Câu hỏi thường gặp với bệnh nhân tim mạch

Hai chuyên gia Tim mạch dày dạn kinh nghiệm đến từ Bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec là BS Pháp Olive Bertrand và BS Nguyễn Bằng Phong sẽ trả lời các câu hỏi thường gặp với bệnh nhân tim mạch.

Dấu hiệu nào phải chú ý là có thể bị nhồi máu cơ tim?

Chu Quang Huy, 46 tuổi, Hà Nội

Bác sĩ Pháp Olive Bertrand :
Nhồi máu cơ tim là căn bệnh rất thầm lặng. Khi mà người ta biết đến nó nhờ một số triệu chứng thì nó đã phát triển từ trước đó nhiều năm. Khi hẹp động mạch vành được biểu hiện bằng các con số chẩn đoàn (trên 70%) thì nó được biểu hiện bằng 2 cách:
- Đối với đau thắt ngực: đau thắt ở ngực kèm theo biểu hiện đau lan xuống cánh tay trái hoặc lan lên cổ, hàm. Các cơn đau thường xuất hiện khi gắng sức vào mùa đông khi đi bộ hoặc khi trời lạnh. Cơn đau biến mất sau khi người bệnh nghỉ ngơi và ngưng gắng sức.
Đối với nhồi máu cơ tim : Cơn đau tương tự như ở bệnh lý đau thắt ngực nhưng xuất hiện trong tình trạng người bệnh không gắng sức, cơn đau kéo dài không ngừng. Lúc này, người bệnh trong tình trạng khẩn cấp liên quan đến tính mạng bởi một phần của cơ tim bị tổn thương, người bệnh có nguy cơ tử vong hoặc nguy cơ để lại di chứng nặng nề. Tuy nhiên, ở bệnh nhân tiểu đường, các triệu chứng này thường không rõ ràng.

Các cơn đau thường xuất hiện khi gắng sức vào mùa đông khi đi bộ hoặc khi trời lạnh


Tôi thấy hồi hộp trống ngực, đi khám được phát hiện rung nhĩ, như vậy có nguy hiểm không ? Tôi phải làm gì?
Hồng Nhung, 25 tuổi, Hà Nội
Bác sĩ Nguyễn Bằng Phong :
Trống ngực thường là triệu chứng của rung nhĩ và khi bị rung nhĩ thì là bệnh nguy hiểm vì rung nhĩ có thể dẫn đến các biến chứng tắc mạch như tắc mạch chi, tắc mạch mạc treo, và nhất là tắc mạch não.
Với các trường hợp rung nhĩ mới thì người ta áp dụng kĩ thuật chuyển nhịp bằng thuốc hoặc là bằng phương pháp sốc điện để chuyển từ rung nhĩ về nhịp xoang. Với những trường hợp rung nhĩ mạn tính, khả năng chuyển nhịp không còn thì áp dụng thuốc nhằm kiểm soát tần số tim và chống đông để ngăn ngừa tình trạng tắc mạch.
---
Tôi bị nhịp chậm, đã được cấy máy tạo nhịp tim, xin giải thích rõ về hoạt động máy tạo nhịp tim và tôi phải lưu ý gì trong cuộc sống ?
Phi Long, 56 tuổi, TP HCM
Bác sĩ Nguyễn Bằng Phong :
Khi nhịp tim chậm đến mức cung cấp máu cho não không đủ gây ra xỉu ngất thì có chỉ định cấy máy tạo nhịp tim. Máy này có tác dụng kích thích tim đập với tần số đủ để cung cấp máu cho não và các bộ phận khác của cơ thể. Hiện nay, tuổi thọ của máy tạo nhịp khoảng độ từ 10-12 năm. Khi hết pin thì cần phải thay máy khác. Bạn có máy tạo nhịp tim thì nên đến khám định kỳ tại các cơ sở chuyên khoa tim mạch 6 tháng/lần.
---
Tôi bị phù chân khi đứng và đau buốt, tối lại đỡ, như vậy có phải bị bệnh mạch máu không? Tôi phải làm gì?
Thu Thảo, 49 tuổi, An Giang
Bác sĩ Nguyễn Bằng Phong :
Đây là triệu chứng của bệnh suy tĩnh mạch . Tĩnh mạch ở chân có hệ thống van 1 chiều để máu từ chân chảy về tim. Khi các van này bị hở thì sẽ có 1 phần máu trào ngược về chân, gây ra tình trạng ứ trệ, phù, đau mỏi chân, giãn các tĩnh mạch nông.
Trong trường hợp này, bạn nên đến khám bác sĩ chuyên khoa để được dùng thuốc: Đó là các thuốc làm bền vững thành tĩnh mạch, giảm tình trạng hở các van. Ngoài ra, phải đi một loại tất gọi là tất áp lực cũng có tác dụng giảm bớt tình trạng ứ trệ. Một việc nữa rất quan trọng là phải tránh đứng lâu, thường xuyên vận động, đi bộ, đạp xe, bơi.
---
Từ 3 năm nay, tôi bị huyết áp thấp, đêm ngủ hay bị mê, sáng dậy hay bi đau đầu, tức ngực, người mệt mỏi, siêu âm tim, các BS xác nhận bị hở nhẹ van tim, vậy tôi phải làm gì?
nguyen thi tuoc, 65 tuoi, huu tri
Bác sĩ Nguyễn Bằng Phong :
Huyết áp thấp thường gây ra các triệu chứng hoa mắt, chóng mặt nhất là khi thay đổi tư thế đột ngột, một số trường hợp thậm chí còn gây ra thỉu hoặc ngất.
Để tránh các hiện tượng này, không nên thay đổi tư thế một cách đột ngột.
Siêu âm tim thấy hở nhẹ van tim, mặc dù bà không cho biết là van gì, tình trạng kích thước buồng tim ra sao nhưng với 1 van tim bị hở nhẹ thường không gây ra các triệu chứng nào. Bà nên khám để được siêu âm tim định kì 6 tháng 1 lần để theo dõi và đánh giá tình trạng van tim.
---
Tôi đi siêu âm tim bác sĩ nói tôi bị hở van 2 lá, van 3 lá, van động mạch phổi nhẹ, hở van động mạch chủ vừa, huyết áp 120/80 mmHg, nhịp tim nhanh.Hiện tại bác sĩ chưa cho tôi điều trị thuốc tim. Xin bác sĩ cho biết bệnh của tôi có nguy hiểm ko? .
Đào Thị Oanh, 53 tuổi, Phúc Thọ - Hà Nội
Bác sĩ Nguyễn Bằng Phong :
Khi hở các van tim mức độ nhẹ thì thường không nguy hiểm. Bà bị bác sĩ siêu âm nói là bị hở van 2 lá, van 3 lá và van động mạch phổi nhẹ nhưng hở van động mạch chủ vừa lâu dầu có thể dẫn đến suy tim. Vì vậy, khi phát hiện hở van động mạch chủ vừa thì phải dùng thuốc có tác dụng ngăn ngừa suy tim như thuốc ức chế men chuyển, lợi tiểu kháng Aldosteron. Một số trường hợp có thể dùng chẹn beta bởi một bác sĩ chuyên khoa tim mạch.
---
Tôi bị tiểu đường 6 năm nay, có tăng huyết áp và uống thuốc . Thấy trong người vẫn khoẻ, đánh tenis 4 buổi còn đi bơi biển 3 buổi một tuần. Xin hỏi BS tôi phải chú ý như thế nào khi van động với căn bệnh nói trên
Phan Thái, 60 tuổi, ở 110 Quang Trung Đà nẵng
Bác sĩ Pháp Olive Bertrand :
Bạn nên khám bác sĩ tim mạch và làm nghiệm pháp gắng sức, khi đó bác sĩ có thể cho bạn câu trả lời chính xác hơn về mức độ vận động cho phép.
---
Tôi bị cao huyết áp, uống thuốc không giảm, huyết áp lúc nào cận trên cũng 200 cận dưới 138, tôi thấy có người bảo dùng thuốc A cung xe đỡ. Xin hỏi bác sỹ người ta nói thế có đúng không
Nguyễn Văn Hùng, 38 tuồi
Bác sĩ Pháp Olive Bertrand :
Bạn nên đi kiểm tra tim mạch sớm vì huyết áp ở mức 200/138 nằm trong ngưỡng nguy hiểm có thể có nguy cơ nhồi máu não. Do đó, bạn cần gặp bác sĩ chuyên khoa tim mạch để được tư vấn cụ thể và không nên dùng thuốc khi không có sự chỉ định của bác sĩ.
---
Xin kính chào các BS năm 2010 tôi đã được điều trị thay van động mạch chủ nhân tạo và bắc 3 cầu động mạch vành. Từ khi ra viện đến nay tôi được BS khám và cho uống thuôc liên tục cho đến nay gồm : 1- Sintrom 4mg ; 2- Samgel 75mg ; 3- Nodon 5mg ; 4- Asomex 5mg ; 6 - Telma 20mg ; 7- Lipovan 10mg. Tôi xin hỏi uống những thuôc trên suốt đời sẽ có ảnh hưởng (tác dụng phụ ) như thế nào và có phương pháp nào để giảm bớt tác dụng phụ đó dược không ? Xin cám ơn các BS cho lời khuyện!
Nguyễn việt Toàn , 58 tuổi - TP HCM , văn phòng
Bác sĩ Nguyễn Bằng Phong :
Không rõ van động mạch chủ nhân tạo của bác là loại cơ học hay sinh học. Ở tuổi 58 của bác khả năng đây là van cơ học.
Với van nhân tạo cơ học và 3 cầu động mạch vành, thì dùng thuốc như của bác đang dùng là phù hợp, bao gồm kháng vitamin K, Clopidogrel, ức chế men chuyển, chẹn canxi, chẹn beta và statin.
Những thuốc này ít nhiều có thể có tác dụng phụ, ví dụ ức chế men chuyển có thể gây ho, thay bằng ức chế thụ thể AT1, Clopidogrel có thể gây loét hoặc xuất huyết dạ dày, thường kết hợp thêm với các thuốc giảm tiết axit ở dạ dày.
Để giảm bớt tác dụng phụ khi dùng thuốc, nếu có bất kì 1 bất thường nào thì cần báo cho bác sĩ điều trị để xử lí.
---
Bác sỹ Nguyễn Bằng Phong: Xin bác sỹ cho biết những người có nguy cơ mắc bệnh tim mạch? Vào ùa đông, những người mắc benh cần phải phòng chống như thế nào?
Nguyễn Thị Vân Anh, 45 tuổi, buôn bán, Quảng Ninh
Bác sĩ Nguyễn Bằng Phong :
Có nhiều bệnh tim mạch và mỗi loại bệnh thì có nguy cơ riêng. Ví dụ đối với bệnh mạch vành thì yếu tố nguy cơ gồm: tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn lipit máu, hút thuốc lá, béo phì, tuổi,...
Vào mùa đông, những người mắc bệnh tim mạch cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Tránh thay đổi môi trường đột ngột
- Tránh ra ngoài trời lạnh tập thể dục quá sớm: Nên đợi có ánh nắng mặt trời hãy tập.
- Không nên ra ngoài những hôm thời tiết quá lạnh dưới 10 độ.
- Mặc đủ ấm, ăn đủ dinh dưỡng

697 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan