Tìm hiểu hội chứng bắt chẹn khớp vai mạn tính

Hội chứng bắt chẹn khớp vai mãn tính gây đau quanh vai và khó khăn trong vận động. Nếu được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ nhanh khỏi và không để lại biến chứng nguy hiểm.

1. Nguyên nhân gây hội chứng bắt chẹn vai

Hội chứng bắt chẹn vai là tình trạng khoang giữa mỏm cùng vai và các gân cơ chóp xoay bị thu hẹp, tình trạng này dẫn đến các bệnh lý vùng vai như: Đau quanh vai, viêm túi hoạt dịch, viêm gân, viêm khớp và hội chứng chóp xoay vai.

Nguyên nhân dẫn đến hội chứng bắt chẹn vai gồm:

  • Do thường xuyên phải dang tay qua đầu, vận động tay liên tục do chơi các môn thể thao có động tác ném. Khi cử động dang tay qua đầu sẽ tạo nên sự áp lực lớn ép lên gân chóp xoay, động tác này lập đi lập lại nhiều lần sẽ dẫn đến hội chứng này.
  • Sự hình thành các gai xương, các gai xương này làm hẹp khoang dưới mỏm cùng, khớp cùng đòn cũng bị tổn thương do túi hoạt dịch bị viêm gây ra và làm nặng thêm hội chứng bắt chẹn vai.
  • Người bị hội chứng chóp xoay vai, viêm túi hoạt dịch, viêm khớp sẽ dễ mắc hội chứng bắt chẹn vai hơn.

Cách xác định mỏm cùng vai dựa trên cấu trúc giải phẫu nằm trên chóp xoay, được tạo nên bởi dải gân bốn cơ hòa vào nhau giúp giữ vững khớp vai. Các gân này đi bên dưới mỏm cùng của xương bả vai có tác dụng căng ra khi dang và xoay cánh tay, giúp cố định chỏm xương cánh tay vào ổ chảo.

vai
Thường xuyên dang tay qua đầu có thể gây hội chứng chóp xoay vai

2. Triệu chứng của hội chứng bắt chẹn vai

Khi bị hội chứng bắt chẹn vai, bệnh nhân thường có các biểu hiện:

  • Đau quanh vai khi dang tay hay đưa trước cánh tay. Hầu hết bệnh nhân than phiền bị khó ngủ do bị đau quanh vai khi nằm nghiêng qua bên vai bị đau.
  • Có các cơn đau nhói xuất hiện khi cố gắng xoay tay ra túi quấn phía sau là dấu hiệu khá rõ ràng của hội chứng bắt chẹn vai.
  • Dần dần các cơn đau trở nên nặng hơn, bệnh nhân không dám cử động vai dẫn đến khớp vai bị cứng.
  • Nếu vai trở nên yếu và bệnh nhân không thể tự dang tay được thì có thể gân chóp xoay đã bị rách.

Khi nghi ngờ hội chứng bắt chẹn vai, bác sĩ sẽ hỏi bệnh sử, nghề nghiệp... nhằm tìm hiểu tính chất của cơn đau. Các động tác thăm khám nhằm tìm ra dấu hiệu của hội chứng bắt chẹn vai cũng như có hay không tình trạng viêm gân, viêm túi hoạt dịch, viêm khớp hay hội chứng chóp xoay vai đi kèm.

đau vai
Bệnh nhân cảm thấy đau nhói khi cố xoay tay ra sau

3. Điều trị hội chứng bắt chẹn vai

Tùy theo, nguyên nhân mà áp dụng các phương pháp điều trị phù hợp. Các phương pháp điều trị hội chứng bắt chẹn vai:

  • Giai đoạn đầu sẽ là điều trị giảm đau và kháng viêm. Để giảm các triệu chứng đau quanh vai nên áp dụng chườm đá, nghỉ ngơi phối hợp với thuốc kháng viêm như aspirin, diclofenac, naproxen...
  • Khi đã áp dụng các biện pháp trên nhưng không mang lại hiệu quả, bác sĩ sẽ tiêm steroid trực tiếp vào khoang dưới mỏm cùng. Tuy nhiên, tiêm steroid không phải là phương pháp điều trị hữu hiệu cho hội chứng bắt chẹn vai cũng như các bệnh lý khác ở vùng vai, vì có các tác dụng phụ về lâu dài.
  • Phẫu thuật được chỉ định khi không có cải thiện nào sau 6 tháng đến 1 năm điều trị bảo tồn. Có hai phương pháp hiện đang được sử dụng là mổ mở và mổ nội soi, cả hai phương pháp đều có thể sửa chữa các tổn thương và làm giảm áp lực đè ép lên túi hoạt dịch và chóp xoay. Sau phẫu thuật cánh tay sẽ được treo hay mang nẹp để cố định. Dùng phương pháp chườm lạnh sau mổ sẽ giúp co mạch máu làm hạn chế phản ứng viêm đau.
Phẫu thuật
Có thể điều trị bệnh bằng phẫu thuật mổ mở hoặc mổ nội soi

  • Điều trị phục hồi chức năng đóng vai trò rất quan trọng trong điều trị hội chứng bắt chẹn vai, không chỉ trong các trường hợp không phẫu thuật mà ngay cả trong trường hợp sau phẫu thuật. Phục hồi chức năng giúp bệnh nhân tránh bị teo cơ vùng vai và cứng khớp đồng thời khôi phục lại sức mạnh của các cơ sau 1 thời gian bị bệnh đã bị kém đi. Để nhanh phục hồi cần tập các bài tập phục hồi chức năng theo sự hướng dẫn của bác sĩ vật lý trị liệu.

Ngày nay, phẫu thuật nội soi là phương pháp tiên tiến được áp dụng rộng rãi hơn do sẹo mổ nhỏ, bệnh nhân ít đau hơn nên tập phục hồi chức năng dễ dàng hơn. Nội soi cho phép bác sĩ quan sát rõ hơn tình trạng khớp vai và sửa chữa các tổn thương khác dễ dàng hơn, thời gian nằm viện ngắn hơn. Nhược điểm duy nhất là chi phí phẫu thuật cao.

Kết hợp hiệu quả giữa các phương pháp điều trị và các bài tập phục hồi chức năng sẽ giúp giảm thời gian hồi phục và cải thiện tốt hội chứng bắt chẹn vai của bạn giúp bạn mau chóng hồi phục chức năng vai.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan