuật viên nắm 2 khuỷu tay của trẻ ở tư thế xoay trong khớp vai, từ từ đưa xuống thấp rồi kéo nhẹ về phía mình rồi dần dần nâng tay trẻ lên cao.

Phá vỡ tư thế tay co điển hình.

  • Mục tiêu: hạn chế các tư thế co tay ở trẻ múa vờn.
  • Cách thực hiện:
  • Trẻ: nằm ngửa
  • Thao tác: kỹ thuật viên buộc cố định phía trên khuỷu tay của trẻ rồi kéo vai và tay trẻ ra phía trước. Cùng lúc đó, để 2 khuỷu và cẳng tay trẻ hoàn toàn tự do.

Phá vỡ phản xạ cầm nắm bệnh lý:

  • Mục tiêu: giúp trẻ xòe tay và cầm nắm dễ dàng hơn.
  • Cách thực hiện:
  • Trẻ: nằm ngồi hoặc ngửa.
  • Kỹ thuật viên: ngồi bên cạnh trẻ.
  • Thao tác: Kỹ thuật viên dùng ngón trỏ vuốt dọc cạnh ngoài bàn tay từ ngón út đến cổ tay.

2.2.2. Điện trị liệu

Là phương pháp sử dụng dòng điện một chiều có tần số thấp, điện thế không đổi trong thời gian điều trị.

Chỉ định điều trị: áp dụng cho các trẻ bại não không có biểu hiện động kinh trên lâm sàng.

Chống chỉ định với các trường hợp bại não có động kinh và bại não thể co cứng.

Hai phương pháp điện thấp tần hay sử dụng:

Galvanic dẫn CaCl2 cổ:

  • Áp dụng cho trẻ bại não chưa kiểm soát được các động tác vùng đầu cổ, trẻ chưa biết lẫy.
  • Tác dụng: giúp tăng cường cơ lực các nhóm cơ nâng vùng đầu cổ.
  • Thời gian điều trị: 15-30 phút/lần/ngày trong 20-30 ngày.

Galvanic dẫn CaCl2 lưng:

  • Áp dụng cho trẻ chưa nâng được thân mình, chưa biết ngồi.
  • Tác dụng: giúp tăng cường cơ lực các nhóm cơ nâng thân.
  • Thời gian điều trị: 15-30 phút/lần/ngày trong 20-30 ngày.

2.2.3. Thủy trị liệu

Chỉ định áp dụng cho những trẻ bại não không có động kinh trên lâm sàng.

Tác dụng: giúp thư giãn cơ, giảm trương lực cơ, tăng khả năng thực hiện các hoạt động có ý thức.

Thời gian trị liệu: 20-30 phút/lần trị liệu.

Phương pháp sử dụng: Bể bơi, bồn nước xoáy.

2.2.4. Huấn luyện giao tiếp và ngôn ngữ

Tác dụng nhằm giúp trẻ tăng khả năng giao tiếp và vận động ngôn ngữ, đồng thời xây dựng mối quan hệ với mọi người, huấn luyện cho trẻ khả năng tự lập.

Các kỹ năng cần huấn luyện cho trẻ bao gồm:

  • Kỹ năng tập trung và bắt chước.
  • Kỹ năng chơi đùa, giao tiếp bằng cử chỉ và hình ảnh.
  • Kỹ năng hiểu ngôn ngữ, biết diễn đạt bằng ngôn ngữ

Nguyên tắc huấn luyện ngôn ngữ:

  • Giúp trẻ hiểu, biết ý nghĩa của các âm thanh, từ ngữ, câu nói.
  • Dùng ngôn ngữ đơn giản để giao tiếp với trẻ, nói chậm, to rõ ràng.
  • Sử dụng dấu hiệu để cho trẻ làm quen, chỉ sử dụng tranh ảnh khi thật sự cần thiết.
  • Động viên, khen thưởng trẻ đúng lúc là điều được khuyến khích.
Cô bé dũng cảm, chịu đau để tập theo các bài phục hồi chức năng chuyên sâu của Trung tâm điều trị kỹ thuật cao tự kỷ & bại não Vinmec.
Cần huấn luyện một số kỹ năng cơ bản cho trẻ

2.2.5. Tia tử ngoại

Chỉ định áp dụng ở những trẻ bại não có kèm theo bệnh còi xương, suy dinh dưỡng.

Chống chỉ định trẻ bại não có động kinh, lao phổi tiến triển, suy thận, suy gan hay chàm cấp tính.

Phương pháp trị liệu: sử dụng tia tử ngoại có bước sóng từ 280-315nm.

Thời gian trị liệu: 1-5 phút/lần trong 20-30 ngày/đợt điều trị.

Bại não thể múa vờn gây ra những hành vi lộn xộn, không chủ đích ảnh hưởng đến sự phát triển và chất lượng cuộc sống của trẻ. Bệnh cần được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, đúng cách để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như đời sống của trẻ.

Ngoài các phương pháp đã nêu trên, giáo dục và dụng cụ chỉnh hình, dụng cụ thích nghi cũng được sử dụng hỗ trợ trong phục hồi chức năng cho trẻ bại não.

Kỹ thuật Chụp cộng hưởng từ các bó sợi thần kinh hoặc Chụp Cộng hưởng từ khuếch tán sức căng tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để chẩn đoán bệnh bại não thể múa vờn có tỉ lệ chụp thành công lên đến 95%.

Với hệ thống máy MRI 3.0 Tesla hiện đại và các trang thiết bị đồng bộ, tiên tiến hàng đầu thế giới, với đội ngũ bác sĩ - kỹ thuật viên có trình độ chuyên môn cao và nhiều kinh nghiệm, khoa chẩn đoán hình ảnh có thể thực hiện nhiều kỹ thuật đa dạng và chuyên sâu, hỗ trợ cho các bác sĩ lâm sàng chẩn đoán bệnh nhanh, chính xác, giúp theo dõi bệnh trong và sau điều trị.

Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán bại não

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

4.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan