Chảy máu cam: Khi nào cần đi khám?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Hữu Thắng - Bác sĩ Hồi sức cấp cứu - Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long

Chảy máu cam nhiều lần trong ngày, kéo dài liên tục nhiều ngày là một trong những dấu hiệu cho thấy bệnh nhân nên đến bác sĩ thăm khám để được chăm sóc đặc biệt và xử trí khẩn cấp.

1. Chảy máu cam có nguy hiểm không?

Khoang trong của mũi có chứa nhiều mạch máu nhỏ. Thông thường, nếu khu vực này bị khô hoặc bị kích thích bởi các tác nhân từ bên ngoài sẽ dẫn tới hiện tượng chảy máu cam, hay còn gọi là chảy máu mũi. Các triệu chứng của chảy máu mũi bao gồm xuất hiện máu chảy ra từ một hoặc hai bên mũi, cũng có thể chảy xuống thành sau họng, dẫn đến ho, khạc hoặc nôn dịch có lẫn máu. Sau khi mất đi một lượng khá nhiều máu từ mũi, khi đi ngoài bệnh nhân có thể quan sát thấy phân có lẫn màu đen hoặc màu hắc ín, điều này có nghĩa là người bệnh đã nuốt vào một lượng lớn máu thông qua đường tiêu hóa.

Trẻ em là đối tượng thường hay bị chảy máu mũi. Những nguyên nhân gây nên chứng chảy máu cam ở trẻ nhỏ đa phần là do dị ứng, bé bị cảm lạnh, nhiễm trùng xoang, giảm độ ẩm trong mũi (do hít phải không khí khô, đặc biệt vào mùa đông) và những kích thích khác (ví dụ, trẻ ngoáy mũi mạnh, có vật lạ lọt vào trong mũi, bị chấn thương, va đập mũi). Đôi khi, nguyên nhân gây chảy máu cam có thể do bất thường ở kết cấu mũi và sự phát triển không bình thường ở mũi từ lúc mới sinh.

Có rất nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ chảy máu cam, bao gồm: khí hậu trong nhà khô nóng, tiếp xúc với hóa chất hoặc tác nhân gây kích ứng, một số bệnh lý, nghiện rượu nặng, tác dụng của thuốc và thực phẩm bổ sung. Chảy máu cam là dấu hiệu dễ gặp, thường tự hết và hiếm khi để lại hậu quả nghiêm trọng.

Chảy máu cam
Trẻ em là đối tượng thường hay bị chảy máu mũi

2. Dấu hiệu chảy máu cam cần đi khám

2.1. Ở người lớn

Người lớn bị chảy máu cam cần đi khám để được chăm sóc y tế đặc biệt nếu nhận thấy những dấu hiệu sau đây:

  • Gặp chấn thương hoặc vừa trải qua một tai nạn nghiêm trọng, như một tai nạn xe hơi;
  • Máu xuất hiện nhiều hơn so với những trường hợp chảy máu cam thông thường;
  • Ảnh hưởng đến khả năng thở;
  • Tình trạng kéo dài hơn 20 phút, ngay cả khi đã bịt đường thở để ngăn máu chảy.

Nếu bệnh nhân mất quá nhiều máu như trong trường hợp chảy máu cam nhiều lần trong ngày hay chảy máu cam liên tục nhiều ngày thì không nên tự lái xe đến bệnh viện. Thay vào đó, nên nhờ một người bạn hoặc người thân trong gia đình đưa đi, hoặc gọi số điện thoại khẩn cấp của cơ sở y tế để được hỗ trợ.

Triệu chứng chảy máu cam nhiều lần trong ngày có thể khiến bệnh nhân mất một lượng máu rất nhiều trong thời gian ngắn. Do đó, ngay cả khi cảm thấy tình trạng mất máu không mấy nghiêm trọng, bệnh nhân vẫn cần được chăm sóc khẩn cấp. Ngoài ra, bác sĩ khi thăm khám cần biết tần suất chảy máu cam trong ngày và bao nhiêu ngày để có thể tìm ra nguyên nhân và chẩn đoán được chính xác.

2.2. Ở trẻ em nhỏ

Đối với trẻ em nhỏ, phụ huynh cần hết sức chú ý vì có thể trẻ không biểu hiện đầy đủ ra bên ngoài. Trong một số trường hợp sau đây, trẻ cần được chăm sóc khẩn cấp khi bị chảy máu cam:

  • Chảy máu nhiều, cảm thấy chóng mặt, suy yếu;
  • Nguyên nhân xảy ra vì trẻ bị ngã, va đập hoặc chấn thương;
  • Chảy máu không ngừng, ngay cả khi đã bịt đường thở 2 lần, mỗi lần liên tục trong 10 phút để ngăn máu chảy.

Phụ huynh nên đưa trẻ đến bác sĩ thăm khám nếu nhận thấy:

  • Trẻ bị chảy máu cam thường xuyên, nhiều lần trong ngày hoặc liên tục trong nhiều ngày;
  • Nguyên nhân gây ra do trẻ lỡ nhét vật gì đó vào mũi;
  • Trẻ chảy máu nặng mặc dù bị thương nhẹ;
  • Tình trạng chảy máu đồng thời bắt nguồn từ các khu vực khác trên cơ thể, như nướu răng;
  • Dấu hiệu bị bầm tím do chấn thương nhẹ;
  • Nghi ngờ do tác dụng của một loại thuốc nào đó gần đây mới sử dụng cho trẻ.

3. Đối tượng nào thường bị chảy máu cam nghiêm trọng

Lưu ý tái khám sau cắt đại tràng
Nếu bị chảy máu cam nhiều lần trong ngày, liên tục nhiều ngày thì bệnh nhân cần được đi khám ngay

Nếu tình trạng chảy máu mũi chỉ thỉnh thoảng mới bị thì không có gì đáng lo ngại. Tuy nhiên, nếu bắt nguồn từ loại thuốc nào đó mới sử dụng, do nguyên nhân bệnh lý hoặc tình trạng sức khỏe nào đó cụ thể, chảy máu cam có thể trở nên nghiêm trọng hơn, kéo dài liên tục nhiều ngày và cần đến sự hỗ trợ đặc biệt.

Những bệnh nhân đang dùng các thuốc có hoạt tính làm loãng máu như warfarin (biệt dược Coumadin, Jantoven) hoặc aspirin có thể khiến tình trạng chảy máu trầm trọng hơn bình thường. Đôi khi, việc điều trị với một trong những loại thuốc kể trên sẽ dẫn đến chảy máu cam không thể tự cầm máu được. Một số bệnh nhân bị rối loạn đông máu cũng có thể gặp phải tình trạng chảy máu mũi thường xuyên do cơ chế đông máu hoạt động không đúng cách. Để xử trí tình huống này, bác sĩ sẽ phải đặt một chiếc túi đặc biệt vào mũi bệnh nhân để cầm máu.

Trong mọi trường hợp, nếu bị chảy máu cam nhiều lần trong ngày, liên tục nhiều ngày, khó cầm máu hoặc kèm theo chảy máu nướu răng, chảy nhiều máu do vết cắt nhỏ thì bệnh nhân nên đến bệnh viện thăm khám bác sĩ càng sớm càng tốt.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: Webmd.com; Mayoclinic.org

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

61.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan