Cách chăm sóc và phòng bệnh viêm cầu thận cấp ở trẻ

Ngoài việc tuân thủ các phương pháp điều trị theo chỉ định của bác sĩ, cha mẹ cần đặc biệt lưu ý tới chế độ ăn uống, nghỉ ngơi và sinh hoạt của trẻ để tăng cường hiệu quả điều trị viêm cầu thận cấp, giúp bé phục hồi sức khỏe nhanh hơn.

1. Cách chăm sóc trẻ viêm cầu thận cấp

Khi chăm sóc trẻ bị viêm cầu thận cấp, phụ huynh cần chú ý tới việc xây dựng một chế độ nghỉ ngơi, dinh dưỡng khoa học và phòng ngừa biến chứng cho trẻ. Cụ thể là:

1.1 Chế độ nghỉ ngơi

Trẻ bị phù nhiều, tiểu ít, cao huyết áp nên nghỉ ngơi theo chế độ sau:

  • Nằm nghỉ hoàn toàn tại giường trong giai đoạn mắc bệnh cấp tính.
  • Sau 2 - 3 tuần bệnh nhi có thể hoạt động trở lại bình thường.
  • Tránh hoạt động gắng sức trong 3 - 6 tháng.

1.2 Chế độ ăn uống

Cha mẹ cần duy trì chế độ ăn viêm cầu thận cấp cho bé như sau:

  • Cho trẻ ăn nhạt tuyệt đối trong giai đoạn cấp.
  • Trẻ ăn nhạt tuyệt đối theo mức độ phù, tiểu ít, cao huyết áp trong 1 - 2 tuần: tất cả các món ăn của trẻ không được cho muối. Phụ huynh cần động viên và giám sát kỹ chế độ ăn của trẻ.
  • Khi bệnh nhi hết phù có thể quay trở lại chế độ ăn nhạt tương đối (lượng muối tăng dần: sử dụng 1g muối/ngày trong 1 - 2 tuần tiếp theo; 1.5g muối/ngày trong 1 - 2 tuần kế tiếp và 2g muối/ngày trong 1 - 2 tuần cuối.
  • Sau 4 - 8 tuần ăn nhạt tương đối, trẻ có thể ăn mặn bình thường.
  • Hạn chế cho trẻ uống nước tùy thuộc vào lượng nước tiểu và tình trạng bệnh: lượng nước đưa vào cơ thể = lượng nước tiểu của ngày hôm trước + 200ml nước mất đi không nhìn thấy.
  • Hạn chế thực phẩm giàu protein khi trẻ bị thiểu niệu hoặc vô niệu nhưng phải đảm bảo cho cơ thể lượng protein là 1g/kg/ngày (tương đương 5 - 6g thịt/kg/ngày hoặc 8 - 10g cá/kg/ngày).
  • Ăn 4 - 6 bữa nhỏ/ngày tùy theo lứa tuổi.
  • Cần động viên, giám sát kỹ chế độ ăn của bệnh nhi

Người bệnh viêm cầu thận không nên ăn gì?

  • Không ăn muối và mì chính khi có biểu hiện phù.
  • Hạn chế ăn protein, không ăn gia vị như hành, tỏi, ớt.
  • Hạn chế cho trẻ dùng các loại thức ăn giàu kali như cam, chuối, dừa, bánh mì, socola, phô mai,...
  • Hạn chế thực phẩm giàu phosphat khi lượng phosphat máu ≥ 2 mg/dl.
  • Hạn chế đường, thực phẩm giàu cholesterol.

Người bệnh viêm cầu thận nên ăn gì?

  • Nên ăn thực phẩm có nguồn gốc thực vật, giàu dinh dưỡng như khoai tây, đậu nành, hạt sen,...
  • Nên ăn chất bột đường có nguồn gốc từ khoai sọ, khoai lang, bột sắn dây, miến dong.
  • Nên sử dụng đạm có nguồn gốc động vật như cá, sữa, trứng, thịt nạc,... với lượng được bác sĩ khuyến cáo.

1.3 Chống nhiễm trùng cho trẻ

phong-benh-viem-cau-than-cap-1
Vệ sinh tai mũi họng cho bé hằng ngày để tránh nhiễm trùng
  • Vệ sinh da, tai mũi họng của bé hằng ngày để loại trừ các ổ nhiễm trùng.
  • Dùng kháng sinh Penicillin 100.000 đơn vị/kg/ngày hoặc Erythromycin 30 – 50 mg/kg/ngày trong 10 ngày khi trẻ bị viêm họng hoặc bị viêm da đang tiến triển.
  • Dùng thuốc lợi tiểu Furosemid 2mg/kg/ngày cho trẻ viêm cầu thận cấp bị phù, cao huyết áp, tiểu ít. Phụ huynh chỉ nên cho trẻ dùng thuốc vào buổi sáng hoặc trưa để tránh gây mất ngủ cho trẻ.
  • Dùng thuốc hạ áp Nifedipin khi trẻ có biểu hiện cao huyết áp.

1.4 Theo dõi sức khỏe của trẻ

  • Huyết áp: đo tối thiểu 2 lần/ngày, theo dõi sát sao nếu bệnh nhi có biểu hiện cao huyết áp.
  • Màu sắc và lượng nước tiểu trong 24h.
  • Cân nặng: kiểm tra vào mỗi sáng thức dậy.
  • Lượng nước vào - ra: lượng nước đưa vào cơ thể = lượng nước tiểu trong 24h + 200ml.
  • Chức năng thận: tổng phân tích nước tiểu mỗi 3 - 5 ngày.

Phát hiện và xử trí khi gặp các biến chứng: cao huyết áp (cho bé nằm nghỉ, dùng thuốc hạ áp nhanh và theo dõi huyết áp theo chỉ định của bác sĩ); suy tim cấp (cho trẻ nằm gối cao 60 - 90°, hút đàm nhớt, thở oxy và dùng thuốc hạ huyết áp theo chỉ định); phù phổi cấp (chăm sóc như suy tim cấp); suy thận cấp (hạn chế cho trẻ uống nước, áp dụng chế độ ăn nhạt tuyệt đối và theo dõi lượng nước vào - ra hằng ngày)

phong-benh-viem-cau-than-cap-2
Theo dõi huyết áp của trẻ bị viêm cầu thận cấp hằng ngày

2. Biện pháp phòng bệnh viêm cầu thận cấp ở trẻ em

  • Phát hiện, chẩn đoán và điều trị kịp thời, có hiệu quả các bệnh nhiễm khuẩn đường mũi họng và viêm da.
  • Duy trì thói quen vệ sinh cá nhân cho trẻ, đặc biệt là vệ sinh răng miệng và da.
  • Giữ ấm cho trẻ trong mùa đông.
  • Trẻ mắc viêm cầu thận cấp cần nghỉ ngơi tại nhà để tránh lây lan trong cộng đồng.
  • Thực hiện các biện pháp nâng cao thể trạng và sức đề kháng cho trẻ.

Bệnh viêm cầu thận cấp ở trẻ có thể chữa khỏi hoàn toàn. Cha mẹ cần phối hợp tốt với bác sĩ trong việc điều trị và chăm sóc trẻ để bé sớm phục hồi sức khỏe.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

11K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan