Bệnh sởi lây truyền mạnh nhất vào thời điểm nào?

Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính với các triệu chứng sốt, phát ban, chảy nước mũi, ho, mắt đỏ... bệnh có thể gặp ở trẻ em, người lớn nếu không có miễn dịch phòng bệnh, có thể gây thành dịch. Bệnh sởi tuy ít gây tử vong (tỷ lệ tử vong 0,02% ở các nước tiên tiến. 0,3 – 0,7% ở các nước đang phát triển) nhưng biến chứng có thể gặp là: viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt và đôi khi viêm não sau sởi, đặc biệt ở trẻ em suy dinh dưỡng....

1. Bệnh sởi có thời gian ủ bệnh là bao lâu?

Bệnh sởi gây ra do virus sởi thuộc họ Paramyxoviridae, là virus hình cầu, đường kính 120 – 250nm, sức chịu đựng yếu, dễ bị diệt với các thuốc khử trùng thông thường, ánh sáng mặt trời, sức nóng... Ở nhiệt độ 56 độ C virus bị diệt trong 30 phút.

Bệnh sởi rất dễ lây, có thể phát triển thành dịch. Người ta ước tính 90% những người tiếp xúc với bệnh nhân sẽ bị lây nếu chưa có miễn dịch chống virus sởi. Do vậy, bệnh lây truyền mạnh trong những tập thể chưa có miễn dịch (nhà trẻ, mẫu giáo...). Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ 1 – 4 tuổi. Trẻ dưới 6 tháng ít mắc vì có thể có miễn dịch của mẹ truyền sang. Đối với người lớn, thường ít mắc mắc bệnh hơn vì đã bị mắc từ bé hoặc đã tiêm vắc-xin phòng bệnh. Người lớn nếu mắc bệnh thường là những người ở vùng cao, hẻo lánh, đảo xa... hoặc từ nhỏ chưa tiếp xúc với virus sởi. Bệnh thường phát vào mùa đông xuân.

Diễn biến của bệnh sởi thông thường bắt đầu với một cơn sốt khá nhẹ, kèm theo những triệu chứng như ho, chảy mũi, mắt đỏ và đau cổ họng. Khoảng 2, 3 ngày sau, đốm Koplik nổi lên, đốm này là dấu hiệu đặc biệt của bệnh sởi. Sau đó, bệnh nhân có thể bị sốt cao lên tới 39 hay 40 độ C. Cùng lúc đó, những ban đỏ nổi lên, thường là ở trên mặt, theo đường tóc và sau tai. Những vết đỏ hơi ngứa này có thể dấn lan xuống ngực, lưng và cuối cùng xuống tới đùi và bàn chân. Khoảng một tuần sau, những vết nhỏ này sẽ nhạt dần, vết nào xuất hiện trước sẽ hết trước. Khi ban bay hết sẽ để lại dát thâm trên da.

Bệnh sởi ủ bệnh thường từ 12 đến 14 ngày, và có thể kéo dài đến 21 ngày. Thời kỳ lây bệnh bắt đầu từ một ngày trước khi bắt đầu giai đoạn tiền triệu (hay còn gọi là giai đoạn xuất tiết). Thông thường là khoảng 4 ngày trước khi phát ban đến 4 ngày sau khi phát ban. Virus sởi có thể tìm thấy ở dịch tiết mũi họng, máu và nước tiểu trong giai đoạn đầu và một thời gian ngắn sau khi phát ban. Virus sởi phát tán mạnh nhất ở người mắc bệnh là vào giai đoạn xuất tiết. Virus phát tán thông qua các hạt nhỏ khi người bệnh ho, nói chuyện hoặc khi tiếp xúc. Khi bệnh nhân ho, hắt xì, hay nói chuyện, những giọt nước nhỏ xíu có chứa virus sẽ bắn ra không khí và người khác có thể hít vào hoặc những giọt này có thể rơi xuống một nơi nào đó như mặt bàn, điện thoại... Khi ta sờ vào những nơi này và đưa tay lên mũi hay miệng, ta sẽ bị lây bệnh. Giai đoạn này thường kéo dài từ 5 - 15 ngày; triệu chứng điển hình của người mắc bệnh là sốt nhẹ đến sốt vừa, xuất hiện ho khan, bị chảy nước mũi, viêm kết mạc mắt (mắt đỏ). Các triệu chứng này phần lớn xuất hiện trước khi xuất hiện các nốt ban và đây chính là giai đoạn lây lan mạnh nhất; đồng thời cũng là lúc bệnh chưa được chẩn đoán.

2. Người lớn có mắc bệnh sởi không?

Người lớn rất ít khi mắc bệnh sởi do đã có miễn dịch vì mắc bệnh từ bé; tuy nhiên, vẫn có một số người mắc bệnh do chưa có miễn dịch. Triệu chứng thường thấy của bệnh sởi ở người lớn như sốt, ho khan, chảy nước mũi, viêm kết mạc mắt, nhạy cảm với ánh sáng, xuất hiện các nốt nhỏ xíu với trung tâm màu xanh trắng bên trong miệng nơi gò má (đốm Koplik); sau đó xuất hiện ban đỏ có thể lớn, phẳng, chập vào nhau. Do có quan niệm, bệnh sởi thường gặp ở trẻ nhỏ nên người lớn thường có tâm lý chủ quan, không có biện pháp cách ly, chăm sóc và dinh dưỡng đúng cách khi mắc bệnh nên dễ lây lan trong cộng đồng và có thể gặp nhiều biến chứng nặng nề.

Viêm não là biến chứng hay gặp ở người lớn mắc bệnh sởi. Não viêm sẽ gây rối loạn trung khu tuần hoàn - hô hấp, gây ra nguy cơ tử vong. Đặc biệt, phụ nữ mang thai cũng dễ mắc bệnh nếu tiếp xúc với nguồn bệnh, gây ra biến chứng sảy thai, sinh non, hoặc con sinh ra bị nhẹ cân, thậm chí bị dị tật.

sởi người lớn
Não viêm là biến chứng hay gặp ở người lớn mắc bệnh sởi

3. Trẻ em mắc sởi có nguy hiểm không?

Bệnh sởi có tính chu kỳ xảy ra dịch từ 2 - 3 năm hoặc lâu hơn tùy theo từng quốc gia. Bệnh thường khởi phát trong cộng đồng dân cư hay khu đô thị và có tốc độ lây lan rất cao. Bệnh sởi ở trẻ em cũng được xem là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong đối với trẻ dưới 5 tuổi.

Trẻ mắc bệnh sởi thường có biểu hiện sốt cao liên tục từ 39 độ C đến 40 độ C, khó thở, thở nhanh, mệt mỏi, chán ăn, không chơi, toàn thân phát ban mà vẫn sốt. Trẻ em mắc sởi thường hay xuất hiện biến chứng nếu không được chẩn đoán, điều trị kịp thời. Một số biến chứng có thể gặp là:

  • Viêm thanh quản: xuất hiện ở giai đoạn sớm (giai đoạn khởi phát, giai đoạn đầu của mọc ban) là do virus sởi, gây cơn khó thở do co thắt thanh quản; xuất hiện ở giai đoạn muộn: do bội nhiễm (hay gặp do tụ cầu, liên cầu, phế cầu...), xuất hiện sau mọc ban. Diễn biến thường nặng: sốt cao vọt lên, ho ông ổng, khàn tiêng, khó thở, tím tái.
  • Viêm phế quản: Thường do bội nhiễm, xuất hiện vào cuối thời kì mọc ban. Biểu hiện sốt lại, ho nhiều, nghe phổi có ran phế quản, bạch cầu tăng, bạch cầu đa nhân trung tính tăng, X quang có hình ảnh viêm phế quản
  • Viêm phế quản – phổi: Do bội nhiễm, thường xuất hiện muộn sau mọc ban. Biểu hiện nặng: sốt cao khó thở, khám phổi có ran phế quản và ra nổ. X-quang có hình ảnh phế quản phế viêm (nốt mờ rải rác 2 phổi). Bạch cầu tăng, bạch cầu đa nhân trung tính tăng, thường là nguyên nhân gây tử vong trong bệnh sởi, nhất là ở trẻ nhỏ.
  • Viêm não – màng não – tủy cấp: Là biến chứng nguy hiểm gây tử vong và di chứng cao. Gặp ở 0,1 – 0,6% bệnh nhân sởi. Thường gặp ở trẻ lớn (tuổi đi học), vào tuần đầu của ban (ngày 3 – 6 của ban). Khởi phát đột ngột, sốt cao vọt co giật, rối loạn ý thức: u ám – hôn mê, liệt 1⁄2 người hoặc 1 chi, liệt dây III, VII hay gặp hội chứng tháp – ngoại tháp, tiểu não, tiền đình...
  • Viêm màng não: Viêm màng não thanh dịch do viru sởi hoặc viêm màng não mủ sau viêm tai do bội nhiễm.
  • Viêm não chất trắng bán cấp xơ hóa (Van bogaert): Hay gặp ở tuổi 2 – 20 tuổi, xuất hiện muộn sau vài năm, điều này nói lên virus sởi có thể sống tiềm tàng nhiều năm trong cơ thể bệnh nhân có đáp ứng miễn dịch bất thường. Diến biến bán cấp từ vài tháng đến 1 năm. Bệnh nhân chết trong tình trạng tăng tương lực cơ và co cứng mất não.
  • Biến chứng đường tiêu hóa: Viêm niêm mạc miệng, Cam mã tấu, Viêm ruột do bội nhiễm các loại vi khuẩn như shigella, E. coli...;
  • Biến chứng viêm mũi họng bội nhiễm, Viêm tai – viêm tai xương chum
  • Biến chứng do suy giảm miễn dịch: Dễ mắc thêm các bệnh khác như lao, bạch hầu, ho gà...

Do vậy, khi trẻ có những biểu hiện trên, trẻ cần được đưa đến các cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời, phòng tránh những biến chứng nguy hiểm do bệnh gây ra. Bên cạnh đó, những trẻ bị mắc bệnh, bố mẹ cần chú ý đến cách chăm sóc và chế độ dinh dưỡng cho trẻ để tăng cường sức đề kháng giúp trẻ mau lành bệnh.

  • Luôn vệ sinh tay trước khi tiếp xúc với trẻ và trước khi cho trẻ ăn
  • Vệ sinh sạch sẽ phòng ở, khu vực xung quanh, hạn chế tiếp xúc với trẻ lành
  • Bổ sung thực phẩm giàu đạm, vitamin A, vitamin C, đặc biệt bổ sung vitamin A theo chỉ định của bác sĩ do bệnh sởi làm tăng nguy cơ thiếu hụt vitamin A.
  • Tắm cho trẻ bằng nước ấm mỗi ngày, mặc quần áo thoáng mát. Tranh kiêng tắm, ủ kín vì dễ làm bệnh tăng nặng thêm.
Sởi ở trẻ
Trẻ em là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh sởi cao

4. Tiêm vắc-xin là cách phòng ngừa bệnh sởi hữu hiệu nhất

Để ngăn ngừa sởi bùng phát thành dịch, người mắc sởi cần được cách ly, tránh lây bệnh sang người lành. Khi tiếp xúc với người bệnh hoặc người nghi ngờ mắc sởi, cần đeo khẩu trang nếu phải tiếp xúc; vệ sinh tay sạch sẽ trước và sau khi tiếp xúc; giữ gìn vệ sinh môi trường và nơi xung quanh sạch sẽ, thoáng mát.

Để phòng tránh bệnh sởi, tiêm vắc-xin phòng bệnh là các tốt nhất, đặc biệt ở trẻ em.

Vacxin sởi
Tiêm vắc xin là cách phòng ngừa sởi hữu hiệu nhất

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

12.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan