Các bước rạch tầng sinh môn khi sinh thường

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi các Bác sĩ Sản phụ khoa - Khoa sản phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng

Rạch tầng sinh môn khi sinh thường vẫn luôn là nỗi ám ảnh lớn của các bà bầu trong quá trình vượt cạn. Đa số các trường hợp sinh thường đều bị rạch tầng sinh môn.

1. Khi nào sinh thường bị rạch tầng sinh môn?

1.1 Chỉ định về phía mẹ

  • Cuộc chuyển dạ kéo dài, mẹ bị giảm sức, cơn co tử cung của mẹ không đủ mạnh để đẩy thai nhi ra ngoài.
  • Độ linh hoạt và sự giãn nở của tầng sinh môn kém, đặc biệt là ở những người mẹ trên 35 tuổi hay những người sinh con so.
  • Mẹ có các bệnh lý vùng bộ phận sinh dục: viêm nhiễm âm hộ âm đạo, viêm vùng đáy chậu, phù nề hay các nhiễm khuẩn khác.
  • Sản phụ mắc bệnh tim mạch hoặc có dấu hiệu của tăng huyết áp thai kỳ.

1.2 Chỉ định về phía thai nhi

  • Thai nhi quá to, đầu thai nhi có đường kính lưỡng đỉnh lớn.
  • Thai non tháng
  • Ngôi vai hoặc ngôi mông.
  • Có dấu hiệu suy thai khi đầu thai đã xuống thấp.

Chỉ định cắt tầng sinh môn khi sinh thường có làm thủ thuật forceps, giác hút hoặc nội xoay thai.

2. Các bước rạch tầng sinh môn khi sinh thường

2.1. Nguyên tắc khi cắt tầng sinh môn

Cắt đúng thời điểm, không quá sớm cũng không quá muộn. Cắt khi tầng sinh môn và âm hộ đều có dấu hiệu căng giãn tối đa (là lúc thai đã xuống sâu trong âm đạo) và cắt trong lúc có cơn co tử cung để giảm đau.

Cắt trước khi sổ đầu.

Nên khâu vết rạch bằng chỉ tự tiêu: trong sinh thường khâu chỉ tự tiêu vào vết rạch ở tầng sinh môn có thể giúp sản phụ hạn chế được các khả năng nhiễm trùng qua đầu chỉ thò ra ngoài, giảm nguy cơ để lại sẹo, đồng thời cũng hạn chế được ma sát vào vết chỉ khâu gây đau.

Làm công tác tư tưởng cho sản phụ trước khi thực hiện cắt tầng sinh môn.

2.2. Các bước rạch tầng sinh môn khi sinh thường

Cắt tầng sinh môn
Cắt tầng sinh môn của sản phụ khi sinh là một thủ thuật nhỏ của ngành sản khoa

Bước 1: Vô cảm vùng cắt

Trên thực tế, các bác sĩ chuyên khoa vẫn khuyến cáo rằng nên hạn chế sử dụng thuốc gây tê để vô cảm trong quá trình cắt tầng sinh môn. Tuy nhiên, ngưỡng chịu đau của mỗi người là khác nhau và ở những người mẹ có giới hạn chịu đau kém, có thể sử dụng thuốc tê để làm giảm đau đớn trong lúc rạch tầng sinh môn.

Bước 2: Xác định vị trí cắt

Thường cắt tầng sinh môn ở vị trí 5 giờ hoặc 7 giờ, cắt ở bờ âm hộ giữa trên và dưới theo hướng chếch từ trên xuống dưới và ra ngoài, tránh cắt quá sâu vì có thể cắt vào cơ nâng hậu môn. Lưu ý thường chỉ cần cắt một bên tầng sinh môn là đủ, rất hiếm có trường hợp phải cắt 2 bên tầng sinh môn mới có thể đưa thai ra ngoài.

Bước 3: Tiến hành cắt tầng sinh môn

Bằng kéo thẳng và sắc. Thao tác thực hiện phải chuẩn xác và dứt khoát.

Sau khi cắt tầng sinh môn tiếp tục tiến hành đỡ đẻ.

Bước 4: Khâu tầng sinh môn

  • Tiến hành khâu sau khi đã sổ hết rau ra ngoài.
  • Vệ sinh sạch tầng sinh môn và đảm bảo vô khuẩn trước khi khâu.
  • Có thể gây tê tại chỗ trong lúc khâu nếu sản phụ không chịu được đau.
  • Tiến hành khâu: chia làm 3 thì khâu theo từng lớp cấu trúc của tầng sinh môn:

-Thì khâu âm đạo: khâu bằng chỉ tự tiêu, khâu từ trong ra ngoài, hai mép vết khâu và khớp nhau để tránh để lại đường hầm sau khâu.

-Thì khâu cơ: nên khâu gần tới da, khâu khép kín để tránh tạo lỗ hổng giữa 2 lớp cơ và da.

-Thì khâu da:cũng khâu tương tự như 2 thì kia nhưng có thể sử dụng loại chỉ chậm tiêu hơn chỉ ở âm đạo và lớp cơ.

  • Vệ sinh lại vết khâu và vùng âm hộ.

Lưu ý khi khâu vết rạch tầng sinh môn:

  • Khâu đúng theo giải phẫu tầng sinh môn
  • Không để lại đường hầm sau khâu, dễ gây các biến chứng về sau.
  • Khoảng cách giữa các nút chỉ khâu vừa phải, không thít quá chặt và cũng không để quá lỏng.
  • Sau khâu để vết khâu được khô ráo.

3. Sinh thường đau vết khâu bao lâu và chăm sóc sau rạch tầng sinh môn như thế nào?

Đi lại
Phụ nữ sau sinh có thể đi lại vận động nhẹ nhàng để khí huyết lưu thông

3.1. Sự lành vết thương và những biến chứng có thể gặp sau rạch tầng sinh môn

Trong các trường hợp sinh thường có rạch tầng sinh môn, sau khi hết tê, người mẹ sẽ thấy bứt rứt khó chịu, đau vùng vết rạch và xung quanh đó thậm chí là chảy máu tại vết cắt.

Sinh thường đau vết khâu thường kéo dài trong khoảng 1-2 tuần sau sinh. Thời gian lành vết thương nhanh hay chậm còn phụ thuộc vào cơ địa từng người và cách chăm sóc vết thương nhưng thường sẽ tự lành sau khoảng 2 - 3 tuần và thực sự ổn định sau khoảng 1 tháng sau sinh.

Ngoài hiện tượng đau, rạch tầng sinh môn còn có thể gây ra những biến chứng khác trên cơ thể bao gồm:

  • Viêm và nhiễm trùng mà nặng thì bị áp xe vết rạch do không vệ sinh đúng cách.
  • Hiện tượng sưng và tụ máu ngay tại vết rạch.
  • Sau khi lành lại vẫn có thể đau tại vết rạch thậm chí để lại sẹo gây mất thẩm mỹ vùng sinh môn và ảnh hưởng đến đời sống tình dục của vợ chồng.
  • Một số trường hợp nặng có thể bị rò rỉ khí hoặc phân qua vết thương.

3.2. Cách chăm sóc tầng sinh môn sau sinh thường có rạch tầng sinh môn

Sau khi cắt tầng sinh môn, việc chăm sóc đúng cách sẽ giúp hạn chế tối đa được các biến chứng xảy ra trên vết rạch.

  • Không mặc các đồ lót chật và bó sát vì sẽ gây cọ sát với vết rạch gây đau, có thể chảy máu vết rạch.
  • Có thể đi lại vận động nhẹ nhàng làm máu huyết lưu thông để tăng nuôi dưỡng cho vết thương, giúp hỗ trợ cho quá trình hồi phục và lành vết thương được nhanh hơn.
  • Vệ sinh sạch sẽ nhẹ nhàng vùng kín với nước ấm hoặc nước muối sinh lý pha loãng 3 lần/ngày, đặc biệt lưu ý vệ sinh sau mỗi lần đi vệ sinh vì nước tiểu và phân có thể gây đau buốt và làm tăng nguy cơ nhiễm trùng tại vết rạch.
  • Chế độ ăn uống hợp lý, cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng đặc biệt là các loại chất xơ và vitamin.
  • Uống đủ nước, tối thiểu 2 lít/ngày.
  • Không quan hệ tình dục cho đến khi vết thương lành hẳn bởi việc quan hệ có thể làm cho vết thương bị rách lại và nhiễm trùng, lâu lành hơn.

Đa số các trường hợp sinh thường đều phải rạch tầng sinh môn để giúp cho việc chào đời của bé được thuận lợi và suôn sẻ hơn. Không nên quá lo lắng và quan ngại về vấn đề này. Hãy chọn lựa những cơ sở y tế uy tín và chất lượng để có được những tư vấn kiến thức về sức khỏe đầy đủ và chính xác nhất để có thể vượt cạn thành công.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

17K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan