Bệnh lồng ruột ở trẻ diễn biến nhanh, cần nhận diện sớm, cấp cứu kịp thời

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Quốc Ánh - Bác sĩ Nhi khoa - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng. Bác sĩ đã có kinh nghiệm gần 10 năm là bác sĩ nội trú và bác sĩ điều trị.

Lồng ruột bệnh ngoại khoa trầm trọng là nguyên nhân gây tắc ruột ở trẻ em. Hiện tượng này xảy ra khi khúc ruột phía trên di chuyển và chui vào lòng khúc ruột phía dưới (hay ngược lại), làm tắc nghẽn sự lưu thông của ruột.

1. Lồng ruột là một bệnh nguy hiểm thường gặp ở trẻ nhỏ

Lồng ruột ở trẻ có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, trong đó 80-90% các bệnh nhân là trẻ dưới 1 tuổi, gặp nhiều nhất trong độ tuổi từ 5 - 6 tháng tuổi. Bệnh xảy ra ở bé trai nhiều hơn bé gái, và hay gặp ở những trẻ bụ bẫm.

Đa số các trường hợp lồng ruột không xác định được nguyên nhân. Nhiều giả thiết cho rằng nguyên nhân là do ruột dễ co bóp bất thường khi chuyển từ bú sữa sang ăn dặm, do kích thước của các đoạn ruột ở trẻ quá chênh lệch nhau.

Trong một số ít trường hợp, lồng ruột có liên quan đến các bất thường như u bướu, polyp, nhiễm bệnh gây rối loạn co bóp ruột.

2. Nhận diện bệnh khó hay dễ và dấu hiệu nhận biết

Lồng ruột
Trẻ đột ngột đau bụng dữ dội, quấy khóc từng cơn, bỏ bú, nôn ói nhiều lần là dấu hiệu của bệnh lồng ruột ở trẻ

Bệnh thường không khó để nhận biết với các biểu hiện rõ ràng.

Vài giờ sau khi bị bệnh: Bệnh thường biểu hiện cấp tính với các triệu chứng rõ ràng như đột ngột đau bụng dữ dội, quấy khóc từng cơn, bỏ bú, nôn ói nhiều lần. Đau bụng thường theo cơn, trẻ có thể tự nhiên đang ăn uống bình thường bỗng khóc thét, bỏ bú, da tím sau đó lại nín khóc, thậm chí bú mẹ. Triệu chứng này kéo dài trong vài giờ, trẻ trở nên mệt lả, da chuyển xanh nhợt.

Khoảng 6-12 tiếng sau: Trẻ có thể đi cầu ra máu tươi có lẫn chút nhầy. Quan sát toàn thân thấy da tái, môi khô, mạch nhanh, người lạnh, mắt trũng.

Sau 24 giờ: Nếu không xử trí kịp thời trẻ sẽ nôn liên tục, bụng chướng dần lên, da lạnh, nhợt nhạt, mạch nhanh, nhỏ, dấu hiệu ruột bắt đầu hoại tử.

3. Cách thức xử lý khi phát hiện trẻ bị bệnh

Cần đưa trẻ đến khám bác sĩ ngay qua đó giúp xác định bệnh qua thăm khám và siêu âm.

Trẻ sẽ được tháo lồng bằng hơi nếu phát hiện bệnh. Thực hiện bằng cách đặt một ống thông nhỏ vào lòng trực tràng. Bác sĩ sẽ dùng máy X-quang để qua soát tại chỗ, các bác sĩ sẽ bơm hơi dần vào ruột với áp lực vừa phải cho đến khi khối lồng được tháo ra hoàn toàn.

Trẻ sẽ được điều trị ngoại khoa nếu được đưa đến quá muộn (thường trên 6 giờ).

Nếu trẻ đến trễ hơn 24 giờ, đoạn ruột lồng sẽ sưng lên, tắc nghẽn mạch máu và hoại tử, các bác sĩ phải phẫu thuật sẽ cắt bỏ khối lồng. Trẻ sẽ dễ gặp nguy hiểm nếu việc điều trị gặp biến chứng viêm phổi, suy kiệt.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

4.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan