Chụp mạch vành - Tác dụng kép trong chẩn đoán và điều trị bệnh mạch vành

Chụp mạch vành đóng vai trò quan trọng trong chẩn đoán và điều trị các bệnh lý mạch vành, là một thủ thuật được sử dụng để đánh giá hình thái hệ thống động mạch vành, giúp người bệnh phát hiện bệnh tim mạch và điều trị hiệu quả.

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

1. Chụp mạch vành qua da là gì?

Động mạch vành đóng vai trò cung cấp máu đến cơ tim. Hiện nay các phương pháp thăm dò hình ảnh không xâm lấn (như chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ tim) rất có giá trị trong chẩn đoán các bệnh mạch vành. Tuy nhiên, chụp mạch vành qua da vẫn là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán bệnh lý mạch vành ( hẹp, tắc nghẽn, huyết khối hay lóc tách động mạch..), từ đó bác sĩ có thể thực hiện các thủ thuật can thiệp để điều trị ngay các bệnh lý này như là nong bóng phủ thuốc hoặc đặt stent mạch vành.

Trong quá trình điều trị bệnh mạch vành, phương pháp chụp mạch vành được kết hợp với việc dùng các ống thông chuyên dụng, sau khi đưa thuốc cản quang vào lòng động mạch vành, hình ảnh thực tế của hệ động mạch sẽ được hiển thị trên màn hình tăng sáng, dựa vào đó các bác sĩ sẽ đánh giá được tình trạng, mức độ và vị trí tổn thương của động mạch vành như hẹp, tắc, lóc tách, huyết khối...

Chụp mạch vành - tác dụng kép trong chẩn đoán và điều trị bệnh mạch vành
Dụng cụ chụp động mạch vành

2. Tác dụng kép của chụp mạch vành qua da

2.1 Ứng dụng trong chẩn đoán bệnh mạch vành

Chỉ dựa vào triệu chứng, bác sĩ không thể đưa ra nhận định chính xác bệnh nhân đang mắc phải căn bệnh động mạch vành nào. Để chẩn đoán, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân chụp mạch vành để có cơ sở đánh giá tình trạng bất thường của động mạch đưa máu nuôi tim.

Những bệnh nhân thuộc các trường hợp sau sẽ được yêu cầu chụp mạch vành để bác sĩ chẩn đoán nguyên nhân gây bất thường của tim mạch:

  • Bệnh nhân xuất hiện các cơn đau thắt ngực;
  • Xuất hiện các triệu chứng giống thiếu máu cơ tim không điển hình như khó thở, đau thượng vị, nôn ói, vã mồ hôi, khó chịu ở ngực
  • Điện tâm đồ (ECG) có kết quả không bình thường, dẫn đến nghi ngờ tình trạng thiếu máu cơ tim;
  • Siêu âm tim có kết quả nghi ngờ thiếu máu cơ tim;
  • Kết quả xét nghiệm máu(men tim) nghi ngờ nhồi máu cơ tim;
  • Tìm nguyên nhân dẫn đến suy tim, do thiếu máu cơ tim hay các lý do khác gây ra hay không;
  • Chẩn đoán mức độ bệnh động mạch vành, cần phải phẫu thuật bắc cầu mạch vành hay đặt stent;

2.1 Ứng dụng trong quá trình điều trị

Phương pháp này được thực hiện trước hoặc trong quá trình can thiệp tim mạch, chẳng hạn như:

  • Can thiệp động mạch vành qua da (nong động mạch vành, đặt stent động mạch vành: phương pháp điều trị tắc nghẽn, hẹp động mạch vành, nhồi máu cơ tim.
  • Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành (CABG): phương pháp hỗ trợ cung cấp thêm máu lưu thông qua đoạn động mạch vành bị hẹp hoặc tắc nghẽn, từ đó cải thiện lưu lượng máu đến tim.
  • Phẫu thuật van tim: phẫu thuật thay thế hoặc sửa chữa van tim.
  • Phẫu thuật ngoài tim: chụp mạch vành sẽ được dùng để đánh giá tình trạng thiếu máu cơ tim để xác định nguy cơ của phẫu thuật.
Chụp mạch vành có tác dụng kép trong chẩn đoán và điều trị bệnh mạch vành
Chụp mạch vành có tác dụng kép trong chẩn đoán và điều trị bệnh mạch vành

3. Chống chỉ định chụp mạch vành đối với những trường hợp nào?

Không có chống chỉ định tương đối trừ khi không đủ điều kiện con người và trang thiết bị (cần chuyển người bệnh đến cơ sở có trang bị ) hoặc người bệnh từ chối thủ thuật.

Chụp mạch vành sẽ không được chỉ định tương đối với các trường hợp sau:

  • Bệnh nhân đang bị nhiễm khuẩn
  • Tiền sử dị ứng nặng, sốc phản vệ do thuốc cản quang,
  • Bệnh nhân bị suy thận nặng (chỉ số chức năng thận <30ml/phút/m2), có nồng độ creatinin trong máu cao.
  • Người bệnh bị rối loạn đông máu
  • Phụ nữ đang có thai,
  • Trường hợp bệnh nhân bị hen suyễn nặng hoặc cường giáp chưa được điều trị ổn định cần phải thận trọng khi thực hiện chụp mạch vành.

4. Quy trình chụp động mạch vành qua da

4.1. Chuẩn bị

Bệnh nhân thường sẽ được yêu cầu không nên ăn uống trước khoảng 4 tiếng, không uống nước trước khoảng 2 tiếng trước khi thực hiện chụp mạch vành.

Nếu người bệnh đang uống thuốc điều trị tiểu đường (glucophage ) nên dừng 24h trước thủ thuật.

Quá trình chụp mạch vành chỉ mất khoảng 15 phút, bệnh nhân có thể về nhà sau 2-4 giờ thực hiện thủ thuật. Nhưng nếu người bệnh cần can thiệp động mạch vành, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh ở lại qua đêm để tiếp tục theo dõi tại bệnh viện, để đảm bảo bệnh nhân hồi phục hoàn toàn.

Các trường hợp đang mang thai, nghi ngờ mang thai, dị ứng với thuốc cản quang không được thực hiện chụp mạch vành. Phương pháp này đôi khi sẽ khiến bệnh nhân cảm thấy buồn tiểu, người bệnh nên đi vệ sinh trước khi thực hiện. Nếu xuất viện trong ngày, bệnh nhân nên đến bệnh viện cùng người thân, không nên tự chạy xe.

Phụ nữ mang thai hoặc nghi ngờ mang thai sẽ không thực hiện chụp mạch vành
Phụ nữ mang thai hoặc nghi ngờ mang thai sẽ không thực hiện chụp mạch vành

4.2 Thực hiện

Bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo trong quá trình chụp mạch vành, bác sĩ chỉ cung cấp thuốc giúp người bệnh cảm thấy thoải mái. Xuyên suốt quá trình, ECG vẫn luôn theo dõi tình trạng nhịp tim.

Một ống thông nhỏ sẽ được luồn vào cơ thể thông qua cẳng tay hoặc dưới bẹn. Dây dẫn sẽ đi theo ống thông vào đến động mạch vành của người bệnh. Máy chụp X-quang sẽ cho phép bác sĩ theo dõi vị trí của ống thông dưới mọi góc độ. Trong quá trình này, người bệnh sẽ không cảm nhận được ống đang di chuyển trong mạch máu của mình.

Sau khi vào động mạch vành, bác sĩ sẽ tiến hành bơm thuốc cản quang, thông qua tia X, bác sĩ sẽ biết thuốc vào động mạch vành của bệnh nhân như thế nào. Phần lớn thì bệnh nhân sẽ cảm thấy ấm, khi thuốc cản quang đã ngấm vào ngực, một số trường hợp, bệnh nhân cảm thấy khó chịu ở ngực.

Bằng những hình ảnh thu được, bác sĩ sẽ đưa ra đánh giá về tình trạng động mạch vành của bệnh nhân, xem có bất kỳ dấu hiệu tắc nghẽn nào không. Nếu xuất hiện thứ gì đang cản trở máu lưu thông (chẳng hạn như cholesterol, mảng bám...), bác sĩ có thể thông tắc nghẽn bằng thủ thuật nong mạch, sau đó, sẽ tiếp tục đặt stent để giữ động mạch vành của bệnh nhân được thông thoáng, lưu lượng máu lưu thông đều.

4.3 Theo dõi và xử lý biến chứng

Do chụp mạch vành cần phải luồn ống thông vào cơ thể nên khi rút ống thông, một số trường hợp bị chảy máu, bệnh nhân sẽ cảm thấy đau nhẹ và cần cầm máu khoảng từ 2-6 giờ.

Trong trường hợp ống thông ở bẹn, bệnh nhân cần nằm ngửa vài giờ. Một vài người bệnh đặt stent cùng ngày với chụp mạch vành vẫn có thể về nhà trong ngày, nhưng nếu quá trình được thực hiện buổi chiều hoặc quy trình thực hiện phức tạp, bệnh nhân nên ở lại bệnh viện để tiếp tục theo dõi qua đêm, đảm bảo cơ thể được phục hồi một cách tối đa.

Bệnh nhân cần được theo dõi tại bệnh viện cho đến khi đảm bảo cơ thể đã hồi phục
Bệnh nhân cần được theo dõi tại bệnh viện cho đến khi đảm bảo cơ thể đã hồi phục

Do sử dụng thuốc cảm quang, người bệnh sau khi chụp mạch vành sẽ cảm thấy mệt, vết thương tại vị trí luồn ống thông sẽ trở nên nhạy cảm hoặc bị bầm tím vài ngày. Thời điểm này, bệnh nhân nên hạn chế thực hiện các hoạt động mạnh.

5. Các biến chứng và tác dụng phụ của phương pháp chụp mạch vành

Tác dụng phụ và biến chứng có thể xảy ra sau khi chụp mạch vành qua da, có thể kể đến:

  • Một số phản ứng có thể xảy ra sau tiêm thuốc cản quang trong vòng 1 giờ: Dị ứng, nôn, sốc phản vệ, phù thanh quản.
  • Giảm áp lực đột ngột trong quá trình thực hiện: xảy ra khi đầu catheter chụp bịt kín lỗ vào động mạch vành, trường hợp này cần rút catheter khỏi động mạch vành ngay lập tức.
  • Rối loạn nhịp trầm trọng: rút catheter chụp ra khỏi động mạch, tiến hành sốc điện, dùng thuốc để kiểm soát các rối loạn nhịp trên.
  • Co thắt động mạch quay quá mức
  • Tắc động mạch vành cấp do phát hiện huyết khối
  • Thủng hoặc lóc tách động mạch vành: đây là một trường hợp cấp cứu nguy hiểm
  • Có khả năng xuất hiện biến chứng chảy máu sau khi rút ống thông
  • Đau, sưng cánh - cẳng tay do mạch quay bị tổn thương hoặc thủng mạch do mạch cánh tay.
  • Chức năng thận suy giảm do sử dụng thuốc cản quang.

6. Cần làm gì sau thủ thuật chụp mạch vành qua da?

Một số lời khuyên bác sĩ dành cho các bệnh nhân sau khi chụp mạch vành:

  • Thư giãn và giữ tinh thần được thoải mái;
  • Uống thật nhiều nước;
  • Nói không với hút thuốc và uống rượu;
  • Không nên tự lái xe;
  • Tháo băng kẹp tại vị trí luồn ống thông sau 4-6 giờ (đối với tay) hoặc sau 24 giờ (đối với vị trí bẹn); nếu xuất hiện rỉ dịch nhỏ, hãy băng lại trong thời gian 6-8 giờ;
  • Vài ngày tiếp theo, không nên tập luyện với chế độ nặng
  • Được tắm nhưng không ngâm người trong bồn tắm và hồ bơi ít nhất 3 ngày;
  • Tại vị trí luồn ống thông không được sử dụng kem bôi dưỡng da.
Bệnh nhân không nên uống rượu sau khi chụp mạch vành
Bệnh nhân không nên uống rượu sau khi chụp mạch vành

Chụp mạch vành được xem là phương pháp tốt nhất để kiểm tra tình trạng tắc nghẽn của các động mạch cung cấp máu cho tim.

Tuy nhiên, phương pháp này có chi phí cao, sử dụng chất cản quang cùng với nguy cơ tiếp xúc nhiều với tia X nên có một số rủi ro nhất định. Do đó, trước khi quyết định chụp mạch vành, các bác sĩ cần xem xét kỹ về lợi ích và rủi ro cho bệnh nhân.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

27.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan