Các kiểu liệt do chấn thương tủy sống

Tổn thương tủy sống thường được phân loại theo hoàn toàn hoặc không hoàn toàn. Trong đó, tổn thương tủy sống không hoàn toàn là phổ biến hơn cả, khi một số tín hiệu vẫn có thể được truyền đi, người bệnh vẫn có thể hoạt động ở trong một số tầm vận động nhưng rất khó dự đoán. Tổn thương tủy sống hoàn toàn thường do tai nạn làm đứt hoặc tách rời các dây thần kinh tủy, chặn đứng hoàn toàn xung thần kinh di chuyển trong tủy sống, làm người bệnh không thể di chuyển bộ phận bị ảnh hưởng dù chỉ một chút.

1. Các dạng liệt

Với nhiều dạng tổn thương tủy sống, có rất nhiều dạng liệt đi kèm, sau đây chúng ta sẽ tìm hiểu bốn loại liệt chính được phân loại dựa trên bộ phận cơ thể bị ảnh hưởng.

1.1 Liệt một chi

Dạng liệt này thường xảy ra ở một phần cơ thể duy nhất, thường gặp nhất là liệt một chi, chẳng hạn như trong nghiên cứu của Tiến sĩ Pankowski và các nhà nghiên cứu khác vào năm 2016, về trường hợp một bệnh nhân nữ đã trải qua tình trạng liệt một chi thoáng qua ở chi dưới bên phải.

Giống trường hợp này, liệt một chi thường ngắn hạn, đặc biệt khi người bệnh chịu hậu quả của đột quỵ hoặc tổn thương não, tại vị trí các dây thần kinh bị ảnh hưởng nhưng tránh được việc bị cắt đứt hoàn toàn. Chức năng của chi bị liệt có thể được khôi phục nhờ liệu pháp vật lý trị liệu phục hồi chức năng.

1.2 Liệt nửa người

Gần giống như liệt một chi, bại não là nguyên nhân phổ biến nhất gây liệt nửa người. Dạng liệt này xảy ra do tổn thương não, có thể là do bẩm sinh hoặc bệnh lý mắc phải.

Người bệnh bị dạng liệt này thường không thể cử động một cánh tay, một chân và nửa bên mặt của cùng một bên với mức độ khác nhau. Nhiều người trải qua một số giai đoạn của liệt nửa người, bắt đầu bằng cảm giác châm chích, đến nhược cơ và sau đó leo thang đến tê liệt hoàn toàn.

Theo các nhà nghiên cứu, cánh tay thường bị ảnh hưởng nặng nề hơn chân và mặt, mặc dù vậy, người bệnh vẫn có thể tập đi lại bình thường được dù bị liệt một tay. Và cũng tương tự liệt một chi, mức độ nghiêm trọng của dạng liệt này có thể thay đổi từ ngày này sang ngày khác, và phụ thuộc nhiều vào lối sống.

Diễn giả truyền cảm hứng Irene Fischer – người từng mắc liệt nửa người vào năm 2009 sau khi bị chấn thương sọ não, đã có những chia sẻ đầy cảm hứng từ những trải nghiệm của cô với chứng bệnh này.

Liệt nửa người có thể bị nhầm lẫn với tiền chứng của nó - yếu nửa người. Mặc dù các tình trạng này hoàn toàn khác nhau, nhưng điều quan trọng nhất phải làm nếu bạn cảm thấy yếu ở một bên cơ thể là cần tìm sự trợ giúp y tế ngay lập tức.

1.3 Liệt chi dưới

Dạng liệt này xảy ra với phần chi dưới, từ eo trở xuống, gồm chân, hông và cả những chức năng như sinh lí và bài tiết. Mỗi bệnh nhân lại có cảm nhận về chứng liệt này khác nhau, dù cùng là mất khả năng điều khiển và cảm giác phần từ eo trở xuống.

Dù các liệu pháp vật lý trị liệu và phục hồi chức năng tích cực có thể tăng cường sức mạnh cơ bắp và liên kết thần kinh, nhưng thường thì rất khó để người bệnh hồi phục từ chứng liệt chi dưới. Nguyên nhân thường thấy nhất của liệt chi dướitổn thương tuỷ sống, làm ảnh hưởng đến chức năng nhận và gửi tín hiệu thần kinh từ vùng dưới vị trí tổn thương. Một thống kê cho thấy khoảng 265 nghìn người bị tổn thương tuỷ sống ở Hoa Kỳ, và xấp xỉ 47% phần trăm trong số họ có tổn thương tại vị trí dưới đốt sống ngực thứ nhất (liệt chi dưới).

Liệt
Liệt chi dưới xảy ra với phần chi dưới, từ eo trở xuống, gồm chân, hông và cả những chức năng như sinh lí và bài tiết

1.4 Liệt tứ chi

Đôi khi còn được gọi là tứ chi bất toại, dạng liệt này bắt đầu từ cổ trở xuống, hầu hết bao gồm tay chân và thân mình. Và cũng giống các dạng liệt khác, mỗi người bệnh có mức độ mất chức năng khác nhau.

Liệt tứ chi đôi khi chỉ xảy ra tạm thời sau khi người bệnh bị chấn thương não hoặc đột quỵ, và cơ thể người bệnh tự nhiên lấy lại một số chức năng trong quá trình phục hồi. Tuy nhiên, hầu hết bệnh nhân phải trải qua điều trị vật lý trị liệu chuyên sâu và cường độ cao. Tương tự liệt chi dưới, nguyên nhân hàng đầu gây liệt tứ chi là chấn thương khi chơi thể thao như bóng đá, tai nạn giao thông và ẩu đả.

Chứng liệt có thể xảy ra theo vô số cách khác nhau, và mỗi người bệnh sẽ có phản ứng và đáp ứng điều trị hơi bất đồng, đó là lý do liệt được phân loại về các dạng khác nhau, nhờ vậy, mỗi người bệnh có thể nhận được sự chăm sóc y tế lấy bệnh nhân làm trung tâm đúng đắn, cũng như nhận thức đầy đủ về tình trạng bệnh, phương thức điều trị và tiên lượng bệnh.

2. Triệu chứng và dấu hiệu nguy hiểm

2.1 Triệu chứng

Chấn thương tủy sống dưới bất kỳ hình thức nào có thể có một hoặc nhiều dấu hiệu và triệu chứng sau đây:

  • Mất khả năng vận động
  • Mất cảm giác hoặc dị cảm, bao gồm cảm giác nhiệt độ nóng, lạnh và xúc giác
  • Mất khả năng kiểm soát ruột hoặc bàng quang
  • Các hoạt động phản xạ quá mức hoặc co thắt
  • Đau hoặc đau nhói dữ dội do tổn thương các sợi thần kinh trong tủy sống của bạn
  • Khó thở, ho hoặc khạc dịch tiết từ phổi

2.1.1 Dấu hiệu nguy hiểm

Các dấu hiệu và triệu chứng khẩn cấp của tổn thương tủy sống sau tai nạn có thể bao gồm:

  • Đau lưng hoặc cảm giác nặng nhiều ở cổ, đầu hoặc lưng
  • Suy yếu, rối loạn hoặc tê liệt ở bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể bạn
  • Tê bì, cảm giác râm ran như kiến bò hoặc mất cảm giác ở tay, ngón tay, bàn chân hoặc ngón chân
  • Mất kiểm soát ruột hoặc bàng quang
  • Khó giữ thăng bằng và đi lại
  • Khó thở sau tai nạn
  • Cổ hoặc lưng bị vặn hoặc có tư thế bất thường
Khó thở
Khó thở sau tai nạn là dấu hiệu nguy hiểm của tổn thương tủy sống

3. Chẩn đoán liệt

Chẩn đoán người bệnh bị liệt hay không không hề khó, nhất là khi dấu hiệu mất chức năng cơ bắp rất dễ nhận biết. Nhưng đối với các cơ quan nội tạng lại rất khó để xác định vị trí liệt, bác sĩ có thể sử dụng các phương pháp chẩn đoán hình ảnh như X quang, CT scan, MRI và các phương pháp khác để hỗ trợ chẩn đoán.

Trong chẩn đoán tổn thương tuỷ sống, bác sĩ có thể chỉ định chụp X-quang tuỷ cản quang để đánh giá thương tổn. Để thực hiện, nhân viên y tế sẽ truyền thuốc cản quang vào các dây thần kinh tuỷ sống để nhìn thấy hình ảnh của dây thần kinh rõ hơn trên phim X-quang. Ngoài ra xét nghiệm điện cơ cũng được chỉ định để kiểm tra hoạt động điện của cơ bắp thông qua các cảm biến.

4. Phương pháp điều trị

Kế hoạch điều trị phụ thuộc vào nguyên nhân gây liệt cũng như triệu chứng của người bệnh. Các phương pháp điều trị bao gồm:

  • Phẫu thuật hoặc cắt cụt chi
  • Vật lý trị liệu
  • Trị liệu nghề nghiệp
  • Sử dụng các phương tiện hỗ trợ di chuyển như xe lăn, nẹp, xe điện và các thiết bị khác
  • Nội khoa, như Botox hoặc thuốc giãn cơ nếu người bệnh bị liệt cứng

Trong nhiều trường hợp, người bệnh không thể phục hồi, nhưng các bác sĩ của chúng tôi có thể đưa ra các khuyến cáo về các phương pháp điều trị đa dạng, các thiết bị hỗ trợ và cách thức kiểm soát triệu chứng cho người bệnh.

5. Hy vọng nào cho bệnh nhân bị liệt?

Liệt
Người bệnh cũng nên thay đổi lối sống, dùng thuốc, phẫu thuật hoặc các phương pháp điều trị khác để giúp kiểm soát các biến chứng tiềm ẩn

Nhiều người bệnh bị liệt không bao giờ lấy lại được khả năng vận động hoặc cảm giác ở các khu vực bị ảnh hưởng của cơ thể, nhưng các bác sĩ có thể đề xuất các công nghệ hỗ trợ, trị liệu can thiệp hoặc các phương pháp khác để giúp cải thiện chất lượng cuộc sống.

Người bệnh cũng nên thay đổi lối sống, dùng thuốc, phẫu thuật hoặc các phương pháp điều trị khác để giúp kiểm soát các biến chứng tiềm ẩn theo hướng dẫn từ bác sĩ chuyên khoa.

Nếu bạn đang tìm giải pháp điều trị cho chính mình hoặc người thân, hãy thăm khám với bác sĩ chuyên khoa ngay để nhận các thông tin về chẩn đoán cụ thể, kế hoạch điều trị và triển vọng của kết quả điều trị.

Đơn nguyên Phòng khám Y học tái tạo và tâm lý giáo dục thuộc Trung tâm Y học tái tạo, Bệnh Đa khoa Quốc Tế Vinmec Times City là một trong những địa chỉ uy tín trong lĩnh vực tập phục hồi chức năng cho người bệnh tổn thương tủy sống, thoát vị màng não tủy, trẻ bị bại não...

Bên cạnh việc sử dụng các loại máy phục hồi hiện đại, Đơn nguyên Phòng khám Y học tái tạo và tâm lý giáo dục còn có đội ngũ các chuyên gia phục hồi chức năng để giúp bệnh nhân tận dụng tối đa khả năng hoạt động của mình, kết hợp với các biện pháp chăm sóc chống loét, sử dụng các dụng cụ hỗ trợ vận động (xe lăn), cách thay đổi tư thế, khắc phục tình trạng mất cảm giác đại tiểu tiện...

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn: webmd.com, healthline.com, mayoclinic.org

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

25.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan