Chẩn đoán đau thắt ngực bằng chụp CT tưới máu cơ tim

29/07/2019
Chẩn đoán đau thắt ngực

1. Đau thắt ngực

Đau thắt ngực là tình trạng đau ngực gây ra bởi động mạch vành bị hẹp vì tắc nghẽn hoặc co thắt. Lượng máu để nuôi tim không đủ, dẫn đến tình trạng tim bị thiếu oxy để bơm máu. Đau thắt ngực thường do bệnh xơ vữa các động mạch vành gây ra. Nguyên nhân thông thường nhất là:

  • Bệnh mạch vành: động mạch vành ở tim bị thu hẹp do các mảng tích tụ từ cholesterol, gây ra xơ vữa động mạch, làm cho máu chảy qua chúng trở nên khó khăn hơn.
  • Loạn nhịp tim.
  • Thiếu máu gây ra thiếu hụt hồng huyết cầu để cung cấp oxy.
  • Co thắt động mạch vành dẫn đến giảm lưu lượng máu.

2. Chẩn đoán đau thắt ngực

Những điểm cơ bản trong chẩn đoán:

  • Đau ngực vùng trước tim, thường khởi phát bởi stress hoặc gắng sức. Nghỉ ngơi hoặc các thuốc nhóm nitrat sẽ làm giảm nhanh chóng cơn đau thắt ngực.
Chẩn đoán đau thắt ngực
Đau ngực vùng trước tim, thường khởi phát bởi stress hoặc gắng sức
  • Các dấu hiệu thiếu máu xuất hiện khi điện tim hoặc chụp nhấp nháy trong cơn đau hoặc khi làm nghiệm pháp gắng sức.
  • Chụp động mạch vành cho thấy sự hẹp tắc rõ rệt các động mạch vành chính.

Việc chẩn đoán đau thắt ngực chủ yếu dựa vào tiền sử, đặc biệt là những dữ kiện sau.

  • Những hoàn cảnh làm khởi phát và làm giãn nhẹ đau thắt ngực: Đau thắt ngực hầu như đều xảy ra trong khi hoạt động, và giảm đi khi nghỉ ngơi. Gắng sức làm căng các cơ lồng ngực hoặc cơ chi trên sẽ làm khởi phát cơn đau.
  • Cảm giác của bệnh nhân: Bệnh nhân thường không quy cho đau thắt ngực như là "đau" mà như là cảm giác thắt chặt lại, ép lại, nóng bỏng, siết chặt, nghẹt thở, đau nhức, như nổ tung lồng ngực, ngột ngạt, cảm giác khó tiêu hoặc bứt rứt khó chịu.
  • Vị trí đau: Trong 80 - 90% các trường hợp thấy đau tức ở phía sau hoặc hơi lệch sang bên trái xương ức.
  • Thời gian kéo dài cơn đau: Cơn đau thắt ngực thường ngắn và có thể hết hoàn toàn mà không để lại cảm giác khó chịu nào.
  • Tiền sử bệnh lý khác: tim mạch, đái tháo đường,...

3. Các phương pháp chẩn đoán đau thắt ngực

3.1 Điện tâm đồ

Điện tâm đồ lúc nghỉ ngơi là bình thường trong một phần tư các bệnh nhân có cơn đau thắt ngực. Trong số còn lại, những bất thường gồm: nhồi máu cơ tim cũ, những thay đổi không đặc hiệu của ST - T; rối loạn dẫn truyền nhĩ - thất hoặc trong thất và những thay đổi của dầy thất trái.

Trong cơn đau thắt ngực những thay đổi điện tâm đồ đặc trưng là đoạn ST chênh xuống đi ngang hoặc dốc xuống, và nó có thể đảo ngược sau khi thiếu máu biến mất. Sóng T dẹt hoặc đảo ngược cũng có thể xảy ra. Ít gặp hơn, có thể thấy đoạn ST chênh lên; dấu hiệu này chứng tỏ thiếu máu (xuyên thành) nặng và thường xảy ra do co thắt mạch vành.

3.2 Điện tâm đồ gắng sức

Nghiệm pháp gắng sức là phương pháp thăm dò có giá trị nhất trong đánh giá bệnh nhân bị đau thắt ngực. Thiếu máu không có trong lúc nghỉ ngơi sẽ được phát hiện bằng sự khởi phát đau ngực điển hình hoặc sự chênh xuống của đoạn ST (hoặc hiếm hơn là chênh lên).

3.3 Nhấp nháy đồ tưới máu cơ tim

Thăm dò này cho thấy hình ảnh thu nhận chất phóng xạ hạt nhân theo tỷ lệ dòng máu cung cấp ở thời điểm trên. Những vùng giảm thu nhận chất phóng xạ chứng tỏ có sự giảm tưới máu tương đối (so với các vùng cơ tim khác). Ở những phòng xét nghiệm có kinh nghiệm, nhấp nháy đồ thallium 201 dương tính ở 75 - 90% các bệnh nhân có tổn thương về mặt giải phẫu động mạch vành rõ rệt và chỉ vào khoảng 20% những người này là không có tổn thương. Kết quả dương tính giả ở phụ nữ có thể do sự đào thải chất phóng xạ qua tổ chức tuyến sữa.

3.4 Chụp buồng tim bằng phóng xạ

Thủ thuật này làm hiện hình tâm thất trái và đo phân số tống máu và di động thành thất trái.

Trong bệnh mạch vành, những bất thường lúc nghỉ ngơi tương ứng với nhồi máu, còn bất thường xảy ra khi gắng sức thường chứng tỏ thiếu máu do gắng sức gây ra. Những bệnh nhân bị bệnh mạch vành có thể thấy giảm phân số tống máu tăng khi gắng sức.

3.5 Siêu âm

Siêu âm có thể cho thấy hình ảnh của thất trái, những bất thường này có thể chứng tỏ thiếu máu cơ tim cục bộ hoặc nhồi máu trước đó. Nó cũng là một kỹ thuật tốt để đánh giá chức năng thất trái, một chỉ dẫn quan trọng trong tiên lượng và quyết định các phương thức điều trị. Có thể làm siêu âm trong tư thế gắng sức nằm ngửa hoặc ngay sau khi gắng sức tư thế đứng.

Đánh giá mức độ xơ gan do viêm gan C nhờ siêu âm đàn hồi mô tiên tiến
Siêu âm có thể cho thấy hình ảnh của thất trái, những bất thường này có thể chứng tỏ thiếu máu cơ tim cục bộ hoặc nhồi máu trước đó

3.6 Chụp mạch vành

Chụp mạch vành là tiêu chuẩn vàng để xác định tình trạng tắc nghẽn, hẹp mạch vành, đây là một trong những phương pháp chẩn đoán chính xác nhất.

3.7 Chụp buồng thất trái

Chụp buồng thất trái thường được thực hiện đồng thời với chụp mạch vành. Có thể thấy được chức năng toàn bộ hoặc từng vùng thất trái cũng như hở van hai lá nếu có. Chức năng thất trái là yếu tố chủ yếu quyết định tiên lượng trong bệnh mạch vành ổn định và mối nguy cơ của phẫu thuật ghép cầu nối.

4. Chẩn đoán đau thắt ngực bằng chụp CT tưới máu cơ tim

Chụp CT tưới máu cơ tim bao gồm chụp CT động mạch vành và chụp tưới máu cơ tim ở trạng thái gắng sức được tạo ra bằng cách truyền Adenosine. Adenosine là một thuốc giãn mạch làm gia tăng lưu lượng máu đến mạch vành và cơ tim, tương tự như trạng thái bệnh nhân đang tập thể dục. Nhờ đó, giúp tìm ra nguyên nhân gây ra đau thắt ngực hoặc sau khi bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim để kiểm tra xem vùng nào của tim không nhận đủ máu hoặc để đánh giá độ rộng của vùng tổn thương cơ tim.

Kỹ thuật này đặc biệt phù hợp với những bệnh nhân:

  • Bệnh nhân > 40t,
  • Đau thắt ngực ổn định
  • Bệnh nhân có nguy cơ bệnh mạch vành hoặc đau ngực không điển hình
  • Phân tầng nguy cơ bệnh mạch vành
  • Trước phẫu thuật có hoặc không liên quan đến tim
  • Sau can thiệp hoặc thủ thuật thông mạch vành
  • Đánh giá mức độ sống còn của cơ tim

Chống chỉ định:

  • Các chống chỉ định của Adenosine
  • Đau thắt ngực không ổn định hoặc đau ngực cấp nghi ngờ hội chứng vành cấp đang diễn tiến
  • Các chống chỉ định của thuốc cản quang và Nitromint.

Bệnh nhân sẽ được lấy vein ở tay phải để tiêm thuốc cản quang, lấy vein ở tay trái để tim adenosine. Nhân viên y tế sẽ tập cho bệnh nhân hít hơi nín thở trong quá trình chụp, sau đó giải thích phản ứng của thuốc cản quang và Adenosine.

Quy trình chụp CT tưới máu cơ tim bao gồm đánh giá tưới máu cơ tim trong điều kiện nghỉ ngơi và gắng sức. Sau khi chụp CT tiêm thuốc cản quang tĩnh mạch, bác sỹ sẽ đánh giá và phân tích các vùng cơ tim. Những vùng tưới máu kém được thể hiện bằng hình ảnh giảm đậm độ hoặc không ngấm thuốc cản quang.

Thời gian giữa 2 quy trình chụp nghỉ ngơi/ gắng sức hoặc gắng sức/ nghỉ ngơi cách nhau từ 10-15 phút để thuốc cản quang được đào thải hết.

Ưu điểm của chụp CT tưới máu cơ tim

Lát cắt mỏng từ phương pháp chụp CT tưới máu cơ tim với hình ảnh rõ ràng cho phép đánh giá tổn thương nhỏ dưới 1cm. Do đó, đây được coi là phương pháp có độ nhạy cũng như độ đặc hiệu cao trong chụp động mạch vành.

Chẩn đoán đau thắt ngực
Lát cắt mỏng từ phương pháp chụp CT tưới máu cơ tim với hình ảnh rõ ràng cho phép đánh giá tổn thương nhỏ dưới 1cm

Hiện tại, Hệ thống bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đang sử dụng hệ thống máy chụp cắt lớp vi tính hiện đại của hãng GE Healthcare (Mỹ), với phần mềm chụp và phân tích hình ảnh tưới máu cơ tim. Máy có thể chụp tim và mạch vành độ nét cao với bất kỳ nhịp tim nào. Đây là một trong những trang thiết bị hiện đại, độ chinh xác cao có thể hỗ trợ các bác sĩ rất nhiều trong chẩn đoán các bệnh mạch vành có thể gây ra đau thắt ngực.

Thạc sĩ Bác sĩ Lâm Thị Kim Chi tốt nghiệp Thạc sĩ chuyên khoa Chẩn đoán hình ảnh - Đại học Y Dược Huế và có trên 6 năm kinh nghiệm làm bác sĩ chẩn đoán hình ảnh. Bác sĩ Chi từng công tác tại tại Bệnh viện Phụ sản- Nhi Đà Nẵng trước khi là bác sĩ chẩn đoán hình ảnh tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng như hiện nay

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.